"Sóng" của Xuân Quỳnh và cảm xúc sau hơn 40 năm

Bạch Việt

New member
Xu
69
"SÓNG" CỦA XUÂN QUỲNH VÀ CẢM XÚC SAU HƠN 10 NĂM

Bài thơ này được thi sĩ sáng tác vào năm 1967 trong chuyến đi thực tế ở vùng biển Diêm Điền, Thái Bình. Sau đó, tác phẩm được in trong tập "Hoa dọc chiến hào". Bài thơ đã được đưa vào chương trình giảng dạy trong hệ thống giáo dục ở Việt Nam.

Xuân Quỳnh- nhà thơ của tình yêu đằm thắm, dịu dàng, đôn hậu đã vĩnh biệt đời hơn hai mươi năm về trước. Sự nghiệp sáng tác của nhà thơ vĩnh viễn khép lại, song những vần thơ chan chứa mật ngọt tình yêu đã và sẽ vang vọng mãi trong tâm hồn người đọc như tiếng sóng vẫn vọng đều muôn thuở. Ôi tiếng sóng mà một thời chị đã từng ao ước:

"Làm sao được tan ra

Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ"

Nghĩ về chị chính là nghĩ về những gì chị đã để lại cho đời, mà đặc biệt là những bài thơ. Thơ chị là tiếng lòng của một tâm hồn đang khao khát tình yêu, gắn bó hết mình với cuộc sống hằng ngày, trân trọng, nâng niu và chăm chút cho hạnh phúc bình dị của đời thường. Nói đến thơ tình, không phải chỉ có Xuân Quỳnh là duy nhất mà sao ta vẫn cứ thấy yêu thơ tình Xuân Quỳnh đến thế. Bởi lẽ đến với tình yêu tronh thơ chị, ta không chỉ bắt gặp ở đó những gì thuộc về cảm xúc tinh tế của tình yêu, ở đó còn là tiếng nói bày tỏ trực tiếp những khát khao tình yêu vừa hồn nhiên, chân thật, vừa mãnh liệt, sôi nổi của một trái tim phụ nữ đôn hậu và đằm thắm biết dường nào.

Tình yêu là một đề tài muôn thuở của thơ ca. Muôn đời tình yêu vẫn mới lạ, vẫn hấp dẫn với mọi người. Nhiều nhà thơ đã viết về tình yêu, đã nói về tình yêu bằng một cảm hứng mãnh liệt, in đậm dấu ấn tâm hồn, tư tưởng và phong cách của mình. Xuân Quỳnh với bài thơ "Sóng" - một bài thơ tình duy nhất trong tập thơ "Hoa dọc chiến hào" đã để lại trong lòng người đọc một ấn tượng khó quên. Tình yêu ở đây được đề cập đến một cách sâu sắc, đậm đà. Chị đã mượn hình tượng sóng để diễn tả những cảm xúc, tâm trạng, những sắc thái tình cảm vừa phong phú phức tạp, vừa thiết tha sôi nổi của một trái tim phụ nữ đang rạo rực, khao khát yêu đương.

Hình tượng "sóng" là một tìm tòi nghệ thuật độc đáo của Xuân Quỳnh. Hình tượng "sóng" trước hết được gợi ra từ âm hưởng dào dạt, nhịp nhàng của bài thơ. Đó là nhịp của những con sóng trên biển cả liên tiếp, triền miên, vô hồi, vô hạn. Thể thơ năm chữ với những câu thơ thường không ngắt nhịp đã tạo nên nhịp điệu của những con sóng biển lúc dạt dào, sôi nổi, lúc sâu lắng, dịu êm chảy suốt bài thơ. Song âm điệu chung của bài thơ không giản đơn chỉ là âm điệu của những con sóng biển. Nó còn là âm điệu của một nỗi lòng đang tràn ngập, khát khao tình yêu vô hạn, đang rung lên đồng điệu hòa nhịp với sóng biển, hòa hợp đến mức không còn thấy đâu là nhịp điệu của sóng biển, đâu là nhịp điệu tâm hồn của thi sĩ. Xuân Quỳnh đã mượn nhịp sóng để thể hiện nhịp lòng của chính mình, trong một tâm trạng bùng cháy ngọn lửa mãnh liệt của tình yêu, không chịu yên định mà đầy biến động, khát khao. Qua hình tượng "sóng" Xuân Quỳnh đã diễn tả vừa cụ thể vừa sinh động những trạng thái, tâm trạng, những cung bậc tình cảm khác nhau trong trái tim của người phụ nữ đang rạo rực yêu đương.

