Bút Nghiên
ButNghien.com
- Xu
- 552
Sự thống nhất những đối cực trong phong cách nghệ thuật Nguyễn Công Trứ
TS. Biện Minh Điền
Khoa Ngữ văn, Đại học Vinh
1. Nguyễn Công Trứ (1778-1859) quan chức, nhà thơ, một hiện tượng độc đáo và phức tạp trong lịch sử văn học Việt Nam giai đoạn nửa sau thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX, thế nhưng lịch trình nghiên cứu cũng như số công trình nghiên cứu về ông còn quá mỏng. Phải bắt đầu từ những năm hai mươi của thế kỷ XX, giới nghiên cứu mới quan tâm đến ông. Người đầu tiên phải kể đến là Lê Thước với cuốn Sự nghiệp văn chương của Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ (Lê Văn Tân xuất bản, 1928). Sau Lê Thước khoảng chục năm xuất hiện bài viết ngắn của Lưu Trọng Lư nhưng đã khái quát được cái thần của Nguyễn Công Trứ: “Thật là sự điều hoà kỳ diệu của những cái tương phản nhau: sự điều hoà của mộng với thực, cái ngông cuồng của một kẻ lãng tử với cái nề nếp của một nho sinh, và cuối cùng là sự điều hoà của thơ văn với Khổng giáo. Nguyễn Du muốn là người bạn hoàn toàn của thơ văn, đã phải lảng Nho mà theo Phật... Nguyễn Công Trứ vẫn ở trong cái phong khí khắc khổ của Nho mà vẫn khoáng dật thích thảng như một đồ đệ của Lão - Trang. Tiên sinh vừa hành binh trị nước, vừa ngâm hoa vịnh nguyệt, mà cái này không hại đến cái kia”(1). Mười lăm năm sau, Nguyễn Bách Khoa cho công bố một công trình khá dày dặn với tên gọi Tâm lý và tư tưởng Nguyễn Công Trứ. Tâm lý, tư tưởng cũng như cá tính của Nguyễn Công Trứ được Nguyễn Bách Khoa chú ý đi sâu tìm hiểu, phân tích một cách sắc sảo, có sức thuyết phục ở khá nhiều điểm... Đáng tiếc là cái nhìn xã hội học và quan điểm giai cấp đã hạn chế không ít phương pháp và suy luận, khiến ông không tránh khỏi những cực đoan trong luận giải về tâm lý, tư tưởng và cá tính nhà thơ độc đáo này. Chẳng hạn, về quan niệm hành lạc, và chí nam nhi của Nguyễn Công Trứ, theo Nguyễn Bách Khoa: “Quan niệm hành lạc của Nguyễn Công Trứ… là một quan niệm của đẳng cấp sĩ phiệt quý tộc dùng để phân biệt mình với giai cấp phú hộ và toàn thể dân gian: nghệ thuật hành lạc chỉ là một khía của nghệ thuật thống trị”…; “Thời loạn, tâm lý quý tộc di truyền và xu thế trung hưng của sĩ phiệt, ba yếu tố ấy đã giao phối với nhau để sản xuất ra cái “chí nam nhi” của chàng thanh niên Nguyễn Công Trứ”(2), v.v…
Có lẽ do nhận thấy những “ý kiến thiên lệch” của một số nhà phê bình, nhất là việc “tách rời thơ văn Nguyễn Công Trứ và hoạt động thực tế của ông”, năm 1958, Lê Thước - Hoàng Ngọc Phách - Trương Chính “cho xuất bản toàn bộ thơ văn Nguyễn Công Trứ” với mong muốn “giúp cho bạn đọc có đủ điều kiện để nhận định chính xác hơn về một bậc hào kiệt lỗi lạc kiêm thi sĩ tài hoa của ta ở thế kỷ trước”(3)...
Vậy là phải đợi đến những năm 60, 70 của thế kỷ XX, giới nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau (văn học, văn hóa học, sử học) kể cả ở hai miền Nam, Bắc, đặc biệt là ở miền Bắc, mới có cơ sở đầy đủ hơn, và mới thực sự đặt vấn đề tìm hiểu, tranh luận, xác định vai trò, vị trí của Nguyễn Công Trứ trong lịch sử cũng như trong văn học dân tộc. Người ta tập trung vào các vấn đề: - “công” và “tội”của Nguyễn Công Trứ(“Công”được nhấn mạnh: việc tổ chức khẩn hoang, mở đất. “Tội” bị xem như “vết nhơ khó xoá”: việc “đàn áp khởi nghĩa nông dân”...); - Cuộc đời, thơ văn và những đề tài nổi bật (“chí nam nhi”, “cảnh nghèo và thế thái nhân tình”, “triết lý hưởng lạc”); - Những mâu thuẫn trong tư tưởng và sáng tác... Khá nhiều vấn đề được nêu lên, đặc biệt những mâu thuẫn trong tư tưởng và sáng tác của Nguyễn Công Trứ, nhưng các luận giải ở đây phần lớn đều không tránh khỏi cái nhìn hẹp hòi, thậm chí là cực đoan do sự chi phối của quan điểm giai cấp và cái nhìn xã hội học (chẳng hạn, một số ý kiến của Văn Tân(4), Nguyễn Lộc(5), v.v...).
