Sông ngòi Việt Nam

Asaki_No1

Trưởng phòng thể thao
Xu
0
HỆ THỐNG SÔNG ĐỒNG NAI

Đồng Nai là một hệ thống sông lớn ở phía Nam cũng như trong cả nước ta, đặc biệt là về lượng nước. Hệ thống sông này phát triển trên các cao nguyên Mạ, Mnông, Di Linh và Lâm Viên ở phía Nam Tây Nguyên và một phần của đồng bằng Nam Bộ; chỉ có một bộ phận rất nhỏ nằm bên đất nước Campuchia anh em (668 km2 chiếm khoảng gần 2% diện tích toàn lưu vực). Đây là một vùng kinh tế rất trù phú, nhất là về các cây công nghiệp nhiệt đới như: cao su, cà phê. Trong lưu vực, nhiều nơi có thể xây dựng thành những trung tâm thủy điện. Cửa sông Đồng Nai lại rộng và sâu, thuộc kiểu cửa sông vịnh nên giao thông rất thuận tiện.

Một vài đặc điểm về hình thái cơ bản

Sông Đồng Nai dài khoảng 586,4 km, diện tích toàn lưu vực là 36.000 km2.

Sông Đồng Nai, mà phía thượng lưu có tên là Đa Dung, bắt nguồn từ phía bắc dãy núi Lang Biang ở độ cao khoảng 1.770m. Sau khi hợp lưu với Đa Nhim, sông có tên là Đạ Đờng hay Đồng Nai Thượng. Từ đó cho tới chỗ hợp lưu với sông Sài Gòn, sông mang tên chính thức là Đồng Nai hay Đồng Nai ngắn. Dưới thành phố Hồ Chí Minh, sông chia làm 2 chi lưu chính. Ngay dưới thành phố Hồ Chí Minh là Lòng Tàu hay sông Sài Gòn, chảy vào vũng Cần Giờ. Cửa sông rộng và sâu nên tàu bè ra vào cảng Sài Gòn đều theo đường này. Nhánh dưới là sông Nhà Bè rồi đổ ra biển qua Soi Ráp. Hệ thống các sông Vàm Cỏ Đông và Tây từ Campuchia về đổ vào Đồng Nai ở cửa này. Cửa Soi Ráp rất rộng, có thể tới 11 km, song đi lại khó khăn vì vướng nhiều soi, bãi cát. Sông Đồng Nai uốn thành những khúc cong lớn trên cao nguyên Đà Lạt, nhất là trên cao nguyên Di Linh; song nhìn chung chảy theo một hướng khá đặc biệt gần như đông bắc - tây nam. Cho mãi tới Tân Vạn, sau khi hợp lưu với sông Bé, sông mới chuyển sang hướng tây bắc - đông nam khá điển hình, nhất là sau khi hợp lưu với sông Sài Gòn. Thực ra, có thể Đồng Nai trước đây đã có thời kì là phụ lưu của Mê Kông trên các dòng: Bé, Sài Gòn, Vàm Cỏ Đông và Tây mà các con đường bộ đã đi theo các hướng này: con đường Sài Gòn - Lộc Ninh - Kratiê và Sài Gòn - Tây Ninh - Kôngpông Chàm.

Đồng Nai là một sông già được trẻ lại do tác động của tạo sơn Tân Sinh mà biểu hiện qua các cao nguyên xếp tầng: Lang Biang với độ cao khoảng 1.500m, Di Linh với độ cao khoảng 1.000m, các cao nguyên Mạ và Mnông với độ cao bình quân khoảng 750m và cuối cùng là đồng bằng Nam Bộ. Do đó trắc diện dọc của sông có dạng bậc thang phức tạp. Tuy vậy, vẫn có thể chia trắc diện dọc của sông chính Đồng Nai thành 3 đoạn như sau:

Thượng lưu: tồn tại trong một đoạn ngắn từ nguồn cho tới Đankir (Lâm Đồng). Ở đây lòng sông hẹp và độ dốc rất lớn, có thể tới 20 - 25%. Lòng sông lởm chởm những đá, nên ít có tác dụng về giao thông cũng như thủy lợi. Đây là đoạn sông cũ, chưa bị tác dụng xâm thực thứ sinh.

Trung lưu: phát triển rất dài từ Đankir đến Tân Uyên. Trong đoạn này, nói chung lòng sông mở rộng, độ dốc kém. Dòng sông uốn khúc quanh co giữa các soi, bãi 2 bờ. Dòng sông mới đang phát triển trong lòng sông này. Lượng nước sông đã nhiều hơn nên việc đi lại thuận lợi. Tuy vậy ở các chỗ chuyển tiếp của các cao nguyên, độ dốc lòng sông tăng và phát triển thành nhiều thác, ghềnh ít thuận lợi cho giao thông, song lại có nhiều triển vọng về thủy điện như các thác Ankroet, Trị An. Các phụ lưu lớn phát triển trên từng cao nguyên cũng mang rõ nét đặc tính này: Đa Nhim (trước Dran), La Ngà...

