Suy nghĩ thêm về tính đa nghĩa của văn học

thu hoang

Moderator
Xu
0
SUY NGHĨ THÊM VỀ TÍNH ĐA NGHĨA CỦA VĂN HỌC

1. Trong thực tế đời sống văn học nước ta những năm gần đây, việc hiểu, cắt nghĩa và đánh giá khác nhau đối với các tác phẩm đã và đang trở thành một hiện tượng thời sự. Trên bình diện lý thuyết, người ta cũng đã bắt đầu nói nhiều đến vấn đề tính đa nghĩa của tác phẩm văn chương. Mặc dù chỗ này hay chỗ khác vẫn còn có những ý kiến chưa đồng tình, nhưng nhìn chung, phần lớn giới nghiên cứu và phê bình văn học ngày nay đã xác nhận hiện tượng đa nghĩa như là một đặc tính hữu cơ của nghệ thuật nói chung và của văn học nói riêng.



Thực ra, tính đa nghĩa của các hình tượng và tác phẩm nghệ thuật đã được nhận biết từ lâu trong đời sống lịch sử nghệ thuật của thế giới. Các nghệ sĩ bậc thầy trong quá khứ đã nhiều lần lưu ý đến tính chất đa nghĩa đầy thú vị của văn chương và nghệ thuật trong sự tiếp nhận của người đọc, người nghe, người thưởng thức. L. Tolstoi thích nhắc đến câu châm ngôn nổi tiếng: “Những cuốn sách có số phận của riêng mình trong đầu bạn đọc”. Còn Anatol France thì khẳng định một cách chắc chắn rằng: “… không một câu thơ nào của Iliade và Thần khúc trong cách hiểu của chúng ta lại còn giữ nguyên được cái ý nghĩa mà thoạt đầu người ta gán cho nó”.


Trong lịch sử mỹ học, tính đa nghĩa cũng được ý thức từ rất sớm ở cả phương Đông lẫn phương Tây. Ở phương Tây, có lẽ I. Kant – nhà triết học và mỹ học cổ điển Đức – là người đầu tiên nêu ra ý tưởng về tính đa nghĩa của các hình tượng và biểu tượng nghệ thuật mà ông gọi là các “ý niệm thẩm mỹ”(1). Còn ở phương Đông, người xưa cũng đã không ít lần nói đến cái bản chất hàm súc, thâm diệu của văn chương và cùng với đó là sự phức tạp, đa dạng của hoạt động tiếp nhận nơi người đọc. Lưu Hiệp – nhà lý luận kiệt xuất của Trung Hoa cổ đại – cho rằng: “Tác phẩm văn chương sở dĩ phức tạp là vì nội dung và hình thức đều đa dạng, (…). Mỗi người đều chỉ giải thích theo một khía, lấy nó để tìm hiểu [văn chương là] cái biến đổi vạn nơi”(2).


Đối với nghiên cứu và phê bình văn học hiện đại thế giới, mặc dù đã được đề cập đến ít nhiều từ trước đó, nhưng phải đợi đến sự xuất hiện của công trình Bảy loại mơ hồ đa nghĩa (Seven types of Ambiguity – 1930) của nhà Phê bình Mới William Empson, tính đa nghĩa mới được chú ý quan tâm một cách rộng rãi ở phương Tây như là một trong những đặc trưng cốt yếu của văn học, đặc biệt là của thơ ca. Do tính khách quan, phổ biến và tầm quan trọng của vấn đề, các nhà ngữ văn học trên thế giới trong khi nghiên cứu phương diện này hay phương diện khác của ngôn ngữ và văn học đã không tránh khỏi đề cập đến tính đa nghĩa của văn học. Những nhận định và kiến giải của họ từ nhiều quan niệm và trường phái khác nhau đã góp phần soi sáng vấn đề tính đa nghĩa của văn học từ nhiều góc độ. Tuy nhiên, qua đó người ta cũng thấy rằng tính đa nghĩa của văn học cho đến nay – cũng như nhiều vấn đề khác của văn học – vẫn còn là một vấn đề nằm trong vòng tranh luận và chưa thật sự được giải quyết thấu đáo.


