Và tôi đã phát hiện ra những ám ảnh nghệ thuật của trường ca Trên đường chính là khả năng sáng tạo và sự kết hợp ngôn ngữ phi thường của nhà thơ.
Tập Trường ca Trần Anh Thái - Nhà xuất bản Hội nhà văn, 2008, gồm 3 trường ca: Đổ bóng xuống mặt trời, Trên đường và Ngày đang mở sáng - là 3 trường ca tác giả viết trong hơn 10 năm trở lại đây. Cầm tập thơ trong tay, tôi lướt qua mục lục, và quyết định chọn đọc Trường ca Trên đường trước. Lý do, bởi cái tên của trường ca này trùng với quan niệm nghệ thuật của nhà thơ: "Thơ không cần định nghĩa. Nếu định nghĩa, thơ sẽ trở nên khuôn cứng… Thơ là trên đường". Và vì một lý do nữa: Tôi thấy trường ca Trên đường là… "ngắn nhất" trong 3 trường ca. Tôi đọc Trên đường, bắt đầu từ phần Ra đi rồi đến Trở về và Khúc cuối, với 54 trang (từ trang 107 đến 161). Còn 2 trường ca kia đều trên dưới 100 trang, được chia thành nhiều phần khác biệt và linh hoạt.
Nhà thơ Trần Anh Thái.
Tôi đọc trường ca Trên đường rất chậm, thư thái nhấm nháp, thưởng ngoạn rồi ngấm thấm từng chữ, từng câu một. Như người ta ăn một món ăn ngon, thích thú thưởng thức, chưa vội nuốt, để cho đầu lưỡi và chiếc mũi lắng nghe, dò tìm xem đầu bếp đã sử dụng những nguyên liệu gì, những gia vị đặc biệt gì...
Khi đọc xong, tôi không thể chờ đợi, muốn viết ngay một cái gì đó, thật rốt ráo, thật mới mẻ để thỏa nỗi khát khao nghệ thuật, để vinh danh người nghệ sĩ của ngôn từ đã cho tôi những phút giây hữu ích trước vẻ đẹp diệu kỳ của Chữ. Và nữa, tôi muốn khám phá ngay những cảm xúc còn tươi nguyên mà tôi vừa cảm nhận được từ trường ca này.
Tôi xin được viết bài này theo phong cách của… một đầu bếp. Bởi vì, nói theo kiểu dân dã thì tôi là người có "tâm hồn ăn uống". Bởi vì, đọc Trường ca Trần Anh Thái tôi đã thưởng lãm nó theo tinh thần của một món ăn (điều này cũng chẳng có gì lạ và chắc cũng chẳng có ai chê trách . Vì người ta vẫn gọi sách, báo là món ăn tinh thần mà) và tôi sẽ phân tích nó trên tinh thần một món ăn.
Vì sao vậy, vì mỗi ngày ít nhất tôi cũng phải nấu một bữa cơm bình thường cho gia đình. Và tôi luôn muốn thay đổi món ăn, gia giảm thêm chút gì đó ngon, lạ cho sướng miệng vì… nhiều hôm trời nóng quá, bụng thì đói cồn cào nhưng nuốt không trôi. Không biết có phải do tôi khó tính kén ăn hay món ăn hằng ngày đã quá quen cũ. Có cố cũng đành chịu.
Tôi rất ấn tượng với bộ phim hoạt hình 3D Chú chuột đầu bếp, tên gốc của phim là Ratatouille - tên một món xốt vang lâu đời. Tôi rất nhớ trong trang đầu tiên của cuốn sách dạy nấu ăn của bếp trưởng Auguste Gusteau có câu: "Anyone can cook" ("Ai cũng có thể nấu ăn"). Và hình ảnh chú chuột Remy một tay cầm miếng pho mát, một tay cầm cọng rau thơm. Chú ta nói: Ăn riêng một miếng pho mát rồi ăn riêng một cọng rau thơm, bạn thấy thế nào? Vị pho mat vẫn là pho mat còn rau thơm ăn riêng cũng không dễ ăn, đúng không? Nhưng bây giờ bạn để cọng rau thơm lên trên miếng pho mat và ăn cùng một lúc. Ôi chao! Vị ngon rất lạ!
