Sông Hương đã có tên ấy tự bao giờ
NGUYỄN HỮU ĐÍNH
Một nhà văn tên tuổi địa phương - địa phương nhưng kiêm cả Trung ương - đã say sưa mô tả con sông Hương, với một đầu đề trớ trêu và duyên dáng: “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” Trớ trêu và duyên dáng hơn nữa là nêu lên câu hỏi mà không chịu trả lời.
Bạn đọc có người nghĩ: chắc tác giả không có thì giờ để lục soát. Nhưng cũng có bạn nghĩ: đó là một dụng ý khá tài tình để người đọc một khi đã xấp tờ báo, còn bị dư hương theo dõi. Có khác chi khéo tả một giai nhân tuyệt thế mà không nói lai lịch, im lặng thách đố người nghe cứ đi tìm. Thì bạn đọc cùng tôi hãy đi tìm vậy.
Lẽ tất nhiên câu chuyện không đơn giản, và trước hết, tưởng cần đặt lại câu hỏi: sông Hương đã có tên ấy tự bao giờ? Đặt câu hỏi như vậy có lẽ kém phần nghệ thuật, nhưng chắc chắn có phần thiết thực và sắc bén hơn để ta nắm được những đầu mối sưu tầm. Thật vậy và phương pháp cần cù tìm kiếm vẫn là phương pháp hay nhất, chắc nhất. Ta cứ “lần giở trước đèn” một số tác phẩm xưa, để tìm lại những nhận xét tinh vi, những tình cảm sâu đậm qua các thời đại, ít nhiều tương quan đến mảnh đất và con sông hiền từ, im lặng của xứ Huế. Đó là một việc không khó lắm. Đầu xuân, đó cũng là một công việc lý thú, chắc các bạn cũng nghĩ như tôi, mặc dù cũng có khi không thoải mái lắm khi phải tiếp xúc với một tác giả có tài mà không có hạnh, như trường hợp Lê Tắc (hay Lê Trắc), khi mở xem quyển “An nam chí lược”. Nhưng đó vẫn là một tác phẩm có giá trị, khá xưa, viết từ năm 1333 theo bài tựa của chính tác giả, mà chúng ta cần tra cứu trước tiên (1). Mục núi sông nằm ngay trong quyển nhất, nhưng tuyệt nhiên, các con sông ở châu Ô, châu Lý, không được đề cập đến, mặc dù năm 1306, vua Chiêm, Chế Mân, đã đem hai châu ấy làm lễ cưới công chúa Huyền Trân.
“Ức trai Dư địa chí” (2) soạn năm 1438 với những thêm bớt về sau, trong đoạn nói về Thuận Hóa, tuy ngắn nhưng cho ta biết những tên và sự kiện rất bổ ích: “biển là biển Nam Hải. Vân là núi ở cửa ải - Linh là tên sông”. Biển Nam Hải ở đây tức là biển Đông. Vân là núi Hải Vân - Linh là Linh giang con sông ở phủ Triệu Phong, Thừa Tuyên, Thuận Hóa, nói rõ hơn là con sông Hương ngày nay từ ngã ba Sình, nơi có thành Hóa Châu đến cửa Eo (Cửa Thuận) (3). Phủ Triệu Phong có 2 châu và 6 huyện, trong đó có huyện Đan Điền và huyện Kim Trà - những tên nói trên sẽ giúp ta so sánh với những tên có trong hai tác phẩm quan trọng “Ô Châu cận lục” và “Phủ biên tạp lục”, như sẽ nói sau.
“Hồng đức bản đồ” (4), một tác phẩm gồm nhiều tập khá phức tạp, phần thứ nhất do Đỗ Bá, tự Đạo phủ soạn năm 1490, với nhiều bản đồ trong đó có 13 bản của 13 Thừa tuyên. Thừa tuyên Thuận Hóa gồm một bảng kê tên các phủ, huyện, châu, và một bản đồ hình thể các núi sông, nhưng không một tên núi, tên sông nào được ghi rõ. Số và tên các phủ huyện phù hợp với “Ức trai Dư địa chí”.
