vanchuong83
New member
- Xu
- 0
SUY NGHĨ TỪ QUAN NIỆM LỐI VIẾT CỦA ROLAND BARTHES
Nguyễn Thị Minh Huệ
Đối với nhiều người, hai chữ lối viết không còn xa lạ gì nữa. Nó quen thuộc đến mức, dường như luôn trượt ra ngoài những mối quan tâm của chúng ta, nó tồn tại như một vết mờ không có khả năng gợi lên một âm vọng nào trong văn bản và cũng “bị trơn tuột trên bề mặt ý thức của người tiếp nhận” (A.V.Dranov). Thuật ngữ lối viết đã bị không ít người sử dụng – theo kiểu làm cho nó bị suy nhược, ý nghĩa của nó cũng bị ăn mòn trong dòng chảy của phê bình – theo kiểu chúng ta vẫn thường thấy ở axit. Nói chung nó bị ngốt nuốt giữa một bãi chữ truyền thông đa tạp. Trước một hiện tượng phổ biến như thế, chúng ta buộc phải đặt nó thành một vấn đề của phê bình văn học. Nghĩa là cần trả cho thuật ngữ lối viết một vị trí đặc biệt với tất cả tính chất phong phú, đa dạng của nó, thậm chí là cả tình trạng phức tạp và phiền nhiễu do nó đem lại.Nguyễn Thị Minh Huệ
Ít ra thì lối viết cũng không đơn giản đến độ khiến ta có thể nhận mặt ngay trong lần gặp gỡ đầu tiên với văn bản. Nó không trồi lên trên bề mặt văn bản, mà nằm xuyên ngầm trong một mạng câu chữ. Chỉ khi làm nổi rõ tư tưởng hệ cùng những gì ẩn giấu trong văn bản, chìm dưới hình thức biểu nghĩa của văn bản, tức là lật lên một thứ “văn bản vô hình trong văn bản”… mới hy vọng dò đến lối viết.
Lối viết “nằm ở trung tâm của vấn đề văn học”, khiến cho những cái bên cạnh nó như thời đại và ngôn ngữ mà nhà văn sử dụng chẳng còn đáng kể gì nữa. R.Barthes[1] chỉ dẫn cho chúng ta rằng, lối viết liên quan đến ý niệm về hình thức và nội dung, đến những quy ước, những trạng thái và kỹ thuật, đến mục đích xã hội của sự sử dụng ngôn ngữ, và cả giọng điệu, cách nói, đạo lý, bản sắc ngôn ngữ của mỗi người viết. Ông nói: “lối viết chủ yếu là đạo lý của hình thức, là sự lựa chọn khu vực xã hội mà trong đó nhà văn quyết định đặt bản chất hành ngôn của mình vào” (tr.51). Lối viết thể hiện cách tư duy của nhà văn về văn học, cho thấy quan niệm của nhà văn về nhóm tiêu thụ văn học nào sẽ là độc giả của anh ta, nó giữ vai trò quan trọng trong sự tạo thành bản sắc ngôn từ của người viết. Theo nghĩa ấy, R. Barthes khẳng định “lối viết là thực tại nước đôi”: một mặt nó được sinh ra trong tương quan giữa nhà văn và xã hội; mặt khác nó được tạo ra một cách tự do theo đề nghị của Lịch sử. Nói cách khác, ở thực tại lối viết, có cả “sự tự do” và “trách nhiệm”, một “sự tự do” chỉ xảy ra trong một “trách nhiệm” nào đấy.
Thực vậy, lối viết được xác lập dưới “áp lực của lịch sử và truyền thống”. “Có một lịch sử của lối viết; nhưng đây là một lịch sử kép: đúng lúc mà lịch sử chung đề xuất – hay áp đặt – một cục diện mới của hành ngôn văn học, thì lối viết vẫn còn đầy ắp những ký ức về những cách dùng trước đây” (tr.52), nhà văn không thể nào thoát khỏi những hình thức văn học đã có từ trước đó, hơn nữa, bản thân mỗi thể loại mà nhà văn đã chọn dùng, cũng có ký ức riêng của nó, ngay đến từ ngữ được vời đến cũng có một “trí nhớ” dai dẳng, trí nhớ kéo dài đến địa hạt của những nghĩa mới. Lối viết, như cách R. Barthes hình dung, là sự thỏa hiệp giữa sự tự do và ký ức ấy, nó là “cái tự do có hồi ức”, một sự tự do có lịch sử riêng của mình.