Nhà phê bình ẩm thực khắt khe nhất Paris Anton Ego (vẫn trong bộ phim trên) đã nói thế này: Về một vài phương diện, công việc của một nhà phê bình có vẻ chẳng chút khó khăn. Chúng tôi chọn một vị trí trong nhà hàng, ngồi đó nhìn mọi người làm việc và đánh giá. Chúng tôi ném ra những lời bình phẩm gay gắt, những gì tôi thích viết ra và người ta thích đọc. Nhưng có một sự thật cay đắng chúng tôi phải đối mặt, đó là có những điều ý nghĩa hơn những lời phán xét chủ quan. Thế giới này thường nghiệt ngã với những tài năng - những sáng tạo… Tối qua, ăn món xốt vang xưa do Remy nấu, tôi đã có một trải nghiệm quý báu, một cái gì đó mới mẻ, một món ăn đặc biệt với những nguyên liệu được kết hợp phi thường. Cả món ăn và người đầu bếp đã thách thức những định kiến của tôi. Trước đây tôi đã coi thường câu nói của bếp trưởng Auguste Gusteau: "Ai cũng có thể nấu ăn" - nhưng giờ đây, tôi mới thực sự hiểu ý Gusteau muốn nói. Không phải ai cũng có thể trở thành một đầu bếp vĩ đại, nhưng một đầu bếp vĩ đại có thể đến từ bất kỳ đâu.
Đọc xong trường ca Trên đường một lượt. Tôi để cách ra vài hôm rồi đọc lại. Rồi để cách ra vài hôm nữa để... gõ lại. Rồi để cách vài hôm nữa lọc lại, xem những chữ gì còn ngân nga, còn ám ảnh, còn đọng lại trong tôi. Và đến hôm nay, những ấn tượng thẩm mỹ trong tôi không thể lạt phai, nó ám ảnh và thôi thúc tôi viết ra.
Và tôi đã phát hiện ra những ám ảnh nghệ thuật của trường ca Trên đường chính là khả năng sáng tạo và sự kết hợp ngôn ngữ phi thường của nhà thơ. Sự kết hợp này được chiếu sáng bằng nhiều lối nhìn, dựng lên bằng nhiều kiểu cấu trúc ngôn từ. Nó chính là sự kết hợp tài tình điêu luyện đạt tới sự giản dị, độc đáo giữa tính từ và danh từ. Sáng tạo ra tính từ ghép bằng sự kết hợp nhuần thấm của hai tính từ. Tạo ra những câu thơ giàu âm thanh, hình ảnh, đầy sự liên tưởng, đầy sự ám ảnh, hiển hiện trong óc người đọc như thể người đọc đang được chứng kiến, đang được tham dự.
Có thể tạm phân ra hai loại và cũng là hai cấp độ sáng tạo:
Cấp độ 1: Sử dụng những tính từ đơn nhưng kết hợp rất lạ.
Cấp độ 2: Sáng tạo tính từ kép rất lạ. Rồi lại kết hợp rất lạ với danh từ. Đây là sáng tạo của riêng anh. Nếu như một danh từ được 2, 3 tính từ bổ nghĩa cũng rất hay, nhưng anh ghép lại để về mặt hình thức trông như một tính từ thì rất phù hợp với sự cô chắt, tinh giản và gợi mở của thơ, tạo hiệu quả hơn rất nhiều.