Trên phạm vi trong nước, ngay từ đầu những năm 1970, trong hai bài báo đăng trên Tạp chí Văn học, ông Nguyễn Văn Hạnh, trên cơ sở phân tích vận dụng tư tưởng của Lênin về văn học nghệ thuật, đã sớm lưu ý đến “ý nghĩa khách quan của tác phẩm”. Ông cho rằng “có thể có sự không phù hợp giữa động cơ tư tưởng, kết quả của sự phản ánh với ý nghĩa khách quan của tác phẩm”; và “giá trị của một tác phẩm thật ra không chỉ đóng khung lại trong phạm vi sáng tác, mà còn lan ra rộng đến phạm vi “thưởng thức””. Quan điểm này buộc người nghiên cứu trong khi tiến hành đánh giá tác phẩm “không thể chỉ dừng lại ở việc đối chiếu cái được và cái phản ánh, ở sự phân tích “cấu trúc bên trong” của tác phẩm, mà phải chú ý đến tác dụng thực tế của tác phẩm, phản ứng của người đọc đối với nó, cơ sở xã hội – lịch sử và tâm lý của sự tiếp thu”. Bởi vì, “như là kết quả của sự sáng tác, giá trị của tác phẩm là cố định và ở trong thế khả năng; trong sự tiếp thu của người đọc, giá trị của tác phẩm có phần biến đổi và mới là hiện thực”. Theo ông, tác phẩm “có nhiều cách tiếp thu” và “ý nghĩa xã hội thực tế của tác phẩm qua các môi trường và thời đại đều có những biến đổi nhất định trên cơ sở nội dung và hình thức đã cố định của tác phẩm”(3). Rõ ràng những ý kiến của ông Nguyễn Văn Hạnh có liên quan trực tiếp đến vấn đề tính đa nghĩa của tác phẩm văn học, và đã được thảo luận sôi nổi trong giới nghiên cứu phê bình văn học lúc bấy giờ. Có người ủng hộ, nhưng nhiều hơn cả vẫn là những ý kiến tranh luận(4). Có thể thấy, rất tiếc do những điều kiện khách quan và kể cả chủ quan của thời bấy giờ, những vấn đề liên quan đến tính đa nghĩa của văn học đã không có được những tiền đề thuận lợi để tiếp tục được khẳng định và được đi sâu nghiên cứu làm rõ thêm.


Bắt đầu từ nửa sau những năm 1980, trong bối cảnh đất nước và học thuật đổi mới, vần đề tính đa nghĩa của văn học lại được nhiều nhà nghiên cứu lý luận quan tâm đề cập đến. Một trong những người đầu tiên đặt lại vấn đề tính đa nghĩa của tác phẩm văn học trong giáo trình viết cho bậc đại học là ông Lê Bá Hán. Trong cuốn Cơ sở lý luận văn học (1985), ông đã có những kiến giải thuyết phục về “hiện tượng cảm thụ và đánh giá khác nhau đối với tác phẩm nghệ thuật”. Theo ông, cần phải truy tìm nguyên nhân của “hiện tượng lý thú” này từ hai phía: những đặc trưng của hình tượng nghệ thuật cũng như từ sự phân hóa phức tạp của người đọc và đặc thù của sự cảm thụ nghệ thuật(5). Ông Trần Đình Sử, một trong những người quan tâm nhiều đến tính đa nghĩa của văn học, cũng đã có những nhận định quan trọng về vấn đề. Trong cuốn Lí luận văn học (1987) và đặc biệt trong bài báo “Tính mơ hồ, đa nghĩa của văn học” (1996), ông đã lý giải tính đa nghĩa của văn học trên cơ sở mối quan hệ của nó với đặc trưng của nội dung nghệ thuật, của “tư duy mơ hồ” của con người và tập trung phân tích những hình thức biểu hiện của tính đa nghĩa trong văn học trên nhiều cấp độ trong cấu trúc của tác phẩm(6).
Ngoài ra, những vấn đề về tính đa nghĩa của văn học cũng được đề cập đến một cách gián tiếp và rải rác đây đó trong các công trình khoa học của một số nhà lý luận và phê bình văn học khác trong nước, trong đó đáng chú ý là công trình của các ông Hoàng Trinh, Lê Ngọc Trà, Nguyễn Phan Cảnh, Trương Đăng Dung, Nguyễn Văn Dân … Các nhà nghiên cứu lý luận, phê bình văn học nước ta trong khi giới thiệu, nghiên cứu, vận dụng lý thuyết ký hiệu học, ngữ nghĩa học, hiện tượng học, chú giải học, mỹ học tiếp nhận v.v.. đã ít nhiều đụng chạm đến những khía cạnh khác nhau của vấn đề tính đa nghĩa trong văn học.


