SỰ TÍCH PHẬT BÀ CHÙA HƯƠNG TÍCH
“Xưa kia ở xứ Tây Trúc có nước Hưng Lâm của vua Diệu Trang Vương thống trị. Nhà vua đã lâu không có con trai thừa tự, mới cầu tự đền Tây Nạhc Đế. Sau đấy thì Ngọc Hoàng Thượng Đế ưng cho Trang Vương ba người công chúa.
Ngọc Hoàng mới phán phân minh
Truyền thần vào động lịnh hành tha ra.
Chuyển giai làm gái cả ba
Tam hồn cửu phách đợi mà thác sinh.
Trong ba công chúa là do ba con trai của nhà họ Thi có tiếng lương thiện bị chết oan được tái sinh, thì mở đầu là hai công chúa Diệu Thanh, Diệu Âm, rồi đến công chúa Diệu Thiện hay chúa Ba. Chúa Ba sớm mộ Phật, trái lời vua giữ trinh tiết một đời. Nhà vua giận cố ép không được, bắt giam để trừng phạt. Nhưng chúa Ba vẫn một mực đòi xuất gia, không có sức gì lay chuyển nổi đức tin. Nhà vua càng giận, tìm hết cách không đổi được lòng nàng, mới cho đem hành hình.
Hồn chúa xuống âm phủ:
Qua mười tám cửa ngục tù
Hỏi đây là chốn rứa mô, tên gì?
Thưa rằng: - “Địa phủ âm ty…!”
Chúa mới ngẫm lại một khi sự lòng.
Hẳn ta chẳng chịu lấy chồng
Vua cha đem giết thác trong chốn này?
Sứ rằng: - “Chẳng phải vậy vay,
Đức vua thập điện rước ngài xuống chơi.”
Cảnh Âm Phủ:
Chúa trông vào chốn ngục đường
Gió tanh hơi thấu đến xương lạnh lùng
Tối tăm ngày cũng mịt mùng,
Quân tù eo óc đứa trong đứa ngoài.
Tội lỗi và ngục hình:
Kìa ngục đem ném vạc dầu,
Xác người dừ nát từ đầu đến chân.
Dưới thời lửa đốt cháy ran,
Dầu sôi người khóc muôn vàn khổ thay.
Vì trong trần thế tội đầy,
Trong lòng hiểm độc sâu cay quá chừng.
Bạo nghịch thiên địa thánh thần,
Phật, tiên, tổ, khảo, quân, thân, mấy thầy.
Kìa ngục huyết hồ gớm thay,
Hồ sâu những máu tanh nay lạ lùng.
Bắt đem ấn đầu vào trong,
Thò lên rắn rết thuồng luồng cắn ngay.
Bởi vì trút bỏ bào thai,
Gian dâm bắt tội cả hai đứa cùng.
Kìa ngục nằm trên bàn chông,
Chông là chông sắt nghĩ trông tồi tàn.
Ngục kiếm thụ, ngục đao sơn,
Gươm đao từng đống như ngàn núi kia.
Vất lên da thịt còn gì?
Bởi vì người ấy bất nghì, bất nhân.
Rủ rê lừa lọc ngu dân,
Để cho đến nỗi mất thân, mất nhà.
Thiết kiều là ngục đầu hà,
Quỷ sứ đánh bắt cho sa xuống cầu.
Cầu cao xa xuống sông sâu,
Chó đồng, rắn sắt, cắn đầu cắn hông.
Bởi vì lấp giếng ngăn sông,
Phá việc vợ chồng, hại kẻ công danh.
Kìa bàn vả sắt quỷ binh,
Là ngục chửi chị, chửi anh, chửi chồng.
Bội tâm là ngục moi lòng,
Những người bất hiếu, bất trung, vô loài.
Ngục đâm cối, ngục dăng tay,
Vì phí của trời, bỏ giấy chữ kinh.
Cho nên cối giã thình lình,
Dang hai tay đóng những thanh sắt vào.
Kìa ngục bạt thiệt lạ sao,
Cầm kìm lôi lưỡi máu đào mà kinh.
Bởi vì miệng lưỡi quanh co,
Đảo điên đơm đặt là khuynh hăm người.
Kìa là ngục nói dối đời,
Quỷ đứng vả miệng, quỷ ngồi bẻ răng.
Nào ai buông lưới, bắn, săn,
Hay giết trâu lợn, hay ăn thịt cầy,
Có ngục ác thú một bầy,
Hổ lang, ưng khuyển cắn ngay rụôt già.
