Sự thức nhận về vai trò, vị trí của nhà văn trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp

Chị Lan

New member
SỰ NHẬN THỨC VỀ VAI TRÒ, VỊ TRÍ CỦA NHÀ VĂN TRONG TRUYỆN NGẮN NGUYỄN HUY THIỆP

Nhà văn - có người nói - là một nhà tư tưởng. Điều đó đồng nghĩa với việc nhà văn lúc nào cũng phải đối diện với chính mình, luôn luôn đặt những câu hỏi cho mình, về mình. Chế Lan Viên, nhà thơ lớn của dân tộc, với ý thức phản tỉnh cao độ, lúc nào cũng day dứt khôn nguôi về sự tồn tại của bản thân. Chính bởi vậy, thơ Chế Lan Viên đã hình thành nên cảm hứng sám. Ông từng đặt cho mình hai câu hỏi (Ta là ai? Ta vì ai?). Có khi ông ví mình như “Tháp Bayon, bốn mặt dấu đi ba”. Nhà văn bất cứ lúc nào cũng là “người đi tìm mặt” (thơ Hoàng Hưng). Họ không thôi đặt ra những câu hỏi trong tư tưởng và phơi bày chúng, giải quyết chúng (tất nhiên phải thông qua thế giới hình tượng nghệ thuật). Khi giải quyết những vấn đề tư tưởng ấy, thực ra nhà văn đã xác định chỗ đứng của mình. Từ đâu, từ địa vị nào mà anh nhìn thấy con người, xã hội như anh mô tả.


Nguyễn Huy Thiệp lặng lẽ đưa vào tác phẩm những nhân vật là nhà văn, nhà thơ - giống như một sự hoá thân của thân xác nhà văn ngoài cuộc đời, những lời bình luận của các nhân vật khác. Bằng cách làm ấy, Nguyễn Huy Thiệp đã thực sự “gây hấn” với nghệ sĩ cả truyền thống và hiện đại, thực sự tạo nên những pha gây “sốc” cho người đọc, bởi cái mà Nguyễn Huy Thiệp đưa đến cho người đọc qua hai cách làm là tạo dựng địa vị của nhà văn (cái nhìn của chính người trong cuộc, cái nhìn của kẻ bên ngoài).

Các nhà văn trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp luôn đặt trong mối quan hệ với xung quanh, điều tất nhiên, nhưng họ không phải là người vượt lên trên tất cả. Họ ngụp lặn trong cuộc sống bùng nhùng và cũng phồn tạp như cuộc sống. Dù rằng, lúc nào họ cũng ý thức về bản thân. Tân Dân, một nhà văn có uy tín trong làng văn, làng báo, đã phát ngôn hùng hồn: “Văn chương bất chấp hết. Ngập trong bùn, sục tung lên,thoát thành bướm và hoa đấy là chí thánh” (Giọt máu)(1). ở đây phần nào ta bắt gặp tư tưởng của Nam Cao về người nghệ sĩ: phải đứng trong lao khổ mở hồn ra đón lấy những vang động của đời. Nhưng nếu người nghệ sĩ trong tác phẩm Nam Cao là người thánh thiện, biết vượt lên trên những tầm thường xung quanh, không bao giờ hoà lẫn với xung quanh (trong ý thức nhà văn không bao giờ tha hoá dù đến tận đáy bần cùng), thì người nghệ sĩ trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp lại trộn lẫn với xung quanh, thậm chí nhiều lúc còn nhếch nhác, vô tích sự, vi phạm chính lý tưởng mình rêu rao một cách có ý thức (chính ý thức tha hoá). Thi sĩ trong Hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt: “đội chiếc mũ...ngã màu cháo lòng”, trong Đưa sáo sang sông như “người từ thượng cổ bước ra: thô nhám, đơn sơ, rất cồng kềnh”. Tân Dân dù đã phát ngôn về phương châm, quan điểm về văn chương nhưng trong cuộc sống ông là người tham lam, là kẻ học lừa “làm báo nhưng thực chất chỉ buôn giấy”, lại còn buôn thuốc phiện lậu. Nhà nghiên cứu X. là bậc đàn anh trong giới văn sĩ, luôn nêu cao “tính người”, “chữ tâm” nhưng chính y đã vi phạm lí tưởng một cách khốn nạn khi đi làm cái việc ngược đời (chống lại tạo hoá) – chọn cho mình người bố xứng đáng với địa vị (Cún).