Một số ví dụ trong bài Yên Tử thuộc phần Ra đi (chọn theo thứ tự câu thơ):
"Tiếng chân bước âm u": Ta thường nghe: Tiếng chân bước thình thịch, tiếng bước chân khẽ khàng, tiếng bước chân vội vã, mau mau… để chỉ độ mạnh nhẹ, nặng yếu nhưng Trần Anh Thái đã dùng chữ "âm u". Người đọc ngay lập tức thấy hiện lên một khoảng không gian hoang vu, u tịch, huyền bí. Nó buộc ta phải lắng lại, nhẩm đọc câu thơ trong cõi sâu xa, để thưởng thức dư vị của từng chữ. Câu thơ hiện hết lên thần thái của một nơi chốn thâm u, trầm mặc, linh thiêng trên con đường hành hương về miền xa xăm cô tịch…
Và đây nữa: "niềm tin hoang dại": Ta thường nghe niềm tin thơ ngây, niềm tin sắt đá, niềm tin mù quáng, rồi niềm tin không gì lay chuyển nổi… để chỉ mức độ hay sắc thái của niềm tin, hay cái cách mà người ta tin. Nhưng "niềm tin hoang dại" thì quả thật tôi chưa từng nghe thấy bao giờ. Ở đây, "niềm tin hoang dại" này, gợi ngay cho ta sự khởi đầu của mọi sự khởi đầu, một sự khởi đầu mông muội, không có cơ sở, không có đường đi, nó trong sáng đến ngây thơ mờ mịt. Nó mênh mông, trống trải thiếu một điểm tựa vững chãi, chắc chắn, một chỗ dựa tin cậy. Niềm tin này không hề dựa trên một qui ước và cơ sở, nguyên tắc nào; không cần một chứng nhận, lý do, không cần đắn đo lý trí và có sự phân tích nào hết. Ở đây, những khôn ngoan lọc lõi bất lực... "Hoang dại", theo cách hiểu thông thường là một nơi con người chưa đặt chân đến, là nơi chưa có bàn tay và trí óc con người. "Niềm tin hoang dại" là niềm tin từ trái tim, từ bản năng của con người. Nó là niềm tin thuần khiết, nguyên sơ , tự nhiên nhất, mãnh liệt nhất. Niềm tin này trái ngược với kinh nghiệm, nó chống lại kinh nghiệm, bất chấp phải trả giá và không sợ hãi, không thể thay đổi, không gì làm cho nó phải thay đổi…
Và nữa: "Ánh mắt nguyên sơ", tôn lên, rộng và xa, làm nổi bật phạm vi của "Niềm tin hoang dại". Vì nếu người ta đã quá "lọc lõi khôn ngoan", thì mọi chuyện lại khác. muốn tin là phải có cơ sở, phải được kiểm chứng từ thực tế, phải rạch ròi cân nhắc nhiều lối, không để cảm giác đánh lừa thì ánh mắt cũng "khôn lắm"...
Và đây, cái cứ ám ảnh bám riết trong đầu tôi suốt cả tuần nay, cái cứ làm cho tôi thỉnh thoảng lại mỉm cười, cái khiến cho tôi thức cả đêm nay để gõ phím, đó là "nụ cười bươm tả". Trời ạ! Cuộc đời lại còn có cả "nụ cười bươm tả" nữa ư? Người ta có thể dùng rất nhiều tính từ bổ nghĩa cho nụ cười. Cười mà vẫn không thoát khỏi đau khổ trầm tích, không thoát khỏi lụy phiền thương cảm thường trực như: "Cười như mếu máo", "Nụ cười méo xẹo", "Cười đau khổ", "Cười xa xăm"... Hay cười vui: "Cười như ngô rang pháo nổ", "Cười chí chết", "Cười đến vỡ bụng", "Cười chảy nước mắt"… Nhưng "Nụ cười bươm tả" của Trần Anh Thái thì có lẽ theo tôi, Anh Thái nên đăng ký bản quyền.
