PHÚC KEYNES
New member
- Xu
- 0
SỰ TỈNH TÁO
( Trích tiểu luận triết học: Scientia sacra)
( Trích tiểu luận triết học: Scientia sacra)
HAMVAS BÉLA
1.
Kẻ canh giữ tinh thần cổ đại là cuốn sách thiêng của Ấn độ: Veda.
Từ Veda bắt nguồn từ vidja và có liên quan tới từ latin videre, có nghĩa là nhìn và thấy. Điều đầu tiên Veda nói đến là cảnh và hình ảnh. Không chỉ là hình ảnh con người nhìn thấy ban ngày mà cả hình ảnh trong giấc mơ và trí tưởng tượng ; có vẻ không chỉ là hình ảnh của các sự vật mà cả nội dung và ý nghĩa của sự vật nữa; cùng tất cả những gì xảy ra, kết nối và tách rời các sự vật.
Bởi vậy những lời giải thích theo đó vidja chỉ là nhìn và thấy có vẻ bị thu hẹp. Đúng hơn nếu người ta cho rằng vidja có nghĩa là: tri thức, kiến thức.
Guénon theo quan điểm này. Ông viết: Veda là kiến thức về mọi vấn đề trên thế gian, là thứ kiến thức cổ vĩnh cửu và thiêng liêng. Là kiến thức gốc rễ của trí tuệ về các sự vật. Hiểu như vậy đơn giản hơn và rộng hơn. Nhưng hiện thực còn đơn giản hơn nữa và sự quan trọng của nó không giới hạn.
Veda (vidja) thực chất có nghĩa là: sự tỉnh táo. Veda bảo vệ sự tỉnh táo, bảo vệ và truyền tiếp; đây là tinh thần của thời cổ đại, là bản chất của thời gian trước lịch sử(trước CN). Nhiệm vụ của Veda có một không hai, là đánh thức, mang lại sự tỉnh táo và duy trì sự tỉnh táo. Không dạy nhìn và thấy, dạy để biết lại càng ít hơn.
Để có kiến thức, con người cần phải thấy; nhưng để con người thấy, cần phải tỉnh táo. Từ giấc mộng là cuộc sống người trên trái đất vật chất, Veda đánh thức; nó phá vỡ đời sống khép kín và khai mở đời sống; nó nói lên ý nghĩa đích thực của sự vật, mở mắt cho con người và tuyên bố nội dung xác thực của thế gian. Bởi vì tác động của những điều nó nói không phải là việc con người nhìn thấy và nhận biết hình ảnh của thế gian, mà là từ cảnh vật, họ thức tỉnh.
2.
Khi Socrates uống cốc thuốc độc, chân tay bắt đầu lạnh dần, cái chết đông cứng đến gần trái tim, ông vẫn còn nói: các ngươi đừng quên hiến tế con gà trống cho Asclepius.
Ta không bàn tới những lời giải thích cổ xưa về nội dung câu nói ; còn các thế hệ sau thường không hiểu. Người ta cố giải thích: những kẻ khỏi bệnh thường dâng vật hiến tế cho Asclepius, và câu nói của Socrates phút lâm chung mang ý nghĩa đó: cuộc sống được chữa khỏi từ căn bệnh lớn (cái chết) của nó. Sự giải nghĩa này không là gì khác, ngoài việc Socrates biện bạch bằng (tư tưởng của) Schopenhauer.
Con gà trống cần tế hiến cho Asclepius là: sự tỉnh táo. Đây là con gà trống xoay trên nóc chuông nhà thờ. Đây là con gà trống gió trên các mái nhà và trong các phù hiệu quý tộc. Và trước khi gà trống cất tiếng gáy, Kinh thánh nói, mi sẽ bán đứng ta ba lần.
Ý nghĩa của nó: trước khi mi thức tỉnh về sự toàn vẹn của sự sống, và hiểu cái gì xảy ra với mi trong toàn bộ hiện thực của nó, mi không thể làm gì khác ngoài việc đi theo sự phản bội thường xuyên chống lại Thượng đế và bản thân.
Trên ngọn núi Ôliu, khi Chúa rút lui để cầu nguyện, ngài nói:“Các con hãy tỉnh dậy và hãy cầu nguyện.” Và khi Chúa quay về, các tông đồ đã ngủ say.
Ở Irán con gà trống có tên Paroderes, nó đưa con người đến với việc” Thực hiện những nhiệm vụ hăng say”. Buổi sáng khi nó cất tiếng gáy, theo Avesta có nghĩa là:” Các ngươi hãy thức dậy và cầu nguyện đi bởi vì Busjasta, con quỷ của sự mê ngủ đang đến để cổ vũ:” Hãy ngủ đi, con người, ngủ đi, thời gian của mi chưa tới đâu.”
