SỰ KIỆN "ĐỐT SÁCH CHÔN HỌC TRÒ" DIỄN RA NHƯ THẾ NÀO?
Đốt sách chôn học trò là một sự kiện khủng khiếp trong lịch sự cổ đại Trung Quốc. Đây có thể gọi là cao trào cho chính sách dùng sắt và máu để thống nhất về mặt nhân tâm của Tần Thủy Hoàng.
Năm 213 trước Công Nguyên, một yến tiệc lớn được bày ra ở cung điện Hàm Dương, Tần Thủy Hoàng đang cùng quần thần dự tiệc. Quan đại thần Chu Thanh Thần đứng ra chuốc rượu trong bữa tiệc, ông ca ngợi sự nghiệp thống nhất của Tần Thủy Hoàng. Bác sĩ* Thuần Vu Việt đứng lên phản đối, rồi dẫn các sách kinh điển, lấy chuyện xưa châm biếm chuyện này, phủ nhận công đức của Tần Thuỷ Hoàng. Việc này làm thừa tướng Lý Tư nổi giận, ông kiến nghị người nào dùng chuyện xưa kể xấu chuyện nay, làm rối loạn nhân tâm, thì phải bị nghiêm trị. Chủ trương của Lý Tư đối với việc thống nhất quốc gia, củng cố nền thống trị của nhà Tần, là có lợi, nhưng ông lại đề ra những biện pháp cực đoan, hoang đường. Ông chủ trương đốt sạch tất cả những thi, thư, sách vở, trừ những quyển được viết vào thời nhà Tần. Bài biểu của Lý Tư có đoạn viết: “Thần thừa tướng Lý Tư liều chết mà nói rằng: Thời xưa thiên hạ tán loạn, không thể thống nhất là do chư hầu làm ra, lời nói đều lấy xưa mà chê nay, lấy lời hàm hồ mà làm loạn đời thực, người đời chỉ giỏi ở những sở học cá nhân, không có cái học chính thống và cao nhất. Nay hoàng thượng đã có trong thiên hạ trong tay, nên phân rõ trắng đen mà chọn lấy cái học cao nhất. Những điều sở học cá nhân mà ngược lại với việc dạy pháp luật, người nghe thấy tất sẽ bàn luận về nó, vào thì tâm không còn ngay thẳng, ra thì bàn tán ở chốn ngõ hẻm,… vì vậy cấm là tiện lợi hơn cả”.
Còn như làm thế nào để cấm sách, trong biểu lại nói:
“Thần xin rằng sử sách không phải do Tần ghi chép đều đem đốt. Ngoại trừ quan chức không phải là tiến sĩ thì trong thiên hạ không ai được phép cất giữ Thi, Thư, sách của Bách gia, tất cả đều phải đem đốt. Nếu dám dùng những lời ngụ ngôn trong Thi, Thư thì chém bêu đầu ở chợ. Lấy xưa mà coi chê nay thì giết cả họ. Quan lại thấy mà không tố cáo sẽ bị coi là đồng phạm. Nay lệnh trong ba mươi ngày mà không đem đốt, sẽ bị xăm mặt và bắt đi xây dựng trường thành. Những thứ không bỏ là sách y dược, bói toán. Còn những người muốn học, lấy quan làm thầy”.
Biểu được dâng lên Tần Thủy Hoàng, Tần Thủy Hoàng phê rằng: “khả” (có thể). Ý nghĩa chính là, ta thấy việc này có thể thực hiện”. Thế là bao nhiêu sách vở kinh điển văn hóa đã biến thành một đống tro tàn.
Sau việc đốt sách, các nhà nho lại càng thêm bất bình, chỉ trích và công kích Tần thủy Hoàng. Việc này dẫn đến sự kiện chôn sống các học trò.
Đại thể xảy ra như sau, Tần Thủy Hoàng lúc cuối đời rất mê tín, lại muốn mình trường tồn cùng trời đất. Ông ta đã nhiều lần phái người đưa ra muôn phương để tìm ra phương thuốc cải lão hoàn đồng nhưng không có kết quả. Đỉnh điểm là việc giao cho Từ Phúc một đội chiến thuyền cùng 3000 đồng nam đồng nữ ra biển Đông Hải tìm thuốc. Nhưng Từ Phúc đã một đi không trở lại,trong cung Hàm Dương, Tần Thủy Hoàng đã hết hi vọng chờ đợi. lại tin nghe mưu kế đi tìm phương thuốc của Hầu Sinh và Lư Sinh bày ra. Kết quả lại trở thành trò cười.
Khi Tần Thủy Hoàng tìm ra được Hầu Sinh và Lư Sinh mới biết rằng các nho sinh ở Hàm Dương đã phỉ báng, chỉ trích ông chuyên dùng bọn ngục tốt, không coi trong nho sĩ, ham chuộng quyền thế, lại chuyên quyền bạo hành. Việc này làm Tần Thủy Hoàng hết sức tức giận, hạ lệnh bắt đến thẩm vấn. Các nho sinh không chịu nổi tra khảo, lại khai ra thêm một loạt người. Tần Thuỷ Hoàng hạ lệnh đem tất cả trên 460 nho sinh đó chôn sống ngoài thành Hàm Dương.
Đó chính là sự kiện đốt sách chôn học trò (phần thư khanh nho) nổi tiếng trong lịch sử. Ngày nay tại thôn Hồng Khanh cách huyện Lâm đồng tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc còn có “Khanh nho cốc” tương truyền là nơi Tần Thủy Hoàng đã chôn sống các học trò.
Theo: edu.goonline.vn