Chặng đường mới trong tìm hiểu, nghiên cứu Nguyễn Công Trứ là từ những năm 90 (thế kỷ XX) được đánh dấu bằng cuộc Hội thảo chuyên đề Nguyễn Công Trứ, con người, cuộc đời và thơ, tổ chức tại Trường Viết văn Nguyễn Du ngày15 tháng 12 năm 1994. Một số tham luận tại cuộc hội thảo này đã được in thành sách, “chủ yếu muốn giới thiệu với bạn đọc những cách nhìn hôm nay về Nguyễn Công Trứ”, với các vấn đề đáng chú ý như Nguyễn Công Trứ với chúng ta hôm nay - Cách đánh giá Nguyễn Công Trứ - Những ý chí, khát vọng của kiểu người anh hùng thời loạn - Tính hiện đại của Nguyễn Công Trứ - Phong cách Nguyễn Công Trứ(6),v.v... Nhìn chung các ý kiến còn sơ giản, nhưng điều quan trọng là đã mở ra cái nhìn mới về Nguyễn Công Trứ.
Năm 2003, trên cơ sở những bài viết đã có, Trần Nho Thìn tập hợp, tuyển chọn và giới thiệu thêm, cho ra đời cuốn Nguyễn Công Trứ - về tác gia và tác phẩm(7). Cuốn sách, đặc biệt bài tổng quan giới thiệu của Trần Nho Thìn, đã đưa đến cho người đọc một cái nhìn đầy đủ, hệ thống hơn về Nguyễn Công Trứ. Tuy nhiên vẫn còn biết bao nhiêu điều về hiện tượng văn học độc đáo này, đáng nói nhất là phong cách tác giả, cho đến nay vẫn còn chưa được tìm hiểu, nghiên cứu một cách thoả đáng. Phong cách Nguyễn Công Trứ là gì? thực sự đây vẫn đang còn là một dấu hỏi lớn. Hiếm thấy có một hiện tượng văn học nào thống hợp trong bản thân mình nhiều mâu thuẫn, nhiều đối cực như Nguyễn Công Trứ. Trương Chính mặc dầu lấy tên bài viết là Phong cách Nguyễn Công Trứ nhưng thực ra, phong cách Nguyễn Công Trứ không chỉ có vài nét “bình dân”, “có tinh thần lạc quan, phóng khoáng”, “dùng ca trù phóng túng”(8) như thế! Phong cách với nghĩa “chỉnh thể nhà văn” thể hiện qua toàn bộ sáng tác của “ông Hy Văn” Uy Viễn là vấn đề còn phức tạp hơn nhiều...
2. Nếu chú ý quan sát và dõi theo “bước đi” của loại hình tác giả Nho gia trong văn học Việt Nam, có thể thấy, Nguyễn Công Trứ là người tiên phong đột phá tạo nên sự “kết nối”, thống nhất trong bản thân mình hai mẫu hình nhà nho hành đạo và tài tử (theo cách phân loại chấp nhận được bởi có cơ sở, từ đề xuất của Trần Đình Hượu)(9), hai loại thơ ngôn chí và hành lạc. Có vẻ đây như là những đối cực, những mâu thuẫn khó có thể dung hợp được trong thế giới quan, nhân sinh quan và thẩm mỹ quan nhà nho? Nếu có những đối cực, những mâu thuẫn như vậy thì đâu là quy luật thống nhất chúng?
Hiện tượng có những biểu hiện sóng đôi hai mặt - tức những mâu thuẫn trong tư tưởng Nguyễn Công Trứ mà trước đây giới nghiên cứu ít nhiều đã có dịp đặt ra (vừa đề cao con người hành động, vừa đề cao lối sống hưởng lạc; vừa đề cao Nho giáo, lại vừa đề cao Đạo giáo; vừa lạc quan đồng thời vừa bi quan; vừa hăng hái với loại thơ ngôn chí, lại vừa say sưa với loại thơ hành lạc) ở Nguyễn Công Trứ thực ra cũng không phải là hiện tượng cá biệt. Ta cũng có thể thấy điều này ở Cao Bá Quát (1809 - 1855) cùng thời, ở Tản Đà (1889 - 1939) sau đó cách rất xa Nguyễn Công Trứ... Điều đáng chú ý ở Nguyễn Công Trứ là hiện tượng này quá trội, đúng là rất điển hình. Có thể nói, hơn ai hết, Nguyễn Công Trứ hành đạo thì hành đạo đến nơi đến chốn, nhưng mặt khác, hành lạc thì hành lạc cũng đến mức tối đa, nói ngôn chí, ngôn chí đến tận cùng, cổ vũ hành lạc thì cổ vũ đến mức tột đỉnh. Con người này không chấp nhận dạng lưng chừng, nửa vời, mà dám chấp nhận tất cả mọi đối cực ở phía đỉnh điểm của nó. Ngoài cá tính mạnh mẽ, ngang tàng của Nguyễn Công Trứ, còn có sự tham gia của nhiều yếu tố, trong đó có sự tham gia của yếu tố loại hình nhà nho ở trong ông.