Tỉnh táo không chỉ có nghĩa như một sự tồn tại tỉnh. Không chỉ có nghĩa như duy trì các giác quan trong sự hoạt động, thấy, nhìn, làm, cử động, có ý thức, biết. Sự tồn tại tỉnh táo cũng không khác một đặc tính khác của giấc ngủ: giấc ngủ trong thế giới giác quan. Và con gà trống, mà Socrates ám chỉ, mà Kinh thánh nhắc đến và có tên gọi Paroderes chính là sự tỉnh táo, gọi sự thức tỉnh từ cái thế giới giác quan.
Đây là sự tỉnh táo, để thấy và biết rằng thế giới giác quan cũng là hình ảnh giấc mộng. Socrates, khi thuốc độc ngấm dần đến ngực, ông tỉnh giấc từ giấc mộng này, Bởi cậy cần hiến gà trống cho Asclepius vì sự biết ơn, rằng-ông đã thức tỉnh. Socrates yêu cầu hãy nhân danh ông tế con gà trống, bởi vì đấy là sự vật duy nhất ông muốn mang theo mình, thứ nằm trong mọi trạng thái của sự tồn tại, trong mọi thế giới có thể, trong vật chất ở đây, trong tinh thần ở kia, giữa các vị thần ở chỗ nào đó và trong cái bất biến vĩnh cửu, thứ duy nhất quan trọng: đấy là sự tỉnh táo của con gà trống.
Bởi vậy trên ngọn tháp chuông nhà thờ có con gà trống. Và kẻ, như đám tông đồ trên đỉnh núi Ôliu, ngủ, không chỉ buồn ngủ. Kẻ đó không biết và cũng không thấy gì hết. Mù lòa và vô thức; bởi vì tri thức-sự nhận thức- sự tỉnh táo liên hệ với nhau như tỉnh táo là điều kiện của mọi nhận biết và tri thức. Kẻ nào mù lòa và vô thức, kẻ đó phân vân, dao động, hèn nhát và phản bội. Mi sẽ bán đứng ta ba lần.
Kẻ mù lòa, vô thức và mê muội, và kẻ bị con quỷ của sự buồn ngủ đánh lừa, kẻ đó tưởng thời gian của nó chưa đến, cả cuộc đời của nó ngủ quên giữa những hình ảnh của các giác quan và sự tưởng tượng. Khả năng định mệnh của cuộc đời trần thế là con người ngủ ngon lành trong cuộc đời đó. Nếu như không có con gà trống, tất cả mọi người vẫn tiếp tục ngủ.
Tỉnh táo là sự nhạy cảm siêu hình của con người. Meta ta phüszika nghĩa của nó chỉ có ngần này: siêu nhiên. Sự nhạy cảm siêu nhiên, thứ nhìn và thấy và biết những gì giác quan không vươn tới được.
Kẻ tỉnh, là kẻ nhìn thấy vượt lên trên cả các hiện tượng của giác quan, của ý thức, của cảm xúc và của các đam mê. Dấu hiệu liên tục của Buddha: sự tỉnh táo hoàn toàn. Nhưng bản thân từ Buddha cũng có nghĩa là sự tỉnh táo tinh thần. Kẻ ngủ mơ đã tỉnh. Kẻ từ bỏ tất cả các dạng của nỗi buồn ngủ, không bao giờ ngủ tiếp trong các giác quan, các đam mê, các khát vọng và trong cả cái Tôi khóa kín.
3.
Ở Irán Avesta nói với thượng đế Mitra như sau:“Hỡi Đấng Mitra cao cả, vị thần nghìn tai nghìn mắt, người nhìn thấy thế gian vô tận từ muôn hướng, người, kẻ không bao giờ ngủ, kẻ thức tỉnh vĩnh viễn!” Mitra là mặt trời và ánh sáng; bởi vì cùng lúc, các vị thần mặt trời và ánh sáng đều là thần của sự tỉnh táo: Orizis, Apollon. Dấu hiệu quay lại của các vị thần tỉnh táo ở Irán: jogaurvah có nghĩa là sự thức tỉnh thường xuyên-ahvafna có nghĩa là sự mất ngủ.
Giấc mơ- hvafna, cùng một từ như tiếng Hy lạp hüpnosz tiếng latin somnus và sanscrit szvapna. Đều có nghĩa là giấc mơ, nhưng cùng lúc có nghĩa là hình ảnh giấc mơ và ảo ảnh tưởng tượng. Có sự gắn bó chặt chẽ với những hình ảnh mê hoặc của mája. Bởi vì Busjasta, con quỷ giống cái của sự mê ngủ không là ai khác ngoài hình ảnh của Kali Tăm tối (Ấn Độ) và Âm ( Trung Quốc).