Lần giở đến tác phẩm “Ô châu cận lục” của Dương Văn An (5) viết năm Ất Mão (1555) dưới triều Mạc, ánh sáng về nguồn gốc các tên sông đã bắt đầu ló dạng, những địa danh chính xác trong “mục đồ bản” quyển 3 giúp ta rất nhiều trong việc tra cứu: Huyện Kim Trà, xã Kim Ngọc, xã Hà Khê, xã Long Hồ, Vĩ Dạ… Đó là tên những miền mà con sông, hiện mang tên sông Hương đã và đang đủng đỉnh đi qua. Một tên sông làm ta lưu ý: sông Linh Giang (6). Tác giả “Ô châu cận lục” viết: “sông do hai nguồn Kim Trà, Đan Điền đổ đến, rộng sâu vô hạn, khuất khúc hữu tình. Phía nam thì có đền Tứ vị, trạm Địa linh; phía đông bắc thì có chùa Sùng Hóa, bia Hoằng Phúc. Còn chuyên nha, phủ thự, đều đối nhau ở hai bên tả hữu. Vốn là con sông to trong huyện Đan Điền, ngọn nguồn rất xa, dòng sông rất dài. Ngôi đền Minh Uy đứng vững ở đầu nguồn, tòa thành Thuận Hóa (7) khóa chặt lấy thủy khẩu. Còn như xóm hoa nội biếc, đất tốt dân đông, chợ nọ cầu kia, vật hoa, người quý, đều la liệt ở hai bờ Nam Bắc”.
Thế là sông Linh Giang là tên khúc sông Hương ngày nay, từ ngã ba Sình đến cửa Thuận, và cách đây trên 400 năm vùng nầy đã đông đúc, sầm uất, thịnh vượng đến thế, trong lúc Huế ta hiện nay lúc bấy giờ chưa mảy may xuất hiện! Đến “mục thành thị”, khi nói đến thành Hóa Châu, Dương Văn An ghi rõ: Thành ở địa phận huyện Đan Điền (8), sông cái Đan Điền chảy qua phía tây, lại có một dòng sông con chảy vào trong thành, phía hữu con sông ấy la liệt những trường học, nha môn Đô thừa phủ Triệu Phong. Sông cái Kim trà rót vào phía nam đập lớn chầm to ước nghìn vạn khoảnh. Các dòng nước bọc cả bốn bề, giữa có một tòa thành trăm nhận (9) sừng sững như đám mây dài. Đó là nơi địa hình kết hợp, thêm tạo đặt bày vậy”.
À! Những tên “Sông cái Đan Điền”, “Sông cái Kim Trà” làm ta thấy rõ tên sông theo tên huyện - sông Kim Trà, vì đi qua huyện Kim Trà, sông Đan Điền vì đi qua huyện Đan Điền, và như thế, một con sông có thể có nhiều tên, tùy theo địa danh của mỗi khúc, và ta suy đoán, về sau, khi huyện Kim Trà đổi thành huyện Hương Trà thì con sông sẽ được gọi sông Hương Trà.
Đến lượt “Phủ biên tạp lục”, chúng ta thử tìm thêm ánh sáng trong tác phẩm giá trị bậc nhất này của nhà bác học Lê Quý Đôn, viết về “Đàng Trong”, nhất là về Thuận Quảng, từ thế kỷ XVIII trở về trước, năm Bính Thân 1776, tại các Triêu Dương, khi ông được chúa Trịnh bổ làm Hiệp trấn Tham tán quân cơ tại Phú Xuân, và đã có dịp “nhẹ áo lỏng đai, tiêu dao ở khoảng Hà Khê Thiên Mụ”.
