Sự vận động của tiểu thuyết quốc ngữ từ truyện thầy lazaro phiền (nguyễn trọng quản) đến tố tâm (hoà

  • Thread starter Thread starter Cua Ta
  • Ngày gửi Ngày gửi

Cua Ta

New member
Sự vận động của tiểu thuyết quốc ngữ từ truyện thầy lazaro phiền (Nguyễn Trọng Quản) đến Tố Tâm (Hoàng Ngọc Phách)


MỞ ĐẦU

1. Lí do chọn đề tài
a. Giai đọan cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong toàn bộ tiến trình lịch sử của văn học Việt Nam. Đây là chặng chuyển tiếp, là buổi giao thời giữa hai thời kì văn học trung đại và văn học hiện đại. Đồng thời đây cũng là giai đoạn khởi đầu của một thời kì văn học đang có sự đan xen giữa các yếu tố mới – cũ, bắt đầu cho quá trình hiện đại hóa văn học. Sự biến đổi đó đã tạo cơ hội cho nhiều thể loại mới ra đời và phát triển, trong đó không thể không kể đến tiểu thuyết – thể loại chủ công của văn học hiện đại.

b. Tiểu thuyết giai đoạn này có vị trí quan trọng trong sự vận động, phát triển chung của lịch sử văn học dân tộc. Đây là giai đoạn mang tính khởi đầu cho sự hình thành của một thể loại mới – tiểu thuyết tự sự hiện đại. Điều đó được thể hiện rõ qua những sáng tác tiêu biểu, đặc biệt là những cột mốc quan trọng trong tiến trình vận động của nền văn học Việt Nam. Nổi bật hơn cả là Truyện Thầy Lazaro Phiền (1887) của Nguyễn Trọng Quản - tác phẩm mở đường cho tiểu thuyết quốc ngữ và gần 40 năm sau đó mới xuất hiện Tố Tâm (1925) của Hoàng Ngọc Phách – dấu ấn đầu tiên của tiểu thuyết lãng mạn. Điều đó chứng tỏ, tiểu thuyết quốc ngữ sau bước khởi đầu đã có một quá trình tích lũy lâu dài nay đã đạt đến độ chín, chuẩn bị cho những tiến bộ về kĩ thuật, những cuộc cách mạng văn chương thực sự sẽ diễn ra sau này.

c. Tuy nhiên, vấn đề trên hiện còn là một khoảng lặng chưa có một công trình nghiên cứu chuyên sâu, hệ thống. Do vậy, chúng tôi chọn đề tài: Sự vận động của tiểu thuyết quốc ngữ từ Truyện Thầy Lazaro Phiền (Nguyễn Trọng Quản) đến Tố Tâm (Hoàng Ngọc Phách) với mong muốn tìm hiểu rõ sự hình thành, chuẩn bị, tích lũy và vận động của thể loại tiểu thuyết thuộc giai đoạn khởi đầu này.

2. Lịch sử vấn đề nghiên cứu
Tiểu thuyết quốc ngữ Việt Nam giai đoạn cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX là đối tượng đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm chú ý. Nhưng tùy theo mỗi giai đoạn mà vấn đề này được nghiên cứu ở từng mức độ nhất định. Thực tế cho thấy, hoạt động nghiên cứu thể loại tiểu thuyết giai đoạn khởi đầu đã diễn ra theo nhiều xu hướng đánh giá khác nhau.

Xu hướng đánh giá thứ nhất cho rằng, tiểu thuyết Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách là tác phẩm mở đầu cho thể loại tiểu thuyết hiện đại Việt Nam. Ý kiến này được diễn đạt trong một số công trình của các tác giả như: Dương Quảng Hàm, Phạm Thế Ngũ, Phan Cự Đệ...

Không đồng nhất với hướng đánh giá trên, nhiều học giả khác đã xác định lại vị trí của các hiện tượng tiểu thuyết quốc ngữ. Đáng chú ý là các công trình, bài viết của Nguyễn Văn Trung, Bùi Đức Tịnh, Nguyễn Q. Thắng, Nguyễn Kim Anh, Nguyễn Phong Nam, Nguyễn Huệ Chi, Võ Văn Nhơn, Hoàng Dũng... Hầu hết các nhà nghiên cứu đều cho rằng: Truyện Thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản là tác phẩm mở đường cho thể loại tiểu thuyết hiện đại Việt Nam.

Ngoài hai xu hướng đánh giá trên, một số nhà nghiên cứu về tiểu thuyết giai đoạn này còn đưa ra một hướng nhận định khác. Không tán đồng với ý kiến cho rằng: Tố Tâm là tác phẩm mở đầu của thể loại tiểu thuyết hiện đại Việt Nam, nhóm tác giả này đã định vị lại chỗ đứng cho sáng tác của Hoàng Ngọc Phách: vị trí khởi đầu của trào lưu tiểu thuyết tình cảm lãng mạn. Ý kiến này đã được Vũ Bằng, Phong Lê, Bùi Việt Thắng, Võ Phúc Châu... thể hiện rõ trong các công trình nghiên cứu của mình.

Tóm lại, tiểu thuyết quốc ngữ đã hình thành từ những năm cuối thế kỉ XIX, nhưng phải sau đó một khoảng thời gian dài thì thể loại này mới được giới nghiên cứu quan tâm chú ý. Hầu hết, các nhà nghiên cứu đều tập trung vào những tác giả, tác phẩm riêng lẻ mà chưa có cái nhìn bao quát, hệ thống về thể loại. Trên cơ sở tiếp cận vấn đề một cách có hệ thống, người viết mong muốn đóng góp một cách trình bày mới nhằm thể hiện rõ diện mạo cũng như sự vận động của tiểu thuyết quốc ngữ thuộc giai đoạn khởi đầu này.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Với khuôn khổ của đề tài, luận văn tập trung tìm hiểu các vấn đề cụ thể: quá trình hình thành, quy luật vận động và đặc điểm của tiểu thuyết quốc ngữ thuộc giai đoạn cuối thế kỉ XIX (1887) đến đầu thế kỉ XX (1925) thông qua những hiện tượng tiêu biểu. Đặc biệt là hai tác phẩm đã tạo nên những cột mốc văn học sử: Truyện Thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản và Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách.

4. Phương pháp nghiên cứu

Trong đề tài này, chúng tôi sử dụng một số phương pháp nghiên cứu chủ yếu sau:
Phương pháp lịch sử; Phương pháp hệ thống.

5. Bố cục của luận văn

Ngoài phần mở đầu, kết luận và tài liệu tham khảo, luận văn gồm có 3 chương:
Chương 1. Phác thảo diện mạo văn xuôi quốc ngữ giai đoạn cuối thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX
Chương 2. Truyện Thầy Lazaro PhiềnTố Tâm – những cột mốc văn học sử
Chương 3. Những thành tựu nghệ thuật tiểu thuyết giai đoạn khởi đầu (1887 – 1925)
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top