Hạ lưu: không phát triển lắm trên đoạn từ Tân Uyên cho ra tới Cần Giờ. Ở đoạn này, lòng sông rất rộng và sâu tới 18m, lại chịu tác động mạnh của thủy triều, nên mang tính chất của dạng cửa sông vịnh khá điển hình. Thủy triều tác động lên tới tận Tân Uyên với biên độ khá lớn. Đặc biệt, các chi lưu lớn phía dưới cũng chịu tác động mạnh của thủy triều: các sông Vàm Cỏ Đông và Tây, sông Sài Gòn và cả sông Bé nữa. Cảng Sài Gòn trên thành phố Hồ Chí Minh nằm trên sông Sài Gòn, ngay phía trên chỗ hợp lưu với Đồng Nai một đoạn.

Hệ thống sông Đồng Nai có khá nhiều phụ lưu. Số phụ lưu có chiều dài dòng sông trên 10km tới 233 con. Tuy vậy trong số các phụ lưu này, đáng kể cũng chỉ có một vài sông lớn như Đa Nhim, La Ngà, Đak Nông, Đạ Huoai, Bé, Sài Gòn và hệ thống Vàm Cỏ - Đa Nhim (mà thượng lưu còn gọi là Đa E Cấp, bắt nguồn từ dãy núi Jaric (1930m). Ở cao nguyên Đà Lạt, thung lũng Đa Nhim đã khá phát triển. Trên bề mặt Dran, sông uốn khúc quanh co. Độ dốc lòng sông khoảng 6,4%. Song từ Dran trở đi, lòng sông hẹp lại ở nơi chuyển tiếp xuống cao nguyên Di Linh và sau đó nhập vào Đa Dung. Ở đoạn này, sông chảy qua nhiều thác: Liên Khương, Gu Ga, và nhất là thác Pongua cao tới 40m. La Ngà cũng là 1 phụ lưu ở tả ngạn. Sông bắt nguồn từ cao nguyên Di Linh và chảy trên bề mặt khá bằng phẳng. Dòng sông dài khoảng 272 km và chảy theo hướng gần như song song với dòng chính. Độ dốc lòng sông khoảng 4,3%. Lòng sông uốn khúc quanh co, lại bị chặn bởi nhiều khối đá basalt nên nước sông khó tiêu, nhất là về mùa lũ sông thường gây ngập lụt. Tiếp về phía hạ lưu, Đồng Nai nhận thêm nước của sông Bé. Chiều dài dòng sông khoảng 344 km. Thượng lưu còn có tên là Đak Glun, chảy từ phía tây cao nguyên Mnông xuống. Ở đây sông nhiều thác ghềnh, song khi đi vào đồng bằng Nam Bộ, sông đã mang đầy đủ tính chất của 1 đoạn hạ lưu. Độ dốc lòng sông khoảng 2,1%, thủy triều tác động khá mạnh trên sông này. Dưới sông Bé là các sông: Sài Gòn và hệ thống Vàm Cỏ chảy từ Campuchia về cùng ở phía hữu ngạn. Sông Sài Gòn dài khoảng 130 km và độ dốc lòng sông là 0,6%, nên gần như một đoạn hạ lưu của Mê Kông cũ, ở hệ thống các sông Vàm Cỏ Đông và Tây. Lòng sông rộng và sâu, thủy triều tác động mạnh nên việc đi lại trên sông rất thuận lợi. Các phụ lưu này có thể cung cấp một phần nước lớn cho dòng chính: La Ngà khoảng hơn 1/8 và nhất là sông Bé có thể cung cấp tới khoảng 1/4 tổng lượng nước chung của toàn hệ thống... Tuy vậy, các phụ lưu của hệ thống này lại họp thành một mạng lưới sông có dạng lông chim, nên tuy sông có lượng dòng chảy khá phong phú song lũ ít khi xảy ra là lũ hoàn toàn. Toàn thể lưu vực của hệ thống có độ cao bình quân khoảng 750m và mật độ lưới sông vào khoảng 0,64 km/km2.

Tóm lại về mặt hình thái, đây là một sông lớn, song lưu vực hầu như ở trên lãnh thổ nước ta. Đồng Nai có dạng một sông già, được thanh xuân hóa dưới tác dụng của tân kiến tạo. Đây là vùng được nâng lên là chủ yếu, nên độ cao bình quân toàn lưu vực khá lớn, đặc biệt là dòng sông lại phát triển trên các cao nguyên xếp tầng. Sông nhiều nước, song lũ ít đột ngột vì lòng sông ít dốc, ngay ở một số đoạn trung lưu cũng vậy, đặc biệt là mạng lưới sông dạng lông chim của khu vực. Hạ lưu, nhất là cửa sông có dạng vịnh (estuaire) nên đi lại thuận tiện và ở đây có cảng Sài Gòn, một cảng lớn nhất của nước ta cũng như trong toàn bán đảo Đông Dương.

