vanchuong83
New member
- Xu
- 0
SỬ THI VIỆT NAM
Câu 1: Tóm lược quá trình sưu tầm nghiên cứu sử thi Tây Nguyên từ đầu thế kỷ XX đến nay.
Tây Nguyên là vùng đất với những giá trị lịch sử, văn hoá tinh thần vô giá, vùng đất của những điệu cồng chiêng, của rượu cần, đàn Tơrưng… và đặc biệt là một “vùng sử thi”. Điều thú vị và hấp dẫn ở sử thi Tây Nguyên là những giá trị lịch sử, giá trị văn hoá của nó với những cứ liệu lịch sử đầy thuyết phục về một giai đoạn lịch sử của dân tộc mà theo một số nhà nghiên cứu, sử thi Tây Nguyên có thể ra đời vào khoảng thế kỷ XVI khi xã hội Tây Nguyên có những thay đổi to lớn do các cuộc chiến tranh của các buôn làng… Cũng theo các tài liệu lịch sử, sử thi Tây Nguyên đã được biết đến từ khá lâu, từ thời Pháp thuộc, đầu những năm hai mươi của thế kỷ trước, nhưng đến gần đây, mới được nghiên cứu, khai thác một cách quy mô, sâu rộng. Xét ở góc độ vĩ mô, cho đến nay sử thi Tây Nguyên được biết là có đến hơn hai trăm bộ đã được sưu tầm, ghi chép và đang được tổ chức biên soạn. Và số còn lại đã được biết đến nhưng chưa kịp ghi chép cũng có hàng trăm bộ nữa.
Với những giá trị văn hoá tinh thần vô giá, sử thi Tây Nguyên đã góp phần làm nên bản sắc văn hoá dân tộc ở một vùng đất huyền thoại và nhiều tiềm năng. Cho nên việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá của các dân tộc Tây Nguyên, trước hết là tiếp tục sưu tầm, tổ chức biên soạn cũng như việc bảo tồn, lưu giữ, phát huy tác dụng và truyền lại cách kể khan hay kể sử thi nói chung là những việc làm cấp thiết và có một ý nghĩa cực kỳ to lớn.
Tuy vậy, mãi đến đầu thế kỷ XX mới thực sự bắt đầu quá trình sưu tầm nghiên cứu sử thi các dân tộc Việt Nam, với sử thi Đam Xăn. . GS. Phan Đăng Nhật - một chuyên gia nghiên cứu về văn học dân gian Việt Nam - đã chia quá trình này ra làm ba giai đoạn và chín bước:
1. Giai đoạn mở đầu
Giai đoạn mở đầu từ năm 1927 đến năm 1955: Từng bước chứng tỏ cho thế giới biết rằng Việt Nam có anh hùng ca / sử thi; và từng bước đính chính nhận định Đam Xăn là sử thi đầu tiên và cuối cùng của “người Mọi”.
Bước một, lần đầu tiên thế giới biết đến một tác phẩm sử thi của Việt Nam – một dân tộc thuộc địa ở xứ Viễn Đông xa xôi. Người đầu tiên có công phát hiện và giới thiệu sử thi Đam Xăn là L.Sabatier – công sứ người Pháp ở Tây Nguyên, một người đi xâm lược nhưng lại rất yêu con người, mảnh đất Tây Nguyên. Hay nói đúng hơn có lẽ chính sức hấp dẫn của văn hóa Tây Nguyên đã cuốn hút một con người từ thế giới văn minh phương Tây say mê tìm tòi, nghiên cứu.