Hơn tất cả mọi đối tượng xã hội, nhà văn là người có trọng trách lớn lao trước cuộc đời. Văn chương có nhiệm vụ nhận thức xã hội - hễ là nhà văn ai cũng biết rõ điều ấy. Nhưng, nhận thức xã hội như thế nào? Phải chăng tất cả những nhận thức ấy đều được phản ánh trong tác phẩm theo nguyên lý “văn chương phản ánh hiện thực” và theo tuyên ngôn “nhà văn – người thư ký trung thành của thời đại”(H. Balzac)? Chắc hẳn Nguyễn Huy Thiệp nghi ngờ về điều ấy. Sự thực mà văn chương phản ánh nhiều lúc vụn vặt, ấm ớ, vô nghĩa, có khi chỉ là chuyện tình cờ hai người trú dưới hiên nhà trong một trận mưa về sau thành vợ, thành chồng. Nguyễn Huy Thiệp, dường như vô tình, đã mỉa mai: “chuyện này đã có người viết (thế mới biết nhà văn ở ta xông xáo)” (Không có vua). Văn chương thậm chí còn có kiểu ngớ ngẩn và điên rồ: thơ về nhổ lông chân của gã thi sĩ được nhắc đến trong Mưa.

Những ví dụ trên phần nhiều mang dấu ấn chủ quan bởi nó thông qua ngôn ngữ của người trần thuật - kẻ trung thành với nhà văn chuyển điều muốn nói tới người tiếp nhận. Bên cạnh đó nhà văn còn dùng hình thức khách quan hoá: để các nhân vật trong tác phẩm nhận xét về văn chương, tức hướng tới đối tượng giao tiếp trong tác phẩm. Chẳng hạn thi sĩ trong Mưa nói với người tình “Thơ là thứ tài năng tầm thường nhất”. Chú Hoạt trong Chú Hoạt tôi bị xỉ mắng, giễu cợt và bị đuổi đi khỏi nhà cũng chỉ vì chú làm thơ: “Bố tôi (người kể chuyện - NMH) tím mặt lại (…) ông văng tục: “A, hóa ra mày làm thơ, viết văn! Giời ạ! Thật là đồ chó (…) Hoá ra nhà tôi lại có một nghệ sĩ nữa kia! Rõ phúc nhà tôi to quá …”.

Về điều này, cũng xin nói, dường như Nguyễn Huy Thiệp có sự mâu thuẫn. Ông nghi ngờ về sự phản ánh của văn chương nhưng chính tác phẩm văn chương của ông lại minh chứng cho khả năng phản ánh hiện thực của nó.

Văn chương có nhiều thứ - chính Nguyễn Huy Thiệp đã viết - “Văn chương có nhiều thứ lắm. Có thứ văn chương hành nghề kiếm sống. Có thứ văn chương sửa mình. Có thứ văn chương trốn đời, trốn việc. Lại có thứ văn chương làm loạn” (Giọt máu). Cũng như thế, nghệ sĩ có nhiều kiểu. Nguyễn Huy Thiệp đã đi sâu vào khám phá thế giới bí ẩn của nhà văn và ông không ngần ngại trình bày lên trang viết. Nhà văn có khi là người có “tri giác thấu thị” (Sang sông), “trực giác tuyệt vời” (Vàng lửa), có khi cảm hoá được người điên (Đưa sáo sang sông). Nhưng chính nhà văn lại tự ý thức về bản thân mình - bản thân anh ta là một sự bất lực lớn. Sự bất lực trước cuộc sống mênh mông mà mình không phải là người chỉ đường, mình chỉ trình bày một trạng thái nhân sinh, cũng có thể là chỉ tại cái đa cảm của mình. Bất lực trong cái vốn ít ỏi của tri thức học vấn. Có thi sĩ cả một đời long đong trên sáu dưới tám với cái vốn “ngót nghét 500 từ”. Chính vì sự bất lực ấy mà nhà văn tự coi là “thiếu lương thiện”. Theo cách nói của Nam Cao là “đê tiện”.