Đặc trưng thủy văn

Đồng Nai là một hệ thống sông lớn ở nước ta sau các hệ thống sông Mêkông, sông Hồng. Cũng như các hệ thống sông Hồng - Thái Bình đã tạo thành một mạng lưới sông ngòi Bắc Bộ, Đồng Nai trao đổi nước với hệ thống Mêkông tạo thành mạng lưới sông ngòi Nam Bộ. Đồng Nai được cung cấp một lượng nước nhất định, nhất là cát bùn, song lại trực tiếp đổ vào Soi Ráp ở gần cửa sông, nên tác dụng chủ yếu chỉ làm cho cửa sông này khó đi lại hơn.

Đồng Nai là một hệ thống có lượng nước phong phú, do lưu vực này ở sườn đón gió mùa tây nam, đồng thời cũng chịu ảnh hưởng của gió mùa đông bắc, nên lượng mưa ở đây khá lớn có thể tới 2.300mm/ năm và mùa mưa kéo dài 6 - 7 tháng trong năm: tháng V-X hay có khi là tháng IV-X dương lịch. Tổng lượng dòng chảy của toàn hệ thống vào khoảng hơn 43,1.109m3/năm, trong đó phần của sông Bé chiếm gần 1/4 và của sông La Ngà hơn 1/8 tổng lượng chung. Lượng nước này lớn hơn nhiều so với các hệ thống: Thái Bình, Mã, Cả ở phía bắc. Thể hiện cho lượng nước phong phú này, có thể biểu thị bằng các đại lượng đặc trưng: môđul dòng chảy và hệ số dòng chảy. Môđul dòng chảy bình quân của toàn hệ thống là 40,6l/s-km2 tức là lớn hơn môđul dòng chảy bình quân của các sông phía nam hay trong cả nước. Lượng dòng chảy của sông chính (Đa Dung) vào loại trung bình: 32,2l/s-km2, còn trong toàn hệ thống, lượng nước đã được cung cấp chủ yếu từ các lưu vực phụ lưu: sông Bé trên cao nguyên Mnông, sông La Ngà trên cao nguyên Di Linh. Môđul dòng chảy của các sông này khá lớn: Bé: 45l/s-km2, La Ngà: 42,3 l/s-km2. Lượng dòng chảy của Đa Nhim trên cao nguyên Đà Lạt nhỏ chỉ vào khoảng: 23,2 l/s-km2 và thấp nhất là trong hệ thống sông Sài Gòn: 20l/s km2. Hệ số dòng chảy của toàn hệ thống khá lớn, vào khoảng 0,56, tức là tương tự với trị số bình quân trong toàn quốc; trong đó của vòng chính vào khoảng 0,54, của sông Bé khoảng 0,60, của La Ngà khoảng 0,57, còn của Đa Nhim khoảng 0,44 và của sông Sài Gòn là 0,31... Do đó , hệ thống sông Đồng Nai có một nguồn nước phong phú cung cấp cho đồng bằng Nam Bộ và Thuận Hải, nhất là trong những năm tới.

Toàn hệ thống có chế độ nước chảy đơn giản trong mùa mưa thường có dạng 2 đỉnh. Trong năm thủy văn chỉ có một mùa lũ và một mùa cạn kế tiếp nhau (trừ một vài trạm có chế độ nước khá phức tạp như: Dran, Kađô trên Đa Nhim). Tại đây, ngoài mùa lũ chính thức còn một mùa lũ tiểu mãn ngắn ngủi. Đặc biệt một vài trạm lại có dạng 2 đỉnh trong một mùa lũ như Đa Dung trên Đa Dung, Tân Uyên trên Đồng Nai, Cần Đăng trên Bến Đá... Đặc điểm này là do tác dụng điều tiết tự nhiên của lưu vực, nhất là vai trò của lớp phủ thổ nhưỡng dầy. Cũng do tác dụng điều tiết tự nhiên lớn, nên cường độ lũ của hệ thống sông Đồng Nai không lớn lắm: lượng nước mùa lũ dao động trong khoảng 50,4 - 81,6% và trung bình vào khoảng 68% tổng lượng nước cả năm. Trong khi đó, thời đoạn lũ kéo dài chủ yếu là 5 tháng/năm, chỉ một bộ phận nhỏ có thời đoạn lũ là 4 tháng/năm (lưu vực Đa Nhim). Do đó lượng nước bình quân của mỗi tháng chỉ vào khoảng 14% lượng nước cả năm. Lưu lượng bình quân tháng đỉnh lũ các trạm là 22,6% cả năm. Lưu lượng khoảng 14,2 - 32,8% và bình quân hệ thống dao động trong lượng bình quân của các tháng nhỏ nhất trong mùa cạn khoảng 0,47 - 5,31% và trung bình là 2,74% lượng nước cả năm. Tỉ số đặc trưng chế độ nước của hệ thống khoảng 8m2 (nhỏ hơn sông ngòi toàn quốc nhiều). Như vậy, đặc trưng chế độ nước ở đây khá điển hình.