Tháng 5 năm 1927, lần đầu tiên bản sử thi Đam Xăn được công bố bằng tiếng Pháp xuất bản tại Pari. Trong bài tựa sách, ông viết: “Nhưng mỉa mai cay đắng thay cái bằng chứng đầu tiên về văn học của người Mọi cũng lại là bằng chứng cuối cùng”. Xác định tục Chuê nuê (nối nòi) là chủ đề hàng đầu của Đam Xăn, Sabatier cho rằng: “Bài ca Đam Xăn là bản thuyết minh về phong tục, một bài học về xã hội học và luân lý của người Ra-đê hơn là chuyện một người anh hùng và chiến công của y”. Ông đưa ra mốc xuất hiện của tác phẩm này là từ khoảng thế kỷ XVI – XVII. Hơn 80 năm trước, L.Sabatier đã ghi nhận hiện tượng tiếp nhận sử thi kỳ thú của đồng bào Tây Nguyên: “Khan ư! Không có gì đẹp hơn thế. Khi trong nhà có một người kể khan, lúc mặt trời lặn, chúng ta thấy người trong nhà chăm chú bất động thế nào, thì chúng ta lại thấy họ bất động y nguyên như thế cho đến lúc mặt trời lặn. Khi trong nhà có người kể khan, đàn bà thôi kêu la, trẻ con ngừng khóc, không hề ai ngủ, không ai nói chuyện, tất cả mọi người đều lắng nghe”
Năm 1933, Học viện Viễn đông bác cổ Pháp tại Hà Nội in lại Đam Xăn dưới hình thức song ngữ Êđê – Pháp. Trong đó, Sabatier lược bỏ đi một số trận đánh mà ông cho là trùng lặp.
Sau kháng chiến chống Pháp, năm 1959, Đam Xăn lần đầu tiên được dịch giả Đào Tử Chí dịch ra tiếng Việt.
Bước hai, trong những năm 40, Hoàng Thiếu Sơn có một số bài viết khơi lên vấn đề đi tìm sử thi của người Việt.
Trong những năm 60, Cao Huy Đỉnh đưa ra giả thiết về sự tồn tại của một sử thi bắt nguồn từ các huyền thoại thời Hùng Vương. Ông đã tiến hành sưu tầm các câu chuyện về Người anh hùng làng Dóng và cho thấy đó chỉ là chuỗi các câu chuyện độc lập, đơn lẻ cùng viết về nhân vật Thánh Dóng, hoàn toàn không có hình thức thơ ca hoàn chỉnh của một tác phẩm sử thi về người anh hùng này. Kế tục lý thuyết hóa thạch ngoại biên của Cao Huy Đỉnh, những người nghiên cứu thế hệ sau đã tiếp tục theo hướng: đi tìm anh hùng ca của các dân tộc thiểu số Việt Nam.
Bước ba, sự kiện Antomarchi tìm ra sử thi Đăm Di năm 1952 và G.Condominas công bố Đăm Di năm 1955 chứng tỏ Đam Xăn không phải là tác phẩm sử thi duy nhất của Tây Nguyên theo như nhận định của Sabachier hồi đầu thế kỷ.
2. Giai đoạn phát hiện
Giai đoạn này kéo dài từ năm 1963 đến năm 1983, tiếp tục các bước phát triển trong quá trình sưu tầm, nghiên cứu ở giai đoạn mở đầu.
Bước bốn, theo hướng đi tìm những anh hùng ca của các dân tộc thiểu số, kết quả các nhà nghiên cứu đã tìm ra cả một vùng sử thi Tây Nguyên với số lượng vô cùng phong phú. Năm 1963, tập hợp tác phẩm Trường ca Tây Nguyên do Y Điêng chủ biên đã giới thiệu thêm 6 bản anh hùng ca Xing Nhã, Đăm Di, Khinh Dú, Đăm Đơ Roăn, Y Prao chứng tỏ sự tồn tại một khối lượng lớn các sử thi ở Tây Nguyên và những tác phẩm được biên dịch, xuất bản chỉ là một phần rất nhỏ.
Bước năm, năm 1974, hội thảo về sử thi Đẻ đất đẻ nước ở Thanh Hóa đã khẳng định đây cũng là một sử thi và định danh một tiểu loại sử thi mới: sử thi sáng thế. So sánh truyền thuyết thời Hùng Vương và Đẻ đất đẻ nước có thể khẳng định được những gắn bó chặt chẽ cho thấy đây là một sử thi chung Mường – Việt. Do quá trình phát triển và biến đổi mạnh mẽ của văn hóa dân tộc Việt, ngày nay ta chỉ còn thu thập được những biến thể của mảnh vụn sử thi trong các truyền thuyết Hùng Vương. Trên cơ sở những tư liệu đáng tin cậy, các nhà khoa học đã chứng minh Đẻ đất đẻ nước là sử thi chung của người Việt và người Mường, xuất phát từ thời kỳ lịch sử Việt – Mường chung.
