Tác giả Hồ Biểu Chánh

cucphuong

New member
Xu
0
ĐÔI NÉT VỀ TÁC GIẢ HỒ BIỂU CHÁNH


I. Đóng góp của Hồ Biểu Chánh vào tiển trình hiện đại hóa văn học Việt Nam hiện đại những năm đầu thế kỷ XX


1.
Lấy một năm cụ thể nào để làm mốc đánh dấu sự ra đời của nền văn học hiện đại Việt nam? Đó là một câu hỏi thật không dễ dàng và vì thế mà cho đến nay trong giới nghiên cứu văn học dường như vẫn chưa đi đến thống nhất.

Tuy nhiên, quá trình hiện đại hóa nền văn học Việt nam diễn ra từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX và ngày một tăng tốc mà đỉnh cao của nó là giai đoạn 1930-1945 thì không cần phải bàn cãi. Từ một số tác phẩm của một số nhà văn Nam bộ với cốt truyện đơn giản, ít về số trang, các tuyến nhân vật chưa bộn và lời văn chưa chuốt, đến những sáng tác của các nhà văn miền Bắc trong các trào lưu lãng mạn và hiện thực với những kiệt tác như Chí Phèo, Số đỏ thực sự là một bước tiến lớn. Một trong những nhà văn góp vào việc khai mở con đường đi đến đỉnh cao ấy là Hồ Biểu Chánh. Với 64 tiểu thuyết, 12 tập truyện ngắn và truyện kể, 12 vở hài kịch và ca kịch, 5 tập thơ và truyện thơ, 8 tập ký, 28 tập khảo cứu, phê bình, đời văn của Hồ Biểu Chánh là một đời lao động đáng nể trọng, nhất là vào thời điểm văn chương quốc ngữ của chúng ta mới được hình thành mà giao lưu văn hóa thì hạn hẹp. Lần giở lại một số tư liệu cũ biết được rằng con đường đến với nghiệp văn của Hồ Biểu Chánh ta càng thấy cảm phục ông. Đó là những năm đầu của thế kỷ trước, khi một số nhà nho ở Nam kỳ đề xướng phong trào quốc gia phục hưng và được nhiều người hưởng ứng thì Hồ Biểu Chánh cũng nằm trong số ấy: ông muốn viết báo làm văn để tỏ thái độ của mình. Nhưng khi bắt tay vào làm, ông mới hiểu rằng, phải có vốn chữ Hán, vốn văn hóa thì mới có thể làm tốt được. Thế là ông lao vào học. Và dịch. Và đọc. Và tập viết. Con đường viết của ông đi từ ý thức đến trách nhiệm rồi mê say. Một động cơ rõ ràng, một tuổi trẻ với niềm háo hức, những năm hai mươi của thế kỷ trước là thời kỳ sung mãn nhất của đời văn Hồ Biểu Chánh.


Tuy nhiên, một thời, đóng góp của ông ít được nhắc đến trong văn học sử ở miền Bắc. Cũng dễ hiểu vì đây là thời kỳ mà nhãn quan chính trị chi phối cách nhìn nhận các giá trị văn học khác ngay cả đối với văn học yêu nước. Hồ Biểu Chánh là một quan chức của chính quyền Sài Gòn thì điều đó càng không là ngoại lệ. Sau ngày đất nước thống nhất, khi các giá trị đều cũ đều được soát xét lại thì tác phẩm của Hồ Biểu Chánh cũng đã được nhìn nhận một cách công bằng hơn.


2. Trước Hồ Biểu Chánh, Nam bộ đã có nhiều người viết văn bằng chữ quốc ngữ như Nguyễn Trọng Quản, Trương Duy Toản, Trần Chánh Chiếu…và trước đó, như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của. Xét về mặt xã hội thì bắt đầu từ những năm đầu của thế kỷ mới, về cơ bản, các phong trào yêu nước đều đã bị thực dân Pháp dập tắt. Xét về mặt văn hóa thì đây là thời kỳ văn hóa Pháp du nhập và có ảnh hưởng càng ngày càng mạnh mẽ ở Việt Nam. Một thời kỳ dài chỉ có giao lưu với văn hóa phương Bắc, cho nên khi văn minh phương Tây ùa vào, cái mới bao giờ cũng đem đến cho con người ta niềm thích thú. Và sự thể nghiệm sáng tác văn chương bằng chữ quốc ngữ đã đem lại ít nhiều nét mới cho văn chương nước nhà. Nhưng nếu lấy Thầy Laza ro Phiến làm mốc để đánh dấu sự ra đời của tiểu thuyết viết bằng chữ quốc ngữ của nước ta, năm 1887, thì cũng phải đến vào những năm hai mươi mới văn chương nước nhà mới bước vào thời kỳ rộn rịp của tiểu thuyết và thời kỳ này mối quan hệ giữa nhà văn-tác phẩm và công chúng mới được xác lập.


