• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Sự vận động của thể thơ tự do trong văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến 1945

  • Thread starter Thread starter Cua Ta
  • Ngày gửi Ngày gửi

Cua Ta

New member
Sự vận động của thể thơ tự do trong văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến 1945

MỞ ĐẦU


1. Mục đích, ý nghĩa của đề tài
Thể loại trong văn học là phạm trù có tính tương đối ổn định, bền vững. Bên cạnh đó, thể loại văn học còn có tính lịch sử, tính thời đại. Nó được tái sinh và đổi mới trong từng giai đoạn của văn học và trong sáng tác của từng tác giả. Vì vậy, về mặt hình thức ngoài tính bất biến nó còn có yếu tố khả biến bởi ba lí do sau: thứ nhất là do tiến trình vận động đổi mới không ngừng của bản thân văn học, thứ hai là do tài năng sáng tạo của người cầm bút, thứ ba là để đáp ứng được yêu cầu thẩm mỹ của bạn đọc trong từng thời điểm lịch sử khác nhau. Điều đó làm nổi bật lên được bản chất của văn học – là quá trình tìm tòi và đổi mới. Sự ra đời của thể thơ tự do trong văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến 1945 cũng không nằm ngoài quy luật vận động đó của văn học.

Thơ tự do tuy mới xuất hiện ở Việt Nam vào mấy thập kỉ đầu của thế kỉ XX nhưng kể từ đó về sau thể thơ này đã khẳng định được vị trí và ưu thế của nó trên thi đàn hiện đại. Đến năm 2000, thơ tự do chiếm ưu thế 56% thơ Việt Nam.
Với xu thế phát triển mạnh như vậy, nên việc tìm hiểu quá trình vận động của thể thơ này ngay từ thời điểm nó mới sơ khai hình thành là việc làm cần thiết có tính khoa học.

Thơ tự do từ đầu thế kỉ XX đến 1945 gắn liền với một giai đoạn văn học đạt được những thành tựu rực rỡ có ý nghĩa xây nền tạo móng cho văn học Việt Nam hiện đại. Vì vậy, việc tìm hiểu Sự vận động của thể thơ tự do trong văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến 1945 có một sự bổ sung kiến thức rất lớn giúp cho công việc nghiên cứu, giảng dạy, học tập ở trường phổ thông tốt hơn, sâu hơn. Đó là vấn đề có ý nghĩa thực tiễn để chúng tôi lựa chọn đề tài này.

2. Lịch sử vấn đề

Trước 1945, hai tác giả đầu tiên nói đến vấn đề về sự ra đời của thể thơ tự do trong văn học Việt Nam đó là Hoài Thanh - Hoài Chân trong tác phẩm Thi nhân Việt Nam. Hai tác giả này cho chúng ta biết về khoảng thời gian ra đời của thể thơ tự do ở Việt Nam gắn liền với sự ra đời của phong trào Thơ Mới.

Từ 1945 đến 1986, hai tác giả Bùi Văn Nguyên và Hà Minh Đức có công trình nghiên cứu Thơ ca Việt Nam hình thức và thể loại. Mục đích của công trình này là tổng kết về hình thức thể loại của các thể thơ Việt Nam. Mặc dầu Bùi Văn Nguyên và Hà Minh Đức đã chỉ ra một số đặc điểm của thơ tự do… nhưng hai tác giả này vẫn chưa thật sự quan tâm đúng mức đến quá trình vận động để khai sinh ra thể thơ này trong diện mạo chung của văn học Việt Nam ở giai đoạn đầu thế kỷ XX đến 1945.
Đây cũng là khoảng thời gian mà các nhà nghiên cứu như: Lê Trí Viễn, Nguyễn Đình Chú, Nguyễn Văn Hạnh, Xuân Diệu…đã bắt đầu chú ý đến khuynh hướng hiện đại hóa trong sáng tác của một số trào lưu, một số nhà thơ tiêu biểu của giai đoạn từ đầu thế kỉ XX dến 1945.

Từ 1986 đến nay, có thể kể dến các công trình nghiên cứu của Mã Giang Lân (Tiến trình thơ Việt Nam hiện đại), Vũ Anh Tuấn ( Chuyên luận Nửa thế kỉ thơ Việt Nam 1945 – 1995), Phạm Quốc Ca ( Mấy vấn đề về thơ Việt Nam 1975-2000), Thơ Việt Nam hiện đại của Phong Lê, Vũ Văn Sỹ, Bích Thu, Lưu Khánh Thơ…Các tác giả trên đều đã khẳng định ưu thế nổi bật của thơ tự do trong khuynh hướng chung của thơ ca hiện đại Việt Nam.