Trần Anh Thái đã ghép 2 tính từ "rách bươm" và "tơi tả" để tạo nên tính từ kép "bươm tả". Bản thân "rách bươm" và "tơi tả", nếu đứng độc lập đã gợi hình ảnh đến gai người, đến kinh ngạc. Nó làm cho người ta liên tưởng tới sự nghèo hèn, khổ hạnh, tan tác và tuyệt vọng: đôi khi chỉ cần nghe qua đã thấy nổi da gà, xa xót về một nỗi niềm đau thương mất mát, nhưng dù sao đây cũng vẫn là những từ quen dùng - như món ăn quen thuộc mà tôi nói đến ở trên - Vì thế nó có thể làm tôi tức thời trào dâng cảm xúc nhưng chưa hẳn đã lắng sâu, dai dẳng thấm đậm. Nhưng khi cụm từ "bươm tả" xuất hiện dưới bàn tay tài hoa của người nghệ sĩ thao tác, kết hợp ghép từ, ghép nghĩa thì nó đã cho người đọc một mỹ cảm mới, khác thường. Rõ ràng cụm từ "bươm tả" là một kiểu liên kết rất Trần Anh Thái. Nó không chỉ là sự khổ công trong sáng tạo nghệ thuật, thái độ không chịu chấp nhận thói quen nhàm cũ mà giá trị thực sự của văn học còn là khả năng làm ra cái mới, cái chưa ai làm. Ở đây cụm từ "bươm tả" đã cho người đọc một thay đổi, trong cách tiếp xúc với những loại văn bản có nhiều dụng công tìm tòi, một cách hiểu mới về nghĩa của từ. Và vì thế sự ẩn chứa nhiều tầng trong những câu thơ của Trần Anh Thái được thỏa sức đào sâu, mở rộng các lớp nghĩa chìm ẩn. Đương nhiên, những mới mẻ trong thơ anh, người đọc không cảm thấy một sự kiểu cách lên gân hay gò bó gượng ép nào; mà tất cả như nó hiển nhiên là thế, như bật ra từ thẳm sâu tâm thức với những cảm xúc đầy căng chất chứa. Có một thú vị này, nếu đứng độc lập ta có một thực tế là về bản chất, hai cụm từ "bươm tả" và "nụ cười" có nghĩa khác hẳn nhau, thậm chí đối lập nhau. Thế mà dưới ngòi bút của Trần Anh Thái, khi nó được kết hợp với nhau lại sản sinh những nghĩa mới rất ấn tượng. Ở đấy ta bắt gặp ngay một tâm trạng bất an, chán nản, hoang mang, thất vọng, cay đắng, mệt mỏi dài dặc mãi không thôi. Và điều kỳ diệu là sự kết hợp này đạt tới sự nhuần nhuyễn, hợp lý đến ngạc nhiên. Quả là sự kết hợp phi thường. Phải chăng đây chính là "máu chữ" của Trần Anh Thái.
Trong trường ca Trên đường, chúng ta có thể thưởng thức rất nhiều những kết hợp từ, cụm từ, câu như kiểu nói trên. Ngôn ngữ trong thơ Trần Anh Thái thật sáng, đẹp, gợi và ám ảnh. Tôi yêu những câu thơ như thế này:
"Bóng người đánh cá già lồng lộng in vào trời đất.
