SƠ LƯỢC VỀ TỪ TRONG THƠ ĐƯỜNG.
Từ được phát triển thành một thể loại độc lập ở Trung Hoa cuối đời Đường (618-907) và thời Ngũ Đại (907-960). Một bài từ gồm các câu dài ngắn khác nhau (trường đoản cú), ngắn có thể chỉ 1 chữ, dài có thể 9, 11 chữ. Số câu trong bài từ cũng không nhất định. Tuỳ theo ngắn dài, bài từ chia làm ba loại: tiểu từ (trên dưới 20 chữ), trung từ (khoảng 30-50 chữ) và mạn từ (60-150 chữ, có bài 240 chữ). Về vần, có thể là vần bằng, trắc, hoặc bằng trắc xen kẽ (một bài từ tiếng Việt quen thuộc là bài Tống biệt của Tản Đà, được sáng tác theo điệu Hoa phong lục).
Từ thường viết cho một điệu nhạc nào đó, nên lời có thể hát lên được, số câu chữ, tiết tấu nhịp điệu của lời đều do khuôn khổ của điệu nhạc quy định. Thoạt đầu, từ được những người dân bình thường hát lên trong những dịp hội hè, sau đó chúng phổ biến nhờ những ca kỹ, và vào đời Đường, các thi nhân mới lưu ý tới thể loại này, và từ dần dần tách khỏi các điệu nhạc, tới đời Tống là thời cực của từ (người ta thường nói: Hán phú, Đường thi, Tống từ, Nguyên khúc).
Đời Tống, những người làm từ (từ nhân) nổi tiếng như Âu Dương Tu, Tô Đông Pha, Tần Quán, Chu Bang Ngạn, Lý Thanh Chiếu, Lục Du, Tân Khí Tật,... mở rộng từ cả về nội dung và hình thức. Với thế hệ đầu tiên, nội dung các bài từ, do cảm hứng bắt nguồn từ những từ khúc hát bởi các ca kỹ nên cũng không ngoài những nỗi sầu tình, những thương hoa, những tiếc xuân, những cuộc rượu, những cơn say, phóng đãng và lả lơi xiêm áo,..., những bài từ "sực nức mùi phấn hương ca kỹ".
Khi nội dung của từ đã được mở rộng, hình thức của nó cũng được mở rộng theo, khuôn khổ và điệu nhạc quy định cũng bị phá vỡ. Người đi rất xa, rất táo bạo trong việc phá cách này là Tô Đông Pha, đến độ ông bị các từ nhân trung thành với khuôn khổ của nhạc điệu chê cười là "không hiểu âm luật". Xin mở một dấu ngoặc: thực ra Tô Đông Pha rất tinh thông âm luật, từ của ông vẫn hát lên được và rất giàu nhạc tính. Ông là một thiên tài đa dạng, "cây đại thụ của các bộ môn thi từ thư hoạ", ông giữ một vai trò trọng yếu trong quá trình phát triển của từ, chính ông là người mở đường cho thời Nam Tống. Ông có hùng tâm sửa đổi phong khí uỷ mị của phái Hoa gian chỉ ca tụng những cảnh trăng hoa (hãy nhớ lại giọng kiêu hùng ngang tàng trong bài Niệm nô kiều, bài từ "để cho tráng sĩ ở Quan Tây gảy đàn tỳ bà bằng đồng, gõ phách bằng sắt mà hát câu Đại giang đông khứ thì mới hợp"). Nhưng từ của Tô Đông Pha cũng không thiếu giọng điệu du dương, ví như bài Thuỷ điệu ca đầu.
Thoát khỏi khuôn khổ quy định của nhạc điệu, lại không bị hạn chế về số câu chữ như thi luật, ta thấy ngay là vần điệu từ phong phú hơn nhiều so với điệu của thi. Có những bài từ đơn giản giống hệt như thơ tứ tuyệt bốn câu ba vần: Đào lãng sa của Lưu Vũ Tích, có bài áp vận như một lối thơ cổ phong hai câu vần trắc hai câu vần bằng gián cách nhau: Điều tiếu lệnh của Vi Ứng Vật, có bài tám câu đều áp vận: Trường tương tư của Bạch Cư Dị. Ngoài ra mỗi thể tài một cách áp vận khác nhau, không thể kể xiết. Hình thức phóng túng của từ sau khi được cởi trói khỏi khuôn khổ của nhạc điệu khiến ta hiểu vì sao từ được các nhà thơ đời Tống ưa chuộng, vì sao thơ Tống không được phát triển và bị phê bình là "khô khan, vụ hình thức".