Từ hình tượng "sóng", Xuân Quỳnh đã liên hệ đến tình yêu thật tài tình và chí lý:

"Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể"

Đó là sóng và đó cũng là tình yêu, là những cung bậc của tình yêu. Nhà thơ thật tài tình, chỉ gói gọn mấy câu thơ mà đã diễn tả được trạng thái tâm lý đặc biệt của một tâm hồn đang khát khao yêu đương, đang tìm đến một tình yêu rộng lớn hơn. Xuân Quỳnh đã diễn tả thật cụ thể cái trạng thái khác thường, vừa phong phú vừa phức tạp trong một trái tim đang cồn cào khao khát tình yêu. Và cũng như sóng, trái tim người con gái đang yêu không chấp nhận sự tầm thường nhỏ hẹp, luôn vươn tới cái lớn lao có thể đồng cảm đồng điệu với mình: "Sông không hiểu nổi mình - Sóng tìm ra tận bể". Có thể thấy ngay trong khổ thơ đầu tiên này một nét mới mẻ trong quan niệm tình yêu. Người con gái khao khát yêu đương nhưng không còn nhẫn nhục, cam chịu nữa. Nếu "Sông không hiểu nổi mình" thì sóng dứt khoát từ bỏ nơi chật hẹp đó để " tìm ra tận bể" đến với cái cao rộng, bao dung, thật là rõ ràng và cũng thật là quyết liệt.

Nỗi khát vọng tình yêu xôn xao, rạo rực trong con người. Trong quan niệm của Xuân Quỳnh, tình yêu là khát vọng muôn đời của nhân loại mà mãnh liệt nhất là tuổi trẻ. Nó cũng như sóng, mãi mãi trường tồn, vĩnh hằng với thời gian. Từ ngàn xưa, với con người, tình yêu bao giờ cũng là một khát vọng bồi hồi, xao xuyến:

"Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ"

Tình yêu đã có tự ngày xưa và mãi đến ngày sau nó vẫn còn, và bao giờ cũng dữ dội, cũng dịu êm, cũng ồn ào, cũng lặng lẽ và luôn xao xuyến rung động bao trái tim đang yêu nhau. Tình yêu luôn hấp dẫn con người. Khi tình yêu đến, như một tâm lý tự nhiên và thường tình, người ta luôn có nhu cầu tự tìm hiểu và phân tích. Nhưng tình yêu là một hiện tượng tâm lý khác thường, đầy bí ẩn không thể giải thích được bằng lý lẽ thông thường. Làm sao có thể giải đáp được câu hỏi về khởi nguồn của tình yêu, về thời điểm bắt đầu của một tình yêu. Cái điều mà trước đó đã từng làm Xuân Diệu băn khoăn "Làm sao cắt nghĩa được tình yêu?". Tình yêu là một điều gì đó khó lý giải cụ thể, thỏa mãn được bởi tình yêu có muôn màu muôn vẻ và được thể hiện ở nhiều cung bậc khác nhau trong trái tim con người. Thu Hồng cũng không định nghĩa được tình yêu, thi sĩ chỉ biết là: " Chỉ biết hôm xưa một buổi chiều - Cùng người trò chuyện chẳng bao nhiêu - Người đi tôi thấy sao mong nhớ - Và cảm quanh mình nỗi tịch liêu." Đến Xuân Quỳnh, một lần nữa tình yêu lại được bộc lộ một cách hồn nhiên, dễ thương. Tình yêu cũng giống như sóng biển, gió trời vậy thôi, làm sao mà hiểu hết được. Nó cũng tự nhiên, hồn nhiên như thiên nhiên, và cũng khó hiểu, nhiều khi bất ngờ như thiên nhiên:

"Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau".

bc37d630-0766-4452-9a9e-428627934e85_Xuan%20Quynh%20v%C3%A0%20L%C6%B0u%20Quang%20Vu.jpg


Nói đến tình yêu là nói đến nỗi nhớ nhung khi xa cách. Nỗi nhớ của một trái tim đang yêu được Xuân Quỳnh diễn tả thật mãnh liệt. Một nỗi nhớ thường trực cả khi thức lẫn khi ngủ, bao trùm lên cả không gian và thời gian. Một nỗi nhớ cồn cào da diết không thể nào yên, không thể nào nguôi. Nó cuồn cuộn, dào dạt như những đợt sóng biển triền miên, vô hồi , vô hạn. Nhịp thơ trong suốt bài thơ này là nhịp sóng. Con sóng nào rồi cũng vỗ vào bờ, cũng đến bờ mới thỏa mãn khát khao. Tình yêu cũng thế, tình yêu phải thể hiện ở sự nhớ mong tha thiết, nhớ mong đến bạc đầu thương nhớ. Và tình yêu đẹp phải là một tình yêu có nỗi nhớ nhung triền miên, thường trực, da diết trong tâm hồn. Xuân Quỳnh đã diễn tả rất rõ sự nhớ mong ấy:

"Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được"

Tình yêu đẹp phải là tình yêu chung thủy, trước sau như một:

"Dẫu xuôi về phương Bắc
Dẫu ngược về phương Nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh một phương"

Rõ ràng ở hai đầu Nam, Bắc, dù ở phương trời nào, xa xôi cách trở nghìn trùng chăng nữa vẫn nghĩ về nhau. Nhớ về nhau hướng về nhau. "Yêu nhau là cùng nhìn về một hướng"

Cùng với hình tượng "sóng" bài thơ này còn có một hình tượng nữa là "em "- cái tôi trữ tình của nhà thơ. Sóng là hình ảnh ẩn dụ của tâm trạng người con gái đang yêu, là sự hóa thân, phân thân của cái tôi trữ tình. Hai hinh tượng "sóng" và "em" bổ sung đắp đổi cho nhau, diễn tả sâu sắc hơn tình yêu và nỗi nhớ cùng với lòng thủy chung vô hạn của một trái tim đang rạo rực yêu thương. Nỗi nhớ tràn đầy lòng yêu thương của nữ thi sĩ. Nỗi nhớ thường trực trong mọi không gian và thời gian, không chỉ tồn tại trong ý thức mà còn len lỏi vào trong tiềm thức, xâm nhập vào cả trong mơ. Những đòi hỏi khát khao yêu đương của người con gái được bộc lộ thật mãnh liệt nhưng cũng thật giản dị: sóng chỉ khao khát tới bờ cũng như em khao khát có anh. Tình yêu của người con gái ở đây vừa thiết tha, mãnh liệt, vừa trong sáng, giản dị, vừa thủy chung duy nhất.

Qua hình tượng "sóng" và "em", Xuân Quỳnh đã nói lên thật chân thành, táo bạo, không hề giấu diếm cái khát vọng tình yêu sôi nổi, mãnh liệt của mình, một phụ nữ, một điều thật hiếm thấy trong văn học Việt Nam. Xuân Quỳnh vừa thổ lộ trực tiếp vừa mượn hình tượng sóng để nói và suy nghĩ về tình yêu. Những ý nghĩ này có vẻ tự do tản mạn, nhưng từ trong chiều sâu của thi tứ vẫn có sự vận động nhất quán. Đó là cuộc hành trình khởi đầu là sự từ bỏ cái chật chội, nhỏ hẹp để tìm đến một tình yêu bao la, rộng lớn cuối cùng là khát vọng được sống hết mình trong tình yêu, muốn hóa thân vĩnh hằng thành tình yêu muôn thuở:

"Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ".

Bài thơ kết thúc bằng câu hỏi về tình yêu của một trái tim nồng cháy. Câu hỏi đó cũng chính là ước vọng của nhà thơ, của con người muốn được sống mãi trong biển lớn tình yêu, muốn mãi mãi được sưởi ấm bằng tình yêu.
"Sóng" là một bài thơ tình rất tiêu biểu cho tư tưởng và phong cách thơ Xuân Quỳnh ở giai đoạn đầu. Một bài thơ vừa xinh xắn, duyên dáng, vừa mãnh liệt, sôi nổi, vừa hồn nhiên trong sáng, vừa ý nhị sâu xa. Có thể nói rằng "Sóng" là một bài thơ viết về tình yêu khá độc đáo với nhiều cảm nhận tinh tế đẹp đẽ. Cùng với "Thuyền và biển" bài thơ "Sóng" đã làm cho tên tuổi Xuân Quỳnh được những đôi lứa yêu nhau trân trọng hơn, yêu mến hơn.
Sự ra đi đột ngột trong một hoàn cảnh đặc biệt của nhà thơ làm cho ta trăn trở mãi, tiếc nuối không nguôi.

Sưu tầm
 
Bài thơ này được thi sĩ sáng tác vào năm 1967 sau khi kết thúc tập 1 để bắt đầu tập 2 của cuộc đời mình
Có thể nữ thi sĩ ví cố nhân với sông, so tân nhân Lưu Quang Vũ với biển chăng?
Có thể bài thơ là 1 lời biện minh cho cuộc tình mới của chị, nhưng chị quên nói thêm rằng sóng dữ dội quá đã đánh bật 1 con sóng khác đang bình yên nơi bến đỗ của mình

 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top