2. Mặc dù tính đa nghĩa của văn học đang dần dần được xác nhận cả trong thực tiễn lẫn trên bình diện lý thuyết, nhưng hiện tại chúng ta vẫn chưa có một quan niệm thống nhất về vấn đề này. Ngay cả việc hiểu thế nào là đa nghĩa cũng chưa có được sự nhất trí. Nội hàm của khái niệm đa nghĩa có khi được xác định quá rộng, có khi lại quá hẹp; khi thừa, khi thiếu. Do đó, cũng thật là cần thiết để đi đến xác định một cách hiểu hợp lý về tính đa nghĩa của văn học.


Đa nghĩa (thuật ngữ tiếng Anh: ambiguity) – được hiểu một cách phổ biến nhất là có hai hay nhiều nghĩa(7). Đó là một khái niệm được đề cập đến trong nhiều khoa học khác nhau, đặc biệt là trong lĩnh vực nghiên cứu ngữ nghĩa học và ngôn ngữ học.


Trong ngôn ngữ học, khái niệm đa nghĩa được dùng để chỉ những hiện tượng mà ở đó một từ, một câu hay một phát ngôn chứa đựng khả năng được hiểu theo hai hay nhiều cách khác nhau. Các nhà ngôn ngữ học xem đa nghĩa là một hiện tượng mang tính chất phổ biến và chung cho mọi ngôn ngữ tự nhiên trên thế giới mà nguyên nhân sâu xa là do tính chất võ đoán cũng như sự thiếu tương ứng một đối một giữa cái-biểu-đạt và cái-được-biểu-đạt trong các tín hiệu ngôn ngữ. Họ thường phân biệt hiện tượng đa nghĩa từ vựng và đa nghĩa cú pháp. Tuy nhiên, những nghiên cứu ngôn ngữ học cho thấy những hiện tượng đa nghĩa trong ngôn ngữ thường nằm trong thế khả năng hơn là có thực, bởi trong hoạt động ngôn ngữ thông thường của con người, ngoại trừ những trường hợp cố ý (câu đố, truyện cười v.v…), người ta luôn tìm cách khắc phục hay hạn chế tính đa nghĩa của các phát ngôn.


Đối với văn học, đa nghĩa được xem là một trong những đặc điểm quan trọng và thường trực của tác phẩm, đặc biệt là của ngôn từ nghệ thuật thơ ca. Đa nghĩa trong văn học – hiểu theo nghĩa rộng nhất của khái niệm này – là hiện tượng mà bất kỳ một hình thức biểu đạt nghệ thuật nào đó có thể gây ra những cách cảm thụ và cắt nghĩa khác biệt nhau, cho dù là nhỏ nhất, về nó(8). Đó cũng là quan niệm của William Empson – người đầu tiên tiến hành phân loại hiện tượng đa nghĩa trong văn học. W. Empson cho rằng: “bất kỳ sự khác biệt nào, cho dù là nhỏ nhất, tạo khả năng cho những cách cắt nghĩa khác nhau đối với cùng một hình thức biểu đạt bằng ngôn ngữ” đều là một kiểu loại đa nghĩa(9).
Với cách hiểu như trên về đa nghĩa trong văn học, thì một câu ca dao tưởng chừng hết sức giản dị như:


Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra


vẫn hàm chứa những khả năng đa nghĩa khi mà cách cảm thụ, cách hiểu và cắt nghĩa về nó có thể có những khác biệt. Ở đây, công cha không phải chỉ được hiểu một cách duy nhất là lớn lao (to lớn như núi Thái Sơn), mà còn có thể được cắt nghĩa theo nhiều cách khác nữa: là hiển nhiên mà ai ai cũng thấy (sừng sững như núi Thái Sơn), là bất di bất dịch (vững chãi như núi Thái Sơn), là không thể phủ nhận được (nặng như núi Thái Sơn)… Tương tự như thế, nghĩa mẹ trong câu ca dao đâu chỉ là dồi dào và vô tận, mà còn là trong trẻo và vô tư, là mát lành và ngọt ngào v.v….


