Sinh viên thực tập: Bên trọng bên khinh

ButNghien

Học tập suốt đời!
Thành viên BQT
Xu
46
Sinh viên thực tập: Bên trọng bên khinh

Sinh viên các ngành kinh tế, tài chính và kỹ thuật, đặc biệt là ngành cơ khí chính xác luôn được chào đón, mời gọi, thậm chí còn được doanh nghiệp trả lương cao. Trong khi đó, SV các ngành xã hội luôn phải “cầu cạnh” vất vả để có một chỗ thực tập trước khi ra trường.

Dạo chơi và làm người sai vặt

Cả nước hiện có khoảng 2.000 cơ sở có đào tạo nghề với trên 500 trường ĐH, CĐ, THCN và trên 1.000 trung tâm, cơ sở dạy nghề, nhưng con số sinh viên (SV) được thực tập đúng ngành nghề rất ít. Đến kỳ thực tập, chỉ 20% - 30% SV được nhà trường giới thiệu với doanh nghiệp (DN), số còn lại phải tự thân vận động. Xin vào DN thực tập đã là cửa ải khó khăn, để tiếp cận được các phòng nghiệp vụ, tham khảo số liệu hay nắm bắt quy trình công việc càng khó hơn. Hầu hết SV phải làm công việc vặt: nhập liệu, photocopy giấy tờ, làm lễ tân, thậm chí làm “tạp vụ” bưng bê.

Bạn N.A.Kh. (SV năm thứ tư - ĐH Kinh tế TP.HCM) cho biết: “Từ năm thứ hai, tôi đã làm bảng lương, báo cáo tài chính cho một DN, nhưng khi tôi xin thực tập tại DN này, họ lại bảo tôi phải trực tổng đài một tháng mới tiếp nhận”. Nhiều SV đã “hành nghề” hướng dẫn viên du lịch từ năm thứ hai, nhưng xin thực tập thì phải đóng tiền như khách du lịch.

Nhóm bạn T.H. - L.T. - M.Tr. (Trường Du lịch quốc tế) cho biết: “Khi trường chưa tổ chức đủ SV thực tập thì chúng tôi phải đi tìm nơi thực hành nghề để có bằng tốt nghiệp. Biết nhu cầu này, một số công ty du lịch tư nhân thu phí SV ghép vào các tour nhưng vẫn tận dụng SV làm hướng dẫn viên cho họ, SV vừa mất tiền, vừa làm người sai vặt”.

44 SV Khoa Điện tử Trường CĐKT Cao Thắng phản ánh, khi thực tập, họ phải làm những việc của công nhân bốc vác, dù hầu hết SV đã được đặt hàng sau khi tốt nghiệp. Mới đây, 12 SV của Trường CĐ nghề Lilama 2 (thuộc Tổng công ty lắp máy VN) được đưa từ Đồng Nai đến thực tập tại một công trình xây dựng tại Q.1, TP.HCM. Học ngành chế tạo thiết bị cơ khí, nhưng họ phải lao động phổ thông, hưởng 75.000đ/ngày/người. Nhiều SV làm 3 - 15 ngày thì bỏ cuộc, dù chương trình thực tập một tháng. Bạn Phạm Khánh Duy (Lớp Trung cấp nghề chế tạo thiết bị) nhận xét: “Thời gian và công việc không phù hợp với ngành học nên chúng tôi chấp nhận bỏ về, học thêm thay cho điểm thực tập”.

“Săn” sinh viên ưu tú

Các tập đoàn Unilever, L&G, Colgate Palmolive, Ikea, Electrolux, BP, Ericsson, Mercedes-Benz, Cargill... vẫn thường xuyên có những chiến dịch “săn” SV tập sự. Năm năm liền, Công ty Nhân Việt “săn” hàng trăm SV ưu tú quản trị viên tập sự cho các DN. Trong đó, chương trình học bổng của SV năm cuối ĐH Quốc gia TP.HCM (ba năm liền là SV giỏi - do Phòng Thương mại Mỹ tại VN tổ chức) được các DN mời gọi thực tập và thử việc. SV các trường ĐH Bách khoa, Trường kỹ thuật Cao Thắng, Trường nghề Lý Tự Trọng… luôn được các DN chào mời. Các ngành “hot” như: cơ khí, ô tô điện, điện lạnh… SV tốt nghiệp không đủ đáp ứng đơn hàng từ DN, SV những ngành ít nhu cầu như tiện - phay bào vẫn có đủ việc làm. Quy trình tuyển SV tập sự được chọn lọc từ hàng ngàn hồ sơ, qua nhiều vòng kiểm tra: kiến thức, kỹ năng, chỉ số IQ, nhận thức hành vi...

SV Nguyễn Hải Đăng (ngành thương mại trường ĐH RMIT) sau sáu tháng thực tập tại hãng mỹ phẩm L’Oréal, nhận xét: “Môi trường tốt, thu nhập cao nhưng bạn đừng lấy lòng nhà tuyển dụng khi thực tập, mà hãy nhận nhiều việc, tiếp xúc nhiều người, biết nhà tuyển dụng muốn gì, biết đồng nghiệp hiểu mình như thế nào để rút kinh nghiệm. Tôi đã nhập dữ liệu, kiểm tra chứng từ, dịch tài liệu quảng cáo, đi bán hàng… Nhờ vậy, tôi hiểu cách tổ chức, ứng dụng chuyên môn và tự tin trước nhà tuyển dụng”.



Theo Phụ nữ TPHCM
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top