Có thể thấy loại hình tác giả nhà nho là loại hình tác giả chủ yếu trong văn học Việt Nam trung đại. Trong sự hình thành tư tưởng của mỗi một nhà nho đều có sự tham gia của nhiều ngọn nguồn ý thức (Nho, Phật, Đạo, ý thức dân tộc, bản lĩnh cá nhân, v.v...), chúng tiềm tàng trong bất cứ nhà nho nào. Vấn đề là môi trường, tình huống, điều kiện cho những ngọn nguồn ý thức ấy có cơ hội được trỗi dậy, phát triển hoặc thay thế nhau - thay thế chứ không loại trừ nhau (khả năng này thường xuyên đặt ra), hoặc bổ sung cho nhau, cùng tác hợp, tạo nên chỗ dựa tinh thần cho nhà nho(10). Thời đại Nguyễn Công Trứ (nửa sau thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX) là một thời đại đầy giông bão và cũng quá ư phức tạp: Nho giáo suy thoái hoặc biến tướng, lắm tập đoàn phong kiến tranh dành cát cứ (tương ứng với nó là lắm vua, nhiều chúa, bài toán chọn “minh chủ” đặt ra gay gắt...); Đạo giáo, Phật giáo có cơ hội phát triển; môi trường và nhu cầu thị dân xuất hiện mời mọc, ve vãn người tài tử, v.v... Tóm lại, mọi hướng ứng xử, mọi lối đi đều dăng bày trước mắt nhà nho, thách thức nhà nho. “Hành” hay “tàng”, “vô vi” hay chủ động theo đuổi chí nhàn dật - hành lạc? Hay có thể lựa chọn song hành cùng lúc nhiều hướng ứng xử? Quyết định hướng nào là do sự lựa chọn của từng người, bởi điểm tựa tinh thần lớn nhất của nhà nho lúc này chỉ có thể là bản lĩnh, cá tính và tài năng cá nhân. Có thể thấy tâm sự và cũng là lời thách của Đặng Trần Thường - Ai công hầu, ai khanh tướng, giữa trần ai, ai dễ biết ai (?),một mặt có thể bộc lộ ý thức cơ hội cá nhân, nhưng mặt khác - đây mới là điều đáng nói - cho thấy sự phi chuẩn, mất chuẩn của thời đại bấy giờ trong con mắt nhà nho. Không phải ngẫu nhiên mà Cao Bá Quát tuyên bố:
Nằm khểnh ngâm thơ cho vợ ngủ
Ngồi rù uống rượu với con chơi
Mô phạm dăm ba đứa mũi chưa chùi
Tiêu khiển mấy cô đào mới nỏi
Ngoài tai ấy tha hồ ai gọi
Rằng ngựa trâu, vâng, cũng ngựa trâu
Nào đâu đã hẳn hơn đâu?
(May rủi)
Còn Nguyễn Công Trứ:
Đã chắc rằng ai nhục với ai vinh,
Mấy kẻ biết anh hùng khi vị ngộ ?
(Chí khí anh hùng)
“Giữa trần ai ai dễ biết ai?”, “Nào đâu đã hẳn hơn đâu?”, “Đã chắc rằng ai nhục, ai vinh?”, “Mấy kẻ biết anh hùng khi vị ngộ?”..., cả một lớp nhà nho từ Ngô Thì Nhậm (1746-1803), Đặng Trần Thường (1759-1816), Hồ Xuân Hương (1772-1822)(11)... đến Cao Bá Quát (1809-1855), Nguyễn Công Trứ (1778-1859), v.v..., tuy quan điểm chính trị có khác nhau nhưng họ rất gặp nhau trong cái nhìn về một thời đại giông bão, phức tạp và dường như mất “chuẩn” bấy giờ. Phần lớn, họ tự xác định mọi định chuẩn cho mình dựa trên bản lĩnh và tài năng cá nhân. Có phải đây là một đặc điểm của người “anh hùng thời loạn”?
Có thể nói tiền đề xã hội cho mọi hướng ứng xử hành đạo, hành lạc, ẩn dật, “vô vi”... ở thời đại Nguyễn Công Trứ đã có thể cho phép nhà nho rộng đường trong sự lựa chọn. Nếu như kiểu nhà nho chính thống vẫn còn băn khoăn với nhiều lẽ “xuất”, “xử”, “hành”, “tàng”, “minh”, “u”, “khôn”, “dại”..., thì lớp nhà nho tài tử vừa mới xuất hiện lại không mấy bận tâm với những điều này. Điều quan trọng đối với họ là cơ hội để bộc lộ tài năng, trên cơ sở đó mà ngạo nghễ tuyên bố “Nhân sinh quý thích chí”... “Hành” hay “tàng” theo quan niệm của họ thực ra cũng chẳng khác gì nhau: Hành tàng bất nhị kỳ quan [FONT="](Nguyễn Công Trứ). “Hiền”, “ngu”, “khôn”, “dại”... khó mà xác định. Vì thế Cao Bá Quát bất cần:[/FONT]
Hiền ngu thiên tải tri thuỳ mị,
Phú quý bách niên năng kỷ hà?
