SỬ DỤNG ĐÚNG THANH ĐIỆU TIẾNG VIỆT
Nhiều người trong chúng ta chắc vẫn còn nhớ câu chuyện Bác Hồ về thăm nhà máy cơ khí Gia Lâm. Hồi ấy, cái biển đề tên nhà máy đã không đánh đủ các dấu của chữ cái lại không đánh cả dấu thanh điệu. Bác Hồ đã phê bình thẳng thắn và nhắc nhở một cách tế nhị rằng, nếu cứ viết ẩu như thế người ngoài đọc nhầm thành "Nhà mày có khỉ già lắm" thì thật nguy to. Trường hợp ấy sẽ được nhận ra và sửa chữa. Tuy nhiên, cũng phải thấy ngay rằng: sử dụng thanh điệu quả là một việc phải cẩn trọng. Đối với các bạn nước ngoài: thanh điệu tiếng Việt lại càng là vấn đề đáng được quan tâm trong học tiếng. Nhiều bạn nước ngoài đưa ra những nhận xét tưởng chừng trái ngược nhau về thanh điệu.
Có bạn cho rằng: Tiếng Việt rất hay, lúc lên bổng, lúc xuồng trầm, chỉ nói thôi mà nghe đã như hát.
Có bạn lại nói: học thanh điệu tiếng Việt rất khó, không mấy khi đọc được thật chuẩn, mà chỉ lơ lớ.
Những nhận xét của các bạn nước ngoài đã giúp chúng tôi nhìn nhận và đánh giá lại một cách nghiêm túc cái hay của thanh điệu tiếng Việt và cái khó khi học thanh điệu tiếng Việt. Điều này không chỉ có ý nghĩa đối với việc dạy tiếng mà còn có ý nghĩa cho chính chúng ta khi học tập và sử dụng tiếng Việt chính xác trên bình diện ngữ âm.
Trước hết, cái hay của thanh điệu tiếng Việt có lẽ chính là ở khả năng phân biệt cao độ cho âm tiết của chúng. Tiếng Việt có sáu thanh điệu với những cao độ không như nhau, tức là rất đa dạng. Thử làm phép so sánh đơn giản với bảy độ cao của các nốt trong âm nhạc, chúng ta sẽ thấy ngay "tính nhạc" trong ngôn ngữ của dân tộc mình là quá cao. Không rõ đây có phải là điều kiện thuận lợi để cho bất cứ bài thơ nào viết bằng tiếng Việt cũng dễ dàng được phổ nhạc thành ca khúc hay không?
Tuy các thanh điệu đều có cao độ riêng, nhưng không phải sáu thanh hoàn toàn khác nhau và không liên quan gì đến nhau. Căn cứ vào tính tương đồng về cao độ, người ta chia sáu thanh điệu thành hai nhóm.
Nhóm cao gồm: thanh ngang (không dấu), thanh ngã, thanh sắc.
Nhóm thấp gồm: thanh huyền, thanh hỏi, thanh nặng.
Các thanh điệu còn được phân biệt với nhau bởi tính ổn định hay không ổn định của âm sắc. Theo tiêu chí này, người Việt thường chia thành hai nhóm và gọi tên với cách gọi truyền thống là nhóm bằng và nhóm trắc.
Nhóm bằng gồm: thanh ngang và thanh huyền.
Nhóm trắc gồm: thanh sắc, thanh nặng, thanh hỏi và thanh ngã.
Có lẽ do kém ổn định về âm sắc, nghe lại "không êm tai" mà các thanh trắc không được người xưa dùng để hiệp vần trong thơ lục bát truyền thống. Các vần dùng để hiệp vần chỉ mang thanh bằng mà thôi.
Qua đình ngả nón trông đình
Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu
(đình và mình đều mang thanh bằng)
Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi
(đàng và vàng đều mang thanh bằng).
Muốn sang thì bắc cầu Kiều
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy
(Kiều và yêu đều mang thanh bằng).
Các thanh trắc vẫn được sử dụng triệt để trong thơ, nhưng là trong thơ thất ngôn. Người ta thường dựa vào giá trị âm học của nhóm thanh này để tạo ra những hiệu quả tâm lý to lớn trong thơ. Có thế thấy rõ điều này qua hai câu thơ tiêu biểu của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu:
Tài cao phận thấp chí khí uất (hầu hết là thanh trắc).
