Suy nghĩ của em về những điều người cha nói với con trong bài thơ "Nói với con" của Y Phương.
BÀI LÀM
Ngoài trời, mưa phùn bay, chợt nghe vang vọng đâu đây giai điệu bài thơ Nói với con của nhà thơ Y phương. Những lời thơ giản dị nhưng có sức ám ảnh lạ thường trong tâm trí độc giả. Những điều người cha nói với con trong bài thơ phải chăng cũng chính là lời căn dặn yêu thương mà biết bao nhiêu người cha muốn con mình thấu hiểu ? Mỗi lần đọc bài thơ là một lần ta cúi đầu thành kính trở về với cội nguồn, với những gì thân thương nhất.
Nhan đề “Nói vói con” đã gợi ra một tứ thơ xuyên suốt chiều dài thi phẩm.
Bài thơ gồm hai khổ thơ dài là dòng cảm xúc đang trào dâng từ đáy lòng cha, về ngày con sinh ra và tập đi, tập nói - sự sống của con gắn liền với làng quê từ đó :
Chân phải bước tới cha
Chân trái bước tới mẹ
Một bước chạm tiếng nói
Hai bước tới tiếng cười.
Đứa con ra đời - một sinh linh bé bỏng vẫy chào sự sống. Bước đi đầu tiên của con là bước đi về phía mẹ cha. Cha dạy con đứng vững, mẹ dạy con tiếng nói điệu cười. Cha mẹ dạy cho con biết đón nhận tình yêu thương và yêu thương lại người quê mình. Yêu những gì giản dị nhất, thân thuộc nhất của cuộc sống người dân, là hình ảnh đan lờ, là cách ken vách nhà... gắn liền với lao động, với câu hát dân ca truyền thống. Người cha muốn con hiểu rằng con đã lớn lên từ đó - từ bước chân, từ tiếng nói điệu cười của mẹ cha, từ cuộc sống lam lũ nhưng thanh bình vui tươi của người dân quê ta. Những gì giản dị nhất nhưng không hề nhỏ bé, những gì bình thường nhất nhưng lại có ý nghĩa lớn lao. Rừng đã cho hoa, con đường cho những tấm lòng ... đó là sự sống đích thực. Ngày cưới cha mẹ - cái “ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời” - ngày cha và mẹ được tác hợp bởi “duyên trời” - cũng ngày đó sự sống của con đã bắt đầu phôi thai. Người cha muốn con mình biết về ý nghĩa của ngày ấy - kỉ niệm thiêng liêng không bao giờ phai mờ đối với mẹ cha và giờ đây lại in dấu trong lòng con.
Nếu như ở khổ một, Y Phương đã mở ra cho con kí ức đẹp về sự sống của đời con thì ở khổ hai, ông nhấn mạnh đến sự gắn bó tinh thần giữa cuộc sống của con và quê hương. Những điều tưỏng giản dị lại là tiếng nói của cội nguồn đấy. Những gì đời thường nhất là điều con cần nghĩ suy đấy. Nhà thơ đã nhắc lại nhiều lần cụm từ “người đồng mình” gợi cảm giác thân quen, tình cảm. Chẳng có gì quí giá, thiêng liêng bằng tình quê, chẳng ai có thể chia sẻ niềm vui nỗi buồn chân thành bằng người dân quê mình. Họ sống vô tư, trong sáng, họ lao động hết sức mình và hưởng thụ những gì mình có - một cuộc sống thanh thản trong tình yêu thương. Cha đã truyền ngọn lửa tình yêu cho đời con, thắp sáng tâm hồn con bằng việc nói cho con hiểu về con người và mảnh đất “trên đá, trong thung, lên thác xuống ghềnh” này.
Người dân quê mình dù “thô sơ da thịt” nhưng không tầm thường về tâm hồn, trí tuệ. Họ biết vun đắp, xây dựng làng quê, biết dệt nên những phong tục, biết tôn vinh quê hương. Họ chăm chỉ, chất phác nhưng cao thượng vô cùng. Phải chăng chính họ đã truyền đời những phong tục, làm nên bao huyền thoại. Họ là :
“Những người vợ nhớ chồng còn góp cho đất nước những núi Vọng Phu
Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái...”.
Từ hiểu biết về cội nguồn quê hương, cha muốn nhắn nhủ con sống sao cho xứng đáng với những người đi trước, sống cho đẹp với nơi chôn rau, cắt rốn. Tạo hoá sinh ra và trao cho ta một thể xác, một linh hồn. Đừng bao giờ hèn hạ đánh mất mình. Người cha muốn con sống cao thượng vì đó là nguồn sức mạnh để con trưởng thành. Quê hương là tấm gương lớn để con soi vào mỗi khi lạc bước. Con sẽ thấy mình đẹp hơn trong tấm gương cội nguồn thiêng liêng ấy.
Đọc những vần thơ của Y Phương ta như đang gặp chính làng quê mình, tâm hồn mình như đang được soi chiếu. Con sinh ra từ mẹ cha, con lớn lên bằng tình thương yêu và con sẽ trưởng thành từ nhận thức về cội nguồn, về sức sống mãnh liệt của làng quê mình. Mỗi làng quê là một phần trong đất nước và mỗi làng quê cũng là một phần trong trái tim con người - trái tim cha và con.
Sưu tầm