Ngoài ra còn có những bài đăng trên báo của Trần Đình Sử, Trần Thanh Đạm và của nhiều cây bút khác nữa…
Qua thu thập và xử lí các nguồn tài liệu, chúng tôi có những nhận xét như sau. Xung quanh vấn đề về thơ tự do như đã phân tích ở trên hầu hết các tác giả đều xoay quanh các ý kiến về sự ra đời của thơ tự do ở Việt Nam, đặc điểm, nguồn gốc xuất xứ, xu hướng và ưu thế phát triển của nó trong tiến trình phát triển của văn học Việt Nam hiện đại. Cũng như ý nghĩa về sự ra đời của thể thơ tự do cùng với sự tồn tại rất khó khăn của nó trong một thời điểm lịch sử nhất định của văn học dân tộc. Dẫu vậy, chúng tôi chưa thấy có tác giả nào đi vào nghiên cứu một cách có hệ thống về sự vận động của thể thơ tự do từ đầu thế kỉ XX đến 1945 trên cả hai phương diện nội dung và hình thức. Vì vậy, hy vọng rằng đề tài này của chúng tôi sẽ góp một phần nhỏ bé và khiêm nhường vào việc tiếp tục giải quyết những vấn đề đang được đặt ra theo hướng nghiên cứu sự vận động của thể thơ tự do từ đầu thế kỉ XX đến 1945.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận văn là sự vận động của thể thơ tự do trong văn học Việt Nam từ đầu thể kỷ XX đến 1945. Khi tìm hiểu sự vận động của thể thơ tự do từ đầu thể kỷ XX đến 1945, chúng tôi đi vào tìm hiểu những tiền đề từ bên trong và sự ảnh hưởng từ bên ngoài có ý nghĩa tác động đến sự ra đời và phát triển của thể thơ này ở Việt Nam cùng với những biểu hiện cụ thể của nó trong quá trình vận động. Từ đó, khẳng định sự ra đời và phát triển của thể thơ này là phù hợp với quy luật phát triển và tiếp biến của hình thức văn học.

3.2. Phạm vi nghiên cứu
Sự vận động của thể thơ tự do từ đầu thể kỷ XX đến 1945 diễn ra trên nhiều phương diện nhưng trong phạm vi yêu cầu của một luận văn thạc sĩ, chúng tôi chỉ tập trung nghiên cứu sự vận động đó trên hai phương diện: sự vận động trên phương diện cái Tôi trữ tình và sự vận động trên phương diện hình thức.

Đề tài này có phạm vi khảo sát tương đối rộng. Để bao quát và chuyển tải được sự vận động của thể thơ tự do trong gần nửa thể kỷ phát triển văn học trong một dung lượng có hạn định, chúng tôi tập trung vào khảo sát những văn bản chính như sau: Tản Đà toàn tập-tập1 (2002), Nxb Văn học; Thơ văn Á Nam Trần Tuấn Khải (1984) Nxb Văn học; Thơ Tố Hữu (2005) Nxb Văn học, đối với tác giả này chúng tôi chỉ khảo sát tập thơ Từ Ấy; Thơ mới 1932- 1945 tác giả và tác phẩm (2004) Nxb Hội nhà văn.

4. Phương pháp nghiên cứu
4.1. Phương pháp cấu trúc, hệ thống
4.2. Phương pháp lịch sử
4.3. Các phương pháp khác

5. Đóng góp của luận văn
a. Luận văn đặt ra yêu cầu nghiên cứu sự vận động của thể thơ tự do trong văn học Việt Nam từ đầu thể kỉ XX đến 1945 một cách có hệ thống để từ đó chỉ ra được những biến đổi của nó trên hai phương diện: cái Tôi trữ tình; phương diện hình thức. Để từ đó góp vào việc phác thảo một diện mạo đầy đủ hơn về thơ tự do trong tiến trình phát triển của thơ Việt Nam hiện đại.
b. Từ việc nghiên cứu quá trình vận động qua những luận điểm, luận cứ, luận chứng được phân tích lí giải một cách cụ thể, luận văn góp phần khẳng định: sự ra đời của thể thơ tự do ở Việt Nam không phải là sự tiếp thu một cách thụ động hình thức thơ nước ngoài mà ở đó có cả một quá trình vận động, cách tân không ngừng từ những thể thơ truyền thống của dân tộc.

6. Bố cục của luận văn
Ngoài phần mở đầu và phần kết luận, tài liệu tham khảo, luận văn được chia thành ba chương:
Chương 1: Khuynh hướng tự do hóa hình thức trong văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến 1945
Chương 2: Sự vận động của thể thơ tự do từ đầu thế kỉ XX đến 1945 trên phương diện cái Tôi trữ tình
Chương 3: Sự vận động của thể thơ tự do từ đầu thế kỉ XX đến 1945 trên phương diện hình thức.


 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top