Nhà văn A nào đó có thể chọn lối viết này hay lối viết khác (hiện đại hay hậu hiện đại, hiện thực xã hội chủ nghĩa hay lãng mạn chủ nghĩa, hướng tới phá cách hay giữ gìn truyền thống…), sự tự do của anh ta được khẳng định trong hành động lựa chọn đó. Nhưng, nếu nhà văn A cứ kéo dài lối viết ấy, thì anh ta sẽ không còn tự do, sẽ trở thành tù nhân của những từ ngữ của người khác và của chính mình. Cần nói lại là, lối viết nào cũng có lịch sử riêng, có quá khứ treo lơ lửng, có kí ức, mật ước riêng của nó. Nhà văn ta hiện nay sống và viết giữa rất nhiều lối viết như thế, giữa rất nhiều khuynh hướng trào lưu đã từng xuất hiện ở các nước phương Tây, giữa một bề dày các lối viết truyền thống của phương Đông và dân tộc. Họ không thể tẩy trắng bất kỳ một lối viết nào, họ có thể bị hút vào những lối viết cho dù đó là một sự lựa chọn chín chắn. Sự tuyên bố đoạn tuyệt “truyền thống” của nhà văn giống như một sự giả vờ, một kiểu “mất trí” đặc biệt. Chúng ta không ngừng vấp phải, chạm phải các lối viết quen thuộc, không ngừng được nghe các lối viết kể về lịch sử của chúng. Chẳng có lối viết nào trong suốt, cũng không có từ ngữ nào vô tư sau một thời gian tồn tại, thậm chí ngay cả khi chúng “mới” ra đời trong một ngữ cảnh mới. Trước những sự tuyên bố về việc nhà văn nào đó đã phát minh ra ngôn ngữ mới cứng hay đã tạo ra cách viết hoàn toàn mới, chúng ta nên hiểu là một cách nói dối đáng yêu, nếu không muốn nói đó là ảo tưởng đã nuôi dưỡng hứng thú cầm bút của mọi kẻ viết.
Lối viết mang trong mình nó những kí hiệu văn hóa, những mã tri thức, những quyền lực: nó là một diễn ngôn. Nó “luôn luôn cắm rễ trong một vùng ngôn ngoại, nó phát triển như một nụ mầm chứ không như một tuyến, nó bộc lộ một thực chất và hăm he một bí mật, nó là một phản truyền đạt, nó đe dọa” (tr.55). Lối viết được tạo ra từ một quyền lực nào đó. Nhà văn có thể bị lối viết nuốt mất ý thức tự chủ, anh ta không thể biến lối viết thành một công cụ truyền đạt của mình, nhà văn bị lối viết điều khiển nhưng chúng ta lại thấy có vẻ như anh ta đang làm chủ lối viết, điều khiển nó, tạo ra lối viết. Nhà văn trở thành công cụ của lối viết. Trước chúng ta chỉ còn lối viết mà thôi, nhà văn đã bị mất hút trong thăm thẳm lối viết. Roland Barthes quan sát thấy “ở đáy của lối viết, có một ‘tình tiết’ xa lạ với ngôn ngữ, có gì đó như là sự chú mục của một ý đồ đã không còn là ý đồ của ngôn ngữ”. Điều đó có nghĩa là ở lối viết vừa có sự thực thi, tuân thủ vừa có sự cưỡng bức, áp đặt. Trong lối viết văn học, “tình tiết” đó là “niềm đam mê của hành ngôn”; trong lối viết chính trị, đó “có thể là mối đe dọa trừng phạt”. Quan sát lối viết chính trị, R.Barthes chỉ ra “Quyền lực hay cái bóng của quyền lực kết cuộc bao giờ cũng thiết lập một lối viết mang tính giá trị đạo đức, ở đó, quãng cách thông thường từ sự kiện đến giá trị bị xóa bỏ ngay trong khoảnh khắc của từ, vừa dùng để mô tả vừa để phán xét. Từ trở thành một thủ đoạn (nghĩa là một sự lạc hướng và một sự thanh minh). Điều này cũng đúng trong các lối viết văn học, ở đó tính thống nhất của các kí hiệu thường xuyên bị mê hoặc bởi các vùng hạ ngôn hay ngoại ngôn” (tr.56). Ở lối viết chính trị (lối viết cách mạng), nhà văn “nhập thân vào một xã hội chính trị… tự gắn mình vào công cuộc thực thi quyền lực”. Như thế, qua lối viết chính trị, các kỉ cương thiết chế được hình thành, hình ảnh người chiến sĩ dấn thân được dựng lên. Lối viết chính trị có một bảng từ vựng riêng, phép ẩn dụ ở đó cũng được quy tắc hóa nghiêm ngặt. “Chính bản sắc từ vựng của lối viết này cho phép nó xác lập một sự ổn định của các định nghĩa và một tính liên tục về phương pháp” (tr.58). Lối viết ấy bao giờ cũng tạo ra một thẩm quyền hoặc một sự biện bạch đạo lí, nó “hoàn tất truyền thuyết cách mạng”. Mỗi một chế độ chính trị có một lối viết chính trị riêng của mình. Lối viết chính trị có tham vọng nhào nặn ra những con người mới, thời đại mới, nó luôn tuyên xưng phô trương về chức trách bảo lãnh thực tế của nó. Chúng ta có thể thấy rõ đặc điểm của lối viết này trong giai đoạn văn học - chính trị đã qua.