Theo Phan Cự Đệ trong Văn học Việt nam thế kỷ XX, trong khoảng 10 năm (1920-1930), thì trong số hơn 20 cuốn tiểu thuyết được xuất bản có 5 cuốn là của Hồ Biểu Chánh. Tuy nhiên trong quá trình viết các mục từ về tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh cho cuốn Từ điển tác phẩm văn xuôi Việt Nam tập I (trên mười mục từ) mà chúng tôi đọc hoặc từ những cuốn sách xuất bản lần đầu, hoặc từ micrôfim ở Thư viện Quốc gia thì một số cuốn tiểu thuyết mà Cố GS nêu ra cần điều chỉnh lại. Kể cả thư mục ở cuối mà chúng tôi có sử dụng từ Chân dung Hồ Biểu Chánh của Nguyễn Khuê. Ví dụ cuốn Tỉnh mộngxuất bản lần đầu năm 1938 (chứ không phải là năm 1923), Tiền bạc bạc tiền xuất bản lần đầu tiên vào năm 1926 (chứ không phải 1925). Đặc biệt trong quãng thời gian từ 1920 đến 1930, Hồ Biểu Chánh còn viết và cho xuất bản các cuốn sauAi làm được (viết từ năm 1912 nhuận sắc năm 1925 và Xưa nay xuất bản năm 1926), Thầy thông ngôn (Bốn phương xuất bản 1926), Nhân tình ấm lạnh (Tín Đức thư xã xuất bản năm 1929), Chút phận linh đinh (Nguyễn Khắc xuất bản năm 1928),Vì nghĩa vì tình (đăng lần đầu trên Phụ nữ tân văn 1929, Đức Lưu Phương xuất bản 1938)), Con nhà nghèo ( Đức Lưu Phương xuất bản năm 1930), Khóc thầm (Viết xong năm 1929 Imprimerie de l Union 1935). Như vậy có thể khẳng định rằng những cuốn tiểu thuyết quan trọng nhất trong đời viết văn của Hồ Biểu Chánh đều được ra đời trong khoảng mười năm đó. Và trong khoảng thời gian đó, những cuốn tiểu thuyết của ông được thể hiện cả dưới ba dạng: tiểu thuyết được cải biến từ truyện thơ Nôm, tiểu thuyết phóng tác từ các tiểu thuyết nước ngoài, chủ yếu là văn học Pháp và tiểu thuyết lấy bối cảnh và những vấn đề đặt ra trong xã hội lúc bấy giờ. “Ôm ấp cái tham vọng duy trì luân lý Nho giáo, không nệ ngòi viết yếu ớt, không nệ học thức hẹp hòi, tôi hăng hái gieo rắc hột giống nhơn nghĩa của Khổng Mạnh trong xã hội, thầm mong giống ấy phát chồi đâm đọt rồi nảy sinh hoa tươi quả ngọt để cộng đồng thưởng thức với đồng bào”.


