Sinh viên méo mặt với nhiều khoản thu
Đầu năm học, sinh viên (SV) ngỡ ngàng trước những khoản thu vô lý của nhiều trường ĐH-CĐ.
Phụ huynh và SV đóng học phí đầu năm học. Nhiều trường ĐH, CĐ có những khoản thu gây bất ngờ cho tân SV - Ảnh: Đ.N.T
Tại Hà Nội, trường Trung cấp nghề Công nghệ Thăng Long thu tiền hỗ trợ cơ sở vật chất đến 500.000 đồng/SV. Ngoài ra còn các khoản khác như tiền hỗ trợ tài liệu học tập 100.000 đồng/học kỳ/SV, vệ sinh, an ninh, điện, nước uống 100.000 đồng/học kỳ/SV.
Các SV của trường ĐH Hà Nội cũng “choáng” với các khoản thu tương tự. Cụ thể, một tân SV khi nhập học bên cạnh 1,5 triệu đồng tiền học phí đợt 1 còn phải nộp tiền sử dụng tài liệu tiếng Anh trực tuyến 750.000 đồng (đối với SV các khoa: Tiếng Anh, Tài chính ngân hàng, Quản trị kinh doanh), 40.000 đồng tiền khám sức khỏe, 30.000 đồng/năm tiền vệ sinh giảng đường...
SV của trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Hà Nội thì phải đóng thêm phí vệ sinh, an ninh trật tự 100.000 đồng/SV. Dù mới vào năm thứ nhất, các SV đã phải nộp phí hỗ trợ thực hành, tốt nghiệp là 70.000 đồng.
Ở nhiều trường ĐH tại TP.HCM, ngoài học phí, mỗi tân SV phải đóng thêm rất nhiều khoản tiền khác mà các trường thường gọi là “lệ phí nhập học”. Mức phí này chênh lệch tùy từng trường.
Tại ĐH Văn Lang, lệ phí nhập học được quy định cho mỗi SV là 150.000 đồng bao gồm phí khám sức khỏe, làm thẻ SV, cấp phát các loại giấy tờ khác trong suốt quá trình học... Trong khi đó, lệ phí nhập học tại trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học (Huflit) là 110.000 đồng và cũng bao gồm các khoản trên.
Quy định 75.000 đồng, thu 105.000 đồng
Sáng 29.9, phụ huynh một tân SV đang cùng con làm thủ tục nhập học bậc CĐ tại trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cho biết số tiền đầu năm phải đóng là 1,565 triệu đồng gồm học phí học kỳ 1, thẻ SV, giáo trình giáo dục định hướng, sổ tay SV, niên giám, thư viện...
Ở đa số các trường khác, thường có sổ tay SV (hoặc niên giám) để cung cấp các thông tin cần thiết cho tân SV. Trong khi đó, trường ĐH Công nghiệp TP.HCM lại có cả 2 loại này và giáo trình Giáo dục định hướng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, một số phần trong giáo trình Giáo dục định hướng như: giới thiệu chung về trường, hội đồng khoa học, ký túc xá, quy chế... đã được in trong sổ tay SV hoặc niên giám.
Ngoài ra, học phí đầu năm của tân SV trường ĐH Công nghiệp TP.HCM trong giấy báo nhập học cũng có sự khác biệt với mức mà trường đã quy định trong giáo trình Giáo dục định hướng. Đơn cử, đối với các SV thuộc diện chỉ tiêu trong ngân sách nhà nước ở bậc CĐ, quy định là 75.000 đồng/tín chỉ, nhưng khi thu tiền của SV, trường lại thu ở mức 105.000 đồng/tín chỉ. Giải thích về việc này, ông Nguyễn Xuân Hoàn - Phó hiệu trưởng nhà trường nói: “Hiện chưa nắm rõ có sự chênh lệch giữa 2 khoản học phí trong giáo trình Giáo dục định hướng và trong giấy báo nhập học của tân SV. Có thể có nhầm lẫn trong giáo trình Giáo dục định hướng. Trường sẽ xem xét lại”.
Ngoài những khoản tiền đầu năm tương tự như các trường khác, SV trường ĐH Sài Gòn còn đóng tiền mua huy hiệu trường (10.000 đồng/cái). Đây cũng là một trong các trường yêu cầu SV đóng phí mua sổ tay SV.
Phí đầu năm tại trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng còn có cả tiền mua giấy thi, giấy nháp, sao y đề thi... với giá 30.000 đồng/SV/năm.
Trong khi đó, nhiều trường như trường ĐH Bách khoa, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn chỉ phát không cho tân SV những tài liệu cần thiết vào đầu năm học. PGS-TS Dương Anh Đức - Phó hiệu trưởng trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết từ trước đến nay trường đều phát không sổ tay SV chứ không hề bắt SV mua. Chi phí in ấn đều phải lấy từ quỹ của trường ra chứ không được lấy từ nguồn nào khác. Lãnh đạo trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn cũng cho biết trường cung cấp sổ tay SV để SV tham khảo và không buộc phải mua dưới bất kỳ hình thức nào.
Theo TNO.