“Sự tỉnh táo là cái tốt nhất trong mọi cái hiện tại” Avesta viết.” Các người hãy thấy bằng linh hồn của các ngươi!” Khi linh hồn rời khỏi trái đất, nó không mang theo gì ngoài sự tỉnh táo. Zarathusztra gọi cái thấy siêu nhiên là csisti và nói, đấy là quà của nữ thần cao quý nhất của bầu trời. Nếu csisti mạnh mẽ trong linh hồn, nó dễ dàng bước qua ngưỡng của đời sống. Tại sao? Bởi vì nó tỉnh. Và bởi vì nó tỉnh, nên bên trong nó có tri thức để nhìn thấy mọi hoàn cảnh và nhận biết mọi hoàn cảnh.
Cuốn Tử thư Tây tạng viết, khoảnh khắc của cái chết mở ra khả năng cho tất cả mọi người bước vào thiên đường cao nhất, với thời gian không nhiều hơn thời gian một kẻ ăn trưa. Một ánh sáng chói lòa tiếp nhận linh hồn di chuyển khiến nó choáng váng và rên rỉ. Nhưng thật thảm hại cho nó nếu nó run rẩy và bắt đầu sợ hãi! Thật thảm hại cho nó nếu nó không nhận ra, ánh sáng này không là gì khác, ngoài hình ảnh cổ thần thánh tỉnh táo của con người: sự Thức tỉnh vĩnh cửu.
Nếu nó chưa đủ tỉnh táo, nếu nó bắt đầu run sợ, co rúm lại, quay đi, hoặc rơi vào mơ muội, nó sẽ lầm lẫn. Không thể bước vào ánh sáng vĩnh cửu, vào sự Thức tỉnh thần thánh. Bởi vì:“Sự tỉnh táo là cái tốt nhất trong mọi cái hiện tại”. Linh hồn đờ đẫn, vô thức và hèn nhát rơi xuống, một lần nữa rơi vào vòng quay vô tận của những hình ảnh mộng. Sự tỉnh táo của con gà trống không đủ mạnh trong nó. Nó không thể thức tỉnh.
Ở Ai cập trên con đường âm thế linh hồn sẽ gặp gỡ các quái vật khủng khiếp và các vị thần mê ly đổi chỗ cho nhau. Kẻ nào không tỉnh sẽ sợ hãi trốn tránh trước quái vật và vui mừng với các vị thần. Linh hồn mê muội và vô thức không biết rằng ở âm thế ban đầu nó đi giữa những bóng ma mang hình ảnh của thế giới cảm xúc, ở đó nó vật vờ trong một thời gian vô hạn giữa những hình ảnh của trí tưởng tượng riêng của nó và những hình ảnh của giấc mộng, trong tiền sảnh đích thực của âm thế, giữa những cái bóng, ở Hádes, như người Hy lạp nói, hay ở Seol như người Hê ber nói.
Nó đau đớn vì bị cá sấu cấu xé và bản án âm thế treo trên đầu nó, đợi ném nó vào lửa. Nhưng kẻ nào tỉnh, sẽ quỳ xuống trước những hình ảnh đó và cầu nguyện:” Hỡi cá sấu vĩ đại, ta chính là ngươi! Ngươi Horus rạng ngời vĩ đại, ta là Horus!”. Và kẻ nào nhận ra nó đang đi giữa các hình ảnh, kẻ đó sẽ đến Orizis, sẽ bước vào đất nước của ánh sáng. “Sự tỉnh táo là cái tốt nhất trong mọi cái hiện tại”.
Từcsisti có nghĩa là khả năng thấy. Những từ thấy này cần hiểu theo nghĩa bóng, giống như từ vidja trong nghĩa bóng là sự tỉnh táo, và sự tỉnh táo này trong nghĩa bóng là một khả năng, là sự nhạy cảm siêu hình. Spenta Mainju, tên gọi thường xuyên của đấng Đại Minh: ahvafna, sự tỉnh. Ở Irán là dấu hiệu của thần ánh sáng, ở Ấn Độ là của Buddha và ở Judea là Zebaoth. Tất cả đều có nghĩa là sự tỉnh táo.
Linh hồn rời quả đất là chuẩn bị từ bỏ thế giới vật chất, và muốn bước sang thế giới tinh thần. Bước vào những thế giới cao hơn có thể tự do lựa chọn trong thời cổ cần đi qua chín cây cầu; nhưng tám cái bị gẫy, chỉ còn một cây cầu duy nhất Csinvat còn trụ lại. Khi linh hồn đến bên cầu Csinvat một cô gái cực kỳ đẹp đi từ xa đến. Cô gái đấy là daéna, không là ai khác ngoài một nửa của đôi lứa đích thực cái Tôi trần thế của con người, cái Tôi thượng đế.