(Ngàn năm biết ai là hiền là ngu,
Trăm năm phú quý được mấy nỗi)
Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát đã không theo lối “tàng”, không cần phải ẩn mình. Họ chọn lối “hành”, xuất hiện một cách ngạo nghễ, đường hoàng trên cả hai hướng hành đạo và hành lạc. Đặc biệt đối với Nguyễn Công Trứ, hành đạo hay hành lạc, tất cả đều chỉ là một cuộc chơi:
- Tang bồng là nợ
Làm tài trai chi sợ áng công danh...
Chơi cho phỉ chí tang bồng
(Quân tử cố cùng)
- Nợ tang bồng hẹn khách thiếu niên,
Cuộc hành lạc vẫy vùng cho phỉ chí.
(Cầm kỳ thi tửu)
Hành đạo và hành lạc với Nguyễn Công Trứ như là hai mặt của một vấn đề, hai cực của một cuộc chơi. Cả hai đều là nơi gửi gắm cái chí của người anh hùng, tạo nên một sự giải toả cần thiết cho người tài tử trong ông ở thời đại bấy giờ. Chính vì thế mà thơ ngôn chí hay thơ hành lạc đều cùng một khẩu khí ngang tàng, bất cần, phóng túng. Con người hành đạo hầu như luôn cùng song hành với con người hành lạc trong nhà nho Nguyễn Công Trứ đã có thể bộc lộ sở trường đa năng của mình trên tất cả mọi hướng:
Đem quách cả sở tồn làm sở dụng,
Trong lăng miếu ra tài lương đống.
Ngoài biên thuỳ rạch mũi can tương,
Sĩ làm cho bách thế lưu phương...
... Đồ thích chí chất đầy trong một túi.
Mặc ai hỏi, mặc ai không hỏi,
Gẫm việc đời mà ngắm kẻ trọc, thanh,
Này này sĩ mới hoàn danh.
(Luận kẻ sĩ)
Có thể xem Luận kẻ sĩ như một tuyên ngôn về lẽ sống đồng thời cũng như là tuyên ngôn về nghệ thuật đầy chân thành, xúc động và cũng rất mực rõ ràng của Nguyễn Công Trứ. Tuy có hơi ồn ào nhưng nhìn chung ông là người xác định rất đúng về bản thân mình, không hề và không cần che giấu một điều gì:
Được mất dương dương người thái thượng,
Khen chê phơi phới ngọn đông phong.
Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng,
Không Phật, không Tiên, không vướng tục...
(Bài ca ngất ngưởng)
Sự hội tụ và thống nhất những đặc điểm chính yếu của hai mẫu hình nhà nho hành đạo và tài tử, hai loại thơ ngôn chí và hành lạc ở Nguyễn Công Trứ quả là một hiện tượng độc đáo nhưng hợp quy luật, mang tính xu thế của thời đại. Dĩ nhiên sự lựa chọn này cũng phải đòi hỏi rất cao bản lĩnh cá nhân. Phải là con người hành động, dám vượt ra ngoài vòng cương toả, dám dấn thân và phải có thực tài thì mới có thể làm được. Con đường dẫn đến phong cách Nguyễn Công Trứ cái chính cũng là bắt nguồn từ đây.
3. Một nhà văn lớn không thể không có tư tưởng nghệ thuật với cái nhìn riêng độc đáo về con người và thế giới - yếu tố tiên quyết trong sự cấu thành phong cách. Từ trước đến nay trong tìm hiểu Nguyễn Công Trứ, giới nghiên cứu cũng đã từng bàn đến tư tưởng của ông nhưng chủ yếu người ta xét nó dưới góc độ tâm lý, xã hội học hoặc đạo đức học. Có thể chiết ra chỗ này là tư tưởng Nho giáo, chỗ kia là tư tưởng Lão - Trang, chỗ kia là tư tưởng thị dân đòi hưởng lạc, v.v... và dễ thấy chúng cùng tồn tại đầy mâu thuẫn trong con người và thơ văn Nguyễn Công Trứ ! Hướng tìm tòi này đành rằng không phải không có những phát hiện và luận giải đáng chú ý, nhưng thực tình khó có thể xác định được đâu là tư tưởng sáng tạo chủ đạo hay là tư tưởng nghệ thuật cơ bản của tác giả - tức thứ tư tưởng thể hiện qua toàn bộ sáng tác, sống bằng hình tượng, được nghệ thuật hoá và mang tính thống nhất chỉnh thể của nhà văn… Trong sáng tác của một nhà văn, có thể có sự tham gia của nhiều loại tư tưởng thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau (chính trị, triết học, đạo đức, v.v...), nhưng tất cả những tư tưởng này đều thống nhất trong tư tưởng sáng tạo chủ đạo, tâm đắc, mang ý nghĩa xã hội - thẩm mĩ mới mẻ, sâu sắc (tức tư tưởng nghệ thuật) của tác giả. Một nhà văn có phong cách phải là nhà văn có tư tưởng như thế. Nếu thiếu nó, dẫu kỹ thuật ngôn từ của nhà văn có tinh xảo đến đâu thì tác phẩm cũng chỉ là một sự xếp chữ mờ mịt, có được gọi là phong cách thì cũng chỉ là phong cách giả tạo như khuyến cáo của G.W. Hêghen mà thôi.
