Sinh viên có thể lấy hai bằng chính quy một lúc

  • Thread starter Thread starter vosong
  • Ngày gửi Ngày gửi

vosong

New member
Xu
0
Ngày 23-1, ĐHQG Hà Nội đã chính thức công bố chỉ tiêu tuyển sinh 2010 và các thông tin liên quan của các đơn vị thành viên. Theo đó, năm 2010, ĐHQG Hà Nội sẽ tuyển 5.500 chỉ tiêu trên cả nước. Đặc biệt, sinh viên theo học tại ĐHQG Hà Nội sẽ được tạo điều kiện nếu có nhu cầu muốn theo học hai ngành cùng một lúc.

Đăng ký học ngành hai sau năm thứ nhất

Theo thông báo của ĐHQG Hà Nội, sau năm học thứ nhất trở đi, nếu có nguyện vọng, sinh viên sẽ được đăng ký học thêm một chương trình đào tạo thứ hai ở các đơn vị đào tạo trong ĐHQG Hà Nội để khi tốt nghiệp được cấp hai văn bằng đại học chính quy. Mỗi đơn vị thành viên sẽ quy định những ngành mà sinh viên của đơn vị khác có thể đăng ký học đồng thời, cụ thể là sinh viên ngành Khí tượng học, Thủy văn học, Hải dương học trường ĐH KHTN có cơ hội học thêm ngành thứ hai Công nghệ thông tin của trường ĐH Công nghệ.

Sinh viên các ngành Vật lý, Khoa học Vật liệu, Công nghệ Hạt nhân có cơ hội học thêm ngành thứ hai Công nghệ Điện tử-Viễn thông của trường ĐH Công nghệ. Sinh viên ngành Quản lý tài nguyên thiên nhiên có cơ hội học thêm ngành thứ hai Kinh tế phát triển của trường ĐH Kinh tế. Sinh viên ngành Địa lý có cơ hội học thêm ngành thứ hai Địa chính và sinh viên ngành Địa chính có cơ hội học thêm ngành thứ hai Địa lý của trường.

motluc4.jpg

Sinh viên có thể tiết kiệm thời gian với việc đăng ký học hai ngành đào tạo chính quy cùng lúc tại ĐHQG Hà Nội


Sinh viên trường ĐH Ngoại ngữ có cơ hội học thêm ngành thứ hai Kinh tế đối ngoại, Tài chính-Ngân hàng, Quản trị kinh doanh của trường ĐH Kinh tế, Du lịch học của trường ĐH KH-XH&NV và Luật học của Khoa Luật. Trường ĐH Kinh tế, sinh viên có cơ hội học thêm ngành thứ hai tiếng Anh (phiên dịch) của trường ĐH Ngoại ngữ. Sinh viên Khoa Luật có cơ hội học thêm ngành thứ hai Tiếng Anh của trường ĐH Ngoại ngữ. Sinh viên ngành Vật lý kỹ thuật trường ĐH Công nghệ có cơ hội học đồng thời ngành thứ hai Công nghệ Điện tử - Viễn thông và sinh viên ngành Cơ học kỹ thuật có cơ hội học đồng thời ngành thứ hai Công nghệ thông tin của trường.

Hàng loạt chương trình đào tạo chất lượng cao

Cùng với việc tuyển sinh trên cả nước với tổng chỉ tiêu của các đơn vị thành viên, ĐHQG Hà Nội công bố hàng loạt các chương trình đào tạo chất lượng cao để sinh viên có nhu cầu có thể lựa chọn. Theo đó, Chương trình đào tạo cử nhân khoa học tài năng được triển khai ở các ngành Toán học, Toán - Cơ, Vật lý, Hóa học, Sinh học (trường ĐH KHTN) dành cho những sinh viên đặc biệt xuất sắc, có năng khiếu về một ngành khoa học cơ bản để tạo nguồn nhân tài cho đất nước. Sau khi trúng tuyển nhập học, sinh viên được đăng ký xét tuyển vào hệ tài năng theo quy định riêng.

Ngoài các chế độ dành cho sinh viên chính quy đại trà, sinh viên hệ tài năng được hỗ trợ thêm kinh phí đào tạo 25 triệu đồng/năm, được cấp học bổng khuyến khích phát triển 1 triệu đồng/tháng, được bố trí phòng ở miễn phí trong KTX của ĐHQGHN. Ngoài kiến thức và kỹ năng chuyên môn đạt trình độ quốc tế, SV được ưu tiên hỗ trợ kinh phí học tiếng Anh để đạt trình độ C1 tương đương 6.0 IELTS.