Đến một hình tượng nghệ thuật xuất sắc như Thúy Kiều trong kiệt tác của Nguyễn Du cũng biểu hiện tính đa nghĩa rất cao khi mà lịch sử tiếp nhận Truyện Kiều cho thấy đã có những khác biệt hết sức đa dạng. Cùng đứng trên lập trường phong kiến chính thống, Nguyễn Công Trứ lên án Kiều một cách gay gắt: Bạc mệnh chẳng lầm người tiết nghĩa / Đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm, trong khi đó, những người như Minh Mạng, Tự Đức, Nguyễn Văn Thắng lại ca ngợi Kiều như một tấm gương biết “giữ tròn đạo hiếu”, “biết tiết, biết nghĩa”, “xét sau trước đủ trung trinh hiếu nghĩa”. Còn với lớp nho sĩ bất đắc chí lúc bấy giờ như Phạm Quý Thích, Chu Mạnh Trinh, Mộng Liên đường chủ nhân, Kiều là bóng dáng của cuộc đời và số phận của chính họ – cái số phận tài tình mà bạc mệnh. Với các nhà văn lãng mạn thời kỳ 1932-1945, Kiều lại là biểu tượng của một con người mang cái nhân tính muôn thuở. Và với độc giả ngày nay, Kiều chính là hiện thân của một kiểu tư tưởng đạo đức và lý tưởng thẩm mỹ, có đủ cả sắc lẫn tài, cả hạnh và tình, nhưng đồng thời nàng cũng là hiện thân của một hiện thực khổ đau và một vận mệnh bi kịch.


Về cơ bản, những khác biệt trong cách cắt nghĩa đối với những hình thức biểu đạt trong tác phẩm văn học cho dù ở cấp độ nào cũng thường dẫn đến sự khác biệt trong cách hiểu, cách lý giải và đánh giá đối với toàn bộ tác phẩm. Ví như trong trường hợp tiếp nhận Truyện Kiều nói trên, đối với Minh Mạng, Tự Đức, Nguyễn Văn Thắng, Truyện Kiều rõ ràng là một câu chuyện về “trung hiếu tiết nghĩa”, minh họa cho đạo đức và lễ giáo phong kiến; đối với Phạm Quý Thích, Chu Mạnh Trinh, Mộng Liên đường chủ nhân thì Truyện Kiều không gì khác hơn một câu chuyện về “tài mà không được gặp gỡ, tình mà không được hả hê”, cái căn nguyên đoạn trường là ở đó; và đối với nhà phê bình mácxít ngày nay, tác phẩm kiệt xuất của Nguyễn Du nổi bật ở giá trị hiện thực và tấm lòng nhân đạo của nhà thơ.
Như vậy, có thể thấy rằng tính đa nghĩa của văn học cũng chính là khả năng tác phẩm cho phép được hiểu, được cắt nghĩa và đánh giá theo những cách khác nhau trong quá trình tiếp nhận của công chúng độc giả.


Hiện nay một số người có xu hướng mở rộng khái niệm đa nghĩa đến mức thái quá khi quan niệm đa nghĩa trong văn học là ở chỗ tác phẩm ngoài cái nghĩa đen còn có cái nghĩa bóng. Chẳng hạn, nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Văn Dân đã dẫn ra trường hợp có người cho rằng tác phẩm Dịch hạch của Albert Camus là đa nghĩa bởi vì ngoài cái nghĩa đen nói về một nạn dịch hạch có thật còn có cái nghĩa bóng về sự đe dọa của Cái Aùc bản thể đối với loài người. Theo chúng tôi, việc tác phẩm có cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng không phải là biểu hiện đích thực của đa nghĩa trong văn học; bởi vì nội dung ý nghĩa thực sự của một tác phẩm không nằm ở nghĩa đen, trên bình diện ngôn ngữ nói chung. Nói ông Nguyễn Văn Dân: “… sự đa nghĩa phải được xét trên cấp độ và văn cảnh cụ thể của văn bản, chứ không xét trên cấp độ ngôn ngữ nói chung”(10)

.