Toàn bộ sáng tác của Nguyễn Công Trứ cho thấy, tư tưởng sáng tạo chủ đạo (hay tư tưởng nghệ thuật cơ bản) của ông xoay quanh mệnh đề Nam nhi chí với bao nhiêu món nợ phải trả: nợ cầm thư, nợ công danh, nợ tang bồng, nợ đời, nợ trần hoàn, nợ nhà, nợ tình, nợ duyên, nợ thơ, nợ phong lưu... Con người này hết sức rạch ròi, dứt khoát. Sống là nợ. Mà nợ thì phải trả. Trả bằng được, trả triệt để, để rồi “trang trắng vỗ tay reo”. Thế mới hoàn danh. Có thể nói hành trình cuộc đời cũng như hành trình sáng tác của Nguyễn Công Trứ là hành trình trả những món nợ độc đáo ấy. Người trả nợ không ai khác là đấng nam nhi “hữu chí” anh hùng và tài tử.
Mệnh đề “nam nhi chí” dĩ nhiên không phải chờ đến Nguyễn Công Trứ mới xuất hiện, nhưng trong thơ văn ông nó thực sự trở nên như một tuyên ngôn, một quan niệm nhất quán, bền vững, một tư tưởng sáng tạo hấp dẫn với nhiều nội dung mới mẻ, độc đáo, ấn tượng, không khuôn sáo. Có thể thấy trong toàn bộ sáng tác của Nguyễn Công Trứ, Chí hiện lên như một phạm trù thẩm mỹ trung tâm. Nó là tiêu chí khẳng định sự tồn tại có ý nghĩa của cuộc sống nhân sinh.
Nhân sinh quý thích chí…
Hữu chí sự cánh thành…
Chí[FONT="] làm nên[/FONT] đấng anh hùng đâu đấy tỏ...
Với ông, hành đạo cũng như hành lạc - hai cực của một vấn đề, “nhị vị nhất thể”, chúng không hề mâu thuẫn, chống đối nhau mà tồn tại bên cạnh nhau, bổ sung cho nhau, tạo nên một hiện tượng Nguyễn Công Trứ mới lạ mà gần gũi: Không Phật không Tiên mà khác tục...
“Tư tưởng tạo ra cái nhìn” (M. Bakhtin) hay nói cách khác, cái nhìn sẽ bị “sai khiến”, bị “điều phối” bởi tư tưởng. Với tư tưởng sáng tạo chủ đạo và đầy tâm đắc ấy, Nguyễn Công Trứ quen nhìn con người và thế giới qua lăng kính chí dẫu từ phương diện nào. Là con người phải là con người hữu chí - cái chí của đấng nam nhi uy dũng, ngang tàng:
- Thông minh nhất nam tử,
Yếu vi thiên hạ kỳ.
Trót sinh ra thời phải có chi chi,
Chẳng lẽ tiêu lưng ba vạn sáu?
(Chí nam nhi)
- Hữu chí công danh tài bất lụy,
Sơ lai bồng thỉ hựu hà phương.
(Có chí lập nên công danh tài chẳng cần lụy,
Sinh ra có chí tang bồng hồ thỉ không ngại gì)
(Danh lợi)
- Chí làm trai nam bắc tây đông,
Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể.
(Chí khí anh hùng)
Con người trong quan niệm của Nguyễn Công Trứ hiện ra dưới nhiều dạng thái khác nhau nhưng có hai dạng thái chính mà ông luôn luôn quan tâm đến: con người xã hội - phận sự và con người cá nhân - “nhân sinh quý thích chí”. Đây đồng thời cũng là hai yêu cầu cơ bản không thể thiếu đối với danh phận làm người. Nói đến Nguyễn Công Trứ người ta thường nghĩ đến con người “ngoài vòng cương toả” trong ông. Nhưng thực ra đấy mới chỉ là một mặt. Trước khi đề cao con người ngoài vòng cương toả, con người cá nhân sống theo ý thích của mình, bao giờ Nguyễn Công Trứ cũng xác định rõ phải là con người phận sự, “hoàn danh” đã:
Vũ trụ giai ngô phận sự…
Vũ trụ chi gian giai phận sự…
Trong vũ trụ đã đành phận sự...
Phận sự ấy là gánh càn khôn, công danh, sự nghiệp, chí tang bồng, đường trung hiếu, chữ quân thân, trên vì nước dưới vì nhà... mà đấng nam nhi không thể trốn tránh, chối từ. Trái lại, phải:
Tính cho xong
Nợ trần hoàn quyết trả cho xong
Bao nhiêu nợ tang bồng đem trả hết.