3. Như ông từng nói đến động cơ viết văn mà chúng tôi vừa trích lục trên đây, một điều dễ nhận ra là ngay trong tiểu
thuyết đầu tay Ai làm được, Hồ Biểu Chánh đã đặt vấn đề đạo lý từ quan điểm hôn nhân, gia đình. Mô típ này luôn được trở lại trong tất cả các sáng tác của ông thời đó. Bạch Tuyết khước từ tiền của để đến với Chí Đại và cả hai cùng chịu đựng, trải qua bao cực khổ, mất mát để được sống cùng nhau (Ai làm được). Thầy thông ngôn vì ham giàu sang, vì quan điểm hôn nhân thực dụng mà cả cuộc đời không ít lần phải chịu đựng sự tẽn tò, nhục nhã và cuối cùng phải trả giá bằng cái chết do sự xuống sức, u buồn, tuyệt vọng (Thầy thông ngôn); trải bao sóng gió xảy đến với gia đình, Phi Phụng hiểu rõ tình cảm của tất cả những người đàn ông từng có tình cảm cới cô để rồi cuối cùng cô chỉ chọn chàng Duy Linh người thực lòng yêu cô và hết lòng khi cô gặp hoạn nạn (Nhân tình ấm lạnh)…Mô típ này trong so sánh với văn chương trước đó, không hẳn là mới. Điều đáng nói ở đây là ông tiếp tục đề cao vấn đề này. Trong xã hội bấy giờ khi lối sống thực dụng từ phương tây ùa vào thì “lấy nhau vì tiền” không còn là hiếm hoi và theo ông, điều đó sẽ góp phần làm băng hoại đạo đức truyền thống. Mặt khác, cùng với việc đề cao quan điểm hôn nhân vì tình là vấn đề nhân nghĩa. Xung quanh chuyện đi tìm lại đứa trẻ bị thất lạc do ghen tuông mà nhầm lẫn, Hồ Biểu Chánh đã cho người đọc thấy rằng: nếu sống vì nghĩa vì tình con người ta có thể làm được tất cả, kể cả những việc tưởng như rất khó khăn. (Vì nghĩa vì tình). Vấn đề này càng đậm đà hơn trong trong Cha con nghĩa nặng. Nguyên lý “ở hiền gặp lành”, “Cha hiền con thảo” thêm một lần được ông đề cao bằng một câu chuyện hết sức cảm động, hấp dẫn đối với người đương thời ngay từ lúc mới ra đời. Một số nhà nghiên cứu đánh giá cao sự tiến bộ về mặt tả chân trong Cha con nghĩa nặng (Vũ Ngọc Phan trong Nhà văn hiện đại). Cay đắng mùi đờiNgọn cỏ gió đùa, hai cuốn tiểu thuyết phóng tác từ tiểu thuyết của nước ngoài, được viết trong thời gian này, cũng không nằm ngoài chủ ý đó. Có thể nói hầu như những tác phẩm của Hồ Biểu Chánh viết trong khoảng thời gian tiền đỉnh cao của quá trình hiện đại hóa đều thấm nhuần tư tưởng “trọng nghĩa khinh tài”, giữ gìn kỷ cương và đạo lý truyền thống. Tư tưởng đó đã được cụ thể hóa bằng những hình mẫu, các nhân vật có trong đời sống đương đại. Đó là một trong những lý do khiến cho tác phẩm của Hồ Biểu Chánh được bạn đọc bình dân yêu thích.