Ngược lại, một số người khác lại có xu hướng thu hẹp phạm vi đa nghĩa vào dụng ý của tác giả. Theo họ, việc xét một tác phẩm có đa nghĩa hay không phải dựa vào trên cơ sở ý đồ của tác giả. Nếu như tác giả có dụng ý biểu hiện lập lờ, nước đôi, cố tình tạo ra những cách hiểu khác nhau đối với tác phẩm của họ như trường hợp bài thơ Vịnh tiến sĩ giấy của Nguyễn Khuyến, Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương, … thì tác phẩm ấy được xem là đa nghĩa; còn những trường hợp khác không dựa vào ý đồ của tác giả chỉ có thể xem là hiểu sai, hiểu nhầm, là ngộ nhận. Ngày nay người ta nhận thấy rằng việc tìm hiểu ý nghĩa của tác phẩm chỉ dựa trên ý đồ của tác giả đã bộc lộ những hạn chế của phê bình văn học truyền thống. Bởi vì, cái gọi là dụng ý hay ý đồ của tác giả trong nhiều trường hợp là không thể xác định được, chẳng hạn đối với các tác phẩm khuyết danh, hoặc mơ hồ, không rõ ràng như trường hợp bài thơ Thề non nước của Tản Đà. Mặt khác, không ai có thể chắc chắn ý thức hết việc mình làm, nhất là trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật; và thực tế sáng tác văn học cho thấy có không ít tác phẩm mà ở đó những gì được viết ra đôi khi đi chệch khỏi ý đồ hoặc vượt quá dụng ý ban đầu của tác giả. Hơn nữa, những gì là dụng ý hay ý đồ của nhà văn không phải là cái nằm bên ngoài, mà phải được thể hiện bằng chính văn bản và nằm trong văn bản. Do vậy, hiện tượng đa nghĩa của văn học có khi được tạo nên một cách có ý thức do chủ ý của nhà văn, nhưng cũng có khi được biểu hiện một cách “tự nhiên” trong quá trình tiếp nhận dựa trên cơ sở văn bản ngôn từ và sự cắt nghĩa của người đọc phù hợp với lôgích nội tại của tác phẩm. Không ai cho rằng Nguyễn Du, Shakespeare, Cervantes hay Goethe… cố ý tạo nên những tác phẩm đa nghĩa, nhưng thực tế tiếp nhận hết sức đa dạng đối với Truyện Kiều, với Hamlet, với Don Kisot hay Faust… là không thể phủ nhận được.


Cũng có người hiểu đa nghĩa trong văn học là hiện tượng tác phẩm mở ra những cách hiểu tương phản, mâu thuẫn hoặc ít nhất cũng khác biệt nhau hoàn toàn như trường hợp hình tượng nhân vật Thúy Kiều và tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du. Hiện tượng đa nghĩa biểu hiện ở những lớp ý nghĩa trái ngược về tác phẩm là một điều hết sức thú vị, chỉ có ở những tác phẩm văn học nghệ thuật, nhưng đa nghĩa cũng có thể được biểu hiện qua những lớp ý nghĩa mà ở đó quan hệ của chúng là bổ sung cho nhau như trường hợp bài ca dao Công cha… nói trên hoặc khác nhau về mức độ rộng hẹp, nông sâu. Điều đáng nói là ở chỗ những ý nghĩa khác nhau được tạo nên do những khác biệt trong sự cắt nghĩa về tác phẩm văn học, cho dù có quan hệ bổ sung hay trái ngược, đều không hề loại trừ nhau mà cùng tồn tại như những giá trị khác nhau trong đời sống lịch sử của nó cũng như trong tâm trí của người đọc (tác phẩm văn học, một phần do đó, trở thành những thực thể đa trị). Một độc giả văn học đích thực khi tiếp nhận một tác phẩm đa nghĩa nào đó sẽ không bị rơi vào tình huống lúng túng buộc phải lựa chọn giữa nghĩa này hay nghĩa kia, ngược lại, anh ta sẽ cảm thấy thực sự lý thú khi cùng lúc vừa hướng đến nghĩa này lại vừa hướng đến nghĩa khác, cùng lúc rút ra và lưu giữ những hàm nghĩa phong phú khác nhau của tác phẩm.


Thực tế tiếp nhận cho thấy rằng tính đa nghĩa được biểu hiện trên tất cả các cấp độ trong cấu trúc chỉnh thể của tác phẩm văn học, từ ngôn từ đến hình tượng và kết cấu … Tính đa nghĩa của văn học cũng có thể được biểu hiện ở những mức độ và tính chất không như nhau đối với các tác phẩm khác nhau, thể loại và kiểu sáng tác khác nhau. Cùng là những sáng tác của L. Tolstoi và là những kiệt tác của văn chương nhân loại, nhưng so với Chiến tranh và hòa bình, tiểu thuyết Anna Karenina biểu hiện tính đa nghĩa ở một mức độ cao hơn. Về thể loại, tính đa nghĩa được biểu hiện ở thơ trữ tình và ở tác phẩm tự sự cũng có phần khác biệt. Chẳng hạn, đối với thơ trữ tình, biểu hiện đa nghĩa hay tập trung vào lớp ngôn từ và cấu trúc lời thơ; trong khi đó, biểu hiện đa nghĩa ở tác phẩm tự sự thường gắn với phương thức miêu tả, kết cấu truyện và sức mạnh khái quát của các hình tượng nhân vật. Về kiểu sáng tác, nhìn chung những kiểu sáng tác hiện đại thường mang lại cho tác phẩm tính chất đa nghĩa cao hơn nhiều so với những kiểu sáng tác cổ điển.