Khi nói đến những con sông của đất Thuận Hóa, những tên sông Linh Giang, sông Kim trà, sông Đan Điền vẫn được Lê Quý Đôn dùng đến, như trong “Ô châu cận lục”. Lúc bấy giờ thủ phủ Đàng Trong đã đóng tại thành Phú Xuân, ở góc đông nam kinh thành bây giờ, vì năm Đinh Mão 1687, Nguyễn Phúc Trăn đã dời phủ đến xã Phú Xuân, cách phủ cũ (xã Kim Long) hơn năm dặm (10). Tưởng cũng nên nghe Lê Quý Đôn, với ngòi bút sinh động, đã mô tả Phú Xuân lúc bấy giờ như thế nào.
“Đất Phú Xuân, huyện Hương Trà (tôi nhấn mạnh - NHĐ) xưa là xã Thụy Lôi… Đất rộng, bằng, như bàn tay… ở trong là Chính dinh, đất cao, bốn bề đều thấp… trông xuống bến sông… Từ năm Đinh Mão Chính hòa thứ 8 đến nay chỉ 90 năm, mà ở trên thì các phủ thờ ở Kim Long, giữa thì cung phủ hành lang (11), dưới thì nhà cửa ở Phủ ao. Nguyễn Phúc Khoát xưng vương hiệu, đổi tên đề biển, có hai điện Kim hoa, Quang hoa có các nhà Tựu lạc, Chính quan, Trung hoa, Di nhiêu, đài Sướng xuân, các Dao Trì, các Triêu dương, các Quang thiên, đình Thụy vân, hiên Đồng lạc, am Nội viên, đình Giáng hương, công đường, trường học và trường súng. Ở thượng lưu về bờ nam có phủ Dương xuân và Phủ Cam. Ở trên nữa có phủ Tập tượng; lại dựng điện Trường Lạc, hiên Duyệt võ, mái lớn nguy nga, đài cao rực rỡ, mà giải võ, tường bao quanh, cửa bốn bề, chạm khắc vẽ vời, khéo đẹp cùng cực. Các nhà đều lát nền bằng đá, trên lát ván kiền kiền, những máng xối đều làm bằng kẽm để hứng nước… Vườn sau thì núi giả đá quý, ao vuông hồ quanh, cầu vồng thủy tạ, tường trong tường ngoài đều xây dày mấy thước, lấy vôi và mảnh sứ đắp thành hình rồng phượng, lân hổ, cỏ hoa. Ở thượng lưu và hạ lưu chính dinh đều là nhà quân bầy hàng như bàn cờ.
Những nhà của quân lại ở đối ngạn. Xưởng thuyền và kho thóc thì ở các xã Hà Khê, Thọ Khang trên thượng lưu. Còn nhà vườn các công hầu quyền quý thì chia bày ở hai bờ phía thượng lưu sông Phú Xuân, cùng hai bờ sông con bên hữu phủ Cam. Ở thượng lưu hạ lưu phía trước Chính dinh, chợ phố liền nhau, đường cái đi ở giữa, nhà cửa chia khoảng nối liền đều là mái ngói. Cây to bóng mát tả hữu thành hàng. Thuyền buôn bán, đò dọc ngang, đi lại như mắc cửi. Bài “Sơn minh” của Chu Dũ Tín có câu: “Thanh ý xuân môn, câu cừ giao ánh; lục hòe thu thị, chu tiếp tương thông” (Cửa xuân như giải vóc xanh, khe ngòi ánh lộng; chợ thu dưới bóng hòe lục, thuyền chèo qua lại), tưởng cảnh sắc cũng như thế thôi”.
Đọc đoạn trên, ta có thể tự hào về quá khứ xa xưa của đất Phú Xuân, nhưng cũng không quên rằng những cung điện nguy nga ấy đã mọc trên đất thấm đầy mồ hôi nước mắt của dân tộc, để thương tiếc những gì từ xưa còn lại, và tránh những hành vi đối xử vụ lợi, thiển cận.