Năm 1980, công trình Lịch sử văn học Việt Nam đã có một chương về sử thi được công bố do Nông Quốc Chấn và Phan Đăng Nhật biên soạn. Ngay năm sau, năm 1981 đã có một luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh Võ Quang Nhơn bảo vệ Về thể loại sử thi anh hùng của các dân tộc ở Tây Nguyên. Sau thành công của luận án, Võ Quang Nhơn tiếp tục biên soạn chương về sử thi trong sách Văn học dân gian các dân tộc ít người.
3. Giai đoạn công nhận rộng rãi
Từ năm 1986 đến nay là giai đoạn cộng nhận rộng rãi các giá trị to lớn của sử thi trong sự phát triển của văn học, văn hóa Việt Nam; khẳng định sự tồn tại của vùng sử thi Tây Nguyên và bắt đầu nghiên cứu hiện tượng một bộ ba sử thi trên nhiều vùng của Đông Nam Á.
Bước sáu, năm 1986 – 1990, đoàn sưu tầm văn hóa dân gian Viện văn hóa dân gian và Sở Văn hóa thông tin tỉnh Đắc Lắc phát hiện ra sử thi M[SUP]’[/SUP]Nông.
Bước bảy, năm 1997 hội thảo sử thi Tây Nguyên ở Buôn Ma Thuật được tổ chức đúng vào dịp kỉ niệm 70 năm công bố Đăm Xăn, thể hiện một bước chuyển mới trong nhận thức của Nhà nước về tầm quan trọng của sử thi và sử thi Tây Nguyên trong nền văn hóa dân tộc.
Năm 1998, Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia kí hợp đồng thực hiện đề tài: “Điều tra, sưu tầm, biên soạn sử thi các dân tộc thiểu số ở Đắc Lắc”. Báo cáo kết quả tháng 2 năm 2004 đã sưu tầm được 12 sử thi được ghi lại trong 49 băng, 23 cuốn sách, 6224 trang A4. Năm 1999, Phan Đăng Nhật công bố sách Vùng sử thi Tây Nguyên.
Bước tám trong quá trình sưu tầm, nghiên cứu sử thi là các dự án thể hiện sự quan tâm đầu tư của chính phủ. Ngày 14 – 3 – 2001, chính phủ phê duyệt dự án “Điều tra, sưu tầm, biên soạn, dịch, xuất bản và bảo quản sử thi Tây Nguyên” với ngân sách hàng vài chục tỷ đồng. Đây là một cố gắng rất lớn của Nhà nước, một thể hiện cụ thể đối với chính sách quan tâm đến văn hóa dân tộc thiểu số, đặc biệt là Tây Nguyên.
Bước chín là sự mở rộng nghiên cứu hiện tượng bộ ba sử thi trên nhiều vùng của Đông Nam Á. Từ năm 2003 đến năm 2005, ở Việt Nam đã sưu tầm và xuất bản Anh hùng ca Chương Han và Khủn Chưởng, khẳng định một bộ ba anh hùng ca Thái ở lục địa Đông Nam Á kể cả Thạo Hùng – Thạo Chương ở Thái Lan và Lào. Sự phối hợp giữa các nước Đông Nam Á trong nghiên cứu sử thi là một hướng đi khả quan để phát hiện, sưu tầm một cách đầy đủ và hệ thống các tác phẩm sử thi của các quốc gia trong khu vực, góp phần dựng lại bức tranh sử thi chung của khu vực.
Quá trình sưu tầm, nghiên cứu trong suốt gần một trăm năm qua đã chứng minh Việt Nam là một kho tàng sử thi phong phú ở mức độ hiếm thấy trên thế giới. Gần đây nhất, theo công bố của Giám đốc điều hành dự án Điều tra sưu tầm sử thi Tây Nguyên, đến ngày 22 – 11 – 2007, chúng ta đã sưu tầm được 5679 băng ghi âm 90 phút, tương đương với 801 tác phẩm hát kể. Trong số đó, mới chỉ có 75 tác phẩm được xuất bản, in trong 62 tập sách với số trang là 60400. GS.Macéda (Philippin) rất có lý khi cho rằng Tây Nguyên – Việt Nam là một trung tâm cồng chiêng thì cũng có thể đồng thời là một trung tâm sử thi ở Đông Nam Á.