Ở bên kia của cánh rừng là vực thẳm
Trong bóng tối của những điều chưa biết là ánh sáng
Tiếng vọng vang lên: Tận cùng của đắng cay là vị ngọt
Hãy đi rồi sẽ tới
Mở cửa ra
Ánh sáng ở nơi chưa có con đường"
Tôi nhớ không thật chính xác có ai đó nói rằng, những chương, đoạn trong trường ca Trên đường của Trần Anh Thái tạo nên sự rắn chắc kỳ lạ của những ý tưởng, kết cấu và hình tượng thơ ca. Những chữ bật ra bởi sự thôi thúc nội tại từ tình thế cảm xúc của nhà thơ- một trường ca cuộn xiết khát vọng như làn gió run rẩy vừa trào sôi vừa bền bỉ nhẫn nại…
Đọc xong trường ca Trên đường, tôi không thể kìm được lòng mình, từ trong sâu thẳm, bất chợt bật lên cảm nhận:
"Những chữ cô chắt đến hết mực
Đóng đanh những chi tiết khó nhổ khỏi trái tim người đọc
Chúng đau đến rách giấy
Khốc liệt như muốn hét lên…"
Theo Kiều Nga - VnExpress
Tập Trường ca Trần Anh Thái - Nhà xuất bản Hội nhà văn, 2008, gồm 3 trường ca: Đổ bóng xuống mặt trời, Trên đường và Ngày đang mở sáng - là 3 trường ca tác giả viết trong hơn 10 năm trở lại đây. Cầm tập thơ trong tay, tôi lướt qua mục lục, và quyết định chọn đọc Trường ca Trên đường trước. Lý do, bởi cái tên của trường ca này trùng với quan niệm nghệ thuật của nhà thơ: "Thơ không cần định nghĩa. Nếu định nghĩa, thơ sẽ trở nên khuôn cứng… Thơ là trên đường". Và vì một lý do nữa: Tôi thấy trường ca Trên đường là… "ngắn nhất" trong 3 trường ca. Tôi đọc Trên đường, bắt đầu từ phần Ra đi rồi đến Trở về và Khúc cuối, với 54 trang (từ trang 107 đến 161). Còn 2 trường ca kia đều trên dưới 100 trang, được chia thành nhiều phần khác biệt và linh hoạt.
Nhà thơ Trần Anh Thái.
Tôi đọc trường ca Trên đường rất chậm, thư thái nhấm nháp, thưởng ngoạn rồi ngấm thấm từng chữ, từng câu một. Như người ta ăn một món ăn ngon, thích thú thưởng thức, chưa vội nuốt, để cho đầu lưỡi và chiếc mũi lắng nghe, dò tìm xem đầu bếp đã sử dụng những nguyên liệu gì, những gia vị đặc biệt gì...
Khi đọc xong, tôi không thể chờ đợi, muốn viết ngay một cái gì đó, thật rốt ráo, thật mới mẻ để thỏa nỗi khát khao nghệ thuật, để vinh danh người nghệ sĩ của ngôn từ đã cho tôi những phút giây hữu ích trước vẻ đẹp diệu kỳ của Chữ. Và nữa, tôi muốn khám phá ngay những cảm xúc còn tươi nguyên mà tôi vừa cảm nhận được từ trường ca này.
Tôi xin được viết bài này theo phong cách của… một đầu bếp. Bởi vì, nói theo kiểu dân dã thì tôi là người có "tâm hồn ăn uống". Bởi vì, đọc Trường ca Trần Anh Thái tôi đã thưởng lãm nó theo tinh thần của một món ăn (điều này cũng chẳng có gì lạ và chắc cũng chẳng có ai chê trách . Vì người ta vẫn gọi sách, báo là món ăn tinh thần mà) và tôi sẽ phân tích nó trên tinh thần một món ăn.
Vì sao vậy, vì mỗi ngày ít nhất tôi cũng phải nấu một bữa cơm bình thường cho gia đình. Và tôi luôn muốn thay đổi món ăn, gia giảm thêm chút gì đó ngon, lạ cho sướng miệng vì… nhiều hôm trời nóng quá, bụng thì đói cồn cào nhưng nuốt không trôi. Không biết có phải do tôi khó tính kén ăn hay món ăn hằng ngày đã quá quen cũ. Có cố cũng đành chịu.
Tôi rất ấn tượng với bộ phim hoạt hình 3D Chú chuột đầu bếp, tên gốc của phim là Ratatouille - tên một món xốt vang lâu đời. Tôi rất nhớ trong trang đầu tiên của cuốn sách dạy nấu ăn của bếp trưởng Auguste Gusteau có câu: "Anyone can cook" ("Ai cũng có thể nấu ăn"). Và hình ảnh chú chuột Remy một tay cầm miếng pho mát, một tay cầm cọng rau thơm. Chú ta nói: Ăn riêng một miếng pho mát rồi ăn riêng một cọng rau thơm, bạn thấy thế nào? Vị pho mat vẫn là pho mat còn rau thơm ăn riêng cũng không dễ ăn, đúng không? Nhưng bây giờ bạn để cọng rau thơm lên trên miếng pho mat và ăn cùng một lúc. Ôi chao! Vị ngon rất lạ!