Trở lại vấn đề tên các con sông, chúng ta nhận thấy trong mục danh hiệu phủ, huyện, trong “Phủ biên tạp lục”, tên xưa hai huyện Đan Điền và Kim trà, không còn nữa mà đã được thay bằng hai tên mới, Quảng Điền và Hương Trà. Thế nhưng, về tên sông, nguồn, Lê Quý Đôn đã dùng lẫn lộn Hương Trà, Kim Trà ở nhiều nơi, thậm chí có nơi còn dùng cả tên huyện Kim Trà. Việc thiếu chính xác ấy có thể xuất phát từ lý do việc đổi tên còn tương đối mới, nhân dân còn quen tên cũ, và Lê Quý Đôn cũng theo nhân dân, dùng lẫn lộn.
Đọc kỹ “Phủ biên tạp lục” ta chưa thấy xuất hiện cái tên sông Hương, cho đến gần cuối tập, khi nói đến vấn đề cá, mới thoải mái gặp được câu: “Xứ Thuận Hóa, sông Hương cá sông nhiều. Có giống cá tên là cá thệ…” Nhưng rồi, tiếp đó, người dịch đã chú thích ở cuối trang “Bản Viện sử học chép rằng: xứ Thuận Hóa sông có rất nhiều cá, xứ Quảng thường không kịp. Cá có giống tên là cá thệ…” Tra cứu thêm bản dịch và in tại miền Nam trong chế độ cũ (12) lại thấy: “Sông Thuận Hóa có thứ cá được gọi là cá thệ..” Đâu đúng đâu sai, đâu là bản chính tay Lê Quý Đôn soạn? Một điều chắc, là thời chúa Nguyễn, tên sông Hương Trà đã có rồi, chính Lê Quý Đôn, như đã nói trên, cũng có khi dùng tên ấy. Từ “sông Hương Trà” đến “sông Hương”, chỉ còn một bước, vì trong ngôn ngữ, bất cứ ngôn ngữ nước nào, dân gian thường hay rút gọn. Vả chăng, hai chữ sông Hương đẹp quá, giới văn chương, trí thức, cũng không muốn gì hơn. Nhưng, bạn đọc cùng tôi cứ nhẫn nại, đào sâu hơn nữa.
Đến thời đại Tây Sơn, chỉ độ mươi năm sau, và chỉ lục soát trong lĩnh vực thơ văn, chúng ta cũng lượm được những chứng liệu hiển nhiên, Ngô Thì Nhậm, trong bài thơ “Đạo ý” (gợi ý) có hai câu:
“Ức tích minh lương hội nhất đường, Hương Giang ngự tất hổ tiên đường”.
Ngô Linh Ngọc dịch:
“Nhớ buổi vua hiền gặp đống lương, Đường tiên hầu bước nẻo sông Hương” (13)
Về phần thơ Phan Huy Ích, sau bài “Xuân để ký sự” (Mùa xuân ở công quán ghi việc), tác giả đã viết ở lời nguyên dẫn: “Nhà của quan Thái sư (Bùi Đắc Tuyên) là chùa Thiền lâm cũ, nằm về phía nam sông Hương…” (14)
Thế là, tên “sông Hương” dưới thời đại Tây Sơn đã có rồi, và, gần chắc, đã có từ trước. Từ ngữ “Nam sông Hương” cũng đã thông dụng và có nghĩa khá chính xác. Nhưng có thể có bạn đọc khó tính, muốn có chứng liệu cụ thể, vì sao gọi “sông Hương”?