Quá trình sưu tầm, nghiên cứu đó thể hiện những bước tiến dài trong nhận thức khoa học về giá trị văn hóa nghệ thuật của sử thi Tây Nguyên. Về đề tài, chủ đề sử thi Đam Xăn, từ 13 liên khúc của bản Đam Xăn tương đối đầy đủ năm 1987, các nhà khoa học rút ra 3 nhiệm vụ chính của người anh hùng là: lấy vợ, lao động và chiến đấu giành lại vợ; nội dung trung tâm của sử thi này là chiến tranh. Kết luận đó được khẳng định thêm bằng rất nhiều cuộc điền dã ở vùng Êđê tỉnh Đắc Lắc, phù hợp với lý luận của Ănghen và Heeghen về anh hùng ca và thời đại anh hùng trong buổi bình minh của lịch sử nhân loại. Về vấn đề thời gian ra đời của sử thi, sử thi Việt Nam ra đời chủ yếu trong thời đại anh hùng và phản ánh lịch sử xã hội tiền nhà nước, tiền giai cấp. Một ngành khoa học phát triển thường đi cùng với nhu cầu nảy sinh các thuật ngữ mới. Về sử thi có rất nhiều thuật ngữ, trong đó thuật ngữ “anh hùng ca” thể hiện tập trung nhất thuộc tính thể loại, thuật ngữ “trường ca” đã được khuyến nghị không nên sử dụng.
Với một khối lượng tác phẩm đồ sộ trong tay, các nhà nghiên cứu Việt Nam cho rằng đã đến lúc đặt vấn đề nghiên cứu thi pháp sử thi Việt Nam. Sử thi có thể đặt trong phạm trù rộng là văn hóa dân gian và phải được tiếp cận trong hệ thống văn hóa dân gian. Nhưng xét về phạm vi hẹp, sử thi cũng là văn học, cụ thể là văn học dân gian. Về phương diện phương pháp luận, có nhiều cánh tiếp cận như: tiến hóa luận, loại hình học, loại hình – lịch sử, lịch sử - địa lý, hình thái học… Tuy nhiên, chỉ có thi pháp học là phương pháp tiếp cận thích hợp hơn cả. Hệ thống lý thuyết cần áp dụng ở đây là thi pháp học hiện đại bởi đó là “một khoa học nghiên cứu thi ca như một nghệ thuật”, một thi pháp văn học dân gian theo cách gọi của Chu Xuân Diên, hay thi pháp của huyền thoại theo cách nói của Mêlêtinxki. Khoa sưu tầm, nghiên cứu sử thi Tây Nguyên nói riêng và sử thi Việt Nam nói chung còn rất nhiều vấn đề cần nghiên cứu. Để đẩy mạnh sự nghiệp nghiên cứu sử thi, giải quyết sâu sắc và có hệ thống các vấn đề đó, thi pháp học hiện đại sẽ có vai trò rất đáng kể.
Từ bao đời nay, đồng bào các dân tộc luôn ấp ủ trong tim mình những áng sử thi mà họ say mê và coi như một tài sản của tinh thần vô giá. Một người Chăm sẵn sàng đổi một xe bò lúa lấy một bản sử thi Deewa Mưnô. Họ giữ gìn bằng cách treo cuốn sách một cách đầy trân trọng trên xà nhà của vựa thóc, nơi được coi như cao quý nhất của nhà ở. Còn người Êđê thì say mê sử thi khan đến nỗi cả đám người ngồi im phăng phắc, bất động như tượng gỗ từ đầu hôm, qua đêm cho đến sáng khi mặt trời mọc để nghe khan. Không chỉ có ngày xưa, mà cho đến bây giờ, tình yêu quý say mê sử thi vẫn luôn vẹn nguyên, sâu nặng trong tâm hồn các dân tộc. Đồng bào sẽ vô cùng sung sướng, vui mừng, biết ơn Đảng và chính phủ nếu đồng thời với việc sưu tầm, nghiên cứu, chúng ta còn biết cách trao lại cho nhân dân kho tàng sử thi mà từ tổ tiên đã bao đời gìn giữ. Khơi dòng sử thi tiếp nối với thời “ông bà ta xưa”, chúng ta sẽ được tiếp tục sống với mạch nguồn sử thi vô tận của nhân dân.
