SỰ GIAO TIẾP LÀ ĐIỀU QUAN TRỌNG KHI TRẺ TRƯỞNG THÀNH
Người ta nói nhiều đến “Sự giao thiệp giữa con người”. Rõ ràng mối liên lạc này càng ngày càng căng thẳng, đến lúc phải làm hòa dịu, mềm dẻo, dễ dãi sự giao thiệp. Dần dần nảy sinh một khoa học, được gọi là khoa học về sự liên lạc giữa con người, người ta đã đặt ra những phương pháp để chiếm lĩnh được tình cảm của con người và tạo được những người bạn thân.
Chắc chắn phần lớn những phương pháp này đã có hiệu quả, và trong chiều hướng đó là phương pháp tốt nhất. Nhưng liệu rằng có đủ để người ta tin những mối liên lạc vũng chắc đượm tình thân ái và mối tình cảm chân thành hay không?
Nhân dịp đó, người ta luôn đề cập đến vấn đề hạnh phúc, trong những tiệc cưới, lễ sinh nhật, một cuộc thi đấu…Tất cả những cơ hội đó là dịp để chúc mừng, khen ngợi, cầu chúc càng hay ho bao nhiêu lại càng xác nhận cái giá trị mà người ta dùng để đo lường sự vật vừa giản dị vừa mang tên là hạnh phúc bây nhiêu. Chúng ta có thể đóng góp vào việc tạo hạnh phúc cho người khác nhiều hơn chúng ta tưởng. Thí dụ những nhà bán hoa đã hay nói chúng ta rằng: “Hãy nói lên với những cánh hoa.” Đó là ý kiến hay và là một ý nguyện của chúng ta. Một cuốn sách hay, một mỹ phẩm đẹp, khi tặng những tặng phẩm này, chúng ta hẳn được vừa lòng là đã chịu tốn kém một chút gì đó để nói lên được ý nghĩa cầu chúc cho người khác. Vậy thì sự giản dị hơn cả là chúng ta hãy nói lên, ít nhất là cũng bằng lời nói, không những trong các cơ hội lớn, mà là lời nói hàng ngày bằng cách này hay cách nọ.
Những tiếng “Xin vui lòng” hoặc “làm ơn” mà chúng ta rất ít nói với trẻ con, cũng là một trong những danh từ mầu nhiệm mở rộng được những tấm lòng tạo sự vững bền mà người ta không thể lường được. Một cái lệnh ban ra, dù cương quyết đến đâu cũng không nên quên chen vào đó một vẻ khả ái để chứng tỏ sự kính mến kẻ khác, dù đối với một đứa trẻ. Tôi cũng nghĩ đến một danh từ khác mà những bậc cha mẹ nên thường dùng đến. Mỗi khi có cơ hội, tại sao cha mẹ không thể nói: “Tốt lắm, cha mẹ bằng lòng con lắm.” Nhất là người cha rất hay rầy la con khi con cái mình lầm lỗi, nhưng rất hà tiện lời khen mỗi khi chúng làm được điều hay, cần mang đến cho chúng nhiều lời khen và sự hăng hái.
Để đáp lại thái độ đứng đắn đó của cha mẹ, tôi muốn nói rằng con cái thỉnh thoảng nên đặt ra câu hỏi: “Ba nghĩ thế nào? Hoặc “Má nghĩ sao?” Nếu những đứa trẻ không nghe lời khuyên rằng một ngày kia sẽ phải hối hận, và những đứa trẻ biết noi gương anh chị để làm điều tốt đẹp sẽ đem lại cho gia đình một ảnh hưởng tốt đẹp.
Theo Vĩnh Thuyên - Nghệ thuật giáo hóa giúp trẻ nên người*