Nhà phê bình ẩm thực khắt khe nhất Paris Anton Ego (vẫn trong bộ phim trên) đã nói thế này: Về một vài phương diện, công việc của một nhà phê bình có vẻ chẳng chút khó khăn. Chúng tôi chọn một vị trí trong nhà hàng, ngồi đó nhìn mọi người làm việc và đánh giá. Chúng tôi ném ra những lời bình phẩm gay gắt, những gì tôi thích viết ra và người ta thích đọc. Nhưng có một sự thật cay đắng chúng tôi phải đối mặt, đó là có những điều ý nghĩa hơn những lời phán xét chủ quan. Thế giới này thường nghiệt ngã với những tài năng - những sáng tạo… Tối qua, ăn món xốt vang xưa do Remy nấu, tôi đã có một trải nghiệm quý báu, một cái gì đó mới mẻ, một món ăn đặc biệt với những nguyên liệu được kết hợp phi thường. Cả món ăn và người đầu bếp đã thách thức những định kiến của tôi. Trước đây tôi đã coi thường câu nói của bếp trưởng Auguste Gusteau: "Ai cũng có thể nấu ăn" - nhưng giờ đây, tôi mới thực sự hiểu ý Gusteau muốn nói. Không phải ai cũng có thể trở thành một đầu bếp vĩ đại, nhưng một đầu bếp vĩ đại có thể đến từ bất kỳ đâu.
Đọc xong trường ca Trên đường một lượt. Tôi để cách ra vài hôm rồi đọc lại. Rồi để cách ra vài hôm nữa để... gõ lại. Rồi để cách vài hôm nữa lọc lại, xem những chữ gì còn ngân nga, còn ám ảnh, còn đọng lại trong tôi. Và đến hôm nay, những ấn tượng thẩm mỹ trong tôi không thể lạt phai, nó ám ảnh và thôi thúc tôi viết ra.
Và tôi đã phát hiện ra những ám ảnh nghệ thuật của trường ca Trên đường chính là khả năng sáng tạo và sự kết hợp ngôn ngữ phi thường của nhà thơ. Sự kết hợp này được chiếu sáng bằng nhiều lối nhìn, dựng lên bằng nhiều kiểu cấu trúc ngôn từ. Nó chính là sự kết hợp tài tình điêu luyện đạt tới sự giản dị, độc đáo giữa tính từ và danh từ. Sáng tạo ra tính từ ghép bằng sự kết hợp nhuần thấm của hai tính từ. Tạo ra những câu thơ giàu âm thanh, hình ảnh, đầy sự liên tưởng, đầy sự ám ảnh, hiển hiện trong óc người đọc như thể người đọc đang được chứng kiến, đang được tham dự.
Có thể tạm phân ra hai loại và cũng là hai cấp độ sáng tạo:
Cấp độ 1: Sử dụng những tính từ đơn nhưng kết hợp rất lạ.
Cấp độ 2: Sáng tạo tính từ kép rất lạ. Rồi lại kết hợp rất lạ với danh từ. Đây là sáng tạo của riêng anh. Nếu như một danh từ được 2, 3 tính từ bổ nghĩa cũng rất hay, nhưng anh ghép lại để về mặt hình thức trông như một tính từ thì rất phù hợp với sự cô chắt, tinh giản và gợi mở của thơ, tạo hiệu quả hơn rất nhiều.