Ngay từ đầu những năm 1940 nhiều nhà văn ở ta đã đảm trách lối viết hiện thực xã hội chủ nghĩa; lối viết ấy trong xu thế tất yếu của lịch sử dân tộc, dần dần trở thành một thiết chế với một trung tâm quyền lực.Danh hiệu nhà văn chiến sĩ do lối viết chính trị tấn phong cho nhà văn cách mạng chứ không phải do họ tự tạo ra. Đặt định người viết danh hiệu nhà văn chiến sĩ đồng thời là cấp cho anh ta một ý thức hệ, một hành động, cấp cho anh ta một ngôn ngữ, một lịch sử, một diện mạo, cấp cho anh ta những cách nói phù hợp với quyền lợi tập thể, với ý thức cộng đồng giai cấp, phù hợp với một thứ quyền lực có khả năng phong tỏa cái viết, sự viết.
Sau hai cuộc chiến tranh, nhất là sau thời điểm cởi trói cho văn nghệ, nhiều quy ước văn chương cũ được nới lỏng ra, đây là tiền đề cho sự thực thi những lối viết macxit bàng thống, những lối viết vốn đứng bên lề hệ mĩ học mácxit. Gần chục năm nay, thế hệ mới lựa chọn lối viết hậu hiện đại. Lối viết hậu hiện đại nhằm vào xóa bỏ những quyền lực trong diễn ngôn cũ, xóa bỏ những quy ước của lối viết chính trị cũ. Lối viết ấy nảy sinh trong sự thách thức truyền thống từ nhiều phía, nó đe dọa phá hủy những kiểu văn hóa mẫu mực một thời, nó tích cực sản sinh ra nhiều sự thật để chống lại sự độc quyền chân lí, nó tạo ra những cái mới, những con người mới mà trước đây thường chỉ đứng ở ngoại biên, trước đây không được lên tiếng hoặc tiếng nói của họ trở lên không có trọng lượng, không có giá trị. Nó nỗ lực phi trung tâm hóa, làm cho cái toàn trị bị sụp đổ, qua đó thiết dựng một chủ nghĩa đa nguyên, đa tạp.
Thời đại ngày nay chứng kiến sự nở rộ của những lối viết, những diễn ngôn. Chúng ta đang đứng trước sự bề bộn những lối viết, những ý thức, những tiếng nói, những giá trị, những “chuẩn”. Nhu cầu nhận thức lại những hiện tượng đã bị lịch sử gác lại, tái cấu trúc lại hoàn cảnh đang sống và về hành ngôn của con người hiện đại là có thật, ráo riết. Nhà văn không trông chờ vào sự cứu rỗi, anh ta nhận thấy mình đang bị đặt vào một trò chơi dự phóng, một trò chơi thử nghiệm, không còn cách nào khác là phải vơ vào mình tất cả những từ ngữ thông tục, những mảnh vỡ, anh ta phải liên tục cất lên tiếng nói nhằm tái tạo lại bản sắc cá nhân, nhằm chứng minh sự tự chủ của mình trước biết bao nhiều cám dỗ, trước những áp lực đồng hóa và lai tạp hóa dữ dội. Anh ta bất chấp tất cả, kể cả sự nguyền rủa, và “cái chết” cốt sao chỉ dấu được sự tồn tại của mình. Nghi thức chính, trang trọng của văn chương đương đại là tống tiễn những lối viết mang trong mình quyền lực toàn trị, những bè trầm, những bè thống thuộc, những mưu toan hợp nhất, cùng những “cái chết” đã được dự báo từ trước. Những nhà văn còn lại theo thời gian là những nhà văn “không ngôi”.
Nguồn: Văn nghệ Trẻ số 4- 2011 (ra ngày 23- 1- 2011)