Bộ sách địa lý lớn dưới triều Nguyễn “Đại Nam nhất thống chí” khi mô tả sông Hương, không nói đến nguồn gốc cái tên nầy. Nhưng bộ sử biên niên “Đại Nam thực lục chính biên” có đoạn viết: “Năm Tân Dậu (1801) mùa hạ, tháng năm, ngày Bính Dần, vua đi Quảng Bình, lưu quốc thúc Tôn thất Thắng giữ kinh thành. Thuyền ngự khởi hành từ sông Hương, sông Hương tức là sông Hương Trà, vì nước ngọt nên gọi thế…” (15). Chúng ta nghĩ, ngọt ở đây không có nghĩa ngọt mặn, mà có nghĩa nước sông Hương pha trà, thơm, ngọt.
Đến đây, chúng ta trả lời được câu hỏi: “sông Hương đã có tên ấy tự bao giờ? Riêng tôi, cám ơn bạn Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhưng cũng trách đã dựng lên một đầu đề thật sự trớ trêu.
Xuân 1983
N.H.Đ
(1/5&6-83)
----------------
1. Lê Tắc - An Nam chí lược - Huế 1961 vấn đề soạn niên của An Nam chí lược vẫn còn trong vòng tranh luận.
2. Trong Nguyễn Trãi toàn tập. Hà Nội 1976
3. Ngày trước sông Giang và sông Hương đều có tên Linh Giang. Tuy vậy, lời chú thích trong Nguyễn Trãi toàn tập, trang 627: “Linh Giang là sông Gianh ở tỉnh Quảng Bình” xét ra không phù hợp nếu chúng ta 1- lưu ý rằng miền thành Hóa châu, trên sông Hương là nơi đã xảy ra những sự kiện lịch sử quan trọng hàng đầu, trong thời gian trước và sau soạn niên Ức Trai Dư Địa chí (1438). Những sự kiện lịch sử ấy là: 1414 - Lê Phụ và Mộc Thạnh đánh chiếm thành Hóa châu - Lê Phụ đặt người cai trị ở đó - 1425 Lê Lợi sai Trần Hãn đánh quân Minh ở Tân Bình và Hóa châu - 1428 quân Minh rút về. Lê Lợi thấy Hóa châu là trọng trấn, sai trọng thần đến trấn thủ - 1434 Người Chiêm đánh Hóa châu - Lê Khôi và Lê Chính (Chuyết) chống giữ mãnh liệt. 1446- đại phá quân Chiêm và 2- phối hợp tham khảo Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, phần Dư địa chí- Quyển V Thuận Hóa (phủ Triệu Phong và phủ Tân Bình). Đoạn núi sông - trang 132 - 133 tập 1 - LTHCLC Hà Nội 1960.
4. Hồng đức bản đồ - tủ sách viện khảo cổ Sài Gòn 1962.
5. Ô châu cận lục - Dương Văn An. Bản dịch Bùi Lương -Sài Gòn 1961.
6. Không lẫn lộn với sông Gianh ở Quảng Bình.
7. Tức Hóa thành hay thành Hóa châu.
8. Về sau là Quảng Điền.
9. nhận: nhà Chu định 8 thước là một nhận chừng 6 thước, 4 tấc, 8 phân bây giờ (ghi theo từ điển Trung Quốc Từ Nguyên và Hán Việt từ điển Thiều Chửu) Sài Gòn 1966.
10. chừng 2,7 km.
11. hành lang: vợ chúa thời Phúc Khoát. Vợ cả thì gọi tả hành lang, các vợ lẻ thì gọi hữu hành lang.
12. Phủ biên tạp lục - tủ sách cổ văn - bản của Lê Văn Giáo - Sài Gòn 1973.
13. Tuyển tập thơ văn Ngô Thì Nhậm Hà Nội 1978, QI, trang 196.
14. Thơ văn Phan Huy Ích, Hà Nội, 1978 tập II, trang 86.
15. Đại Nam thực lục chính biên. Đệ nhất kỷ I. Q XIV. Viện Sử học xuất bản - Hà Nội 1961 - tập II, trang 428.
Theo Tapchisonghuong.com.vn