NGUỒN GỐC TRIẾT HỌC CẬN ĐẠI
Phần 3: Mở đầu thế kỷ hai mươi
A. ĐẶC ĐIỂM
Những sắc thái sau đây là đặc điểm của triết học vào phần tư của thế kỷ XX. Trước hết, đó là một thời kỳ hoạt động hăng hái của triết học, nhiều tư tưởng gia lỗi lạc xuất hiện và có ảnh hưởng; về phương diện này ta phải kể nó là thời đại ảnh hưởng nhất của lịch sử cận đại. Thứ hai, đó là một thời kỳ chuyển tiếp mà trong đó những phong trào của các trường phái cổ lấy lại địa vị của chúng và tiếp tục nảy nở bên cạnh những khuynh hướng mới. Mặc dù hàng hậu bối của thế kỷ XIX không lấy lại được thế đứng của mình trước kia, chúng vẫn còn tồn tại và vẫn còn ảnh hưởng, chi phối tại nhiều nước cho đến Thế chiến I. Tỉ dụ, ở Anh và Ý. Trong khi đó các tư tưởng gia đặc sắc đang truyền bá những ý tưởng mới và được số độc giả đông đảo ủng hộ. Một vài vị trong đó nhất là Bergson và kể cả một phần Husserl đặc biệt được tán thưởng. Những tư tưởng gia chính yếu đều là chủ duy nghiệm và chủ duy tâm, những môn đồ của các quan điểm thế kỷ XIX; các triết gia nhân sinh (les philosophes de la vie), các nhà hiện tượng học (phénoménologues) và các nhà tân duy thực (néo-réalistes), là những trạng sư của chủ nghĩa duy tân (modernisme).
B. DUY NGHIỆM
Một số đông tư tưởng gia đi theo con đường thực chứng luận, hay cả duy vật luận, và với họ ý niệm về sự tiến hóa cơ giới vẫn còn coi là đúng. Tuy nhiên, trên đại thể, họ đã phá vỡ khung thực chứng, bằng cách cố sử dụng khoa học như là cơ bản cho một thứ tái thiết tổng quát về thực tại mà thỉnh thoảng họ gọi là “siêu hình học”. Ta có thể phân họ thành nhiều nhóm, mỗi nhóm với những mục tiêu riêng biệt và cũng quan trọng như nhau.
Ở Pháp, ta có thể dẫn ra một vài nhà chủ duy nghiệm đã cho ra phần lớn tác phẩm của họ vào thế kỷ XIX, nhưng ảnh hưởng của chúng chỉ thấy rõ vào thời kỳ này. Họ thảy đều tạo ra một thứ siêu hình học trên nền tảng khoa học. Những vị đứng đầu là Alfred Fouillée (1838-1912) với học thuyết “ý lực” (idées-forces), Andr é Lalande (-1867) nhà phê bình về lạc quan tiến hóa và sáng thuyết định luật về sự tan biến, và Felix le Dantec (1869-1917) chủ duy vật triệt để, là tác giả một số tác phẩm nhằm chống lại chủ thuyết phi vật chất, duy sinh và duy cá nhân thể luận.
Ở Đức, khuynh hướng duy thực tìm thấy những đại biểu chính yếu của nó giữa các nhà chủ thực chứng, trong đó đáng kể nhất là Theodor Ziehen (1862-1950), Ernst Mach (1838-1916) vẫn có ít nhiều ảnh hưởng, và nhiều môn đệ của ông truyền bá duy nghiệm luận của ông. Trong tương quan này, Wilhelm Ostwald (1853-1932) phải được kể là điển hình của một tư tưởng gia đặc sắc và độc lập. Khởi đầu là một nhà hóa học, ông ta chuyển sang triết học, và xây dựng trên nền tảng những khoa học thiên nhiên một học thuyết chủ hiện thực (actualiste), theo đó, toàn thể thực tại chỉ là năng lực (énergie).
