Sự bế tắc của một lối viết

  • Thread starter Thread starter keobi
  • Ngày gửi Ngày gửi

keobi

New member
Xu
0
Sự bế tắc của một lối viết


Tạ Duy Anh được thừa nhận là cây bút có tư tưởng làm mới tiểu thuyết một cách quyết liệt. Ta có thể nhận thấy trong tác phẩm của ông một loạt các sáng tạo trong điểm nhìn, kết cấu, tổ chức không gian – thời gian,… Và, với một sự mẫn cảm bẩm sinh, văn chương Tạ Duy Anh có khả năng khơi gợi rất sâu vào những buồn vui của kiếp người. Với các tiểu thuyết quan trọng: Lão Khổ, Đi tìm nhân vật, Thiên thần sám hối,… Tạ Duy Anh được dư luận đánh giá là một trong những cây bút có nhiều đóng góp vào việc đổi mới tiểu thuyết Việt Nam từ sau 1986. Gần đây, ông cho xuất bản Giã biệt bóng tối, cuốn tiểu thuyết được xem là “bản tụng ca say đắm về sức mạnh của lòng khoan dung và tha thứ”, “chất chứa những trải nghiệm khổ đau” của tác giả, hứa hẹn sẽ là “một chặng đường mới” trong văn nghiệp của ông…

Có thể nói, Giã biệt bóng tối cũng hội được ít nhiều những ưu thế nói trên của ngòi bút Tạ Duy Anh. Tuy nhiên, đọc Giã biệt bóng tối, tôi thấy những gì mà người ta đánh giá về nó có chút gì thái quá, ồn ào. Có nhiều lí do để Giã biệt bóng tối không được như nhà văn kì vọng, thậm chí, ít nhiều còn có thể gây thất vọng cho công chúng. Trong Giã biệt bóng tối, tác giả đã thể hiện khá rõ sự bế tắc, loanh quanh của mình trong việc tìm lối đi cho tiểu thuyết. Tôi xin nêu ngắn gọn mấy biểu hiện nổi bật sau.

Thứ nhất, Giã biệt bóng tối là tiểu thuyết có chủ đề cũ, trong khi cái nhìn không mới. Ai cũng có thể nhận ra trong đây những câu chuyện tâm thức vốn đã rất quen thuộc của nhà văn (đúng hơn, là của nhiều người khác nữa): cải cách ruộng đất, sự khốn nạn của kiếp người, sự bịp bợm của khoa học, những huyền thoại bịp bợm, sự ghê gớm của những thế lực hắc ám vô hình, những cái chết bí ẩn, tội ác và hình phạt, thiên thần và bóng tối, sự đối lập nhân tính và thú tính giữa đám người hèn và đám giàu sang, có học,… Tuy nhiên, do không được chiêm nghiệm, lí giải ở một chiều sâu mới nên các chủ đề này trong Giã biệt bóng tối chỉ là sự “thêm thắt”, ráng sức tổng hợp lại những điều đã nói trước kia. Tiểu thuyết thành thử hơi thừa sự kiện, trong khi, sự miêu tả chiều sâu tâm thức nhân vật lại có phần đơn giản. Những lí giải, hoá giải chiều hướng đường đời và số phận con người, theo đây, trở nên loanh quanh, dài lời, phồn tạp một cách gượng gạo. Đọc Tạ Duy Anh, thấy ông lặp nhiều. Giã biệt bóng tối là sự lặp lại ở mức độ cao hơn những điều vốn đã lặp ở các tiểu thuyết trước đó. Làng Thổ Ô trong đây vẫn là làng Đồng. Và, đấy là điều độc giả không mong muốn ở ông, một cây bút đã nổi tiếng.


