missyouloveyou
New member
- Xu
- 44
SO SÁNH “PHƯƠNG THẢO LIÊN THIÊN BICH, LÊ CHI SỔ ĐIỂM HOA” VÀ “CỎ NON XANH TẬN CHÂN TRỜI, CÀNH LÊ TRẮNG ĐIỂM MỘT VÀI BÔNG HOA”
Đề bài
Thơ cổ Trung Quốc có câu:
Phương thảo liên thiên bích
Lê chi sổ điểm hoa
(Cỏ non liền với trời xanh
Trên cành lê có mấy bông hoa)
Trong “Truyện Kiều”, Nguyễn Du có viết:
“Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”
Em hãy so sánh cách miêu tả thiên nhiên qua hai câu thơ trên để thấy sự sáng tạo của Nguyễn Du trong nghệ thuật miêu tả cảnh.
Dàn ý:
Điểm giống:
- Đều phác họa bức tranh mùa xuân tươi đẹp
- Đối tượng phác họa: thảm cỏ, cành lê, khung cảnh mùa xuân bằng bút pháp gợi và tả
Điểm khác:
a) - Trong thơ cổ: Đối tượng một bức tranh xuân là phương thảo (cỏ thơm) ở đây chỉ nói đến mùi vị đặc trưng của sinh vật.
- Nguyễn Du: cũng là cỏ nhưng là cỏ non, vừa có mùi thơm, vừa thể hiện sự tươi mới và tràn đầy sức sống
b) - Nét vẽ của cỏ thơm trong thơ cổ thể hiện sự cứng nhắc chắc rắn (cỏ nối liền với trời như một đường thẳng)
- Với Nguyễn Du cỏ non như một tấm thảm uốn lượn, gợn sóng, trải dài đến tận chân trời. Đó là nét vẽ mềm mại, uyển chuyển tinh tế.
c) - Trong thơ cổ, số hoa lê ít ỏi, không lộ diện sắc trắng nên hoa lê dễ bị chìm đi trong sắc cỏ ngút ngàn, không nổi lên giữa không gian rộng lớn, lê yếu ớt như không thể đối chọi được với “cỏ thơm”
- Với Nguyễn Du, nghệ thuật điểm nhãn (điểm trắng một vài bông hoa) thể hiện nét chấm phá sinh động, là điểm nhấn tỏa sáng nổi bật cảnh ngày xuân. Một vài bông lê với sắc trắng của nó cũng đủ để tạo nên một gam màu quyến rũ. Hai màu sắc xanh trắng hài hòa cân đối tạo nên bức tranh xuân tươi đẹp dạt dào sức sống, hội tụ cả xuân sắc, xuân hương và xuân tình. Đây là nét chấm phá mới mẻ thể hiện bản lĩnh hội họa của Nguyễn Du mà trong thơ cổ không thể nào có được.
Bàn luận nhận xét:
- Thể thơ: thơ cổ Trung Quốc là thể thơ ngũ ngôn mang dáng dấp cổ điển trang trọng. Đến với Nguyễn Du, đã được chuyển thành thể thơ lục bát, phù hợp với văn hóa dân tộc, với tâm hồn con người, tạo sự gần gũi thân thiết đối với người dân Việt Nam. Bức tranh xuân trong thơ cổ tuy tươi đẹp nhưng thiếu sức sống. Còn bức tranh xuân trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du vừa tươi mới, vừa căng tràn sức sống, lại vừa “có hồn”.