Nhà văn cũng như trăm triệu con người khác bị lún sâu trong cái xã hội như món nộm. Họ có trăn trở bao nhiêu, có kiếm tìm bao nhiêu rốt cục cũng chẳng tác động ăn thua gì tới hiện thực. Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Huy Thiệp đặt các nhà văn bên cạnh các nhà chính trị. Nguyễn Du bé nhỏ bên cạnh Gia Long tàn ác nhưng “có sức đẩy … với cộng đồng” (Vàng lửa). Đồ Ngạn tự nhận xét mình là đê tiện khi đứng bên cạnh mình một tầm vóc cao lớn - Hoàng Hoa Thám (Mưa Nhã Nam). Theo chúng tôi điều này có liên quan mật thiết với quan niệm của Nguyễn Huy Thiệp: quan niệm về kiểu con người thực tế gắn với hành động. Làm chính trị là hành động. Một tên cướp bất nhân, một đôi tình nhân trơ trẽn nhưng họ cao cả hơn nhà thơ bởi họ bằng cách này hay cách khác tìm cách cứu đứa bé. Ngược lại, nhà thơ bông đùa tàn nhẫn, tán thưởng và bình luận một cách vô tình: “Có thế chứ!”, “tình yêu làm con người cao thượng” (Sang sông). Bọn văn chương - từ được nhiêu người dùng - quả thực nhiều khi vô tích sự. Tuyên ngôn thì nhiều nhưng tính thiết thực thì ít. Đứng trước thử thách đòi hỏi phải hành động thì lại tỏ ra nhút nhát, nhút nhát một cách cao thượng (Sang sông), nhiều khi vô tâm (chẳng hạn việc làm thơ của nhà thơ Anh Ngọc trước cái chết của cái Minh, cái Mị khiến nhân vật “tôi” băn khoăn: “không hiểu sao anh làm thơ được trong hoàn cảnh nhẫn tâm như thế” (Thương nhớ đồng quê), chẳng bao giờ: “biến được ngọn bút thành ngọn giáo hay cái câu liêm” (Mưa Nhã Nam). Cái bản chất của con người nghệ sĩ này cũng đã được Hoà Vang đề cập trong Tâm hồn chó. Dường như là một dụng ý khi Nguyễn Huy Thiệp đã hơn một lần đem nhà văn đặt vào các sự biến lịch sử và ông để các nhân vật khác có chung một phán quyết. Tri huyện Thặng cảnh báo: “Không hách thì để cho bọn văn chương các chú làm loạn à? Văn chương là miếng đất nghịch” (Chút thoáng Xuân Hương). Nguyễn ánh bảo với Đặng Phú Lân: “ta chỉ ghét bọn chữ nghĩa thôi. Chữ nghĩa nó thối lắm, nguỵ biện xảo trá tinh vi. Hành tung chúng ta chẳng lo. Toàn lũ ốm o, như dồi chó, hèn mọn cả” (Kiếm sắc). Cuộc sống theo Nguyễn Huy Thiệp dù muốn dù không cũng phải gắn với thực tế, phần thực dụng. Nguyễn Du “không đứng cao hơn quần chúng”, không biết làm chính trị dù ông yêu thương con người, ngược lại Gia Long “chỉ chịu trách nhiệm với bản thân” lại cao hơn tất cả. Các nhân vật là thi sĩ trong Mưa, Đưa sáo sang sông, Hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt, thậm chí cả nhà thơ Anh Ngọc đã nêu, phải chăng là minh chứng cho câu hỏi của ông: đâu là tính thực tế của văn chương?

Xét về phương diện này, Nguyễn Huy Thiệp đã ít nhiều đề cập đến mối quan hệ thiện, ác. Chữ nghĩa luôn gắn với chữ tâm, mà đã tâm (trạng thái tĩnh) ít được việc. Để thành công nhiều lúc phải tàn nhẫn, phải ác. Cái ác gắn liền với sự phát triển. Nhiều lúc nó làm ta ngạc nhiên, nhưng ngạc nhiên để thừa nhận nó “đúng một cách khốn kiếp”.

Theo chúng tôi, văn chương trong quan niệm của Nguyễn Huy Thiệp là một thứ nghề, dù đó là thứ nghề đặc biệt “nghề nguy hiểm”. Khảo sát truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, chúng tôi thấy xuất hiện bốn lần từ “nghề” ông dùng cho văn chương: “văn chương hành nghề” (Giọt máu), “nghề nguy hiểm” (Hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt), “nghề đê tiện” (Đưa sáo sang sông), “nghề văn” (Những người muôn năm cũ). Khi trả lời phóng vấn trên FRI, Nguyễn Huy Thiệp cũng trả bày tỏ quan điểm: “theo tôi nghề văn cũng như mọi nghề khác. Đừng quá hi vọng vào nó” (2). Có lẽ bởi quan niệm này mà Tú Xương vẫn cợt nhão với đời, ông chối bỏ việc theo tiếng gọi Đông Du để vừa “thẳng tay vào chợ” vừa “Ca di cà kật”. Người làm nghề văn phải lục tung bùn đất, phải sống với nó nhưng không được ngập trong nó, bao giờ cũng phải tìm đến giá trị chân chính đặc thù, dù nhiều khi cũng phải buồn cười mà cay đắng: “Tư tưởng nhân đạo, tình cảm nhân đạo sẽ chẳng được ai đoái hoài nếu không có những nhà văn” (Nguyễn Huy Thiệp)(3).