Các trào lưu duy vật xuất hiện một cách riêng rẽ trong tâm lý học, chính yếu là ở học thuyết chủ tâm cử (behavorisme) do John B. Watson (-1878) thiết lập. Điểm chính đưa ra là một phương pháp luận kiểu khoa học không chấp nhận nghiên cứu các hiện tượng tinh thần như là những việc nội bộ của linh hồn. Nó bỏ phép nội quả và chỉ nhận hành vi (cử động) bên ngoài là đối tượng hữu hiệu của tâm lý học. Một trong những hậu quả này là hoàn toàn từ chối tâm. Người Nga, Ivan Pavlov (1849-1936) cũng đi đến những kết luận tương tự qua phản xạ học (réflexiologie) của ông, theo đó những phận sự tinh thần cấp cao có thể cắt nghĩa là do những phản xạ bị giới hạn hay bị cản trở.
Tuy nhiên, tâm phân học của Sigmund Freud (1856-1939) là phong trào quan trọng nhất khởi lên từ duy nghiệm. Ông ta, dựa trên nguyên tắc căn cản của tiến hóa cơ giới luận theo đó cấp cao được cắt nghĩa bằng mức thấp, đưa ra luận chứng rằng đời sống hữu thức chỉ là hậu quả của một trò chơi thuần máy móc của những yếu tố trong “tiềm thức”. Các yếu tố này, mỗi thứ có một động lực riêng biệt, tổ hợp thành những “phức cảm” (complexes), có một xu hướng tái hiện trong ý thức để gây ra những tác dụng. Thế lực chủ động trong đời sống của linh hồn là “libido”, một thứ tình dục theo nghĩa rộng nhấ. Trong Giải thích các giấc mộng (1900) Freud trình bày những nguyên tắc sơ khởi này mà trên đó, sau năm 1913 (Bái vật và húy kị), ông xây dựng những hệ thống để cắt nghĩa tôn giáo, nghệ thuật, vân vân. Ông coi những hiện tượng tinh thần cao nhất chỉ là những “thăng hoa” của khát vọng tình dục.
Cũng thế, sự ứng dụng tổng quát của một lý thuyết khoa học học cực hạn được thể hiện do trường phái xã hội học Pháp với Emil Durkheim (1855-1917) sáng lập viên, và Lucien Lévy-Bruhl (1857-1939) phát ngôn viên sau này. Các nhà xã hội học ấy tin rằng dù cho xã hội được điển hình trong cá nhân nó vẫn có một thực tại khách quan, người ta có thể nắm lấy nó qua những phương pháp tỉ giảo khách quan, chỉ nghiên cứu những nguyên nhân có ảnh hưởng và loại hẳn mọi thứ cứu cánh luận. Ứng dụng phương pháp này dẫn Durkheim và Lévy-Bruhl đến chỗ xác định rằng các định luật đạo đức và luận lý hoàn toàn tương đối – chỉ là những biểu lộ của cái mà xã hội cần cho việc tự phát triển; và tôn giáo nằm trong sự tôn sùng của xã hội này. Chóp đỉnh của hệ thống ấy là một thứ tâm lý học tư biện, theo đó tôn giáo, luận lý và đạo đức đều lệ thuộc môi trường xã hội trong khi môi trường của cá nhân là trần tục, phi lý, ích kỷ. Có thể coi thân xác như là một nguyên tắc của cá thể hóa.
Tất cả những hệ thống này, đặc biệt là tâm phân học và xã hội học, có một số đông quần chúng đi theo, nhưng chỉ là những tia sáng cuối cùng chiếu từ tư tưởng giới thể kỷ XIX. Tuy nhiên, chúng được tách khỏi hình thức cũ của duy nghiệm luận ở một điểm: tương đối luận. Le Dantec, Pavlov, Ostwald, Freud, Durkheim, và một số những vị khác đều là chủ tương đối, họ không nhận những định luật tuyệt đối, luận lý khách quan, đạo đức cố định. Như thế, khía cạnh duy nghiệm này tự nó là một bước tiến gần chủ ngoại lý cũng quảng bá trong triết học. Ta cũng cần thâm rằng không một học thuyết nào trên đây rút ra từ một quan điểm triết học. Chúng hoàn toàn chỉ duy cảm (sensualisme) và chủ duy danh (nominalisme), không thể vượt ra ngoài những giới hạn của tư tưởng trực giác (pensé in intuitive). Duy vật cơ giới vẫn còn ảnh hưởng mạnh ở chúng. Điều trái ngược lạ kỳ là những học thuyết nhất hiệu lực ở vật lý học và cả ở sinh vật học ấy lại còn có thể tìm được địa vị trong lĩnh vực tâm lý học và xã hội học.