Bản lĩnh và nhân cách là ở chỗ đó. Cái hơn người của Nguyễn Công Trứ là nói được, làm được. Tuyên bố, luận lý có vẻ hơi ồn ào nhưng tất cả đều được chứng minh bằng hành động thực tiễn. Hình tượng kẻ sĩ hoàn danh trong thơ ông là một mẫu mực cho kiểu người hành đạo, cho mẫu hình con người chức năng - phận vị. Nhưng không dừng lại ở đấy. Có hành đạo không thể không có hành lạc bởi cả hai đều là chí, là phận:
Thú gì hơn nữa thú ăn chơi
Chi giàu khó sang hèn là phận cả
Đủ lếu láo với người thiên hạ
Tính đã quen đài các bấy lâu
Đàn một cung, cờ một cuộc, thơ một túi, rượu một bầu
Khi đắc chí ngao du ờ cũng phải...
(Thích chí ngao du)
Xét cho kỹ mọi nhẽ thì việc hành lạc đối với con người cũng là việc rất phải, nên làm, không để cho hư danh ràng buộc bản thân mình: Cuộc hành lạc bao nhiêu là lãi đấy (Chơi xuân kẻo hết xuân đi).
Ở phương diện nào, Nguyễn Công Trứ cũng luôn luôn là con người tự khẳng định mình một cách mạnh mẽ, và dĩ nhiên ông có cơ sở để khẳng định. Chính vì vậy mà ông dám vượt lên, bất chấp mọi được mất khen chê. Dám dấn thân cho mọi hành vi, ứng xử hành đạo và hành lạc, Nguyễn Công Trứ đã tạo cho mình được một sự cân bằng cần thiết, tránh được mọi cơn “stress” rất dễ có ở thời đại ông nhất là đối với ông. Dường như ông đã tạo được cho mình một sự thoải mái tận độ trong mọi trạng thái tâm lý, tinh thần và vươn đến cái tự do có thể có. Con người cá nhân với mọi khả năng và nhu cầu trần thế có thể có trong văn học Việt Nam trung đại đến Nguyễn Công Trứ là một bước phát triển đột xuất. Thơ văn ông là sự khẳng định con người cá nhân trên mọi phương diện của lý tưởng kẻ sĩ và lý tưởng nhân sinh. “Không có gì thuộc về con ngưòi mà lại xa lạ đối với”... con người này. Hơn thế, mọi sự đều có thể đẩy đến mức ngất ngưởng, khác người. Đấy vừa là một sự khẳng định vừa là một thách thức. Trong triều (và đâu chỉ có trong triều) ai ngất ngưởng như ông?. Một cái tôi ngông, một cá tính mạnh mẽ lừng lững trong thơ văn Nguyễn Công Trứ như muốn nổi loạn, phá tung mọi quy củ nền nếp sáo mòn nhàm chán nói rất nhiều điều cho ý thức cá tính, bản ngã, cho sự thể hiện phong cách cá nhân. Trong văn học trung đại Việt Nam, trước Nguyễn Công Trứ, ít thấy có sự tự thể hiện mình, nhìn mình phong phú đa chiều như trường hợp ông Hy Văn này.
Ngoài sự thể hiện mình một cách trực tiếp (thường là bằng đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất tôi, ta, tao, ông...), Nguyễn Công Trứ còn làm một cuộc phân thân, tự tách mình ra khỏi mình, đúng như nhận xét của Vương Trí Nhàn: “nhà thơ tự nói về mình bằng một đại từ ở ngôi thứ ba” (ông), “nhìn mình như một kẻ khác”(12), nghĩa là khách thể hoá bản thân mình một cách cao độ. Có thể xem Bài ca ngất ngưởng là tiêu biểu nhất cho sự tự thể hiện mới mẻ độc đáo ấy. Bài thơ làm hiện lên đầy đủ, sinh động, chân thực một con người đa năng, toàn diện, có sự thống nhất nhiều mặt trong quan niệm của Nguyễn Công Trứ:
Vũ trụ nội mạc phi phận sự,
Ông Hy Văn tài bộ đã vào lồng.
Khi Thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông,
Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng.
Lúc Bình Tây, cờ đại tướng,
Có khi về Phủ Doãn Thừa Thiên.
Đô môn giải tổ chi niên,
Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng.
Kìa núi nọ phau phau mây trắng,
Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi.
Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì,
Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng.
Được mất dương dương người thái thượng,
Khen chê phơi phới ngọn đông phong.
Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng,
Không Phật, không Tiên, không vướng tục.
Chẳng Trái, Nhạc cũng vào phường Hán, Phú.
Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung,
Trong triều ai ngất ngưởng như ông!
(Bài ca ngất ngưởng)
Như vậy bên cạnh con người xã hội - phận sự, con người hành động, dấn thân, cống hiến là con người cá nhân - “nhân sinh quý thích chí”. Đấy là hai dạng thái làm người hữu chí - một sự phân thân, đắp đổi rất thực tế và cũng rất biện chứng trong quan niệm về con người của Nguyễn Công Trứ.