Tính đa nghĩa của văn học là hệ quả tất yếu của hàng loạt các quy luật cơ bản mang tính chất đặc thù của hoạt động sáng tạo văn học trên tất cả các phương diện từ sáng tác của nhà văn, đến văn bản nghệ thuật và sự tiếp nhận của công chúng độc giả. Nó cho thấy sự độc đáo của quá trình nhận thức đời sống bằng nghệ thuật, thông qua tư duy nghệ thuật. Nó là minh chứng cho tính chất toàn vẹn, sâu thẳm, không thể nào dò hết được của nội dung nghệ thuật. Nó được tạo nên bởi tính chất đặc thù vừa chặt chẽ vừa lỏng lẻo, vừa khép kín lại vừa mở ngỏ của văn bản nghệ thuật ngôn từ. Nó phản ánh tính chất phức tạp, đa dạng, đồng thời cũng đầy năng động, sáng tạo của quá trình cảm thụ nghệ thuật.


Cuối cùng, cũng có thể thấy rằng, tuy tính đa nghĩa là một đặc trưng quan trọng và phổ biến ở văn học, nhưng có lẽ không nên xem đó hoàn toàn như là thước đo chất lượng của tác phẩm. Thực tế có những tác phẩm thật sự xuất sắc nhưng cách hiểu về nó là tương đối thống nhất. Ngược lại, một tác phẩm có biểu hiện đa nghĩa chưa hẳn đã là tác phẩm hay. Bởi vì cái gọi là giá trị của một tác phẩm văn học phải là một đại lượng mang tính tổng thể và chất lượng của một tác phẩm văn học sẽ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Tuy nhiên, có thể nói không quá đáng rằng tính đa nghĩa cũng là một phương diện quan trọng thể hiện phẩm chất của một tác phẩm, bởi đó chính là minh chứng cho cái năng lượng nội tại, cho tiềm năng dồi dào và sức sống mạnh mẽ của tác phẩm trong sự tồn tại và quá trình hành chức nghệ thuật của nó.


Chú thích:
*. Nguyên văn: Một vài suy nghĩ thêm về tính đa nghĩa của văn học
(1) Xem Iu.A.Lukin, V.C.Xcacherơsiccốp, Nguyên lý mỹ học Mác- Lênin, Nxb Sách giáo khoa Mác – Lênin, H., 1984, tr. 123.
(2) Aristote, Lưu Hiệp, Nghệ thuật thơ ca – Văn tâm điêu long, Nxb Văn học, H., 1999, tr. 32.
(3) Nguyễn Văn Hạnh, “Ý kiến của Lênin về mối quan hệ giữa văn học và đời sống” và “Một số điểm cần nói rõ thêm về vấn đề nghiên cứu tác phẩm văn học”, Tạp chí Văn học số 4 – 1971 và số 2 – 1972.
(4). Xem Tạp chí Văn học các số 4, 5, 6 – 1971 và 1, 2, 5, 6 – 1972.
(5) Lê Bá Hán, Hà Minh Đức, Cơ sở lý luận văn học, tập II, Nxb Đại học và trung học chuyên nghiệp, H., 1985, tr. 58 – 68.
(6) Trần Đình Sử (viết chung), Lí luận văn học, tập II, Nxb Giáo dục, H., 1987 // “Tính mơ hồ đa nghĩa của văn học”, Tạp chí Văn học, số 1-1996.
(7) Katie Wales, A Dictionary of Stylistics, Longman, London and New York, 1989, tr. 19.
(8) R.E. Asher (Editor-in-chief), The Encyclopedia of Language and Linguistics, Volume 1, Pergamon Press, Oxford-New York-Seoul-Tokyo, 1994, tr.90.
(9) The Ideas of Literature, Progress Publishers, Moscow, 1979, tr. 230.
(10) Nguyễn Văn Dân, Phương pháp luận nghiên cứu văn học, Nxb Khoa học xã hội, H., 2004, tr.148 – 149. ThS. Trần Thanh Bình
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top