Đương nhiên, cũng có thể thấy được độ chênh giữa các tác phẩm phóng tác và các tác phẩm thuần Hồ Biểu Chánh. Ở các tác phẩm phóng tác, nhất là ở Ngọn cỏ gió đùa, đã thấy được bức tranh xã hội đằng sau những câu chuyện của quan hệ gia đình, của quan hệ tình cảm. Hồ Biểu Chánh đã cho thấy hình ảnh những người dân nghèo thấp cổ bé miệng phải chịu sự khắt khe đến phi lý của luật pháp triều Nguyễn qua sự thừa hành của một bọn tham quan ô lại trong một xã hội đầy rẫy những kẻ gian manh. Vượt ra khỏi những đụng độ của tình cảm cá nhân, mâu thuẫn xã hội đã trở thành một điểm nóng trong tác phẩm. Thân phận những con người trước trò đùa của số phận được ông ví như những ngọn cỏ mỏng manh phải chịu đựng những cơn cuồng phong. Đó là thực trạng của xã hội Việt Nam dưới triều Nguyễn. Và có lẽ trong tác phẩm này tác giả đã vừa tiếp tục thể hiện được tư tưởng nghệ thuật vốn xuyên suốt trong một loạt tác phẩm mà chúng tôi vừa nêu trên vừa gửi gắm được thái độ của mình đối với thực trạng xã hội bấy giờ. Những xung đột, các tình huống trong Ngọn cỏ gió đùa nói riêng và trong các tác phẩm khác nói chung dường như không nằm ngoài những vấn đề đang đặt ra trong xã hội: sự chi phối của quyền lực, đồng tiền. Tiền là bạc. Không ít người vì ham giàu, ham làm giàu mà trở nên mất cả tình cả nghĩa. Tất nhiên quyền lực của đồng tiền không phải là một đề tài mới. Song trong một điều kiện mới, nó có những tác động mới. Con người, trong bối cảnh đó, đã bị cuốn vào dòng chảy của tâm lý làm giàu, nhiều giá trị bị đảo lộn. Hồ Biểu Chánh đã nhìn thấy điều đó, bằng tâm huyết của mình, đã viết nên những tác phẩm như một quảng bá đắt giá cho tác hại ghê gớm của nó. Tiền bạc, bạc tiền là tác phẩm tiêu biểu nhất của Hồ Biểu Chánh về vấn đề này. Từ uy lực của đồng tiền, ông đã phơi bày mặt trái của những cuộc bầu cử, của những mối quan hệ ruột thịt, những cuộc hôn nhân bị thế lực của đồng tiền chi phối trong bối cảnh xã hội Việt nam những năm đầu thế kỷ XX khi thực dân Pháp hoàn tất cuộc bình định ở nước ta. Những bà phủ, những ông hội đồng – những người vốn thường tự coi mình là đại diện tiêu biểu cho dân, đứng trên dân, dưới ngòi bút của Hồ Biểu Chánh đã trở nên lố bịch khi họ bị đồng tiền mê hoặc và đã sử dụng đồng tiền như một thứ bùa phép thao túng xã hội. “Vì tiền bạc bạc tiền mà họ hư danh dự, họ phế nhơn nghĩa, họ quên liêm sỉ”. Ông cũng không phủ nhận việc những người tốt nhưng nghèo khổ vì không có tiền cũng không thể có hạnh phúc. Cho nên mới có những kết thúc có hậu – những cái hậu mang quan điểm phật giáo “ở hiền gặp lành”. Trong Khóc thầm ông cũng chỉ ra chân dung những kẻ ái quốc đầu lưỡi. Đây là thời kỳ mà nhiều thanh niên di du học với ý đồ sau này trở về góp phần khai hóa cho dân tộc.Và trong con mắt nhiều cô gái nhà giàu, những cô gái có học, họ trở thành thần tượng. Vì thế mà Vĩnh Thái vừa du học ở Pháp về đã hấp dẫn và “hạ gục” con tim của cô nữ sinh Sài Gòn vừa tốt nghiệp trường Nữ học đường khi khi trong câu chuyện anh ta nói nhiều về việc cần thiết phải “khai hóa tri thức, chấn hưng kinh tế, tài bồi đạo đức”. Nhưng khi đã trở thành vợ chồng thì những việc Vĩnh Thái làm đã hoàn toàn khác với những lời anh ta nói. Thể hiện cuộc đời cô nữ sinh nhân hậu khốn đốn đó, Hồ Biểu Chánh đã vạch chân tướng của những kẻ ái quốc giả mạo và khuyến khích người phụ nữ có thể làm lại cuộc đời một cách tích cực nhất. Bên cạnh các nhân vật với nhiều dục vọng có nguyên mẫu từ cuộc sống thực dụng ngoài đời, điểm sáng trong tiểu thuyết của ông là những con người có bản chất nhân hậu truyền thống. Họ biết trọng nghĩa khinh tài, biết thủy chung trong tình yêu và tình bạn (như bá Kỳ, Hiếu Liêm, Thanh Kỳ trong Tiền bạc bạc tiền, như bạch Tuyết và Chí Đại trong Ai làm được, Năm Đào trong Vì nghĩa vì tình…). Hai tuyến nhân vật này thường là cơ sở cho những xung đột mang tính xã hội. Nó cũng phản ánh mâu thuẫn trong chính Hồ Biểu Chánh: rõ ràng ông đã nhìn thấy tác hại ghê gớm của đồng tiền nhất là khi nó trở thành một phương tiện, một công cụ thao túng toàn bộ xã hội, nhưng để tuyên truyền đạo lý Khổng Mạnh và đáp ứng nhu cầu độc giả thích một lối có hậu truyền thống, cải lương, ông đã bố trí không ít những tình huống ngẫu nhiên có phần xếp đặt để dẫn đến một kết thúc như mong đợi.