Câu 2: So sánh hình tượng mặt trời trong “Tiễn dặn người yêu” và hình tượng mặt trời trong thơ Việt Nam hiện đại
Tiễn dặn người yêu nguyên văn tiếng Thái là Xống trụ xon xao là một trong những truyện thơ hay nhất của kho tàng truyện thơ dân gian các dân tộc ít người. Người Thái yêu mến, say mê Xống trụ xon xao, coi đó là niềm tự hào của dân tộc Thái. Người Tái có câu: “hát Tiễn dặn lên, gà ấp phải bỏ ổ, cô gái quên hái rau, anh đi cày quên cày” để diễn tả sức hấp dẫn của tác phẩm đối với đồng bào Thái.
Tiễn dặn người yêu là một câu chuyện tình thơ mộng và đầy nước mắt của một đôi trai gái Thái. Họ sinh ra và lớn lên trong hai gia đình cùng cảnh nghèo. Họ thân thiết, quấn quýt bên nhau từ khi còn nhỏ. Khi lớn lên, họ yêu nhau và thề nguyền: “Sông Đà cạn bằng chiếc đũa hãy quên”. Nhưng cha mẹ cô gái tham giàu nhận sính lễ của chàng trai lạ, ép gả cô cho người khác, khiến đôi trẻ phải chia lìa. Chàng trai đâu khổ và phẫn uất vì cảnh nghèo mà phải mất người yêu. Chàng quyết ra đi làm giàu, hi vọng sẽ về kịp trước khi người kia hết hạn rể ngoài, chàng sẽ giành lại người yêu. Nhưng cô gái đã chờ người yêu hết thời gian ở rể ngoài, lại hết cả thời gian ở rể trong. Năm cuối cùng đã hết, tháng cuối cùng của năm cũng đã hết, cô phải theo chồng về nhà. Đúng lúc đó thì người yêu cô trở về. nhưng tất cả đã trở nên quá muộn. “Dẫu tiếc thương đời cũng lỡ, Đành nhìn em yêu bước về nhà chồng”. Để kéo dài những giây phút gặp mặt, anh tiễn đưa cô và hẹn ước sẽ lấy nhau “Không lấy được nhau mùa hạ, ta sẽ lấy nhau mùa đông. Không lấy được nhau thời trẻ, ta sẽ lấy nhau khi goá bụa về già”. Cũng chính vì những lời dặn dò, yêu thương vô cùng mặn nồng của chàng trai mà cô gái khi về nhà chồng, đã cố tình tỏ ra vụng dại, ngẩn ngơ. Nhà chồng chán nản liền mang trả cô về cho cha mẹ. Vừa về nhà, cha mẹ liền bán đứt cô cho một người đàn ông khác. Về nhà chồng mới, cô lại càng tỏ ra vụng về, bướng bỉnh hơn. Nhà chồng không chịu được bèn đem cô ra đổi muối, đổi gạo. nhưng chỉ có một người đã đổi lấy cô bằng một bó lá dong. Người đổi cô về lại chính là người yêu cũ của cô. Lúc này, anh đã có nhà cao, cửa rộng, vợ con đề huề. Anh không nhận ra người yêu trẻ đẹp xưa kia của mình trong hình hài tàn tạ. Đau khổ, cô mang đàn môi (kỉ vật ngày xưa anh tặng) ra thổi thánh thót. Anh nhận ra cô qua tiếng đàn môi, vui mừng khôn xiết, chia của cho vợ con ra ở riêng, cùng cô sống hạnh phúc trọn đời.
Như vậy, “Xống chụ xon xao” là một kiệt tác nghệ thuật dân gian đầy giá trị nhân đạo: mang ý nghĩa phản phong sâu sắc, đề cao tình yêu chân thành, chung thủy. Truyện tập trung vào những mâu thuẫn đẩy lên bi kịch, cách giải quyết có tính chất lí tưởng, kết thúc là cảnh gia đình đoàn tụ; hai người yêu thương nhau như buổi ban đầu. Nội tâm nhân vật được miêu tả tỉ mỉ. “Xống chụ xon xao” được coi là bản “Truyện Kiều” của người Thái ra đời cùng thời với các truyện thơ Nôm ở xuôi, nhưng độc đáo là không mượn các tích truyện Tàu, các câu Đường thi vận vào - mà hoàn toàn là của người Thái bản địa sáng tác kể lại một câu chuyện tình bằng thơ (theo thể hát “khắp”).