Xe lửa là ngục hỏa xa,
Quay đi quay lại thịt da tan tành.
Bởi vì cậy thế cây thần,
Hiếp kẻ cô quả, cướp tranh ruộng vườn.
Cột đồng là ngục đốt than,
Mấy tay chức dịch tham tàn phải ôm.
Kìa ngục rắn hổ, rắn hùm,
Cắn người hút máu lại phun mật người.
Bởi vì bới móc chê bai,
Ghen tuông người nọ, giống dài sự kia.
Còn như thân thích thì lìa,
Thấy kẻ đói khát chút gì chẳng cho.
Tham tài giữ lợi bo bo
Kẻ cùng, kẻ bệnh, chẳng phù, chẳng thương.
Xiết bao khoảnh độc, thiên ương,
Những người ấy phải giam chung Ngục này.
Sẻ cưa dựng người gớm thay,
Đem đá ném xuống thân thây tan tành.
Lại xem một ngục A-tì,
Mấy từng chông sắt đen sì tối tăm.
Ngục này thực tội rất thâm,
Biết mấy hình nặng dưới âm mà rằng.
Là người làm hại quân thân
Làm hại thiên hạ muôn dân lắm người
Mấy người sâu sắc nước đời
Đã được hóa kiếp chẳng dời ác tâm. (không có thuyết quýt làm cam chịu)
Ấy là các cửa ngục hình (18 cửa)
Đều vì thất đức tại mình biết sao?
Lòng trần tưởng chẳng chi nao,
Ai hay quả báo khi vào Âm ty?
(Địa ngục ở tại lòng mình rất công bình, không thể giấu giếm được con mắt của lương tâm mà bình dân đối tượng hóa ra Trời, Thần, Táo)
Cơ thâm thì tội cũng thâm
Ác hữu, ác báo chẳng lầm chút nao
Dối người dối được Trời sao?
Trời, Thần, vua Táo soi vào con tim
Dương gian chết có một phen
Phép Âm bắt mãi chết liền sống ngay
Làm cho thảm thiết đọa đày
Cho bõ lại ngày ác nghiệp Dương gian.
Diệu Thiên Ni cô tức chúa Ba, động lòng trắc ẩn mới khẩn cầu:
Khấn cầu niệm chú tụng kinh
Ngọc Hoàng cảm động lòng thành tự nhiên hóa phép mà giải phóng cho tù tội, khiến vua Diêm Vương khen ngợi đức từ bi của Ni Cô:
Vua rằng: “Nghe đức từ bi,
Mở lòng thương xót phù trì chúng sinh
Khắp mười tám cửa ngục hình
Một giờ đại xá thiên sinh từ dầy…
Hồn Ni cô chúa Ba lại được trở về dương thế sau cuộc du địa ngục, đến Giao Châu, lưu vực sông Nhị Hà, tức Bắc Việt bây giờ. Ở đấy chúa Ba quyết chí tu hành không gì cám dỗ nổi, nên Phật tổ Như Lai hóa thân để thử thách:
Phải công chúa chăng?
Ta kết phu phụ đạo hằng ở đây?
Chúa rằng: - Nói lạ lùng thay!
Xuất gia đệ tử thân này xem không
Mới rồi qua địa phủ cung
Thấy sự hãi hùng quả báo ghê thay
Thôi đừng nói bậy làm vầy,
Đã quyết lòng này như sắt nấu nung.
Bấy giờ Như Lai mới hiện nguyên hình mà trỏ đường cho Ni cô chúa Ba về Hương Tích:
Đức Phật mới chỉ đường tu
Rằng: có một chùa ở Hương Tích sơn
Gần bể Nam Việt thanh nhàn,
Sang tu chốn ấy sẽ toan viên thành.
Viên thành là nhờ có cảnh thiên nhiên thanh tú, hang động kỳ quan, “sơn thuỷ hữu tình”, có thể làm môi giới lý tưởng giữa siêu nhiên với nhân sinh, bắt đầu qua bể khổ tới cực lạc, làm thang lên xuống từ đất tới trời, lại từ trời xuống đất cho thần tiên vãng lai. Đấy là “bầu trời cảnh bụt” vậy.