Giang hồ mê chơi quên quê hương (toàn là thanh bằng)
khi miêu tả các trạng thái đối lập trong thân phận của một con người.
Sự khó khăn khi nắm bắt các thanh điệu tiếng Việt chủ yếu rơi vào nhóm thanh trắc. Chỉ trong hai thanh cao (sắc và ngã) hay hai thanh thấp (nặng và hỏi) đã có hiện tượng phân hóa rõ ràng. Khi thể hiện các thanh ngã và hỏi, có một động tác phức tạp và bất bình thường - một động tác nghẽn thanh hầu mạnh - đã xảy ra khiến cho các âm tiết chứa các thanh điệu này thường có độ dài lớn hơn các âm tiết khác.
Cùng kết thúc cao, thanh ngã nghẽn mạnh, thanh sắc lại không.
Cùng kết thúc thấp, thanh hỏi nghẽn mạnh, thanh nặng lại không.
Với diễn biến phức tạp như vậy, hai thanh ngã và hỏi thường dễ bị các đối tượng như người nước ngoài học tiếng Việt hoặc trẻ em nói chưa sõi phát âm nhầm sang các thanh sắc và nặng.
Chẳng hạn: "Mẹ ơi con ngã" đọc thành: "Mẹ ơi con ngá"
hoặc: "Mẹ ơi con hỏi" đọc thành: " Mẹ ơi con họi".
Riêng với người nước ngoài, việc thể hiện hai thanh này có khi còn khó và lâu hơn, vì thực chất đây là hai thanh phức tạp, cần thực hiện chậm mới thể hiện rõ được giá trị âm sắc của chúng.
Nói chung, sự nhầm lẫn (hay luân phiên tự do) trong nhóm thanh trắc thường diễn ra theo quy luật: thanh phức tạp chuyển sang thanh đơn giản cùng nhóm cao độ.
Trong các phương ngữ Việt Nam còn có một số hiện tượng biến thanh xảy ra tương đối ổn định, như:
Biến đổi trong nội bộ nhóm thanh bằng từ thấp đến cao: thanh huyền đọc thành thanh ngang.
Thí dụ: "Con bò vàng" đọc thành: "Con bo vang"
Biến đổi trong nội bộ nhóm thanh trắc diễn biến không phức tạp từ cao xuống thấp: thanh sắc đọc thành thanh nặng.
Thí dụ: "Cá có đuôi" đọc thành: "Cạ cọ đuôi"
Biến đổi trong nội bộ nhóm thanh trắc diễn biến phức tạp theo quan hệ hai chiều: thanh ngã đọc thành thanh hỏi, thanh hỏi đọc thành thanh ngã.
Thí dụ: "Em sẽ là hoa, Bốn mùa thơm mãi” đọc thành: "Em sẻ là hoa, Bốn mùa thơm mải".
Hoặc: "Em hỏi thế này khí không phải" đọc thành: "Em hõi thế này khí không phãi".
Ngoài ra, ngôn ngữ ở một số địa phương còn có những trường hợp ngoại lệ, tức là sự nhầm lẫn xảy ra không rõ theo quy luật nào. Chẳng hạn, có vùng phát âm thanh ngã chuyển sang thanh nặng: "đã" thành "đạ"; hoặc có vùng lại phát âm thanh sắc sang thanh hỏi: "chiến đấu" thành "chiển đẩu"...
Một trong những lý do coi tiếng Hà Nội là tiếng chuẩn chính là vì tiếng Hà Nội có đầy đủ sáu thanh điệu. Đây cũng là lợi thế để xây dựng ngôn ngữ văn hóa dân tộc và dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ.
Như vậy, thanh điệu là một bộ phận không thể thiếu của ngữ âm và góp phần làm nên bản sắc độc đáo cho tiếng Việt - một ngôn ngữ đơn tiết điển hình. Tuy nhiên, chúng ta không thể chỉ coi chúng như một yếu tố của ngữ âm mà còn phải hiểu chúng như một thành tố quan trọng để tạo nghĩa và phân biệt nghĩa cho từ ngữ. Có như thế chúng ta mới thực sự sử dụng chúng một cách chính xác, góp phần tích cực vào việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên bình diện ngữ âm và ngữ nghĩa.
Sưu tầm