Tác dụng tích cực của cái “tiêu cực” trong tác phẩm văn nghệ
Cuộc đấu tranh chống tiêu cực đang là một mặt trận nóng bỏng trong cuộc sống hiện nay và việc viết về “đề tài chống tiêu cực” đang là vấn đề thời sự được không ít người viết, bạn đọc cũng như các cơ quan chỉ đạo văn nghệ quan tâm.
Nhưng bàn đến vấn đề này, tôi cũng có chút phân vân. Nói đến văn nghệ là nói đến thẩm mỹ, nói về cái đẹp, là người cầm bút, sao anh cứ nhằm nhè vào cái tiêu cực, cái xấu? Và tôi băn khoăn ngay từ mấy chữ “đề tài chống tiêu cực” cả vì tính thời sự của vấn đề này nữa.
Từ năm 1962, trong lúc thư gửi Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ 3, BCH Trung ương Đảng ta đã chỉ rõ: “Văn nghệ phải là một vũ khí sắc bén, giúp cho chế độ ta, nhân dân ta đánh bại những tư tưởng thù địch, đẩy lùi những tư tưởng ích kỷ, lười biếng, ươn hèn, những thói tục xấu xa, giúp cho cái mới luôn luôn nảy nở và con người mới phát triển không ngừng… Nhân dân ta yêu cầu văn nghệ không chỉ biểu dương những ưu điểm và thắng lợi mà còn phải thẳng thắn phê bình những khuyết điểm và nhược điểm trên bước trưởng thành của cách mạng với một tinh thần xây dựng và một thái độ chân thành…”
Quan điểm này, trong hơn hai mươi năm qua, Đảng ta đã kiên trì nhắc nhở văn nghệ sĩ qua nhiều nghị quyết và chỉ thị về công tác văn nghệ. Vậy mà gần đây, một số cuốn sách phần nào thể hiện được quan điểm nói trên đã trở nên sự kiện nổi bật trong phong trào sáng tác; báo chí nối nhau ngợi khen cổ vũ, người đọc săn tìm như đối với một vật lạ rồi nhỏ to truyền tụng về sự táo bạo của nhà xuất bản, của tác giả đã dám đụng chạm đến “ông này bà kia”! Tại sao lại có tình hình đó? Tôi nghĩ có lẽ có hai nguyên nhân chính. Trước hết phải nói đến trách nhiệm của người cầm bút đã không làm tròn chức năng người chiến sĩ trên mặt trận văn hoá và tư tưởng. Đã mấy chục năm rồi Đảng nhắc nhở “văn nghệ phải là một vũ khí sắc bén”, nhưng mãi đến nay, một vài cuốn sách thật sự mang hơi thở cuộc đấu tranh chống “những tư tưởng ích kỷ, lười biếng, ươn hèn…” vẫn như là sản phẩm mới lạ, thì dù biện bạch bằng cách nào, những người cầm bút cũng phải gánh phần trách nhiệm.
Phần trách nhiệm còn lại tất nhiên thuộc về khách quan. Người cầm bút trong xã hội ta, do những cơ chế và những điều kiện hoạt động cụ thể, chịu sự chi phối và điều chỉnh của khá nhiều yếu tố chung quanh. Đáng kể nhất có lẽ là thói quen, là nếp nghĩ của không ít người chỉ ưa lối nói, lối viết một chiều tán dương thành tích và ưu điểm. Thói quen và nếp nghĩ ấy đi ngược đường lối của Đảng, chẳng ai công bố thành văn bản, vậy mà nhiều khi có uy lực như một luật lệ, khống chế sức chiến đấu của những cây bút chân chính. Đảng và nhân dân đòi hỏi văn nghệ phải là vũ khí sắc bén, nhưng uy lực của thói quen ấy lại nhằm gọt tròn tác phẩm để được êm thấm. Trong chiều hướng ấy, hễ có tác phẩm nào nói nhiều đến khó khăn và khuyết điểm, lên án những thói xấu của “ông này bà kia” thì bị coi là “không ổn - có vấn đề” thậm chí tác giả còn bị gây khó dễ trong cuộc sống riêng. Đó là trường hợp anh Mai Văn Tấn sau bài ký “Ở một hợp tác xã không tăm tiếng”. Cả đến cây bút nữ “hiền lành” Trần Thùy Mai với ý muốn tốt đẹp góp “một chút màu xanh” cho đời, cũng có người cho là “có vấn đề - chỉ toàn nói chuyện tiêu cực”, khi họ đọc chuyện của chị đăng trên tạp chí Sông Hương số 1. Tôi nghĩ đã đến lúc cần đổi mới chiều hướng dư luận, tạo nên một cách đánh giá tác phẩm ngược lại nếp nghĩ kể trên: cần