Núi cao ngân ngất mịt mù
Âm thanh, cảnh vắng, bốn mùa cỏ cây
Trên thì năm sắc từng mây
Dưới thì bể nước trong rầy như gương
Cá chim chầu lại tĩnh đường
Hạc thường tiến quả, hươu thường dâng hoa
Một mình tu núi Phổ Đà
Thân là thân Phật, cảnh là cảnh Tiên
Tu hành đã được mấy niên
Bao nhiêu phép Phật, phép Tiên vào lòng
Bấy giờ Tam phủ cộng đồng
Hộ thành quả phúc phán trong lịnh truyền
Chư Phật Bồ Tát dưới trên
Thần binh, thần tướng, thiên nhiên vần vần
Động nguyên, hải nhạc, linh quan
Ngũ linh, thần tướng, thành hoàng, xã ty
Đều ra tới trước lạy quỳ
Xin tôn đức chúa lên vì tòa sen
Thần thông biến hóa tự nhiên
Một thân hóa được ra nghìn muôn thân
Mắt trông khắp hết cõi trần
Lắng tai nghe thấu xa gần bốn bên.
Trên đây là Phật Lão dung hợp, cho nên Phật Bà kiêm cả từ bi với thần thông, tâm linh với ma thuật, vừa Phật vừa Tiên như hội ý ở chữ Phật gồm Người và Trời, hay Thiên với Nhân.
Bấy giờ xuất hiện hai đệ tử là Thiện Tài con trai mồ côi xuất gia từ nhỏ xin theo Phật Bà và một đứa con gái vốn dòng Long Nữ, đội lốt Lý Ngư bị mắc nạn, được Phật Bà cứu vớt trở về Thuỷ đình, rồi lại trở lại xin theo Phật Bà để tu. Do đấy mà Phật Bà ngồi giữa, một bên Thiện Tài, một bên Long Nữ.
Tả Long Nữ, hữu Thiện Tài
Cho làm đồ đệ hôm mai chẳng rời.
Nay thế là đã đủ bộ ba (tam vi thành số) Phật Bà – Long Nữ –Thiện Tài. Chúa Ba sẵn sàng hy sinh để cứu khổ cứu nạn cho thế gian. Trước hết là chữa thuốc cho Cha mắc bệnh hiểm nghèo, cần phải đến tay mắt của Bà mới chữa khỏi. Vì Phật Bà vừa Phật vừa Tiên cho nên kiêm cả lương y nữa. Vì nghề thầy thuốc chữa bệnh cho nhân loại vốn được đạo Phật tôn trọng, cho nên có kinh Dược Sư để chứng tỏ Phật Thích Ca làm nghề chữa bệnh cho tinh thần mà về sau nhân dân hiểu rộng ra là chữa cả bệnh cho thân thể nữa. Bởi thế mà Phật sang đến Tàu và Việt Nam đã phối hợp với Đạo có khuynh hướng thần thông ma thuật, cho nên Bồ Tát với lòng từ bi trở nên thầy thuốc lương y. Như ở truyện Kiều của Nguyễn Du, chúng ta cũng thấy công việc đi hái thuốc đi đôi với công việc lễ bái cúng dàng và tụng kinh cầu nguyện:
Sư đà hái thuốc phương xa,
Mây bay, hạc lánh, biết là tìm đâu? (Kiều)
Bởi vậy mà giai đoạn thi hành Đạo từ bi, Phật Bà đã dùng thần thông để chữa bệnh cho cha, hai đệ tử đã dùng thần thông để cứu thoát hai chị của Phật Bà là Diệu Thanh, Diệu Âm đã nhờ tai nạn mà giác ngộ đạo lý giải thoát. Với các hành vi hy sinh tính mạng để cứu cha, vua cha đã tỉnh ngộ mà biết ơn đạo Phật đã cứu mình, nào trị bệnh, nào giải nguy cho cả nhà cả nước. Nhà vua có biết đâu đấy là công chúa Ba con mình đã đắc đạo mà biến hóa thần thông để làm tròn phận sự của người con đối với cha mẹ, chị em, của người dân đối với nước.
Về truyện thần thông biến hóa, cắt tay khoét mắt để chữa bệnh cho cha, cũng là dùng hỏa tam muội, nước thuỷ cung v.v… để trừ tà ma yêu quái, cũng là tượng Phật Bà mười một đầu, hai mưới tám tay và vô số mắt, thì sách “Sự tích Nam Hải Quan Thế Âm” viết:
Ấy là phép Phật thần thông
Giả làm chước ấy để phòng cứu cha
Kinh Lăng Nghiêm, truyện Phật Bà
Thiên biến vạn hóa thực là linh thay
Cho nên chùa tạc tượng ngài
Làm ra nghìn mắt, nghìn tay lưu truyền
Vui trong thế giới ba ngàn (Niết bàn vô biên)
Sắc không, không sắc, phép thiêng khôn dò
Thấy cha báng bổ đốt chùa
Phải làm thế ấy để cho hết ngờ.