Thứ hai, về một số cách tân kĩ thuật, chẳng hạn như sự gia tăng điểm nhìn và dùng nó như một cơ chế phát ngôn, thì, so với các tiểu thuyết trước, Giã biệt bóng tối cũng không có cái mới về chất, cho dù tác giả cố gây ấn tượng bằng nhiều hình thức: bản tin thời sự, dư luận, lời người dẫn chuyện (nhiều khi bị chen ngang); hay, để nhân vật xưng hô “quái dị ” hơn một chút: “tao”, “tớ”; “chuyển sang xưng tôi mà không giải thích lí do”, “nhà thiết kế”, “lời tác giả chen ngang và bị chen ngang”, “trích tự truyện của một cave”, “loạn khẩu”,… Thực ra, việc cấu trúc tiểu thuyết như là sự hiện diện của các điểm nhìn người ta đã từng gặp rất ấn tượng ở trường hợp Nguyễn Việt Hà với Cơ hội của Chúa và Khải huyền muộn. Tạ Duy Anh thì khác. Độc giả hẳn còn nhớ em bé trong Thiên thần sám hối đã bị nhà văn nhét nhồi quá nhiều những lời triết lí, những nỗi khắc khoải của một “ông cụ non” chưa sinh. Lời nhân vật hoá ra vẫn là lời tác giả. Tình hình trong Giã biệt bóng tối cũng vậy. Chơi kĩ thuật, cố ý đưa ra một kết cấu văn bản lạ, nhưng lại thiếu một tư tưởng mới, cách giải thích mới, nên các điểm nhìn dù được tổ chức đa dạng đến đâu vẫn lộ ra là những chiếc loa phát ngôn cho tác giả; tự nó, chưa đủ sức mang nghĩa, và, tiếp tục bị nhét nhồi những từ ngữ, ý nghĩ thiếu tự nhiên.

Thứ ba, về phương diện ngôn ngữ và giọng điệu. Xin nói luôn, một cái dở của tiểu thuyết này là Tạ Duy Anh đã để cho nhân vật của ông nói tục hơi nhiều, đôi khi sống sít. Ai cũng biết, văng tục là sự thể hiện một thái độ, một kiểu tâm trạng. Nhà văn cũng có thể kéo ngôn từ tiểu thuyết về gần hơn với cái suồng sã thông tục của ngôn ngữ đời sống. Song, cũng không nên vì thế mà thái quá, để nó đi qua giới hạn của văn chương. Cuộc kiếm tìm phiêu lưu của nhà văn tưởng không giới hạn. Hoá ra không phải. Văn chương chỉ được “phá phách” trong khung khổ của nó. Để nó còn là nó. Đấy là một đặc tính đầy bi kịch. Và điều thử thách này thường mang lại cho nhà văn cảm giác bất lực. Cũng xin nói thêm, kiểu “nhân vật văng tục” trong văn chương nước ta gần đây, sự cần thiết, nếu có, thì cũng đủ rồi. Sự quá trớn, như đã từng, cũng nhiều rồi. Thú thật, bây giờ, đọc một tiểu thuyết mà đâu đâu cũng bộn bề chửi tục chỉ dễ gây cảm giác nhàm tai, và, nhiều lúc, thất vọng. Nếu có so sánh một chút thì tôi thấy các nhân vật của Nguyễn Huy Thiệp, và sau đấy, của Nguyễn Bình Phương văng tục “tự nhiên” hơn ở Tạ Duy Anh nhiều. Đa phát ngôn, song Giã biệt bóng tối vẫn là loại tiểu thuyết một giọng. Đó là giọng của người kể chuyện. Kiểu giọng này rất lộ, ở hai chỗ. Một là, khi nói về cái bức bối xã hội, nó hơi dư thừa tiếng chửi, nhiều khi cứ gồng lên, khiến bạn đọc phát bực mình (Biết rồi, khổ lắm, chửi mãi!). Thừa tiếng chửi, song lại thiếu tiếng nhại, thiếu sự trào lộng cần thiết nên tiểu thuyết không gợi ra một ý vị thâm thuý sâu sắc nào. Dàn đồng ca của tiếng chửi trong đây quả là một kho tài liệu phong phú cho những ai phân tích văn học từ phương diện chính trị xã hội. Đôi khi, tinh thần phê phán quá trớn khiến người kể chuyện không kìm giữ được một sắc giọng có chút gì hơi khinh mạn. Đọc Giã biệt bóng tối, thấy những phát ngôn như thế này (của nhân vật), nhan nhản: “… đám trí thức luôn luôn tưởng mình là tầng lớp tinh hoa của xã hội chỉ cần nhìn cũng biết và tao thì đi guốc trong bụng từng thằng. Mày đừng để ý đến mặt thằng nào thằng nấy vênh vênh váo váo. Nó vênh váo như cái bánh đa cũng kệ mẹ nó còn nếu mày muốn biết thì nghe đây, đó là những kẻ vừa kiêu ngạo vừa hèn mạt”, “Tao ngồi xổm lên đạo đức”, “giáo sư đầu đàn”, “Thứ gì thối không ngửi được thì tao bọc cho một danh hiệu. Thế là tung hô nhau rầm trời”, “Hỏi như giáo sư tiến sĩ ấy nhỉ. Gà sống thiến sót chứ là cái quái gì mà tinh tướng. Lại còn tham gia ban bệ này, hội đồng nọ, cố vấn cố viếc nữa chứ”,… Hai là, như một đối cực với điều trên, khi thể hiện các phát ngôn của những kẻ khốn cùng, khốn nạn, là một giọng văn đầy “mặc cảm”, có phần thống thiết thái quá, nhiều khi hơi nhảm (lời cậu bé mồ côi, cô cave). Chẳng hạn, đây là một đoạn cô cave nghĩ về sự an toàn của cậu bé mồ côi: “… Ngày nào tôi cũng xem tivi để xem biết đâu có tin gì về thằng bé. Mỗi khi có vụ tai nạn hay giết người, tôi lại thở phào khi nạn nhân không phải là nó. Đừng bao giờ là nó. Xin đừng bao giờ là nó, em trai tôi, con trai tôi, niềm hi vọng của tôi, nước rửa tội của tôi, quà tặng số phận ban cho kẻ sám hối là tôi, thần hộ mệnh của tôi, lí do sống tiếp của tôi…”. Cố ý để nhân vật quyền phát ngôn, nhưng nhân vật lại luôn bị người kể chuyện cướp lời. Người kể chuyện có ý ẩn mình đi để đứng sau nhân vật, thậm chí thấp hơn nhân vật, nhưng, nhiều lúc, tiếc rằng nó lại đứng cao hơn cả bạn đọc, khiến bạn đọc, đôi khi cứ phải ngước nhìn.