Thời gian lũ của hệ thống bắt đầu khá muộn so với mùa mưa. Một số nơi có mùa lũ xảy ra trong các tháng VII-X dương lịch, hay có khi là các tháng IX-XII dương lịch, còn nhìn chung là ở các tháng VII-XI dương lịch. Mùa mưa ở đây xảy ra trong các thángV-X, như vậy mùa lũ chậm đi 2-4 tháng so với mùa mưa. Đó cũng là tác dụng điều tiết của lưu vực. Tháng đỉnh lũ có thể xảy ra trong các tháng VII hay XI dương lịch, song chủ yếu là tháng X, và nhất là tháng IX dương lịch. Như vậy tháng đỉnh lũ thường trùng với tháng có lượng mưa bình quân lớn nhất.

Dòng chảy nhiệt của hệ thống Đồng Nai cũng thuộc loại khá lớn. Đó là điều kiện khí tượng thủy văn, đặc biệt là lượng nước phong phú và vĩ độ địa lý. Tuy vậy, dòng chảy này có phần bị hạn chế do điều kiện địa hình, rõ nhất là do cao độ. Độ cao bình quân của toàn lưu vực vào khoảng 750 m và nhiều phụ lưu, hay phần thượng lưu sông phát triển trên các cao nguyên cao trung bình tới 1.000 - 1.500m. Lưu lượng dòng chảy nhiệt bình quân nhiều năm vào khoảng: 37,907.106 kcal/s tương ứng với tổng lượng dòng chảy này khoảng 195,2.1012 kcal/năm. Trong lượng dòng chảy nhiệt, phần đóng góp của các phụ lưu rất khác nhau. Lớn nhất là lưu vực sông Bé, với lưu lượng bình quân nhiều năm là 7,452.106 kcal/s, chiếm khoảng 19% tổng lượng chung. Còn nhỏ nhất là suối Cam Ly, với lưu lượng bình quân là 0,189.106 kcal/s tương đương với khoảng 0,5% tổng lượng dòng chảy toàn lưu vực. Sự khác nhau giữa lượng dòng chảy nhiệt, một phần là do chênh lệch về lượng dòng nước và mặt khác là chênh lệch nhiệt độ. Nhiệt độ nước bình quân nhiều năm của Đồng Nai tại Trị An là 27,7oC, còn của sông Bé tại Phước Hòa là 27,5oC, của rạch Sanh Đôi tại Lộc Ninh là 27,3oC, của sông Bến Đá tại Cần Đăng là 26,9oC và của Đak Nông tại Đak Nông là 23,3oC. Sự phân hóa của nhiệt lượng trong khu vực thể hiện khá rõ quy luật phi địa đổi theo chiều thẳng đứng. Do đó môđul dòng chảy nhiệt cũng có sự phân hóa nhất định. Môđul dòng chảy nhiệt của toàn hệ thống Đồng Nai là 1.124,6 kcal/s-km2, của sông Bé tại Phước Hòa là 1.237,5 kccal/s-km2, của Đak Nông tại Đak Nông là 831,81 kcal/s-km2 và Cam Li tại Thanh Bình là 630 kcal/s-km2... Mùa nóng ở đây thường xuất hiện sớm; thời gian nóng có thể xẩy ra trong các tháng II-IV hay IV-X, song thường là các tháng III - IV hay III-VIII dương lịch. Tháng nóng nhất cũng xảy ra sớm, thường là tháng IV hay có khi là tháng V dương lịch. Do đó, ở đây có sự phân hóa giữa các mùa nhiệt thiên văn và mùa nhiệt thủy văn. Tuy nhiên, biên độ dao động của mùa nhiệt không lớn lắm. Tỉ số đặc trưng nhiệt chế trung bình toàn lưu vực vào khoảng 1,23, tức là nhỏ hơn tỉ số đặc trưng chế độ nhiệt tới gần 7 lần. Một vài phụ lưu có tỉ số nhiệt chế khá lớn như: Đak Nông tại Đak Nông là 1,32, Đồng Nai tại Trị An là 1,64... ngược lại một số phụ lưu khác lại có tỉ số này nhỏ hơn như Bến Đá tại Cầu Đăng là 1,14, Sanh Đôi tại Lộc Ninh là 1,14, sông Bé tại Phước Hòa là 1,19... Tỉ số thủy nhiệt bình quân toàn lưu vực khoảng 1,34, khá thuận lợi cho các quá trình địa lí cũng như trong sản xuất và sinh hoạt. Một vài phụ lưu có tỉ số này nhỏ: Bến Đá tại Cầu Đăng là 0,45, Sanh Đôi tại Lộc Ninh là 0,47..., một vài phụ lưu khác lại có đại lượng này lớn hơn: Cam Li tại Thanh Bình là 1,76, La Ngà tại Đại Ngãi là 2,27...

Tóm lại, Đồng Nai là một hệ thống sông lớn ở nước ta, nhất là về mặt dòng chảy. Chế độ nước và nhiệt đều thuộc loại đơn giản tuy mùa lũ có bị điều tiết chậm lại so với mùa nóng. Nhìn chung trong lưu vực, các dòng chảy đều thuận lợi cho sản xuất và sinh hoạt. Từ lưu vực này có thể cung cấp bớt nước cho các hệ thống sông khác.