Vậy khác nào những phép lạ, những kỳ tích ngày nay vẫn còn có như trường hợp Neuman v.v… để cho thời mạt kiếp hoài nghi và nhân dân khôi phục lòng tin.
Còn như chính những quyền năng thần thông ấy tự nó không có gì trái khoa học cả. Điều đó là làm sao người ta có thể thân hóa được. Bằng phương pháp Thiền định như các đạo sĩ Ấn Độ đã theo đuổi gọi là Yoga chẳng hạn hay Raja-Yoga. Theo chủ trương này người ta tin rằng ngoại giới là một trường năng lực, nội giới cũng là một trường năng lực, người ta có thể điều hòa nhịp sống động bắt đầu từ hơi thở, người ta có thể tập trung năng lực tinh thần mà xếp đặt lại cơ cấu tổ chức của thân thể, người ta phát triển được những năng lực thần thông và làm mất biên giới giữa ngoại giới với nội giới. Đấy là tất cả khoa tu luyện của ngành Thiền tông trong Phật giáo Việt Nam, như ở các vị Thiền sư danh tiếng trong nhóm Trúc Lâm Tam Tỏ, sẽ nói đến sau về mục Phật học bác học.
Sau khi tất cả gia đình Trang Vương gặp nhau ở Hương Tích nơi chúa Ba thành Phật, thì cả nhà đều quy y. Sách “Phật Bà Quan Âm diễn ca” kết luận:
Sắc rằng:
Thượng Đế sắc phong; Đại từ đại bi cứu khổ cứu nạn, Nam Mô Linh Cảm Quan Thế Âm Bồ Tát, tứ dữ liên hoa bảo tọa, nhất phó vĩnh tác Nam Hải đã nham đạo tràng chi chú.
Thượng Đế sắc phong Diệu Thanh vi Đại Thiện Văn Thù Bồ Tát, tứ dữ Thanh sư xuất nhập kỳ tọa.
Diệu Âm vi Đại Thiện Phổ Hiền Bồ Tát, tứ dữ Bạch Tượng xuất nhập kỷ tọa, vĩnh tác Thanh hương sơn đạo tràng chi chủ.
Kết luận:
Phật Bà phép chi vô biên
Một thân hóa mấy mươi ngàn muôn thân
Vốn là Bồ Tát Thiên Chân
Thác sinh công chúa nhất tâm tu hành
Trên thời hiếu báo sanh thành
Dưới thời nhân cứu chúng sanh Ta bà
Cơ thân ngồi núi Phổ Đà
Thân lên trên Phật, thân qua dưới đời
Thần thông nghìn mắt nghìn tay
Phổ môn biến để độ loài ngu mông
Lấy công sắc sắc không không
Giả làm Nam Nữ thử lòng người ta
Bảo đài xem chín tầng hoa (chín phương Trời, mười phương Phật)
Gió Nhân mưa phép khắp hòa chúng sinh.
Trên trời dưới đất xoay quanh
Bao nhiêu khổ nạn tâm thành hộ trì
Cho nên Phật hiện từ bi
Ai hay khấn đến ngài thì độ cho
Chỉ vì kẻ tục ô đồ
Dữ nhiều, lành ít, chẳng lo sửa mình
Cho nên niệm Phật tụng kinh
Ngài tuy có giáng, phúc lành chẳng bao
Ai hay tin kính trông vào
Giữa nhân, giữ hiếu chẳng nao tấm lòng
Dầu khi có chút ngại ngùng
Khấn cầu ngài hẳn ứng trong khấn cầu
Trăm năm đến lúc mai sau
Có ngài chứng quả chẳng lo não phiền
Dẫu cho lên Phật lên Tiên
Xiết bao là phúc, là duyên muôn đời
Nôm na xin diễn tích ngài
Để người đạo đức nhờ lời kính tin.
Đấy là con đường “tha lực” nhờ một niệm vô tư thành tín, qua âm thanh thuần tuý tương ứng với nguyên lý chí thiện mà được giải thoát “nhất niệm thành Phật” là thế!
Ở đây ba thân của Phật: Pháp thân, Báo thân, Hóa thân (Dharmakaya, Sambhogakaya, Nirmanakaya) được nói đến là:
Cơ thân (Báo thân, Sambhogakaya) ngồi núi Phổ Đà.
