[Sơ cấp cứu] Bỏng

antoangiaothong

New member
Xu
0
Bỏng do nhiều nguyên nhân: bàn là nóng, bô xe máy, cháy nổ bình ga, hỏa hoạn, nước sôi, hơi nước nóng, điện, hóa chất sinh hoạt, bức xạ...

Khi bị bỏng, cần quan sát thật kỹ và tùy theo nguyên nhân mà xử trí. Nên lưu ý trong những trường hợp phức tạp, phải bình tĩnh xem xét một cách tổng quát để giúp đỡ nạn nhân tốt nhất và tránh việc mình trở thành nạn nhân. Đảm bảo hiện trường an toàn cho người cấp cứu và nạn nhân, đặc biệt khi nguyên nhân bỏng là do hóa chất, phóng xạ, cháy nổ...

Sau đó tiến hành sơ cứu theo thứ tự ưu tiên. Nếu nạn nhân có vấn đề về đường thở, chấn thương cột sống, chảy máu cần phải tiến hành xử trí trước. Trường hợp nạn nhân còn tỉnh, cần nhanh chóng uống bù nước.

Xử trí vết thương nhanh chóng, nhẹ nhàng tránh đau cho nạn nhân. Cách xử trí bỏng còn tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra.

Ví dụ bỏng do nhiệt là loại hay gặp nhất, chiếm từ 60 đến 75% các loại bỏng, nguyên nhân do lửa, nước sôi, tiếp xúc vật nóng. Công tác sơ cứu cần tiến hành tuần tự các bước dưới đây:

- Bước 1:

Ðưa nạn nhân ra khỏi nguồn nhiệt càng nhanh càng tốt như dập lửa, cởi bỏ quần áo đang cháy hoặc ngấm nước sôi, tách nạn nhân khỏi vật nóng... Nếu áo quần nạn nhân đang cháy, dùng nước hoặc quấn chăn để dập lửa.

- Bước 2:

Chườm (hoặc ngâm) ngay chỗ bỏng bằng nước để lạnh (không dùng nước đá - chườm đá sẽ gây tổn thương nặng thêm vì thiếu máu cục bộ), ngoài ra có thể đắp khăn mát lên vùng bị bỏng. Đây là biện pháp đơn giản nhưng khá quan trọng trong sơ cấp cứu bỏng ban đầu. Thao tác này giúp giảm đau, giảm phù nề, giảm tỉ lệ nhiễm khuẩn, giảm độ sâu của vết bỏng, nhanh lành sẹo, giảm ghép da và tử vong.

Chườm muộn vẫn có ích. Theo nghiên cứu của Ifeigsson (1972), nhiệt độ tối ưu của nước chườm là 20oC-25oC. Những nghiên cứu khác với nhiệt độ nước từ 10oC-15oC cũng đem lại lợi ích về mặt tử suất và tỉ lệ lành bỏng, ngay cả bỏng 50% diện tích da trên chó thử nghiệm (King TC và cộng sự, 1962). Thời gian chườm nước lạnh thường từ 15-30 phút. .

Cắt bỏ phần quần áo không dính da, nhẹ nhàng tháo đồ trang sức, cố đừng làm vỡ các bọng nước (bỏng độ IIb). Dùng vải sạch che vùng bỏng, Không bôi các dung dịch, kem, thuốc mỡ hoặc thuốc dân gian lên vùng bỏng. Nếu bỏng do hóa chất cần dùng vòi nước rửa sạch.

Nếu mùa đông cần giữ ấm các phần khác của cơ thể. Bảo vệ vết bỏng bằng cách che phủ bằng khăn, vải sạch rồi băng lại, tốt nhất không nên dùng thuốc gì nếu chưa được sự chỉ dẫn của thầy thuốc. Đối với trẻ nhỏ, ngoài những biện pháp trên, nên cho trẻ uống oresol, ủ ấm cho trẻ.

Đối với bỏng hóa chất: sau khi ngâm rửa vết bỏng có thể dùng dung dịch để trung hòa như nước vôi nhì, giấm, chanh, đường...

- Bước 3: Đưa nạn nhân đến cơ sở y tế để điều trị.

- Lưu ý: Da có xu hướng giữ nhiệt làm cho vết thương trở nên nặng nề hơn. Do đó nguyên tắc quan trọng trong xử trí bỏng là làm mát ngay vùng da bị bỏng.

Không dùng nước quá lạnh hoặc đá chườm vào vết bỏng, không làm tổn thương các nốt phỏng vì có nguy cơ gây nhiễm trùng về sau, không bôi kem hoặc chất nhờn lên chỗ bỏng. Nếu bỏng mắt, không được dụi mắt. Không cần cố gắng lấy dị vật ra khỏi chỗ bỏng.

Để phòng ngừa tai nạn bỏng, nên sắp xếp các vật dụng trong bếp như: phích nước, nồi canh, cơm nóng ở những nơi an toàn để tránh nguy cơ bị hỏa hoạn, cháy, nổ, điện giật; quản lý, sử dụng hóa chất sinh hoạt, chất tẩy rửa, hóa chất công nghiệp đúng quy định, an toàn; để xa tầm tay trẻ em và không để trẻ chơi những đồ dùng, hóa chất có nguy cơ gây bỏng.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top