C. DUY TÂM LUẬN
Trong vòng 25 năm đầu của thế kỷ XX duy tâm luận vẫn còn gây ảnh hưởng lớn nhất trong những quốc gia chủ chốt của Âu châu rồi hầu như dừng lại khoảng 1925. Trường hợp này đúng cho nước Anh nói riêng, vì nó còn có thế lực ở Đức, Pháp và Ý cho đến Thế chiến II. Ta sẽ bàn rộng thêm ở sau. Vì duy tâm luận ở Anh không còn thuộc thành phần của triết học hiện tại nữa nên ở đây chỉ pháp học tóm lược về những đường nét chính yếu của nó.
Duy tâm luận ở Anh chỉ là một hình thức khác của chủ Hegel (Hégélianisme); phát ngôn nhân của nó là Francis Hebert Bradley (1846-1924), Bernard Bosanquet (1848-1923) và John Ellis Mc Taggart (1866-1925). Hai tên đầu là chủ nhất nguyên. Bradley có lẽ là sâu sắc nhất trong bọn. Ông đặt triết học của mình trên ý niệm những tương quan nội tại. Theo ông, những tương quan (relation) không phải là những cái thêm vào yếu tính của sự thể đã được thiết tạo, nhưng chính chúng thiết tạo yếu tính đó. Trên một phương diện, học thuyết này dẫn đến nhất nguyên luận (thực tại là một toàn thể có tổ chức), nhưng ở phương diện khác, bằng cách nhấn mạnh trên hành vi nhận thức, nó dẫn đến duy tâm luận khách quan (không có sai biệt chính yếu giữa khác thể và chủ thể vì cả hai chỉ là những biểu lộ của một toàn thể, của một tuyệt đối thể duy nhất). Bradley bênh vực chủ đề của mình bằng cách đi sâu những quan sát về các mâu thuẫn nội bộ của mọi thực tại thường nghiệm; những mâu thuẫn ấy minh chứng cho ông rằng một thực tại như thế chỉ là giả tượng (apparence) mà đằng sau đó ẩn dấu cái thực tại chân chính, tuyệt đối thể. Nhưng ngay dù Bradley có là tiên tri của duy tâm luận nhất nguyên, ông tránh xa việc giản lược thực tại vào một trừu tượng. Giống như Hegel, ông nhấn mạnh trên sự thù thắng của cụ thể; khái niệm về phổ quát của ông không phải là một trừu tượng mà là một “phổ quát cụ thể”; phong phú hơn là đơn nhất và thực hữu hơn là cá biệt trong nội dung của nó. Đấy chỉ là một ít sắc thái căn bản về tư tưởng phong phú và đa dạng của Bradley chúng đã tạo ra một ảnh hưởng lâu dài trên một số những tư tưởng gia thủ lãnh – và nay vẫn còn. James và Marcel đều vay mượn trực tiếp ở ông, trong khi, đích thực vì chống lại những khái niệm cơ bản của ông mà tân duy thực ở Anh nổi dậy, đó là một tỉ dụ.
Song song, Bosanquet phát triển duy tâm luận Hegel cùng trên một chiều hướng bằng cách nhấn mạnh hơn nữa trên bản chất cụ thể của thực tại. Kế đến, tư tưởng gia thứ ba, Mc Taggart khác với Bosanquet và Bradley vì chấp nhận đa nguyên luận: với ông, tuyệt đối thể là một toàn bộ những nguyên lý tinh thần đứng trong hỗ tương quan hệ. Triết học của ông thực sự là chủ tinh thần và chủ nhân vị. Như thế, vị trí của ông như là một chiếc cầu bắt giữa duy tâm luận và triết học mới phát triển.
D. NHỮNG TRÀO LƯU MỚI
Ở đây chúng ta chỉ ném một cái nhìn sơ qua trên những phong trào triết học mới của một thời đại được bàn đến ở đây, bởi vì chúng tất cả đều tiếp tục đến sau 1925 và như vậy là thuộc vào triết học hiện đại, đối tượng chính của tập sách này. Có ba phong trào: hiện tượng học, tân duy thực, và ngoại lý duy sinh.