Một số ví dụ trong bài Yên Tử thuộc phần Ra đi (chọn theo thứ tự câu thơ):
"Tiếng chân bước âm u": Ta thường nghe: Tiếng chân bước thình thịch, tiếng bước chân khẽ khàng, tiếng bước chân vội vã, mau mau… để chỉ độ mạnh nhẹ, nặng yếu nhưng Trần Anh Thái đã dùng chữ "âm u". Người đọc ngay lập tức thấy hiện lên một khoảng không gian hoang vu, u tịch, huyền bí. Nó buộc ta phải lắng lại, nhẩm đọc câu thơ trong cõi sâu xa, để thưởng thức dư vị của từng chữ. Câu thơ hiện hết lên thần thái của một nơi chốn thâm u, trầm mặc, linh thiêng trên con đường hành hương về miền xa xăm cô tịch…
Và đây nữa: "niềm tin hoang dại": Ta thường nghe niềm tin thơ ngây, niềm tin sắt đá, niềm tin mù quáng, rồi niềm tin không gì lay chuyển nổi… để chỉ mức độ hay sắc thái của niềm tin, hay cái cách mà người ta tin. Nhưng "niềm tin hoang dại" thì quả thật tôi chưa từng nghe thấy bao giờ. Ở đây, "niềm tin hoang dại" này, gợi ngay cho ta sự khởi đầu của mọi sự khởi đầu, một sự khởi đầu mông muội, không có cơ sở, không có đường đi, nó trong sáng đến ngây thơ mờ mịt. Nó mênh mông, trống trải thiếu một điểm tựa vững chãi, chắc chắn, một chỗ dựa tin cậy. Niềm tin này không hề dựa trên một qui ước và cơ sở, nguyên tắc nào; không cần một chứng nhận, lý do, không cần đắn đo lý trí và có sự phân tích nào hết. Ở đây, những khôn ngoan lọc lõi bất lực... "Hoang dại", theo cách hiểu thông thường là một nơi con người chưa đặt chân đến, là nơi chưa có bàn tay và trí óc con người. "Niềm tin hoang dại" là niềm tin từ trái tim, từ bản năng của con người. Nó là niềm tin thuần khiết, nguyên sơ , tự nhiên nhất, mãnh liệt nhất. Niềm tin này trái ngược với kinh nghiệm, nó chống lại kinh nghiệm, bất chấp phải trả giá và không sợ hãi, không thể thay đổi, không gì làm cho nó phải thay đổi…
Và nữa: "Ánh mắt nguyên sơ", tôn lên, rộng và xa, làm nổi bật phạm vi của "Niềm tin hoang dại". Vì nếu người ta đã quá "lọc lõi khôn ngoan", thì mọi chuyện lại khác. muốn tin là phải có cơ sở, phải được kiểm chứng từ thực tế, phải rạch ròi cân nhắc nhiều lối, không để cảm giác đánh lừa thì ánh mắt cũng "khôn lắm"...
Và đây, cái cứ ám ảnh bám riết trong đầu tôi suốt cả tuần nay, cái cứ làm cho tôi thỉnh thoảng lại mỉm cười, cái khiến cho tôi thức cả đêm nay để gõ phím, đó là "nụ cười bươm tả". Trời ạ! Cuộc đời lại còn có cả "nụ cười bươm tả" nữa ư? Người ta có thể dùng rất nhiều tính từ bổ nghĩa cho nụ cười. Cười mà vẫn không thoát khỏi đau khổ trầm tích, không thoát khỏi lụy phiền thương cảm thường trực như: "Cười như mếu máo", "Nụ cười méo xẹo", "Cười đau khổ", "Cười xa xăm"... Hay cười vui: "Cười như ngô rang pháo nổ", "Cười chí chết", "Cười đến vỡ bụng", "Cười chảy nước mắt"… Nhưng "Nụ cười bươm tả" của Trần Anh Thái thì có lẽ theo tôi, Anh Thái nên đăng ký bản quyền.