“Xống chụ xon xao” là một kiệt tác nghệ thuật dân gian có những đoạn miêu tả nội tâm đặc biệt hấp dẫn. Đoạn miêu tả tâm trạng dự cảm phấp phỏng của cô gái khi bị ép duyên, cha mẹ cô chê người yêu của cô nghèo và gả cô cho người khác trong lúc cô còn đang kiếm củi một mình trên nương là một đoạn tiêu biểu:
Mẹ cha ưng gả khi em còn trên nương
Khi em đang ngoài ruộng
Chiều tới, mặt trời rụng
Mặt trời rơi xuống thấp,
Mặt trời sát mặt phai
Mặt trời qua sàn người thương
Mặt trời quấn ngọn dang sắp lặn,
Mặt trời quấn ngọn tre, ngọn bương sắp tắt
Trong đoạn này, diễn biến tâm trạng cô gái được miêu tả gắn với hình tượng mặt trời. Mặt trời đã được nghệ thuật hóa trở thành đối tượng để cô tâm sự. Mặt trời lặn là một cái cớ để cho nhân vật trữ tình trực tiếp bộc lộ những ý nghĩ, những cảm xúc, những trạng thái tâm hồn diễn biến tinh vi. Cô gái nhắc đến mặt trời tới mười một lần bởi mặt trời là dấu ấn rõ nhất của thời gian trôi đi. Thời gian càng trôi, cô gái càng nơm nớp lo sợ.
Chiều tới, mặt trời rụng
Mặt trời rơi xuống thấp,
Mặt trời sát mặt phai
Mặt trời qua sàn người thương
Mặt trời quấn ngọn dang sắp lặn,
Mặt trời quấn ngọn tre, ngọn bương sắp tắt
Câu thơ vừa nói đến thời gian (chiều), vừa nói đến cảnh vật – không gian (mặt trời). Tất cả đều đang vận động, vận động từ cao xuống thấp, từ rực rỡ đến tàn tạ. Suốt chín câu thơ, mặt trời xuất hiện đến 11 lần. hình ảnh mặt trời hiện ra như nỗi ám ảnh của ý thức về thời gian hạnh phúc bên nhau bao giờ cũng ngắn ngủi, qua đi nhanh chóng.
Tiếp thu dân ca, truyện thơ đã có những hoán cải quan trọng. Không đơn giản chỉ là sự thay đổi về tần số xuất hiện mà ở đây là một mặt trời khác hẳn về chất: từ một mặt trời hoàn toàn khách quan, chỉ là một biểu tượng của thời gian bình thản trôi đi trong dân ca, giờ đã là một mặt trời cố tình bỏ đi mà “không gọi, không chờ”. Còn hơn thế, trong cảm nhận của nhân vật , vầng mặt trời vốn của chung nhân loại, ngày ngày đi qua muôn ngôi nhà sàn Thái, coi chúng như nhau, nay bỗng hóa thành mặt trời của riêng cô gái, đang riêng lăn “qua sàn ngoài người thương” của cô. Mặt trời đã được chủ thể hóa hoàn toàn để trở thành vật chở tâm hồn, tình cảm cô gái. Đó là cảm giác cô đơn, trống trải giữa hoang vu của cô gái trên nương chiều đang chới với dõi theo người bạn duy nhất giờ đã bỏ đi “không chờ, không gọi”. hình thức lặp lại vừa mô tả bước đi chậm chạp của thời vừa có tác dụng trì hoãn nhịp thơ, góp phần nhân hóa mặt trời (như muốn dùng dằng, nán lại trước khi khuất hẳn, như cũng muốn làm chậm lại cái giây phút cô gái sẽ phải đối diện với sự thật phũ phàng), diễn tả linh cảm nặng nề, khắc khoải đang đè trĩu tâm tư cô gái.
Nhưng đến khi “Mặt trời qua sàn ngoài người thương, quấn ngọn dang/quấn ngọn tre, ngọn bương” thì lời thơ lại vẽ ra sự quấn quýt hòa hợp bên nhau, trong nhau của những sự vật tự nhiên. Điều ấy theo chiều ngược lại, lại gợi lên trong lòng cô gái niềm khát khao cảm giác gần gũi, ấm áp.