Đặc tính cao nhất của cái Tôi trần thế là csisti, sự tỉnh táo. Và khi linh hồn nhìn thấy daéna, nó nhận ra, còn nó là sự tỉnh táo của cái Tôi thượng đế. Cô gái đẹp rực rỡ đó là sự tỉnh táo bất diệt. Cũng chính là nguồn ánh sáng mà cuốn Tử thư Tây tạng nói đến. Trong một khoảnh khắc trên cây cầu Csinvat sự tỉnh táo rực rỡ tỏa từ cái Tôi trần thế gặp gỡ sự tỉnh táo rạng rỡ tỏa từ cái Tôi thượng đế.
4.
Sau các tiên đề và các tương đồng, giờ đây ta có thể đi vào bản chất, có thể quay lại với kinh Veda và bắt đầu sự phân tích. Chương có liên quan của Veda là Isaupanisád
Các trích đoạn sau đây là của chương này:
“Thế giới và tất cả những gì sống, đều chìm ngập trong sự tồn tại của thượng đế. Kẻ từ bỏ, niềm vui là của kẻ đó. Cái của người khác, hãy đừng mơ ước.
Hãy để cho đám đông rên rỉ, hãy để họ chúc tụng họ cuộc đời trăm tuổi. Bởi niềm vui đích thực là của ngươi. Đừng bám lấy niềm mong ước trần thế.
Những sức mạnh ma quỷ che đậy thế giới này và bóng tối mù lòa bao trùm lên: những kẻ mà linh hồn đã chết đều rơi xuống đây sau cái chết của họ.
Kẻ biết duy trì những thực thể sống trong bản thân họ, duy trì các bộ phận của cái Tôi, của bản thân họ trong tất cả những gì sống, kẻ đó không bao giờ biết sợ hãi, không sợ cái chết và những cái khác nữa.
Bởi vì kẻ là cái Tôi của mọi thực thể sống, đã thức tỉnh; và nỗi buồn phiền và lo lắng đọng lại ở đâu, nếu mi thấy tất cả là MỘT?
Những kẻ vô thức vật vờ trong bóng tối mù lòa, nhưng những kẻ tích lũy kiến thức cho kiến thức còn vật vờ hơn trong bóng tối dày đặc hơn.
Con đường dẫn tới một nơi khác, khác nơi kiến thức hoặc vô kiến thức dẫn dắt. Những bậc thày lớn của thời cổ đã dạy như thế, những người mà lời dạy của họ còn để lại cho chúng ta. Kẻ nào có kiến thức hoặc vô kiến thức đều không đủ, và cần phải bước qua cái chết bằng cả hai nhận thức này, kẻ đó sẽ bất tử.
Kẻ bước vào màn đêm dày đặc là kẻ tin rằng nó biến thành hư vô; nhưng kẻ cho rằng nó sẽ trở thành một cái gì đó, kẻ đó còn bước vào một màn đêm dày đặc hơn.
Trở thành một cái gì là điều khác, khác với việc trở thành hư vô. Các bậc thày thời cổ đã dạy như thế, và để lại cho chúng ta một truyền thống.
Kẻ nào biết, không có chuyện trở thành một cái gì đó, nhưng hư vô hóa cũng không, và với hai nhận thức này bước qua cái chết, chỉ kẻ đó bất tử.”
Trước hết cần tách những phần phụ ra. Câu nói đầu tiên mang ý nghĩa thiền quán thông thường, và hai đoạn tiếp theo của câu đầu tiên đòi hỏi sự trong sạch của đạo đức. Linh hồn vẩy bẩn vô ích thử thức tỉnh.
Phần thứ ba là một hình ảnh dẫn luận quan trọng: sự tăm tối của thế giới. Đây là sự tăm tối ta đã bàn lúc trước, nữ thần Kali, khí Âm, Mája. Bóng tối là nơi không ánh sáng. Ánh sáng là mặt trời, Ahura Mazda, khí dương, Orizis, Apollon, Brahman, thần của sự thức tỉnh. Linh hồn con người trong bóng tối thiu thiu một cách mù lòa và vô thức, giữa những ảo ảnh ma quái và những hiện tượng mê hoặc. Nhưng ác ảnh và mê hoặc đều là một: cả hai đều là biến hóa của mája(ảo ảnh).
Đây là một giai đoạn nguy hiểm, khi linh hồn con người có thể ngủ say hoàn toàn, và đánh mất sự tỉnh táo đến mức không bao giờ thức tỉnh được nữa. Câu này trong đoạn trích trên cần hiểu như vậy khi chúng ta đọc:“linh hồn của họ đã chết”.
Đây không phải cái chết vật lý, mà như các nhà huyền học gọi là cái chết thứ hai khi linh hồn trong cuốn Tử thư Ai cập viết: vật vờ vĩnh viễn giữa những ảo ảnh mộng, hoặc trong cuốn Tử thư Tây tạng viết: linh hồn rơi trở lại vòng quay vô tận của những hình ảnh mộng. Đấy là những kẻ mê muội dưới bùa mê của con quỷ Busjasta, và sống trong một tiềm thức: Hãy ngủ đi, ngủ đi, thời gian của mi chưa tới đâu. Thời gian của những kẻ như vậy không bao giờ tới.