Theo NGUYỄN VĂN ÂU

Nguồn: Sông ngòi Việt Nam, Nhà xuất bản Giáo dục, 1983
 
Sông Hồng

Sông Hồng dài 1.149 km chảy từ Trung Quốc qua Việt Nam đổ ra biển Đông. Đoạn chảy trên đất Việt Nam dài 510 km.

Tên gọi

Còn có các tên gọi khác như Hồng Hà (Tiếng Hoa: 紅河 Honghe), hay sông Cái (người Pháp đã phiên tên gọi này thành Song-Koï). Đoạn chảy trên lãnh thổ Trung Quốc được gọi là Nguyên Giang (元江, pinyin yuan2 jiang1), đoạn đầu nguồn có tên là Lễ Xã Giang (禮社江). Đoạn từ Lào Cai đến Việt Trì gọi là Sông Thao, đoạn qua Hà Nội còn gọi là Nhĩ Hà hoặc Nhị Hà.


Dòng chảy và lưu lượng

Hệ thống sông Hồng tại Việt Nam.Sông Hồng bắt nguồn từ dãy Ngụy Sơn, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc ở độ cao 1.776 m. Chủ yếu nó chảy theo hướng tây bắc-đông nam, qua huyện tự trị Nguyên Giang của người Thái (傣 Dăi), Di (彞), Cáp Nê (哈尼 Hani, ở Việt Nam gọi là người Hà Nhì) trước khi sang Việt Nam ở thị trấn Hà Khẩu (Trung Quốc), giáp giới với thành phố Lào Cai của Việt Nam, rồi chảy qua phía đông thủ đô Hà Nội trước khi đổ ra biển Đông ở cửa Ba Lạt (ranh giới giữa hai tỉnh Thái Bình và Nam Định). Đồng bằng sông Hồng nằm trên lưu vực con sông này. Các sông nhánh chính của sông Hồng có thể kể đến là sông Đà, sông Lô (với phụ lưu là sông Chảy và sông Gâm). Sông Hồng có phân lưu phía tả ngạn là sông Đuống chảy từ Hà Nội đến Phả Lại thuộc Hải Dương và sông Luộc chảy từ Hưng Yên đến Quý Châu. Hai sông này nối sông Hồng với hệ thống sông Thái Bình. Phân lưu phía hữu ngạn là sông Đáy và sông Đài (còn gọi là Lạch Giang), nối sông Hồng và sông Đáy là hai sông Phủ Lý và sông Nam Định. Ở Trung Quốc, các sông như sông Lý Tiên (tức sông Đà), sông Đăng Điều (tức sông Nậm Na), sông Bàn Long (tức sông Lô) và sông Phổ Mai (tức sông Nho Quế) cùng một số sông nhỏ khác như sông Mễ Phúc, sông Nam Khê chảy qua biên giới hai nước vào Việt Nam.

Sông Hồng nhìn từ vệ tinh

Sông Hồng có lưu lượng nước bình quân hàng nǎm rất lớn, tới 2.640 m³/s với tổng lượng nước chảy qua tới 83,5 tỷ m³, tuy nhiên lưu lượng nước phân bổ không đều. Về mùa khô lưu lượng giảm chỉ còn khoảng 700 m³/s, nhưng vào cao điểm mùa mưa có thể đạt tới 30.000 m³/s.


Lợi ích và những vấn đề chínhNước sông Hồng về mùa lũ có màu đỏ-hồng do phù sa mà nó mang theo, đây cũng là nguồn gốc tên gọi của nó. Lượng phù sa của sông Hồng rất lớn, trung bình khoảng 100 triệu tấn trên nǎm tức là gần 1,2 kg phù sa trên một mét khối nước.

Sông Hồng góp phần quan trọng trong sinh hoạt đời sống cũng như trong sản xuất. Phù sa giúp cho đồng ruộng thêm màu mỡ, đồng thời bồi đắp và mở rộng vùng châu thổ ở vùng duyên hải thuộc hai tỉnh Thái Bình, Nam Định. Nguồn cá bột của sông Hồng đã cung cấp giống đáng kể cho nghề nuôi cá nước ngọt ở đồng bằng Bắc Bộ.

Vấn đề lũ lụt và hệ thống đê điều chống lũ lụt cũng là một sự kiện to lớn mà chính phủ Việt Nam cũng như những người dân sống trong khu vực con sông này chảy qua phải để tâm. Tuy nhiên về mùa khô thì vấn đề lại là thiếu nước do khô hạn có thể xảy ra bởi những hậu quả do hiện tượng chặt phá rừng phòng hộ đầu nguồn.

Trong khuôn khổ hợp tác khoa học giữa Trung tâm nghiên cứu và phát triển vùng (thuộc Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường Việt Nam) và Viện Địa lý tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), Hội thảo lần thứ 3 về "Phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường lưu vực sông Hồng - Nguyên Giang" đã được tiến hành trong hai ngày 31 tháng 10 và 1 tháng 11 năm 2001 tại Hải Phòng, Việt Nam.


