Sỹ tử lớp 13 sau những bài thi để trắng

ButNghien

Học tập suốt đời!
Thành viên BQT
Xu
46
Sỹ tử lớp 13 sau những bài thi để trắng

Kỳ thi đại học với những sỹ tử đang ngày đêm “dùi mài kinh sử” được coi là bước ngoặt cuộc đời. Nhưng với một số bạn trẻ đi thi lại là để chiếu lệ, hoặc để làm tròn nghĩa vụ với bố mẹ. Họ thờ ơ, vô cảm, thậm chí nói “không” với sự kỳ vọng của gia đình.

Nộp giấy trắng…nhận trái đắng


20110424142432_onthi.jpg


Ôn thi ĐH.

Là một học sinh cá biệt của trường trung học phổ thông ở Hà Nội, Vũ Hoàng Nam vốn xem việc đi học là những tiết “dự giờ”, đến lớp chỉ để đủ sỹ số. Trong kỳ thi tốt nghiệp lớp 12 năm ngoái, khó khăn lắm Nam mới đủ điểm đỗ nên với cậu, đại học là giấc mơ quá xa vời. Nhưng Nam vẫn làm hồ sơ dự thi với mong ước thử cảm giác một lần ngồi trên ghế giảng đường.

Đăng kí thi khối A nhưng đến một phương trình hóa học bình thường Nam cân bằng cũng không nổi, đọc đề Toán thì không hiểu nên bỏ trắng, còn môn Vật lý thì cậu khoanh bừa.

Kết quả thi chỉ lẹt đẹt 3,5 điểm ba môn, Nam cười xòa : “Em đi thi cho biết thôi, cả đời học sinh phải có lần thi đại học chứ, nhưng có học đâu mà kết quả chẳng thế, may mà môn Lý còn ngọ nguậy trong phòng thi hỏi được vài câu. Em còn nghĩ ba môn đều 0 điểm ấy!”.

Từng nộp giấy trắng cả ba môn trong kỳ thi đại học năm trước, Đỗ Trung Hiếu (Nam Định) khiến cả phòng thi “choáng” vì sự bất cần của mình.

Vốn là học sinh có tố chất nhưng lại “nghiện” game và “say” truyện kiếm hiệp, tiên hiệp nên Hiếu không còn màng tới chuyện học hành, thi cử.

Còn ba mẹ Hiếu lại muốn con theo ngành Ngân hàng truyền thống của gia đình nên đã chi một khoản tiền lớn cho cậu quý tử “khăn gói quả mướp” lên Hà Nội ôn thi. Như một con chim được “tháo cũi sổ lồng”, Hiếu tha hồ vùng vẫy, bay nhảy theo các cuộc chiến game xuyên màn đêm.
Vậy nên ngày thi đầu tiên Hiếu lê lết tới phòng thi với đôi mắt thâm quầng, lờ đờ, mỏi mệt rồi ngủ gục trên bài thi lúc nào không biết. Ngày thi thứ hai Hiếu tiến bộ hơn vì đã tới sớm nhưng vì không có chữ nào trong đầu nên đành “thừa giấy vẽ voi” tới khi hết thời gian thì nộp bài. Môn thi cuối cậu cũng bỏ mặc không thèm tới.

Cao Thị Vân Anh ( Sơn La) lại có niềm đam mê báo chí từ nhỏ nhưng bố mẹ lại kịch liệt phản đối và ép buộc phải thi khoa Sinh trường ĐH Sư phạm để sau này theo nghề của bố.

Bởi vậy, cô đã phản đối bằng cách để giấy trắng trong bài thi của cả ba môn khiến cả gia đình té ngửa. “Thực ra, em học khá nhất môn Văn và muốn thi khối C nhưng bố mẹ ép thi khối B trong khi Toán, Hóa, Sinh, môn nào em cũng kém thì thi kiểu gì? Đấy là sai lầm của bố mẹ, bố mẹ phải trả giá!” – Vân Anh bức xúc.