Việc phóng tác các tác phẩm văn học nổi tiếng của nước ngoài vào nước ta vào thời điểm bấy giờ được coi là một hành động tích cực đối với sự phát triển văn học. Bởi chí ít đó là những tác phẩm đã được thử thách qua thời gian như Ngọn cỏ gió đùa phóng tác từ Những người khốn khổ của Victor Hugo, Cay đắng mùi đời phóng tác từ Không Gia đình của Hector Malot, Chúa tàu Kim Quy được phóng tác từ Bá tước Monte Cristo của Alexandre Duma và nhiều cuốn khác (có hơn chục cuốn đã được ông phóng tác từ các tác phẩm của văn học Pháp, Nga và ít nhiều ảnh hưởng của tiểu thuyết Trung Quốc) lại có cốt truyện ly kỳ, hấp dẫn. Các tiểu thuyết này dựa vào cốt truyện đã có sẵn nhưng đã được ông Việt hoá nên nhân vật và cảnh sắc mang hoàn toàn tâm hồn Việt. Trong quá trình tìm tòi, đây là một hướng đi khả dĩ và mang lại những thành công nhất định. Năm tháng qua đi, gần đây, Ngọn cỏ gió đùa vẫn được chuyển thể thành phim và có được khán giả của mình. Điều đó nói lên rằng chất nhân văn trong những tác phẩm đó đã được Hồ Biểu Chánh lĩnh hội, thuần việt xuất sắc và trở thành một món ăn tinh thần lành mạnh ở Nam bộ.

Trở lại với đóng góp của Hồ Biểu Chánh vào tiến trình hiện đại hóa văn học dân tộc vào những năm đầu thế kỷ XX, ngoài vấn đề đề tài, cốt truyện, điều đáng nói là một hệ thống nhân vật tương đối đa dạng, phong phú, trong đó có những nhân vật mới xuất hiện trong văn học. Luôn nhất quán với quan điểm “Văn dĩ tải đạo”, nhân vật của ông chính tà phân minh, ít có sự thay đổi. Mặt khác cũng phải đặt sáng tác của Hồ Biểu Chánh vào thời điểm bấy giờ mới thấy được sự đóng góp của ông. Như chúng ta đã biết, cái mới mà văn hóa phương Tây đưa đến, thật sự đưa lại cho đối tượng tiếp nhận niềm thích thú. Nam Kỳ là đất bảo hộ nên văn hóa phương Tây du nhập vào sớm hơn mà báo chí, tiểu thuyết quốc ngữ ra đời cũng sớm hơn so với Bắc Kỳ. Song Nam kỳ đất rộng người thưa và làn điệu cải lương êm ái, buồn, vốn được coi là đặc sản, đã nói lên thị hiếu của họ. Mặt khác đây là vùng đất dân di nên con người gắn bó với nhau hơn là gắn bó với nơi chôn rau cắt rốn. Và trong hoàn cảnh đó, cái tình, cái nghĩa được coi trọng, được đề cao âu cũng là điều dễ hiểu. Có thể nắm được điều đó nên trong sáng tác của Hồ Biểu Chánh luôn luôn là những cuộc di dời đi làm ăn (Thầy thông ngôn, Con nhà nghèo, Cha con nghĩa nặng, Chút phận linh đimh…), và trong cuộc mưu sinh cực nhọc lúc sa cơ lỡ vận thường được những người hiền lành, tử tế giúp đỡ. Những tính cách đó mang rất rõ chất mộc mạc, chân tình của người Nam bộ. Hương Quản Tồn, một điền chủ tốt bụng và giàu có nhất làng Phù Tiên đã cưu mang, nuôi nấng anh em thằng Tý, cái Quyên khi hai đứa trẻ không còn nơi nương tựa (Cha con nghĩa nặng). Ông Hiển Đạt từ đầu kiên quyết không chấp nhận Thu Vân làm con dâu nhưng khi Thu Vân, lúc này dưới dạng là một người lao động làm thuê ngoài lò gạch như mọi người lao động khác, ngã bệnh trong hoàn cảnh nghèo khổ cùng đường, ông lại ra tay giúp và tạo điều kiện tốt nhất cho mẹ con cô có thể sống (Chút phận linh đinh). Những nhân cách nhân hậu như vậy, đối với độc giả bình dân, thực sự là một liều thuốc giảm đau trong cuộc mưu sinh khó nhọc thời ấy. Đó cũng là một lý do khiến cho độc giả thời bấy giờ yêu thích các sáng tác của ông.