Khai thác thuỷ điện

Nguồn thuỷ năng trong lưu vực sông Hồng tương đối dồi dào, điều kiện khai thác thuận lợi nhất là công trình trên sông nhánh, cho đến nay đã xây dựng các trạm thuỷ điện sau:

Các trạm phát điện có công suất lắp máy dưới 10.000 kW tổng cộng là 843 với tổng công suất lắp đặt là 99.400 kW và 1 trạm thuỷ điện loại vừa ở Lục Thuỷ Hà có công suất 57.500 kW, như vậy mới khai thác chưa đến 5% khả năng thuỷ điện có thể khai thác trong lưu vực. Tổng công suất các trạm thuỷ điện trong lưu vực có thể khai thác đạt 3.375 triệu kW trong đó dòng chính sông Hồng chỉ chiếm 23% còn 77% tập trung ở các sông nhánh.

Nét nổi bật về khai thác thuỷ điện lưu vực sông Hồng là:

Tập trung khai thác thuỷ điện trên các sông nhánh có đầu nước cao lưu lượng nhỏ, kiểu đường dẫn chuyển nước sang lưu vực địa hình thấp là kinh tế nhất.

Dòng chính sông Hồng chảy theo đường thẳng, ít gấp khúc và chêch lệch thuỷ đầu tập trung không nhiều vì vậy phần lớn khai thác kiểu thuỷ điện sau đập, có nhiều khó khăn vì núi cao khe sâu phải làm đập cao để tạo đầu nước sẽ không kinh tế.

Các thuỷ điện trên sông nhánh thường xa khu dân cư và đất canh tác rất phân tán, làm thế nào để công trình thuỷ điện đồng thời kết hợp cấp nước cho sản xuất và đời sống của nông dân là vấn đề cần nghiên cứu giải quyết đạt hiệu ích kinh tế.

Các tỉnh, thành phố chảy qua
Lào Cai
Yên Bái
Phú Thọ
Vĩnh Phúc
Hà Nội
Hưng Yên
Hà Tây
Nam Định
Hà Nam
Thái Bình

Theo Bách khoa tri thức
 
Sông Mê Kông

Sông Mê - Kông

Sông Mê Kông là một trong những con sông lớn nhất trên thế giới, bắt nguồn từ Trung Quốc, chảy qua Lào, Myanma, Thái Lan, Campuchia và đổ ra Biển Đông ở Việt Nam.

Tính theo độ dài đứng thứ 12 (thứ 7 tại châu Á), còn tính theo lưu lượng nước đứng thứ 10 trên thế giới (lưu lượng hàng năm đạt khoảng 475 triệu m³). Lưu lượng trung bình 13.200 m³/s, vào mùa nước lũ có thể lên tới 30.000 m³/s. Lưu vực của nó rộng khoảng 795.000 km² (theo số liệu của Ủy ban sông Mê Kông) hoặc hơn 810.000 km² (theo số liệu của Encyclopaedia Britannica 2004). Sông này xuất phát từ vùng núi cao tỉnh Thanh Hải, băng qua Tây Tạng theo suốt chiều dài tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), qua các nước Myanma, Thái Lan, Lào, Campuchia trước khi vào Việt Nam. Các quốc gia kể trên (trừ Trung Quốc) nằm trong Ủy ban sông Mê Kông. Giao thông bằng đường thủy trên sông Mê Kông gặp nhiều khó khăn do dòng chảy bị thay đổi nhiều theo mùa, các đoạn chảy xiết và các thác nước cao. So với tiềm năng to lớn nếu được khai thác đúng mức, hiện nay, chỉ một phần nhỏ của sông được dùng trong việc dẫn thủy nhập điền và tạo năng lực thủy điện. Tuy nhiên lưu lượng và nhịp độ nước lũ ban phát nhiều lợi ích: biên độ dao dộng cao (sai biệt khoảng 30 lần giữa mùa hạn và mùa nước lũ) đem lại nhiều tốt đẹp cho lối canh tác ruộng lúa ngập cho nhiều vùng rộng lớn.

Đặc điểm thủy năng nổi bật của sông Mê Kông là vai trò diều lượng dòng nước bởi hồ Tonlé Sap - hồ thiên nhiên lớn nhất Đông Nam Á - người Việt thường gọi là "Biển Hồ".