Thân lên trên Phật (Pháp thân, Dharmakaya)
Thân qua dưới đời (Hóa thân, Nirmanakaya)
Ba thân ấy cùng một Thể, Chân Như, hay Bát Nhã, hay Chân Không.
Quan niệm về Phật thân (Buddhakaya) căn bản là tôn giáo. Chân Như không được coi như thực tại của chúng sinh vạn hữu, mà là một Nhân Vị (Personne) với tất cả thuộc tính và quyền năng linh thiêng. Nhân Vị của Chân Như (Tathagata) là một điều được tin không nghi ngờ. Ngài có quyền năng biến hóa do lòng Từ bi khích động thành vô số hình tướng để cứu với chúng sinh. Lòng từ bi ấy là một hành động ân điển tự do, không phân biệt thời gian không gian.
Phật giáo vốn nhấn mạnh vào tự lực, là một tôn giáo của ý chí hành động hơn là của ân điển bác ái. Với cuộc cách mạng trong Phật giáo, nó biến quan điểm Đa nguyên của Tiểu thừa ra Tuyệt đối luận của Đại thừa thì đồng thời người ta cũng thấy cần có một nguyên lý trung gian làm môi giới cho Tuyệt đối và hiện tượng. Chính Phật đóng vai trò trung gian ấy, mà ở đây là Phật Bà Quan Âm vậy.
Không có một tôn giáo nào có thể thiếu được cái ý thức về một đấng siêu nhiên. Giữa đấng siêu nhiên với chúng sinh có sự trái nghịch. Sự trái nghịch ấy ở một số tôn giáo có thể trở nên một cái vực thẳm không cần bắc cầu qua. Nhưng chúng sinh với Thượng Đế ví như hữu hạn với vô hạn tuy ở khái niệm luân lý thì hoàn toàn trái nghịch mâu thuẫn nhưng không thể khác nhau về loại được, vì như thế thì giữa hai bên không còn quan hệ nữa. Nếu còn quan hệ, dù là quan hệ giữa Thần linh và tín đồ, cũng ngụ có một đồng nhất căn bản làm cơ sở cho sự khác nhau tương đối. Cái điểm này được nhấn mạnh ở các tôn giáo Đông phương. Trong các nền tôn giáo Á Đông như Phật giáo, Lão giáo, Ấn Độ giáo, người ta tin sự khác nhau giữa thần linh với chúng sinh, giữa Thần và Nhân tất nhiên ngụ ý rằng cả hai đều coi như phương diện biểu hiện của một Thể Tuyệt đối. Thượng đế Phật bà là biểu hiện Nhân vị, cá nhân hóa của Tuyệt đối Như Lai. Vì đấy là một sự tự do hiện tượng hóa cho nên không thể quan niệm giới hạn cho số lượng, hình thái, cơ hội của những biểu hiện ấy được. Tất cả mọi người có thể được coi như Thần linh. Buddha không phải một sự thành đạo độc nhất. Tuyệt đối luận diễn tả ra danh từ tôn giáo chỉ có thể là một Vạn hữu thần luận. Cần phải xây dựng sự đồng nhất tính của tất cả hiện hữu, trên sự đồng nhất tính giữa Thần với Nhân và sự siêu việt của Tuyệt đối. Thuyết tam thân Phật ở đây là một tỷ dụ kiểu mẫu vậy.
Cơ thân (Tướng) ngồi núi Phổ Đà
Thân (Thể) lên trên Phật
Thân (Dụng) qua dưới đời.
Nhờ ba thân ấy mà phương diện Thiên Chân hay siêu nhiên nối với hiện sinh để lài trở nên trên Phật mà phối hợp hiện sinh với siêu nhiên qua cái “nhất tâm tu hành”:
Trên thời Hiếu báo sinh thành
Dưới thời Nhân cứu chúng sinh Ta bà
Trên đây là Phật đã Hoa Việt hóa, từ một đạo giải thoát tự lực đến một đạo giải cứu bằng ân điển tha lực, từ đàn ông hóa sang đàn bà. Nhưng Phật hoàn toàn Việt hóa là sự tích Quan Âm Thị Kính, tượng trưng cho một lòng tha thứ vô bờ bến, tha thứ cho xã hội bất công mà không oán hờn, tha thứ mà chịu đựng, một lòng tin vào đức từ bi bác ái hiện thân để tuẫn đạo.
(Sưu tầm)