Trần Anh Thái đã ghép 2 tính từ "rách bươm" và "tơi tả" để tạo nên tính từ kép "bươm tả". Bản thân "rách bươm" và "tơi tả", nếu đứng độc lập đã gợi hình ảnh đến gai người, đến kinh ngạc. Nó làm cho người ta liên tưởng tới sự nghèo hèn, khổ hạnh, tan tác và tuyệt vọng: đôi khi chỉ cần nghe qua đã thấy nổi da gà, xa xót về một nỗi niềm đau thương mất mát, nhưng dù sao đây cũng vẫn là những từ quen dùng - như món ăn quen thuộc mà tôi nói đến ở trên - Vì thế nó có thể làm tôi tức thời trào dâng cảm xúc nhưng chưa hẳn đã lắng sâu, dai dẳng thấm đậm. Nhưng khi cụm từ "bươm tả" xuất hiện dưới bàn tay tài hoa của người nghệ sĩ thao tác, kết hợp ghép từ, ghép nghĩa thì nó đã cho người đọc một mỹ cảm mới, khác thường. Rõ ràng cụm từ "bươm tả" là một kiểu liên kết rất Trần Anh Thái. Nó không chỉ là sự khổ công trong sáng tạo nghệ thuật, thái độ không chịu chấp nhận thói quen nhàm cũ mà giá trị thực sự của văn học còn là khả năng làm ra cái mới, cái chưa ai làm. Ở đây cụm từ "bươm tả" đã cho người đọc một thay đổi, trong cách tiếp xúc với những loại văn bản có nhiều dụng công tìm tòi, một cách hiểu mới về nghĩa của từ. Và vì thế sự ẩn chứa nhiều tầng trong những câu thơ của Trần Anh Thái được thỏa sức đào sâu, mở rộng các lớp nghĩa chìm ẩn. Đương nhiên, những mới mẻ trong thơ anh, người đọc không cảm thấy một sự kiểu cách lên gân hay gò bó gượng ép nào; mà tất cả như nó hiển nhiên là thế, như bật ra từ thẳm sâu tâm thức với những cảm xúc đầy căng chất chứa. Có một thú vị này, nếu đứng độc lập ta có một thực tế là về bản chất, hai cụm từ "bươm tả" và "nụ cười" có nghĩa khác hẳn nhau, thậm chí đối lập nhau. Thế mà dưới ngòi bút của Trần Anh Thái, khi nó được kết hợp với nhau lại sản sinh những nghĩa mới rất ấn tượng. Ở đấy ta bắt gặp ngay một tâm trạng bất an, chán nản, hoang mang, thất vọng, cay đắng, mệt mỏi dài dặc mãi không thôi. Và điều kỳ diệu là sự kết hợp này đạt tới sự nhuần nhuyễn, hợp lý đến ngạc nhiên. Quả là sự kết hợp phi thường. Phải chăng đây chính là "máu chữ" của Trần Anh Thái.
Trong trường ca Trên đường, chúng ta có thể thưởng thức rất nhiều những kết hợp từ, cụm từ, câu như kiểu nói trên. Ngôn ngữ trong thơ Trần Anh Thái thật sáng, đẹp, gợi và ám ảnh. Tôi yêu những câu thơ như thế này:
"Bóng người đánh cá già lồng lộng in vào trời đất.
Ở bên kia của cánh rừng là vực thẳm
Trong bóng tối của những điều chưa biết là ánh sáng
Tiếng vọng vang lên: Tận cùng của đắng cay là vị ngọt
Hãy đi rồi sẽ tới
Mở cửa ra
Ánh sáng ở nơi chưa có con đường"
Tôi nhớ không thật chính xác có ai đó nói rằng, những chương, đoạn trong trường ca Trên đường của Trần Anh Thái tạo nên sự rắn chắc kỳ lạ của những ý tưởng, kết cấu và hình tượng thơ ca. Những chữ bật ra bởi sự thôi thúc nội tại từ tình thế cảm xúc của nhà thơ- một trường ca cuộn xiết khát vọng như làn gió run rẩy vừa trào sôi vừa bền bỉ nhẫn nại…
Đọc xong trường ca Trên đường, tôi không thể kìm được lòng mình, từ trong sâu thẳm, bất chợt bật lên cảm nhận:
"Những chữ cô chắt đến hết mực
Đóng đanh những chi tiết khó nhổ khỏi trái tim người đọc
Chúng đau đến rách giấy
Khốc liệt như muốn hét lên…"
Theo Kiều Nga - VnExpress