4. Trong những năm tiền đỉnh cao của quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam – những thập niên đầu của thế kỷ XX, Hồ Biểu Chánh có một vị trí quan trọng. Đương nhiên, có thể nói về những nhược điểm trong lối hành văn, trong việc sử dụng ngôn ngữ cho tác phẩm, thậm chí là cách dàn dựng cốt truyện. Nhưng từ không đến có là một quá trình không dễ dàng. Vả lại ông cũng có quan niệm nghệ thuật của riêng mình. Đúng hay sai thì thực tế cũng đã rõ: sau năm 1930, ông không vượt được mình, lại càng không tiến kịp nhiều cây bút xuất hiện sau như các nhà văn trong các trào lưu lãng mạn và hiện thực. Dù ông có “cãi” như trong Đời của tôi về văn nghệ: “Có người chê tôi viết tiểu thuyết sao cứ theo sáo cũ, viết lại không có mùi văn chương.. Viết tiểu thuyết, tôi có đuổi theo tôn chỉ riêng của tôi…Tôi đã tập cho người đọc tôi họ thích “sáo cũ” của tôi, nên tôi không cần đổi”, song cũng đã có lúc nhìn lại “cái mục đích duy nhất Thành nhân với thủ nghĩa”, từng luôn luôn theo đuổi, ông đã “giật mình, nghĩ tới tương lai mà càng thêm lo ngại.”. Tuy mỗi thời, mỗi dân tộc (thậm chí là mỗi vùng nữa) có thị hiếu và có lối tiếp nhận riêng nhưng quan điểm nghệ thuật của tác giả quyết định con đường phát triển của cá nhân nhà văn và số phận của tác phẩm. Lịch sử đã chứng minh điều đó.


Vai trò của Hồ Biểu Chánh trong tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX là điều không thể phủ nhận. Và rất nên có những cách đọc mới để tiếp tục khẳng định sự đóng góp của ông./.


TÔN PHƯƠNG LAN

--------------------------

Tài liệu tham khảo:

Nguyễn Khuê. Chân dung Hồ Biểu Chánh, Lửa Thiêng. Sài Gòn 1974.

Phan Cự Đệ (chủ biên). Văn học Việt Nam thế kỷ XX. Nxb Giáo dục. H, 2006



II. Tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh

1. Tiền bạc bạc tiền

2. Thầy thông ngôn

3. Sống thác với tình

4. Ông Cử

5. Ở theo thời

6. Nợ tình

7. Nợ đời

8. Nhơn tình ấm lạnh

9. Nặng gánh cang thường

10. Nam cực tinh huy

11. Một đời tài sắc

12. Một chữ tình

13. Mẹ ghẻ, con ghẻ

14. Lòng dạ đàn bà

15. Lời thề trước miếu

16. Lạc đường

17. Khóc thầm

18. Kẻ làm người chịu

19. Hạnh phúc lối nào

20. Hai vợ

21. Hai Thà cưới vợ

22. Hai khối tình

23. Đoạn tình

24. Đóa hoa tàn

25. Đóa hoa rụng

26. Đỗ nương nương báo oán

27. Dây oan

28. Đại nghĩa diệt thân

29.Cười gượng

30. Cư Kỉnh

31. Con nhà nghèo

32. Chút phận linh đinh

33. Con nhà giàu

34. Ngọn cỏ gió đùa

35. Chúa tàu kim quy

36. Chị Đào chị Lý

37. Cha con nghĩa nặng

38. Cay đắng mùi đời

39. Bỏ vợ

40. Ái tình miễu
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top