Đấy là các tông đồ, những kẻ khi Chúa cầu nguyện, họ lăn ra ngủ. Những kẻ tưởng rằng dục vọng, nỗi đam mê, ý muốn, tư tưởng, khát vọng, thế giới giác quan của họ là hiện thực. Đây là trạng thái mà kinh Veda đã chỉ ra: avidja. Avidja không có nghĩa là mù lòa, vô thức mà có nghĩa là sự chìm đắm trong mê muội.
Một sự sống suy thoái. Một sự sống bị khóa, bị khép kín. Sự đờ đẫn. Avidja là mối tai họa nguy hiểm nhất tác động tới linh hồn: linh hồn vật vờ giữa những hình ảnh của nữ thần Busjasta tăm tối bỏ bùa mê và giữa những ảo ảnh nhầm lẫn, những thất bại riêng của nó, đến chừng sự tỉnh táo của nó cứ giảm dần, và sau cùng mất hẳn, nó ngủ yên hoàn toàn. Linh hồn nghẹt thở giữa những hình ảnh của chính nó.
Theo Veda avidja có ba mức độ: ngủ sâu, giấc ngủ không mơ, giấc mơ và trạng thái tỉnh.
Trong giấc ngủ sâu con người không thấy và không biết gì hết. Cuộc đời này đúng ra là một trạng thái suy thoái. Khi con người mơ, nó thấy nhưng không biết. Trạng thái này ở một mức độ cao hơn. Trong trạng thái tỉnh con người thấy, biết nhưng vẫn chưa tỉnh táo. Tỉnh táo chỉ ở dạng thứ tư(turijam).
Avidja là sự vô thức, đờ đẫn, buồn ngủ, là cuộc đời thoái hóa, là sự mù lòa: trong vật chất, trong cái Tôi trần thế và là trạng thái đờ đẫn ngất ngây trong các giác quan. Veda gọi trạng thái này là sự bị mê hoặc(maja). Linh hồn bị mê hoặc là kẻ tưởng thời gian của nó chưa đến. Nó coi các hình ảnh là hiện thực. Các hình ảnh là các cảnh tượng của thế giới giác quan, các cảm giác, các xúc cảm, các tư tưởng, các đam mê, các dục vọng, là sự khác nhau giữa thế giới bên ngoài và bên trong, là sự khác nhau giữa đời sống và sự sống, là sự khác nhau tồn tại trần thế và tồn tại tinh thần, là sự khác nhau giữa Tôi và Anh và Chúng ta.
Con người bị khóa trong sự mê hoặc này. Và trong sự cùm khóa một cách lưu đày này nó tưởng nó là cái Tôi, là cái cá nhân đặc biệt. Sự tồn tại mê muội này là Hades, một loại địa ngục. Ở giữa thế gian, như Orpheus nói, nữ thần Persephon, linh hồn, ngự trị, phủ voan đen, trên trán quấn một vòng hoa anh túc tượng trưng cho sự mê hoặc.
Heracleitos nói giữa những kẻ mê muội mỗi người có một thế giới riêng, còn những người tỉnh táo có một thế gian chung. Cái thế giới riêng đấy là cái Tôi. Cái Tôi có hình ảnh mộng riêng, có số phận cá nhân, có tư tưởng, hành động, quan niệm cá nhân. Kẻ nào ngủ càng say, càng chìm sâu vào sự đờ đẫn, kẻ đó càng tách biệt và đơn độc, càng cá nhân hóa và càng lập dị.
Trạng thái đặc thù của avidja coi thế giới cảm giác, những kinh nghiệm thu thập được là hiện thực; nó tưởng sự mê hoặc của thế giới vật chất là thực; nó không biết rằng cái nó tin là hiện thực chỉ là ảo ảnh giấc mơ bất thường của linh hồn bị mê hoặc.
Nó không bao giờ có thể thức tỉnh nữa, và luôn luôn nó tin rằng thời gian của nó chưa đến. Không bao giờ nó linh cảm rằng có siêu nhiên, meta ta phüszika có một cái gì đó, đôi khi nó vấp phải trong giấc mộng của nó, và đáng lẽ cần phải mở mắt ra, thì nó lại tiếp tục ngủ mơ về một cái gì đó: mục đích sống, lý tưởng, nỗi đam mê,danh vọng, luôn luôn có một cái gì đó kế tiếp từ cái Tôi, và là mục đích của cái Tôi.