phải coi là “có vấn đề”, thậm chí phải lên án những tác giả cho ra đời những tác phẩm viết về sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của chúng ta mà chỉ toàn nói những chuyện tốt đẹp, chẳng thấy bóng dáng một nhân vật tiêu cực nào. Cũng có người vin cớ “sợ kẻ địch lợi dụng” để tán đồng, cổ vũ cho lối viết tròn trĩnh ngọt ngào ấy; thực ra, những tác phẩm như thế đã làm lợi cho kẻ thù vì nó làm người ta dễ ngủ quên trên thắng lợi, lu mờ tinh thần cảnh giác trước cảnh bình yên giả tạo. Chúng ta đều biết rõ, cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta với đặc điểm lớn nhất là đi thẳng từ nền sản xuất nhỏ lên xã hội chủ nghĩa tất phải trải qua cuộc đấu tranh cực kỳ gay go và phức tạp. Văn nghệ phản ánh cuộc đấu tranh ấy, trên trang viết có hai mặt tốt - xấu, tích cực - tiêu cực là lẽ đương nhiên, là một điều tất nhiên vậy. Nó cũng đương nhiên như một trận đấu bóng không thể chỉ có cầu thủ một bên sân. Vì thế tôi nghĩ chẳng nên đặt tên gọi “đề tài chống tiêu cực”, dù việc phân chia đề tài trong văn nghệ chỉ là một quy ước tương đối mà thôi. Có thể nói với nguyên tắc phản ánh chân thật cuộc sống của chủ nghĩa hiện thực, không kể một vài thể loại và phong cách khai thác đề tài một cách riêng, thiên về vẻ đẹp, về chiều sâu lịch sử văn hoá (như trong bút ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường chẳng hạn), tất cả các đề tài công nghiệp nông nghiệp, giáo dục,… và cả đề tài chiến tranh cách mạng nữa cũng đều cần có nội dung “chống tiêu cực”. Tôi đã có vinh dự được sống nhiều năm ở những mũi nhọn của ngành giao thông vận tải, bên những đơn vị anh hùng trên đường Trường Sơn và tuyến lửa Quảng Bình trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và chính ở đó đã lộ mặt những kẻ hèn nhát, cơ hội, những tên ăn cắp và dối trá… Những tác phẩm đơn giản hóa cuộc sống, không thể hiện chân thật những khó khăn và thất bại, những cuộc đấu tranh gay go giữa địch - ta, giữa người tốt - kẻ xấu và trong mỗi con người, chẳng những không có sức hấp dẫn quần chúng - những người đọc, người xem từng trải hiểu biết tường tận sự thật và có trình độ thẩm mỹ ngày một cao - mà còn hạ thấp tầm vóc anh hùng sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.
Hiện nay, những biểu hiện tiêu cực kéo dài - như Báo cáo chính trị tại Đại hội 5 đã chỉ rõ, đang là vấn đề thời sự trong dư luận xã hội, nhưng coi đó cũng là “vấn đề thời sự” đối với hoạt động văn nghệ thì chưa hẳn đã thật đúng. Gần đây, sau khi công bố Nghị quyết 4 của Trung ương Đảng ta, ngày 29-6, báo Nhân dân đăng bài “Hậu quả sự dối trá” dịch từ báo Sự thật Liên Xô ngày 28-5-83 kể lại cuộc đấu tranh đã dẫn đến việc BCH Trung ương Đảng phải thi hành kỷ luật đến cả bí thư thành ủy, bí thư tỉnh ủy Xa-ra-tốp, cả một thứ trưởng và nhiều cán bộ quan trọng khác vì họ đã bao che cho một cán bộ thoái hóa. Hiện tượng tiêu cực ấy có khác gì ở ta (nếu không nói là nghiêm trọng hơn vì ở ta chưa công bố công khai một vụ nào như thế!) mặc dù xã hội Liên Xô phát triển vượt chúng ta cả một thời kỳ lịch sử hàng chục năm. Như thế có thể nói, chừng nào văn nghệ còn phản ánh cuộc sống trong sự vận động phát triển của nó, chừng đó văn nghệ còn đề cập đến những hiện tượng, những nhân vật tiêu cực. Nói cách khác, nội dung “chống tiêu cực” không chỉ mang tính thời sự mà có tính lâu dài, nếu không muốn nói là vĩnh cửu. Có ai dám đoán chắc con người ta mấy trăm, ngàn năm nữa sẽ trở nên hoàn thiện trăm phần trăm?