Con người ấy có không gian tồn tại cũng rất độc đáo, vừa bình thường, vừa rất khác thường. Vũ trụ, càn khôn, bốn bể, giang sơn, vòng trời đất dọc ngang, ngang dọc... trước hết đây là môi trường chứng minh rõ ràng nhất cho sự hiện diện (luôn luôn trong trạng thái hành động) của con người hữu chí. Nhưng đây cũng là con người của mặt đất đời thường đầy bụi bặm của nhân thế với bao nhiêu mối quan hệ “lợi danh” “chen chúc”, “nhục”, “vinh” đắp đổi, bởi vậy nó phải đón nhận tất cả. Thì ra không gian sinh hoạt xã hội lại là nơi để con người hữu chí trải nghiệm, Vào cuộc trần ai khóc lẫn cười, để rồi càng thấm cái chua chát của lẽ đời: Đù mẹ nhân tình đã biết rồi/ Lạt như nước ốc, bạc như vôi...
Biết vậy nhưng Nguyễn Công Trứ vẫn không hề ngán. Ông vẫn coi đó là cuộc chơi. Cõi nhân thế này có những giới hạn cụ thể và rõ ràng của nó:
Nhân sinh ba vạn sáu nghìn thôi,
Vạn sáu tiêu nhăng đã hết rồi...
Vậy việc gì mà không hành, trước là hành đạo, sau là hành lạc, Cuộc hành lạc bao nhiêu là lãi đấy. Nếu không chơi thiệt ấy ai bù? Bởi vậy, Cuộc hành lạc (cứ) vẫy vùng cho phỉ chí!. Điều đáng nói nhất ở đây là cái hành lạc của Nguyễn Công Trứ không phải là cái hành lạc tầm thường, nhất là trong bối cảnh thời đại ông, khi chung quanh ông tất cả đều giả dối nhưng lại được che đậy bằng cái mặt nạ nghiêm túc... Và Nguyễn Công Trứ đã nâng cái hành lạc của ông thành một quan niệm, một triết lý sống có ý nghĩa. Vốn đã từng “lên voi xuống chó” quá nhiều lần, trải nghiệm mọi sự đời, biết rõ mọi giới hạn, Nguyễn Công Trứ luôn nhìn đời thoải mái, phóng túng, lạc quan. Sự thực ông không phải là con người bi quan, yếm thế như một số ý kiến đã nhận định. Nguyễn Công Trứ từng nói:
Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo
Giữa trời vách đá cheo leo
Ai mà chịu rét thì trèo với thông!
Không nên hiểu “lời thề” trên cơ sở của những trải nghiệm, “thấm đòn” ấy của ông là biểu hiện sự bi quan, chán nản. Thực ra, đây là một thách thức, một “tuyên chiến” loại trừ mọi kẻ khác tầm thường, không cùng hệ giá trị với ông.
Con người với bản lĩnh và cá tính như vậy dĩ nhiên có giọng điệu riêng rất đặc thù. Giọng điệu cơ bản của Nguyễn Công Trứ là giọng khẳng định, khẳng định một cách mạnh mẽ. Nghe ông, người ta có thể nhận ra ngay đây là khẩu khí của người anh hùng, tài tử. Ông tuyên bố nhiều, tuyên bố một cách hùng hồn, dõng dạc, rõ ràng, dứt khoát mọi quan điểm của mình dẫu là về công danh, sự nghiệp, phận vua tôi, đường trung hiếu hay thú ăn chơi, hưởng lạc, nhàn tản... Thơ ông vẫn thường nhuốm chút màu sắc, ý vị triết học, nhất là ảnh hưởng của tư tưởng Lão - Trang:
Kìa núi nọ phau phau mây trắng…
Chiền đâu một tiếng chuông rơi…
Mảnh hình hài không có, có không…
Vật thái mạc cùng vân biến ảo
Thế đồ vô lự thuỷ dinh hư...
Hay ngán ngẩm cho thế thái nhân tình đen bạc:
Thế thái nhân tình gớm chết thay
Lạt nồng trông chiếc túi vơi đầy...
Nhưng nhìn chung, Nguyễn Công Trứ là con người rất tự tin, luôn lạc quan, sôi nổi. Ông tin vào bản lĩnh và tài năng hơn người, tin vào sự làm tròn mọi phận sự của một đấng nam nhi ở mình, bởi vậy giọng luôn luôn mạnh mẽ, hào sảng, nhiều khi ngang tàng, thách thức.
Trong sáng tác của Nguyễn Công Trứ, thấy dày đặc những động từ, trạng từ diễn đạt các hành động, trạng thái mạnh mẽ, cứng cỏi, các từ loại khác đi theo nó cũng vậy, luôn gợi cái mạnh mẽ, khí phách:
- Chém cha cái khó, chém cha cái khó,
Khôn khéo mấy ai, xấu xa một nó...
(Hàn Nho phong vị phú)
- Nợ tang bồng quyết trả cho xong
(Chí nam nhi)
- Chơi cho phỉ chí tang bồng...
Cuộc hành lạc vẫy vùng cho phỉ chí...