Hiện thực thật sự chỉ được nó thấy như kẻ bị trói trước cửa ra của một cái hang, kẻ chỉ nhìn thấy những cái bóng chạy vụt qua. Và mức độ chìm đắm trong mê muội của nó phụ thuộc bởi ai coi những hình ảnh mộng là hiện thực đến mức nào; coi những thất bại và sự hào nhoáng là sự thật đến đâu;coi mơ hồ là trạng thái tỉnh táo đến mức nào. Cho đấy là sự thật đến mức nào những gì chỉ có trong cái Tôi: tư tưởng, cảm giác, quan điểm, lý thuyết, sự đánh giá. Càng kiêu ngạo, khinh người, tự phụ, tự tin, ngênh ngang, ích kỷ- càng mù lòa, vô thức, ảo tưởng, hão huyền, mơ hồ, càng đờ đẫn, thui chột và mê muội.
5.
Một khía cạnh khác của Isaupanisád cho rằng kiến thức không phải là sự tỉnh táo. Từ sanskrit kiến thức là vidnya không phải là vidja. Vidnya có nghĩa là kiến thức vật chất thu được. Trái ngược với avidnya, vô kiến thức. Bài kinh nói thế này: “Những kẻ vô thức vật vờ trong bóng tối mù lòa, nhưng những kẻ thu thập kiến thức cho kiến thức còn lần mò trong bóng đen dày đặc hơn.”
Vidny và avidnya, kiến thức duy lý và sự vô thức, hay dạng của sự mê muội, cả hai dạng đều vô dụng để con người có thể hiểu và nhìn thấy hiện thực.“Kiến thức và vô thức, cả hai đều không đủ.”
Những kẻ vô thức đi vào bóng tối mù lòa. Đúng hơn, họ đã ở đấy sẵn. Họ là những tông đồ đang ngủ. Họ là những kẻ tưởng thời gian của mình chưa tới. Nhưng với những kẻ này vẫn còn hy vọng. Họ có thể nhận được những cú giáng, có thể vấp ngã và mở mắt.
Nhưng những kẻ ở trong sự tăm tối nô lệ hơn, những kẻ thu thập kiến thức cho kiến thức. Đây là thứ kiến thức duy lý. Kiến thức duy lý là giấc ngủ nguy hiểm nhất. Chỉ tăng thêm số lượng vật chất của kiến thức, nhưng không nâng lên đến tầm chất lượng và sự tinh thông của nhận thức, đấy là khoa học(vidnya). Đấy không phải sự thức tỉnh, chính vì vậy vô nghĩa; vô ích và nguy hiểm. Đấy là loại kiến thức làm linh hồn còn đờ đẫn hơn so với khi ở trong vô thức.
Tiếp theo là bước đầu tiên, vidja-đi về phía sự tỉnh táo. Sau ba mức độ của sự đờ đẫn, ngủ say, giấc mộng và trạng thái tỉnh dậy sẽ đến mức độ thứ tư: turijam.
Mức độ thứ tư này là sự tỉnh táo. Đây là sự nhìn thấy một cách rõ ràng, toàn diện, khác hẳn với ba mức độ đầu tiên. Đây là “kẻ mơ thức giấc”, là buddha, là trạng thái bồ tát, ngộ. Đây là mahatma- linh hồn lớn- là trạng thái lớn nhất và cao nhất linh hồn có thể đạt được. Đây là cái nhìn đích thực, là kiến thức đích thực, không phải vidnya, thứ kiến thức vật chất và duy lý, mà là vidja, sự tỉnh táo.
Dấu hiệu đầu tiên của sự tỉnh táo là trong con người có một nghi ngờ mơ hồ thức tỉnh: là maja, là sự mê hoặc của giác quan. Mé on như Platón nói. Không hiện thực. Là sự mê hoặc của trạng thái đờ đẫn của thế giới cảm giác mà tất cả con người đều có chung. Người nào bắt đầu nhìn nhận vượt qua các cảm giác, meta ta phüsika, bắt đầu nhận ra một cái gì đó siêu nhiên. Liên hệ siêu hình là bến bờ đầu tiên của sự tỉnh táo.
Tiếp sau đó đến hai trạm quan trọng nữa, khi hình ảnh mộng cơ bản nhất, hình ảnh mộng về cái Tôi cá nhân bắt đầu tan rã.
Kinh Veda diễn tả hai trạm này như sau: etad vai tat và tat tvam asi. Câu đầu tiên có nghĩa là: điều này không khác điều kia; và câu sau là: đó chính là mi. “Kẻ biết duy trì những thực thể sống trong bản thân họ, các bộ phận của cái Tôi, bản thân họ trong tất cả những gì sống”. Con người bắt đầu thấy và hiểu trên thế gian có những sự đồng nhất không thay đổi được. Điều này không là gì khác chính là mi. Sự đa dạng và đa tầng có thể kinh nghiệm được về mặt cảm giác cái Tôi cá nhân là một giấc mộng. Còn hiện thực không là gì khác ngoài chính bản thân mi. Kẻ nào từ bóng tối che phủ thế gian bước ra, kẻ đó nhận thức được sự đa dạng mê hoặc này.