Có thể thấy, trong đoạn thơ trên, có một sự gắn kết sâu sắc giữa tình cảm, cảm xúc của cô gái với thiên nhiên – mặt trời. Đây là kết quả của cảm quan, cảm xúc ngây thơ và hồn nhiên của đồng bào dân tộc Thái. Chính bằng cảm quan, cảm xúc đó, người xưa đã sáng tạo nên thiên truyện thơ và sử thi trác tuyệt. GS. Nguyễn Đình Chú viết:“ Có nhiều cơ sở cho sự kết tinh nghệ thuật ví như lí tưởng xã hội cao đẹp, lòng nhân ái bao la, quan điểm nghệ thuật chân chính, tài năng trác lạc…nhưng không thể quên sự hồn nhiên của người nghệ sĩ, điều mà Karl Mark đã nói đến trong khi bàn về nguồn gốc giá trị của thần thoại Hy Lạp: sự hồn nhiên trong tuổi thơ một đi không trở lại của nhân loại. Rõ ràng, các dân tộc thiểu số, xét trên nhiều phương diện của cuộc sống đều thấp hơn nhiều lần so với dân tộc Kinh, nhưng riêng về độ hồn nhiên của tâm hồn thì nhờ có cuộc sống gần gũi với đất trời, sông núi , cỏ cây, chim muông, thì chắc chắn là dân tộc Kinh khó bằng. Nói văn học dân tộc ít người kết tinh từ sự hồn nhiên để có kiểu tư duy nghệ thuật độc đáo dẫn đến thành tựu văn học hấp dẫn chính là căn cứ vào quy luật đó” ( bài Về cấu trúc tổng thể của văn học Việt Nam) . Mượn thiên nhiên để mô tả tâm trạng con người trong những bức tranh tâm cảnh là một đặc điểm thi pháp chung của Văn học trung đại, trong đó có dân ca, truyện thơ. Tuy nhiên cách chiếm lĩnh tự nhiên, cách nhìn chủ quan hóa, hơn nữa còn chủ thể hóa thế giới tự nhiên, đạt đến chiều sâu nghệ thuật như thế vẫn là một cống hiến mới mẻ của truyện thơ Tiễn dặn người yêu cho sự phát triển của ý thức nghệ thuật.
Trong thơ ca Việt Nam hiện đại, hình ảnh mặt trời xuất hiện rất nhiều , mang những nét nghĩa vô cùng phong phú.
1. Có khi hình ảnh mặt trời chỉ mang nghĩa đơn thuần là thiên thể tự nhiên luôn phát sáng, tạo ra ngày và đêm, không gian và thời gian tồn tại của con người:
- Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi
(Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ - Nguyễn Khoa Điềm)
-“Bữa nay lạnh mặt trời đi ngủ sớm
Anh nhớ em, anh nhớ lắm em ơi!”
(Tương tư chiều - Xuân Diệu)
- “ Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng
Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt
Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật”
( Nhớ rừng – Thế Lữ)
- “ Mặt trời càng lên tỏ
Bông lúa chín thêm vàng
Sương gieo đầu ngọn cỏ
Sương lại vàng long lanh”
( Thăm lúa- Trần Hữu Thung)
- “ Mặt trời xuống biển như hòn lửa
“ Mặt trời đội biển nhô màu mới”
( Đoàn thuyền đánh cá - Huy Cận)
2. Trong thơ cách mạng của Tố Hữu, mặt trời được hình dung là mặt trời chân lí – mặt trời của lí tưởng cộng sản, lí tưởng Cách mạng:
Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim
( Từ ấy- Tố Hữu)
Hình ảnh “ bừng nắng hạ”, ‘ mặt trời chân lí” đã diễn đạt chính xác trạng thái bừng sáng , bừng thức, bừng ngộ của tâm hồn tạo nên giây phút diệu kì, có cái gì như là sự khải thị thiêng liêng trong tâm hồn nhà thơ khi bắt gặp lí tưởng cộng sản.