Kết thúc truyện, về chốn cũ vẫn trên lối mòn xưa: bóng tối sẽ thua cuộc khi con người đủ sức mạnh và biết tha thứ, nào ta giã biệt bóng tối,…

Giã biệt bóng tối, tiểu thuyết mới, thật ra lại không mới. Nó chỉ có một vài đổi thay về thủ pháp; và, đáng tiếc là, các thủ pháp đó không phải là kết quả của kiểu tư duy mới, của tư tưởng mới nên chúng chưa có sức hấp dẫn ở chiều sâu. Theo suy nghĩ của tôi, Giã biệt bóng tối, nếu có trở thành “hiện tượng” như có người kì vọng, thì đó sẽ không phải hiện tượng văn chương theo ý nghĩa đích thực của từ này. Và, đấy là khi người ta đánh giá văn chương bằng những tiêu chuẩn ở bên ngoài nó.

Tôi nghĩ, cách tân tiểu thuyết không chỉ là cách tân hình thức. Nếu tư tưởng chưa mới, mà có hình thức mới, thì cũng là điều cần ghi nhận. Nhưng, như thế, nó chông chênh thế nào. Sự bày đặt của hình thức trước sau không bù đắp được khoảng trống của cái nhìn và tư tưởng. Còn, về tính trang trí như một đặc điểm của nghệ thuật đương đại, tôi lại hiểu theo một nhẽ khác.

Đã đành, không thể đòi hỏi tác phẩm của một nhà văn, ở các thời điểm khác nhau đều phải hay, phải mới.

Nhưng, bạn đọc lại luôn khát khao những tiểu thuyết mới và hay.

Đó là một mâu thuẫn, và, cũng là một áp lực với nhà văn – kẻ sáng tạo, khi anh ta chấp nhận dấn thân.

Độc giả luôn biết trân trọng thành quả sáng tác của nhà văn. Nhưng, cái họ cần, trước sau vẫn là chất lượng. Để lôi kéo họ, cần phải có những tác phẩm chất lượng.

Những tác phẩm cố viết, sẽ gây thất vọng.

“Viết cố hay không/ viết thế nào, mặc kệ tôi, thích hay không, kệ các anh”, “Tôi không quan tâm đến ý kiến của nhà phê bình”, “Tôi không quan tâm đến những tranh luận về tác phẩm của tôi”,… Hình như, đấy là phát ngôn quen thuộc (đặc biệt là khi trả lời phỏng vấn) của một số nhà văn Việt Nam có tiếng tăm, những người mải với yêu thương con người nhưng lại hơi sẵn lòng bỏ ngoài tai ý kiến của bạn văn, của đồng nghiệp, và, một chút gì đó chăng, của cả công chúng nữa.

Đó lại là một điều buồn.

Sưu tầm.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top