Nói đến nhà văn bao giờ cũng nói đến nỗi buồn lớn, niềm cô đơn lớn. Thi sĩ càng vĩ đại nỗi cô đơn càng chất chứa. Thi sĩ là người chạy đua theo lí tưởng, kiếm tìm lí tưởng. Để có được con đẻ tinh thần, nhà văn phải trải nghiệm, phải suy ngẫm, phải “nhào nặn thực tế”. Kết quả của những trải nghiệm ấy “đem lại cảm giác bất an trước thực tại bằng cách đặt ra vô số những câu hỏi về tồn tại” (4). Vì thế có người cho rằng đời thi sĩ là “khổ đau, lận đận” (Lecmontov). Nguyễn Huy Thiệp ý thức rõ điều này. Ông nhận ra giá trị của văn chương là “lưu giữ nhân tính” (Kant), nhưng ông cũng bất lực trước thực tại cuộc sống phũ phàng. Các nhà văn trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp thường là “những người phải sống bên cạnh những con người coi thường giá trị tinh thần, coi trọng giá trị vật chất, ham muốn hưởng thụ, chiếm đoạt” (5). Vì thế họ luôn có cảm giác “sao tôi cứ như lạc loài”. Họ cô độc giữa bầy đàn. Họ lặng lẽ kiếm tìm một lý tưởng có lẽ chỉ giành riêng cho giới họ. Thi sĩ trong Hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt dù đã lặng lẽ hoà nhập vào cuộc sống: “không hề ai biết hắn là thi sĩ”, nhưng chính y cô độc một cách đáng thương: “y lẽ loi nghiêng lệch một góc trời”. Hình ảnh người thi sĩ trong đoạn kết thúc tác phẩm gieo vào lòng một nỗi buồn da diết, một tiếng kêu khắc khoải, báo động - tiếng kêu “thảng thốt” của con hạc lẻ đàn. Thi sĩ trong Đưa sáo sang sông dù có dáng dấp phong trần, hành động có vẻ ga lăng trần tục nhưng y thất vọng vì người tình năm xưa không hiểu y “một thi nhân … người thơ”. Cuối cùng y đành bỏ lại chiếc cặp số với đôi quần lót phụ nữ lặng lẽ biến mất giữa xung quanh những ánh mắt hả hê, thích thú.

Bên cạnh những thi sĩ vô danh Nguyễn Huy Thiệp còn tái hiện trong tác phẩm những thi nhân vốn tồn tại ngoài cuộc đời. Hồ Xuân Hương dù chỉ xuất hiện thoáng qua qua con mắt của ấm Huy nhưng cũng điển hình cho “nỗi cô đơn mênh mông của cõi đời” (Chút thoáng Xuân Hương). Nguyễn Trãi suốt một đời theo đuổi lí tưởng, nhưng chính một đời ấy đã biến ông thành “một người cô đơn giữa đời như một hành tinh, một ngọn gió”, “ông lạc loai giữa đám đông”, “ông cô đơn với chính đồng loại”. Chính vì thế mà ông gắn bó với Nguyễn Thị lộ và có chăng chỉ có nàng mới là niềm an ủi hiếm hoi ở đời mà Nguyễn có thể có được (Nguyễn Thị Lộ). Nguyễn Du có “tình” và có “tài” nhưng bé nhỏ trước Gia Long. Tất cả chất chứa bên trong như được biểu hiện ra ngoài qua “khuôn mặt nhàu nát vì đau khổ” (Vàng lửa). Cô đơn là định mệnh của nhà văn, là khởi nguồn cho tài năng và đau khổ. Sứ mệnh của nhà văn là một sứ mệnh vinh quang nhưng cũng bạc bẽo. Làm nghề văn nhiều lúc phải chấp nhận phiêu lưu với cuộc đời. ý thức được điều đó, Nguyễn Huy Thiệp đã xem văn chương là cái nghiệp “theo nghiệp văn chương là một kiểu tu hành” (Chú Hoạt tôi).

Ý thức phản tỉnh của Nguyễn Huy Thiệp qua truyện ngắn của ông nhiều lúc ráo hoảnh, lạnh lùng. Nhưng đó là chân lí. Cách lí giải về người nghệ sĩ của ông thực sự đã làm cuộc “giải thiêng” cho những ngộ nhận về văn chương và nhà văn. Ông âm thầm lặng lẽ đối thoại với cuộc đời từ nhiều phía. Có lẽ vì thế mà đọc những trang văn của ông bao giờ cũng gây những ám ảnh khôn nguôi. Chính ông đã táo bạo chọn cho mình một con đường đi riêng, đó là con đường văn học không ru ngủ con người, không hát ca ca ngợi con người.

Nguyễn Mạnh Hà​
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top