Đọc thơ và từ của các tác giả đời Tống, người ta ghi nhận hiện tượng đề tài nghiêm túc thì khi diễn đạt bằng thơ, tác giả cũng kèm theo phong cách ngôn ngữ nghiêm túc tương xứng, sự phong khoáng được dành cho từ. Trích mấy câu trong bài Mãn đình phương:
Tiêu hồn đương thử tế
Hương mang du giải
La đái khinh phân
Mạn doanh đắc thanh lâu bạc hãnh danh tồn
(Gặp lúc tiêu hồn
Nhẹ chia giải lụa
Ngầm cởi túi thơm
Chỉ hơn được lầu xanh bạc hãnh danh còn)
Nguyễn Hiến Lê dịch
Tới đây, để tránh sự ngộ nhận, cần ghi nhận điểm này: hình thức của từ, dù được giải phóng khỏi khuôn khổ trói buộc của nhạc điệu, thì nó vẫn có những gắn bó nhất định với nhạc điệu, chính nhạc điệu là nét cơ bản của từ để phân biệt nó với thi. Cũng chính nhạc điệu, trong một chừng mực nào đó, đã khiến từ, so với các thể loại văn học khác, đượm nhiều sắc thái dân ca hơn cả. Sở dĩ từ có liên hệ mật thiết với nhạc, vì từ bắt nguồn từ cái mà người Trung Hoa gọi là Yên nhạc, và Yên nhạc ra đời do sự tiếp thu âm nhạc của Tây Vực truyền vào Trung Hoa. Cuộc giao lưu giữa Trung Hoa với khu vực phía Tây (Tây Vực) được mở ra rất sớm, ngay từ đầu thời Chiến Quốc, chủ yếu thông qua một con đường được gọi là Con đường tơ lụa, cùng với sự trao đổi hàng hoá là sự trao đổi văn hoá phẩm.
Ở đây xin trích một vài sử liệu liên quan đến sự hình thành của từ Trung Hoa. Đại cương lịch sử văn hoá Trung Hoa (nhiều tác giả, gs. Lương Duy Thứ chủ biên, nxb Văn hóa thông tin, 1994), trang 429: "Tấn thư - Nhạc chí có ghi: "Lý Diên Niên từ khúc nhạc Hồ sáng tạo thành 12 giai điệu mới, được gọi cái tên mới là vũ nhạc". Trong mười bộ nhạc của triều vua Đường thì có tám vản là của các nước Tây Vực. Âm nhạc phương Tây được nhân dân Trung Hoa ưa thích. Bài Lương châu hành của Vương Kiến đã phản ánh rõ tình hình người dân Lạc Dương đều có học nhạc Tây. Thời Đường, trên nền tảng tiếp thu nhạc khúc phương Tây đã tạo ra khúc Nghê thường vũ y nổi tiếng". Trang 185: "Thời đại nhà Đường dân gian hấp thu và lưu truyền âm nhạc rợ Hồ ở Tây Vực mà hình thành Yên nhạc, đến thời Ngũ Đại có từ là sự phối hợp bắt nguồn từ Yên nhạc là thành".
Như vậy đủ thấy cuộc giao lưu văn hoá giữa Trung Hoa với Tây Vực (mà không chỉ dừng ở Tây Vực, thông qua Tây Vực, Trung Hoa có được những mối giao lưu với các nền văn hoá Hy Lạp, La Mã, Ai Cập, Ba Tư, Ấn Độ,...) đã đóng góp nhiều mặt vào quá trình hình thành và phát triển văn hoá Trung Hoa, mà một thành tựu nổi bật là văn hoá Thịnh Đường, và từ cũng là một trong những thành quả của cuộc giao lưu văn hoá đó.
Nguồn: Sưu tầm