Dòng chảy

mic0tggggqe2m4jp9b6p.png

Người Tây Tạng cho rằng thượng nguồn sông Mê Kông chia ra hai nhánh: nhánh tây bắc (Dzanak chu) và nhánh bắc (Dzakar chu). Nhánh tây bắc được biết đến nhiều hơn, vị thế gần đèo Lungmug với chiều dài 87,75 km. Nhánh bắc chảy xuống từ rặng núi Guosongmucha. Nhánh này, từ độ cao 5224 m - kinh tuyến đông 94°41'44", vĩ tuyến bắc 33°42'41", gồm hai nhánh phụ có chiều dài 91,12 km và 89,76 km. Đầu nguồn của dòng sông đến nay đã được xác định rõ qua những cuộc thám hiểm gần đây. Năm 1994, một phái đoàn Trung Quốc và Nhật Bản đã đến nguồn phía Bắc đồng lúc phái đoàn Pháp, do M. Peissel cầm đầu, đến nguồn mạch phía tây với cùng một mụch đích: chứng minh nguồn mạch chính của sông Mê Kông. Sau đó, những cuộc thám hiểm kế tiếp cho đến năm 1999 dưới sự hợp tác các nước Trung Hoa, Mỹ và Nhật Bản đã chính thức xác minh nguồn mạch sông Cửu Long thuộc nhánh bắc. Các con số về độ dài của sông dao động trong khoảng 4.200 km đến 4.850 km.

Gần một nửa chiều dài con sông này chảy trên lãnh thổ Trung Quốc, ở đó đoạn đầu nguồn nó được gọi là Dza Chu trong tiếng Tây Tạng tức Trát Khúc (扎曲; bính âm: Zā Qū), và nói chung được gọi là Lan Thương Giang trong tiếng Hán (瀾滄江; bính âm: Láncāng Jiāng; Wade-Giles: Lan-ts'ang Chiang), có nghĩa là "con sông cuộn sóng". Trát Khúc hợp lưu với một nhánh khác tên là Ngang Khúc (扎曲; bính âm: Áng Qū) ở gần Xương Đô (昌都; bính âm: Chāngdū) tạo ra Lan Thương Giang. Phần lớn đoạn sông này có các hẻm núi sâu, và con sông này rời Trung Quốc khi độ cao chỉ còn khoảng 500 m so với mực nước biển.

Sau đó, đoạn sông Mê Kông dài khoảng 200 km tạo thành biên giới giữa hai nước Myanma và Lào. Tại điểm cuối của biên giới, con sông này hợp lưu với sông nhánh Ruak tại Tam giác vàng. Điểm này cũng là điểm phân chia phần Thượng và phần Hạ của Mê Kông.

Sông Mê Kông sau đó tạo thành biên giới của Lào và Thái Lan, trước khi dòng chảy chạy vào đất Lào. Nó được người Lào và người Thái gọi với tên Mènam Khong (Mènam nghĩa là "sông"). Sử Việt Nam thì gọi là Sông Khung. Ngoài ra một nhánh nhỏ thượng lưu sông Mê Kông bắt nguồn từ Điện Biên, đó là sông Pa Thơm do sông Nậm Rốn thung lũng Mường Thanh và sông Nậm Lúa nhập làm một, khi sang đất Lào nó gặp nhánh sông Mê Kông ở BanChum. Khoảng sông ở Lào đặc trưng bởi các hẻm núi sâu, các dòng chảy xiết và những vũng nước sâu khoảng nửa mét vào mùa khô. Nó mở rộng ra ở phía nam Luang Prabang, ở đó nó có thể rộng tới 4 km và sâu tới 100 mét, mặc dù dòng chảy của nó vẫn rất trái ngược nhau.


Bản đồ lưu vực sông MekongCon sông này sau đó lại làm biên giới của Lào và Thái Lan trong đoạn chảy qua Viêng Chăn, sau đó lại là một đoạn ngắn chảy trên đất Lào. Ở đoạn này có chi lưu chính hữu ngạn từ Thái Lan đổ vào: Mènam Mun dài 750 km. Nó bao gồm cả khu vực Si Phan Đôn (bốn ngàn đảo) phía trên thác Khone gần biên giới Campuchia. Thác nước này dài 15 km, cao 18 m khá hùng vĩ và gần như không thể vượt qua đối với giao thông bằng đường thủy.

Tại Campuchia, con sông này có tên là sông Mékôngk hay Tông-lê Thơm (sông lớn). Vùng nước chảy xiết Sambor phía trên Kratie là cản trở giao thông cuối cùng. Ở phía trên Phnom Penh nó hợp lưu với Tông-lê Sáp, con sông nhánh chính của nó ở Campuchia. Vào mùa lũ, nước chảy ngược từ sông Mê Kông vào Tông-lê Sáp.

Bắt đầu từ Phnôm Pênh, nó chia thành 2 nhánh: bên phải là sông Ba Thắc (sang Việt Nam gọi là Hậu Giang hay sông Hậu) và bên trái là Mê Kông (sang Việt Nam gọi là Tiền Giang hay sông Tiền), cả hai đều chảy vào khu vực đồng bằng châu thổ rộng lớn ở Nam Bộ Việt Nam, dài chừng 220-250 km mỗi sông. Tại Việt Nam, sông Mê Kông còn có tên gọi là sông Lớn, sông Cái, hay sông Cửu Long.