Cũng chính vì vậy, cùng với mong ước từ nay việc đề cập đến những mặt tiêu cực trong tác phẩm văn nghệ sẽ trở nên bình thường, tự nhiên như nó vốn có trong cuộc sống, tôi cũng mong muốn có sự bình đẳng và bình tĩnh nữa khi xem xét, đánh giá một tác phẩm có đụng đến chuyện tiêu cực. Tại sao chúng ta có thể bình tĩnh đọc bài báo “hậu quả sự dối trá”, nhưng lại xôn xao lên - thậm chí nghi ngờ cả thiện ý của tác giả khi có một bài ký có đôi đoạn đụng chạm đến một vị lãnh đạo cấp huyện? Văn nghệ là một vũ khí sắc bén và thật lợi hại, nhưng cách nhìn những sáng tác của đội ngũ văn nghệ sĩ cách mạng chúng ta như là những sản phẩm thường chứa những độc tố, như con dao hai lưỡi, với con mắt đề phòng cảnh giác, ít nhiều cũng làm nhụt chí “xung phong” của những cây bút đang muốn có chất “thép” trong sáng tác của mình. (Ở đây, tôi không kể đến những kẻ mượn cây bút để thực hiện mục đích xấu xa. Khi đó, họ đã tự vượt ra khỏi lĩnh vực văn nghệ, số phận họ thuộc về các cơ quan công an, tòa án). Chính vì ngại ngần trước những con mắt “cảnh giác” với tất cả tác phẩm văn nghệ, đã có không ít tác giả, tuy có thiện ý, đã phải xây dựng tác phẩm theo một cách bố trí nhân vật giống nhau - một lối mòn đáng chán nhưng tạo được thế “cân bằng” và người cầm bút được bằng yên! Với loại sáng tác đó, nếu đã có nhân vật giám đốc thoái hóa thì không cần xem tiếp cũng biết bí thư đảng ủy là người gương mẫu; hoặc nếu có gan phê phán tận bí thư huyện chẳng hạn thì bí thư tỉnh ủy ắt phải là nhân vật kiểu mẫu v.v… Nhưng cuộc sống thì lại muôn vẻ và như trường hợp bài “hậu quả sự dối trá” thì hàng loạt cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Thành ủy, Tỉnh ủy ở phía tiêu cực, lẽ phải lại thuộc về đảng bộ cấp dưới. Dù vậy - nếu không muốn nói là chính vì vậy, chính vì phản ánh chân thật cuộc sống, nên bài báo đã cho ta thấy rõ sức sống của Đảng, có sức kêu gọi con người đấu tranh cho lẽ phải, chân lý. Có thể nói đó chính là “cái đẹp” của những tác phẩm có đề cập đến hiện tượng và nhân vật tiêu cực.
Tuy vậy, tôi không nghĩ là cứ nhất thiết viết “tiêu cực” cho thật đậm mới là tác phẩm có tính hiện thực cao. Việc đưa mặt tiêu cực vào tác phẩm như thế nào cho có hiệu quả nghệ thuật là việc không dễ dàng. Tôi nghĩ người viết cần có sự hiểu biết thật sâu sắc hiện thực mình miêu tả để lựa chọn những gì có ý nghĩa, có tính điển hình, gắn với vấn đề mình đặt ra trong tác phẩm và đạt được mục đích giúp cho cái mới luôn nảy nở và con người mới phát triển không ngừng. Liều lượng mặt tiêu cực ít hay nhiều, nặng hay nhẹ, nhân vật tiêu cực là người có quyền cao chực trọng, hay chỉ là một nhân viên thường tùy thuộc chủ yếu vào sự lựa chọn ấy. Người cầm bút có trách nhiệm, hiểu biết nghề nghiệp và chức năng của văn nghệ không thể tùy tiện tung mọi thứ tiêu cực vào tác phẩm chỉ để hả cơn bực giận của mình.