(Cầm kỳ thi tửu)
- Cũng có lúc mây tuôn sóng vỗ,
Quyết ra tay buồm lái trận cuồng phong
Chí những toan xẻ núi lấp sông
Làm nên đấng anh hùng đâu đấy tỏ...
Nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo.
(Chí khí anh hùng)
- Kém gì nam bắc tây đông,
Đường thư kiếm vẫy vùng cho hết đất.
(Bốn bể là nhà)
- Đánh ba chén rượu khoan tay giấc,
Ngâm một câu thơ vỗ bụng cười…
Giắt lỏng giang sơn vào nửa túi,
Rót nghiêng phong nguyệt cạn lưng bầu...
(Hành tàng)
Ngôn từ hào sảng, mạnh mẽ nhưng không vướng vào sáo ngữ bởi có nội dung biểu đạt tương ứng. Đọc Nguyễn Công Trứ có thể thấy rõ lối nói hoa hòe, hoa sói, uốn éo “lịch lãm” hay tỏ ra làm duyên làm dáng không hề phù hợp với tạng con người này. Cách nói của ông là cách nói trần trụi, khi cần có thể văng tục một cách hồn nhiên: Đù mẹ nhân tình đã biết rồi/ Lạt như nước ốc bạc như vôi (Thế tình bạc bẽo)...
Cũng chưa thấy ai dùng giọng văng tục để khẳng định một nội dung nghiêm cẩn, khả kính như Nguyễn Công Trứ:
Thuộc ba mươi sáu đường kinh, chẳng Thần, Thánh, Phật, Tiên
song khác tục,
Hay tám vạn tư mặc kệ, không quân, thần, phụ, tử
đếch ra người...
(Câu đối đùa sư)
Giọng điệu và ngôn ngữ thơ Nguyễn Công Trứ cũng khá là đa sắc. Nhiều lúc đầy nghịch ngợm, hóm hỉnh (đặc biệt bài Bỡn tình nhân của ông trở nên như một hiện tượng nghệ thuật thú vị mà không ai không biết đến), có khi thật thâm thuý (thể hiện rõ trong mảng thơ phúng dụ, vịnh vật)... Tuy nhiên điểm nổi bật, ấn tượng, quán xuyến nhất ở Nguyễn Công Trứ vẫn là sự khẳng định mạnh mẽ, ngang tàng, ngang tàng đến mức ngất ngưởng. Cái sống sít, trần trụi và chất Nghệ đậm đặc trong giọng điệu và ngôn ngữ thơ Nguyễn Công Trứ vừa đem lại cho ông những đặc điểm nổi trội mà các tác giả khác không có được nhưng đồng thời cũng khiến cho ông không tránh khỏi những hạn chế. Nguyễn Công Trứ thiếu cái điêu luyện mượt mà mà các tác giả thuộc loại hình nhà nho tài tử như ông, tiêu biểu như Phạm Thái, Cao Bá Quát cùng thời, đặc biệt là Dương Khuê, Chu Mạnh Trinh về sau (nửa sau thế kỷ XIX) đều có. Dẫu vậy các tác giả sau ông phải tôn vinh ông về nhiều mặt, trong đó có chí hành lạc với thể loại hát nói mà Nguyễn Công Trứ thực sự là người khơi dòng và là tác giả vô địch nhất...
_________________
(1) Lưu Trọng Lư: Nguyễn Công Trứ nhà thi sĩ của Nghệ Tĩnh sau một trăm năm, Tao đàn, số 1-1939.
(2) Nguyễn Bách Khoa: Tâm lý và tư tưởng Nguyễn Công Trứ, Hàn Thuyên xuất bản, H,1944.
(3) Lê Thước - Hoàng Ngọc Phách - Trương Chính (giới thiệu, hiệu đính, chú thích): Thơ văn Nguyễn Công Trứ.Nxb Văn hoá, H, 1958, tr.38-39.
(4) Văn Tân: Nguyễn Công Trứ và những việc làm của ông hồi thế kỷ XIX, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 152-1973.
(5) Nguyễn Lộc: Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX, Nxb. Đại học và trung học chuyên nghiệp, H, 1978.
(6) Nhiều tác giả: Nguyễn Công Trứ - con người cuộc đời và thơ. Nxb. Hội Nhà văn, H, 1996.
(7) Trần Nho Thìn (giới thiệu và tuyển chọn): Nguyễn Công Trứ - về tác gia và tác phẩm, Nxb. Giáo dục, H, 2003.
(8) Nhiều tác giả: Nguyễn Công Trứ con người cuộc đời và thơ. Sđd, tr.63-74.
(9) Trần Đình Hượu: Nho giáo và văn học Việt Nam trung cận đại, Nxb. Văn hóa - Thông tin, H, 1995.
(10) Biện Minh Điền: Vấn đề tác giả và loại hình tác giả văn học Việt Nam trung đại. Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 4-2005, tr.81-90.
(11) Theo Nghệ An thế và lực mới trong thế kỷ XXI, Nxb. Chính trị Quốc gia, H, 2005, tr.67.
(12) Nhiều tác giả: Nguyễn Công Trứ - con người, cuộc đời và thơ. Sđd, tr.80-81.
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Văn học số 3.2009