Lịch sử


Sự khó khăn về giao thông thủy của con sông này làm chia cắt con người sống hai bên bờ hơn là liên kết họ. Nền văn minh được biết sớm nhất là nền văn hóa Mã Lai, Ấn Độ hóa hồi thế kỷ 1, của Vương quốc Phù Nam, trong lưu vực sông Mê Kông. Sự khai quật ở Óc Eo, gần Rạch Giá ngày nay, đã tìm thấy những đồng tiền khác xa với Đế chế La Mã. Vương quốc Phù Nam được nối tiếp bởi quốc gia Khmer Chân Lạp (Chenla) cho đến thế kỷ 5. Đế chế Khmer Angkor là quốc gia chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ cuối cùng trong khu vực. Sau khi quốc gia này bị tiêu diệt sông Mê Kông đã là đường biên giới của các quốc gia đối đầu nhau như Xiêm và Việt Nam, với Lào và Campuchia nằm trong tầm ảnh hưởng của họ.

Người châu Âu đầu tiên thám hiểm sông Mê Kông là người Bồ Đào Nha có tên là Antonio de Faria vào năm 1540; bản đồ của người châu Âu năm 1563 có vẽ lại con sông này, mặc dù chỉ có một đoạn nhỏ ở khu vực đồng bằng châu thổ. Sự quan tâm của người châu Âu không có chung mục đích: những người Tây Ban Nha và người Bồ Đào Nha chỉ thực hiện những cuộc thám hiểm nhằm mục đích truyền giáo và buôn bán, trong khi đó người Hà Lan Gerrit van Wuysthoff đã dẫn đầu một cuộc thám hiểm đến tận Viêng Chăn (1641-1642).

Người Pháp có sự quan tâm đặc biệt tới khu vực này vào giữa thế kỷ 19, sau khi chiếm đóng Sài Gòn năm 1861 và áp đặt sự bảo hộ Campuchia năm 1863.

Cuộc thám hiểm có hệ thống đầu tiên diễn ra năm 1866-1868 bởi người Pháp là Ernest Doudard de Lagrée và Francis Garnier. Họ đã phát hiện ra rằng Mê Kông có quá nhiều thác nước và những chỗ chảy xiết để có thể coi là có lợi trong giao thông thủy.

Từ năm 1893, người Pháp mở rộng quyền kiểm soát của họ đối với con sông này tới tận Lào bằng việc thiết lập ra Liên bang Đông Dương trong những năm đầu tiên của thế kỷ 20. Điều này đã chấm dứt sau Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất kết thúc và người Mỹ can thiệp vào khu vực.

Sau Chiến tranh Việt Nam, những bất đồng giữa Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc khi đó đã hạn chế sự hợp tác của các bên trong việc khai thác tiềm năng của dòng sông này. Tuy nhiên, hiện nay các bên đã xích lại gần nhau hơn trong vấn đề này.


Động vật quý hiếm

Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (World Wide Fund for Nature hay World Wildlife Fund - WWF) cho biết các nhà khoa học sẽ tìm kiếm các sinh vật như cá úc, cá trê, cá đuối gai độc khổng lồ, cá nhái răng nhọn, cá chép lớn, cá tầm (để làm trứng cá muối) và cá hồi ăn thịt ở sông Mê Kông – các loài cá này có thể nặng tới hơn 90 kg và dài hơn 1,80 mét. Đặc biệt, sông Mê Kông còn có các loài cá chiên và cá lăng quý hiếm, chưa kể đến cá hô và cá chép khổng lồ, dịch vụ du lịch câu cá vì thế rất phát triển ở đây.

Zed Hogan, phụ trách dự án do WWF và Hội địa lý quốc gia tài trợ cho biết, các động vật này là "độc nhất" và "đang biến mất với tốc độ nhanh chóng". Theo Hogan, khi nghiên cứu cá úc khổng lồ ở sông Mê Kông, Campuchia, các nhà khoa học sẽ theo dõi sự di chuyển của cá với hy vọng hiểu thêm về hướng di trú của chúng và nguyên nhân chúng bị chết. Sự biến mất các loài cá này là dấu hiệu đầu tiên cảnh báo tình trạng đánh bắt quá mức hoặc các xáo trộn khác ở các sông, hồ nơi chúng cư trú.

Một số sinh vật khổng lồ nước ngọt được ghi vào sách đỏ các loài đang bị đe dọa của Hiệp hội Bảo tồn Thế giới. Cá úc khổng lồ sông Mê Kông được coi là loài cá nước ngọt lớn nhất cùng họ với loài cá nhám chó, đã được đưa vào danh sách những loài bị đe dọa vào năm 2003, sau khi nghiên cứu chỉ ra số lượng cá giảm ít nhất 80% trong hơn 13 năm qua.

Robin Abell, nhà sinh học của WWF cho biết: "Các loài cá khổng lồ là những sinh vật nước ngọt có trọng lượng tương đương với voi và tê giác và nếu chúng biến mất thì thế giới sẽ bất ổn. Cuối cùng, chúng ta sẽ nhận thức tốt hơn về cách quản lý việc đánh bắt và bảo vệ các nơi cư trú nhằm cứu vớt các loài trong tương lai.

(Sưu tầm)​
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top