Con người trong giây phút ấy không bao giờ còn là cái Tôi cá nhân nữa, mà là một cá nhân vũ trụ. Và cá nhân vũ trụ này không tồn tại trong cuộc sống nữa mà trong sự sống. Dấu hiệu nhận biết tồn tại trong sự sống này là khi coi thế gian: là MỘT. Hen pantn einai, như Heracleitos nói. Những kẻ đờ đẫn mê muội mỗi kẻ có một thế gian riêng, còn những người đã thức tỉnh chỉ có một thế gian chung.
Những kẻ mê muội luôn luôn ngủ ngon trong những cái Tôi riêng biệt, trong các đam mê, các khát vọng, các thế giới quan; còn những kẻ tỉnh sống trong cùng một thế giới hiện thực. Với các thực thể khác con người không còn thấy mình tách ra nữa: nó nhìn thấy mọi bản chất của thế giới trong bản thân nó, và trong mọi thực thể có bản thân nó- etad vai tat Cái này không khác cái kia. Tất cả thực thể, con vật, cỏ cây, đá, đất, côn trùng, chim muông, người khác, mẹ, anh em, ma quỷ, thượng đế- đây là Tôi. Tat tvam asi . Đây là mi.
Tất nhiên đây không phải cái Tôi cá nhân mê muội(avidja), mà là cái Tôi thức tỉnh(vidja), kẻ biết tất cả điều này là maja- mé on,không hiện thực. Sự mê muội đờ đẫn tồn tại riêng biệt trong một cuộc sống bị khóa kín, còn sự tỉnh táo là sự sống mở, và mọi thực thể cùng nhau sống trong thế giới ấy. Kẻ nào thức tỉnh, kẻ đó bước ra khỏi đời sống bị khóa kín: mọi cánh cửa đột nhiên mở ra cho nó, mọi tri thức nó đều có thể đạt tới, như cảnh tượng biến thành cảnh thật. Đấy là ý nghĩa của kinh Veda.
6.
Ở châu Âu người ta tưởng rằng Veda dạy sự chuyển đổi là kiến thức. Niềm tin này ngu xuẩn và đơn điệu như nền khoa học được truyền bá. Không có kiến thức nào ở đây. Vidja không có nghĩa là kiến thức mà là sự tỉnh táo.
“Con đường đưa tới một nơi khác, khác kiến thức và vô kiến thức”-“Kẻ nào biết, không có chuyện trở thành một cái gì đó, nhưng hư vô hóa cũng không, và với hai nhận thức này bước qua cái chết, chỉ kẻ đó bất tử.”– kiến thức không chuyển hóa được. Duy nhất chỉ có sự tỉnh táo. Bởi vì cái gì là sự chuyển hóa? Không là gì khác ngoài việc từ bỏ cái Tôi cá nhân để trở thành một cá nhân vũ trụ, phổ quát. Không là gì khác ngoài việc bước ra khỏi một đời sống khép kín và nâng mình lên sự sống mở. Không là gì khác ngoài sự tỉnh giấc bước ra khỏi sự đờ đẫn mê hoặc để ở trong hiện thực.
Bước cuối cùng quyết định để dẫn đến sự am hiểu về tỉnh táo như sau: từ khóa chốt của Veda là atman. Atman là linh hồn siêu đẳng đối lập với linh hồn cá nhân. Là cái Tôi thượng đế đối lập với cái Tôi con người trần tục. Đây là linh hồn và là Tôi, kẻ có mặt trong tất cả các thực thể, kẻ“cái này không khác gì cái kia”, kẻ“đây là mi”.
Đây là linh hồn-sự sống, là cái tôi –tinh thần bất tử, siêu đẳng, vượt qua khỏi ngưỡng bất tận của không gian và thời gian. Atman có quan hệ khăng khít với sự tỉnh táo, đến mức Veda không chỉ nói về sự Thức tỉnh trong một đoạn. Atman chính là sự tỉnh táo. Atman là một linh hồn thượng đế, không sinh ra và chết đi, mà có ở khắp mọi nơi, là linh hồn thấu suốt tất cả, bản thân nó là sự Thức tỉnh.
Và khi con người bước ra khỏi cái Tôi cá nhân bé nhỏ khép kín, để bắt đầu học cách thấy trong sự sống mở, sự chia sẻ này trong atman không bao giờ là sự gắng sức, hay là kết quả của học tập và sự chuyên cần chăm chỉ.
“Chỉ kẻ nào tự lựa chọn mình, kẻ ấy đạt đến.”-Katha-upanisádnói. Không do bất kỳ thực hành khắc khổ, yoga, kiến thức, ý thức kỷ luật hoặc sự vô tội nào đạt đến. Sự tỉnh táo đồng nhất với atman, với linh hồn thượng đế, đấy là ân sủng của atman.