Hình ảnh mặt trời trong các trường hợp sau đây thường được hiểu vừa là mặt trời – thiên nhiên, vừa là biểu tượng cho thắng lợi của cách mạng:
“ Trong ngục giờ đây còn tối mịt
Ánh hồng trước mặt đã bừng soi”
( Buổi sớm- Hồ Chí Minh)
Ngẩng đầu: mặt trời đỏ
Bên suối một nhành mai
( Lên núi- Hồ Chí Minh)
3. Hình ảnh mặt trời còn dùng để trực tiếp so sánh với lãnh tụ Hồ Chí Minh với các đặc điểm “ ấm nóng”, “đánh dẹp bóng đêm lui”- cả trong nghĩa đen và nghĩa bóng:
Nhưng hôm nay Bác là mặt trời chiến thắng
Mặt trời người kín đáo cạnh nhành mai
Người ghét sự chói chang, nhưng chính người là nguồn ấm nóng
Của vầng hồng đánh dẹp bóng đêm lui
( Chế Lan Viên- Thời sự hè 72, bình luận)
Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
( Viếng lăng Bác- Viễn Phương)
Nhà thơ đã tạo ra thế song đối giữa mặt trời trên lăng với mặt trời trong lăng, là một sáng tạo xuất thần. Mặt trời trong lăng “ rất đỏ” gợi liên tưởng đến trái tim nhiệt huyết , chân thành, trái tim yêu nước , thương dân tột cùng của Bác.
4. Cũng có lúc, mặt trời tượng trưng cho một điều thiêng liêng, yêu dấu nhất:
Mặt trời của mẹ em nằm trên lưng
(Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ - Nguyễn Khoa Điềm)
Nguyễn Khoa Điềm trong bài thơ sau đã tạo nên một hình tượng sóng đôi mặt trời và người thương trong suốt bài thơ:
KHOẢNG TRỜI YÊU DẤU
Khi nhà em ở phía đông
Mỗi bữa mai, mặt trời hồng chỗ em
Tưởng như em đó bên thềm
Hồng hào chải mái tóc mềm xuống vai
Lòng anh bát ngát ngàydài
Mênh mông hoa lá mong hoài nắng em
Hỡi người con gái dịu hiền
Hóa thân làm mặt trời bên cuộc đời
Yêu em yêu cả khoảng trời
Sương giăng buổi sớm , nắng dời chiều hôm
Tháng tư giông chuyển bồn chồn
Hạt mưa vây ấm nỗi buồn cách xa …
Phía em phía của quê nhà
Trắng là tóc mẹ , xanh là áo em
Anh đi kháng chiến trăm miền
Hướng dương thương nhớ vẫn nghiêng phía này
( 5-1970)
Hình ảnh mặt trời được lồng trong hình ảnh người thương: Mặt trời hồng mỗi ban mai là gương mặt của ‘ em”. Từng vạt nắng sớm tinh khôi óng mượt như mái tóc được bàn tay dịu dàng em chải . Anh sống , chiến đấu trong không gian – thời gian do em tạo ra. Em là mặt trời “ bên cuộc đời” anh, anh là hướng dương thương nhớ luôn nghiêng về phía mặt trời em.
Như vậy trong bài thơ này , hình ảnh sóng đôi mặt trời-em được triển khai dọc bài thơ như một hình tượng - tứ và có lẽ đây là một trong những hình tượng mặt trời đầy đặn nhất trong chủ đề tình yêu đôi lứa của văn học hiện đại Việt Nam.Ở đây các đặc điểm của mặt trời được huy động nhiều nhất, đa diện nhất, trữ tình nhất.
Qua việc điểm qua một số hình tượng mặt trời trong truyện thơ Tiễn dặn người yêu và trong thơ ca Việt Nam hiện đại bên trên, ta thấy các tác giả - cả dân gian và bác học- đều khai thác theo ba hướng chính:
- Mặt trời – thiên thể tự nhiên đưa lại ánh sáng , ban ngày tạo nên không gian, thời gian nghệ thuật cho hoạt động của nhân vật: trường hợp trong Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ, Say nắng, Xuân đầu tiên, Nhớ rừng, Thăm lúa, Đoàn thuyền đánh cá
- Mặt trời mang nghĩa so sánh nhằm chỉ lí tưởng cộng sản chủ nghĩa, thắng lợi của cách mạng, nhằm chỉ lãnh tụ vĩ đại của cách mạng và dân tộc: Trường hợp Từ ấy, Buổi sớm, Lên núi, Thời sự hè 72, bình luận
- Mặt trời chỉ người thương, đứa con yêu dấu : Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ, Khoảng trời yêu dấu.
Các nét nghĩa này đều xuất phát từ đặc tính của mặt trời và đều phù hợp với đối tượng được so sánh. Tất thảy đều xán lạn, đẹp đẽ , thiêng liêng, đem lại niềm vui và cuộc sống, là những sáng tạo nghệ thuật rất có ý nghĩa, được nhiều thế hệ người Việt Nam yêu thích.