Hiện tượng học phút chốc trở thành một phong trào có thế lực. Jahrbuch Fiir Philosophie und phanomenogloische Forschung bắt đầu xuất hiện năm 1913. Ở đó, một số lớn tư tưởng gia có tài năng cộng tác với Husserl, như Alexander Pfender, D.v. Hildebrand, Moritz Geiger, Roman Ingarden, và nhất là Max Scheler mà tác phẩm chính (Der Formalismus in der Ethik und die materiale Wertethik) xuất hiện với hai tập đầu (1913-1916).
Ảnh hưởng của hiện tượng học phi thường mạnh mẽ, đến nỗi, một phía nó ảnh hưởng cả đến tân chủ Kant (Néo-kantisme) – tỉ dụ, Emile Lask (1875-1915) và phía khác nó ảnh hưởng đến tâm lý học, một lĩnh vực mà nơi đó nó tìm thấy một đồ đệ xứng đáng Carl Stumpf (1848-1936). Ở Đức, trường phái này có ảnh hưởng đủ để thách đấu sự lãnh đạo của tân chủ Kant, nhưng mãi đến Thế chiến I tân chủ Kant vẫn còn là một thế lực triết học mạnh nhất tại nước này.
Tân duy thực cũng còn tồn tại, đặc biệt trong những tác phẩm của một Moore và một Russell, nhưng không thể thiết lập một trường phái lớn. Whitehead chưa bước vào thời kỳ siêu hình học của ông; cho đến 1920 Alexander mới cho xuất bản tác phẩm chính của mình. Không gian, thời gian và thiên thể (vậy là vào cuối thời kỳ đang được bàn ở đây), trong khi đó các trường đại học ở Anh hoàn toàn do duy tâm luận ngự trị, còn hơn cả ở Đức. Nhưng ở Pháp phong trào duy thực lãnh đạo thời kỳ, chủ Thomas (Thomisme) đã sản xuất những tác phẩm rất quan trọng. Năm 1909 thấy sự xuất hiện Sens commun của R. Garrigou-Lagrange, và năm 1915 tác phẩm Dieu của ông. Sau hết, J. Maritain xuất hiện năm 1913 với tác phẩm đầu của những cống hiến quan trọng nhằm chống lại Bergson. Trường phái chủ Thomas từ đó được tổ chức, nhưng dù những nguồn mạch bên trong của nó được phát triển đầy đủ, thời đại này còn chưa đồng ý thừa nhận nó như ngày nay ngay cả ở Pháp cũng như nới khác, những phong trào cũ còn ngự trị.
Chỉ có một trường phái đã thành công trong việc tự xác định đồng thời lôi cuốn sự chú ý không những chỉ các nhóm chuyên về triết học mà còn cả quần chứng rộng lớn thích văn chương – đó là chủ ngoại lý duy sinh(irrationnalisme vitaliste). Ở Đức nó chưa được như vậy, vì Dilthey ít được biết đến và tác phẩm đầu tiên chuyên về triết học Klages chỉ mới xuất hiện. Nhưng ở những xứ nói tiếng Anh, James đã nhận một thành công vượt bậc với sự phụ giúp của bạn đồng hành xuất sắc là F.C.S.Schiller. Sau Nhân bản luận (1903); tác phẩm chính, Schiller tiếp tục quyển này sang quyển khác suốt một phần tư của thế kỷ mà ta đang bàn đến. Ở Pháp, ngôi sao sáng là Bergson mà tác phẩm căn bản là Sự tiến hóa sáng tạo xuất hiện năm 1907 và trở thành một trung tâm thực thụ của tranh chấp triết học. Là đầu não của trường phái, ông ta quy tụ những thức giả hạng nhất dưới sự chi phối bởi thiên tài của ông. Trong số đáng ghi nhất là những nhà chủ duy tân (moderniste): Le Roy, Blondel, Pradines và Baruzi. Tiêng vang của Bergson thật là lớn, nhưng ngay cả chủ-Bergson (Bergsonisme) cũng không thể hoàn toàn loại bỏ các học thuyết cũ, chúng vẫn tiếp tục nảy nở.
Nguồn: J. M. Bochenski. Triết học Tây phương hiện đại. Tuệ Sỹ dịch. Nxb. Ca Dao, 1969. Phiên bản điện tử do bạn Phạm Tấn Xuân Cao, sinh viên khoa Triết trường Đại học Huế, thực hiện.