Sự tính táo chứa đựng đặc tính siêu hình-tôn giáo. Cùng với sự tỉnh táo con người đạt tới sự bất tử. Bởi vậy sự tỉnh táo là trạng thái tôn giáo. Sự tỉnh táo đồng nhất với tín hiệu cao cả nhất thánh thiện nhất. Sự thánh thiện này tạo khả năng cho sự Thức tỉnh là tất cả, ở mọi nơi, vĩnh hằng. Sự tỉnh táo không phải kiến thức mà là sự nhạy cảm. Sự tỉnh táo là cường độ của sự sống, và là cường độ cao nhất.
Sự tỉnh táo có thể đạt tới của con người với sự thức tỉnh atman có quan hệ như ngọn lửa nến với tia chớp. Con người cùng lắm thức tỉnh với sức mạnh của ngọn lửa nến, còn atman thức tỉnh với sức mạnh của tia chớp. Sự tỉnh táo là sự sáng lạn tuyệt đối của linh hồn.
Sự tỉnh táo hoàn thiện là một linh hồn hoàn thiện, là ánh sáng hoàn thiện: Apollón, Oziris, Brahman, Ahura Mazda. Linh hồn tự thân, vượt lên trên một đời sống, là sự nhạy cảm nhanh nhạy biến thành sự sống, cái nhìn thấy tất cả, biết tất cả, cảm thấy tất cả, trải qua tất cả, hoàn toàn tự do, hoàn toàn sáng sủa, đấy là: Bồ tát(Buddha) là sự thức tỉnh, là ngộ.
Bởi vậy Zarathustra đã nói sự tỉnh táo là cái tốt nhất trong mọi cái hiện tại. Bởi vậy các vị thần mặt trời ở các dân tộc đều có nghĩa là sự tỉnh táo, và các vị thần này vì thế tỉnh táo vĩnh hằng, những kẻ không bao giờ ngủ như Zebaoth, Ahura Mazda, Brahman, Oziris, Apollón, không biết giấc ngủ là gì.
Sự tỉnh táo mang ý nghĩa tôn giáo, bởi liên quan không phải đến đời sống con người mà đến mọi khả năng của sự sống, hay đúng hơn đến toàn bộ sự sống. Sự tỉnh táo là bất tử, như là bản thân atman, linh hồn bất tử.
Linh hồn không mang sang thế giới bên kia được gì khác ngoài sự tỉnh táo. Sự tỉnh táo là cái mang nó đi, dẫn dắt, nâng nó lên đến sự thánh thiện. Linh hồn, nếu thức tỉnh, hay đúng hơn nếu nó đạt được sự nhạy cảm siêu nhiên, siêu hình, nó sẽ vượt qua cả sự nhận biết và kiến thức. Sự nhận thức, kiến thức hướng ra bên ngoài, còn sự tỉnh táo không có hướng: sự nhạy cảm hướng ra ngoài, hướng vào trong, lên trên, xuống dưới, đến tất cả các hiện tượng của đời sống và sự sống siêu việt.
Bởi vì linh hồn đã thức tỉnh, khi ngày càng nhạy cảm với cường độ mạnh hơn, sẽ ngày càng trở thành bản thân nó nhanh hơn, ngày càng sáng lạn và tỉnh táo tự thân hơn. Ngày càng từ bỏ đời sống khép kín và đồng nhất với trạng thái atman thánh thiện trong sự sống mở hơn.
Bởi vậy Isa-upanisád nói, khi con người đã hoàn toàn thức tỉnh, khác như trở thành một cái gì đó, khác, như không trở thành một cái gì đó:“Kẻ nào biết, không có chuyện trở thành một cái gì đó, nhưng hư vô hóa cũng không, và với hai nhận thức này bước qua cái chết, chỉ kẻ đó bất tử.”
Sự sống không là gì khác ngoài sự nhạy cảm cao độ của linh hồn. Và sự sống này là hiện thực duy nhất; đấy là cái có thực; là to on, như Platón nói. Tất cả những hình ảnh mộng, sự huyễn hoặc, maja, mé on không hiện thực. Chỉ linh hồn là: có.
Nhưng không phải linh hồn cái Tôi cá nhân mê ngủ, mỗi linh hồn trong một nhà tù riêng của nó, hay thế giới riêng của nó, mà là linh hồn-atman, thứ đã thức tỉnh và thấy, để biết: chỉ có một thế giới chung mà thôi: đấy là vũ trụ vĩ đại chung,là linh hồn thượng đế siêu việt. Bởi vậy kinh Veda nói: sự chuyển hóa chính là sự Tỉnh táo.
Nguyễn Hồng Nhung
(dịch từ nguyên bản tiếng Hung)
Budapest, ngày 18.06.2011
(dịch từ nguyên bản tiếng Hung)
Budapest, ngày 18.06.2011