Sau những bài thi để trắng...

Trong các kỳ thi đại học gần đây, bên cạnh những bài thi với những lỗi sai hết sức “ngớ ngẩn” khiến nhiều người “cười ra nước mắt”, còn có những bài thi khiến ban giám khảo phải sửng sốt với chỉ vài dòng tâm sự, hay chép lại đề bài hoặc những bức tranh hết sức kì quặc, thậm chí có những bài thi chỉ nguyên xi một tờ giấy trắng tinh, không nét mực, dấu bút. Và điều mà “tác giả” của các “công trình nghệ thuật” ấy nhận được chính là những “trái đắng” cùng sự ân hận, nuối tiếc.

Như trường hợp của Nam, Hiếu và Vân Anh, sau những bài thi để trắng chính là sự thất vọng, thậm chí là những lời chì chiết của gia đình, người thân, sự mặc cảm, tự ti của bản thân khi nhìn các bạn của mình đỗ đạt, sự ngột ngạt, khó chịu khi phải nhốt mình trong căn phòng với những tháng ngày dài đằng đẵng.

“Em nhận ra, không phải là mình kém mà vì nông nổi, không phải mình không muốn mà chỉ tại không làm. Cái giá của một lần “buông xuôi”, phó mặc quá đắt nhưng em sẽ làm lại!”. Vân Anh ngậm ngùi.

Chưa bao giờ quá muộn để làm lại

Những sỹ tử ấy đã một lần “lỡ bước” nhưng họ không từ bỏ mà làm lại từ đầu để khẳng định bản thân. Với những sỹ tử lớp 13, chưa bao giờ họ khát khao được phủ kín bài thi đến thế.
Sau khi nhận kết quả thi đại học, Vũ Hoàng Nam phải mất một thời gian dài để cân bằng lại cuộc sống.

Cậu đã ngắt toàn bộ liên lạc với mọi người để chú tâm vào học tập, khắp phòng ngổn ngang sách vở, bộ đề thi, bút vẽ, các bản thiết kế. Giấy nhớ công việc được dán mọi nơi, mọi chỗ. Ngoài những giờ học thêm ở các lớp ôn thi, Nam còn thuê gia sư tới dạy tận nhà. Giờ đây Nam không còn vẻ trâng tráo, bất cần như một năm về trước mà trở thành cậu học trò chăm chỉ, miệt mài đèn sách chờ ngày vượt vũ môn.
Còn Hiếu giờ đã là thành viên tích cực trên các diễn đàn ôn thi, trắc nghiệm hay những trang web tài liệu, đề thi. Hiếu đăng kí học ôn ở trường, mỗi ngày làm một bài thi thử trong các bộ đề và học ngày cày đêm để “chuộc” lại lỗi lầm với bố mẹ và cũng để thay đổi bản thân. “Càng học càng say, mỗi ngày cố gắng một ít thì sẽ tiến bộ. Em tin công sức mình bỏ ra sẽ được đền đáp xứng đáng”.

Trên góc học tập của Vân Anh có một bộ lịch đếm ngược vô cùng ấn tượng, thời gian ôn thi cũng không còn nhiều nên bảng kế hoạch của cô bé mỗi lúc một dày thêm. Lần này Vân Anh đã được tự do chọn lựa con đường mà mình yêu thích.

Mong muốn của Vân Anh cũng chính là mong ước của những sỹ tử đã một lần “lạc lối”.
Phía trước họ là con đường rất chông gai nhưng giờ đây họ đang đi bằng sự nhiệt huyết và sự đam mê chứ không còn là sự thờ ơ, vô cảm và bất cần. “Không đi thì thôi, đã đi thì phải đến đích” – Hiếu chia sẻ.





Theo VNN.
 
:)) Thời của Tuấn Anh đây mà... Nhưng chỉ làm bái kém thôi chứ không phải là bỏ đề trắng. "Nghiện" game, truyện tranh kiếm hiệp... loạn!
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top