Cuối cùng, tôi xin được kể lại đôi điều về công việc của mình vì nó liên quan đến những ý kiến tôi vừa trình bày. Không phải bây giờ mà từ năm 1970, sau khi được dự lớp bồi dưỡng những người viết văn trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam, trên cơ sở hiểu biết đường lối văn nghệ của Đảng được sâu sắc hơn, tôi đã có ý định đưa không ít nhân vật tiêu cực và đề cập đến những vấn đề dễ “đụng chạm” như vấn đề tổ chức và cán bộ, cách đánh giá và sử dụng trí thức, sự bất lực của lớp cán bộ giàu nhiệt tình nhưng thiếu trình độ chuyên môn v.v… khi xây dựng bộ tiểu thuyết hai tập “Đường giáp mặt trận” và “Chỗ đứng người kỹ sư”. Hồi ấy, có người đã khuyên tôi “Đừng viết! Viết như thế dễ bị đánh lắm!” Nhưng tôi là một người trong cuộc, 15 năm sống trong ngành giao thông vận tải hẳn đã giúp tôi nhìn đúng vấn đề và cho tôi cái vốn để có thể lựa chọn những chất liệu có ích cho tác phẩm. Và tôi tin ở động cơ tốt đẹp, tin ở tấm lòng thành của mình. Hồi còn là một cán bộ kỹ thuật trên công trường, tôi đã hăng hái ghi tên “tình nguyện vượt mức kế hoạch 5 năm” và tôi tự hào đã phấn đấu trở thành người lao động gương mẫu. Tôi yêu Đảng, yêu cuộc sống trên những công trường xây dựng với tình yêu trong trắng của thời thanh niên sôi nổi quãng đời đẹp nhất trong cuộc đời mình. Trên trang viết của tôi là cuộc sống ấy, tình yêu ấy ; cho dù là khi tôi viết về một cán bộ kỹ thuật từng được tín nhiệm cử vào Thường vụ Đoàn, vào chi ủy, nhưng vì ham chức tước, địa vị đã thành một kẻ cơ hội thoái hóa, hay khi viết về một cán bộ Cục hèn nhát, chỉ muốn an phận, một bí thư đảng ủy vì không hiểu biết kỹ thuật mà lại thừa hăng hái đã có những quyết định sai trái, thậm chí đã gây ra tại nạn lao động v.v… thì cũng vẫn là tình yêu cao đẹp ấy đã thôi thúc ngòi bút của tôi. Có lẽ nhờ vậy mà khi hai tập tiểu thuyết ra đời, dù còn nhiều vụng dại về nghề nghiệp, các báo Nhân dân, Văn nghệ, Lao động … đã nhiệt tình đăng bài động viên cổ vũ, đánh giá những trang viết của tôi “có cách nhìn nhận lý giải vấn đề không nông cạn, sáo mòn…”. Tiểu thuyết “Chỗ đứng người kỹ sư” đã được Tổng Công đoàn và Hội Nhà văn Việt Nam tặng giải trong dịp tổng kết sáng tác văn học đề tài công nhân 5 năm (1976-1980) và gần đây tôi được biết cuốn “Đường giáp mặt trận” sắp được tái bản.
Đối với người viết, việc kể lể đôi chút thành tựu của mình cũng dễ mang tiếng là không khiêm tốn; tôi cũng tự biết 2 cuốn sách của mình vẫn còn có chỗ đơn giản, thậm chí còn chịu ảnh hưởng xu hướng “gọt tròn” tác phẩm, nhưng từ những gì 2 cuốn sách đó đã đạt được, tôi đã nhận thức rõ hơn con đường đúng đắn của người cầm bút khi đứng trước những hiện tượng tiêu cực và những vấn đề phức tạp trong cuộc sống hiện nay: Tác phẩm muốn đề cập đến nhân vật tiêu cực thì tác giả càng phải là người tích cực;cái tiêu cực chỉ đáng được đưa vào tác phẩm khi nó có tác dụng tích cực. Như thế, màu đen, cái xấu hiện ra trong tác phẩm chỉ càng giúp rọi sáng tâm hồn người đọc, khơi gợi những cảm xúc thẩm mỹ tốt đẹp và kêu gọi con người hành động sáng tạo. Như thế, tác phẩm văn nghệ của chúng ta mới là vũ khí sắc bén của Đảng của nhân dân.
8-1983
NGUYỄN KHẮC PHÊ
(3/10-83)
Tạp Chí Sông Hương