Chương trình đào tạo đạt trình độ quốc tế được triển khai với các ngành Khoa học máy tính, Công nghệ Điện tử Viễn thông (trường ĐH Công nghệ), Vật lý, Địa chất, Sinh học (trường ĐH KHTN), Ngôn ngữ học (trường ĐH KHXH-NV), Quản trị kinh doanh (trường ĐH Kinh tế). SV được hỗ trợ kinh phí đào tạo 17 triệu đồng/năm, trong đó có kinh phí học tiếng Anh để đạt chuẩn tương đương 6.0 IELTS. Thí sinh trúng tuyển vào các ngành học khác có kết quả thi xuất sắc có thể được xét tuyển bổ sung vào các ngành học đạt trình độ quốc tế.

Chương trình đào tạo tiên tiến tại trường ĐH KHTN gồm các ngành Toán học hợp tác với trường ĐH Washington-Seatle (Hoa Kỳ), Hóa học hợp tác với trường ĐH Illinois (Hoa Kỳ), Khoa học Môi trường hợp tác với trường ĐH Indiana (Hoa Kỳ). SV được hỗ trợ 20 triệu đồng học tiếng Anh để đạt trình độ C1 tương đương 6.0 IELTS. Những SV có kết quả học tập tốt sẽ được cấp học bổng khuyến khích học tập cao. Thí sinh trong cả nước đã trúng tuyển ĐH khối A năm 2010 và có kết quả thi cao có thể được xét bổ sung vào các chương trình này.


Chương trình đào tạo chất lượng cao bao gồm các ngành Công nghệ Thông tin (trường ĐH Công nghệ), Địa lý, Khí tượng học, Thủy văn học, Hải dương học, Khoa học Môi trường (trường ĐH KHTN), Triết học, Khoa học quản lý, Văn học, Lịch sử (trường ĐH KHXH-NV), Tiếng Anh (phiên dịch), Sư phạm (SP) tiếng Anh, SP tiếng Nga, SP tiếng Pháp, SP tiếng Trung (trường ĐHNN), Kinh tế đối ngoại (trường ĐH Kinh tế), Luật học (Khoa Luật) đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Sau khi trúng tuyển nhập học, SV được đăng ký xét tuyển vào hệ chất lượng cao theo quy định riêng của đơn vị đào tạo; được hỗ trợ kinh phí đào tạo 7,5 triệu đồng/năm, được ưu tiên hỗ trợ kinh phí học tiếng Anh để đạt trình độ B2 tương đương 5.0 IELTS.

Theo Vinh Hương
anninhthudo.gif
 
Đừng chọn nghề theo trào lưu

Trong việc chọn lựa ngành, đôi khi sở thích cá nhân không phải là yếu tố quan trọng duy nhất. Chẳng hạn, điều kiện kinh tế cũng là một trong những yếu tố đầu tiên phải tính đến bởi nếu kinh tế eo hẹp sẽ không cho phép cá nhân theo đuổi những ngành nghề dù hợp sở thích nhưng chi phí phải bỏ ra quá cao.

Các nghiên cứu về giáo dục tại Pháp cho thấy phần lớn học sinh xuất thân từ gia đình có kinh tế eo hẹp thường chọn các ngành thuộc lĩnh vực xã hội vì chi phí học những ngành này không cao và thời gian học ngắn nên họ có thể gia nhập sớm vào thị trường lao động; ngược lại, các học sinh thuộc gia đình khá giả thường theo đuổi các ngành học “đắt đỏ” như bác sĩ, luật sư, kiến trúc... vì những ngành này đòi hỏi chi phí và thời gian học rất cao.

Tất nhiên sự đầu tư càng nhiều thì thành quả thu lại cũng sẽ nhiều, nhưng khi khả năng kinh tế gia đình hạn hẹp thì phải có những lựa chọn hợp lý để không phải vất vả mưu sinh và lơ là việc học như thường thấy. Tức chọn nghề còn phải xem khả năng kinh tế gia đình có thỏa mãn được các yêu cầu về chi phí của việc học hay không.

Chọn một nghề nào đó còn phải tính đến “biên độ ứng dụng” trong thực tế dài hạn của nó nữa. Hiện nay các trường đại học, do áp lực cạnh tranh trong thu hút người học nên đã đưa ra rất nhiều ngành mới thời thượng nhưng biên độ ứng dụng lại quá hẹp. Vì thế khi học những ngành này, người học rất khó tìm thấy cơ hội trên thị trường lao động sau này.

Chẳng hạn thí sinh chọn học ngành chứng khoán, nếu sau này không tìm được công việc trong một công ty chứng khoán thì sẽ làm được gì? Liệu một người tốt nghiệp một ngành hẹp như thế có thể tìm được những vị trí, công việc khác tại các công ty khác hay không? Câu trả lời là rất khó.

Tóm lại khi chọn ngành nghề cần phải tính đến nhiều yếu tố khác trong cái nhìn dài hạn chứ không chỉ có sở thích hay tính “nóng” của ngành học. Muốn vậy cần phải tranh thủ ý kiến của nhiều nguồn, tìm kiếm thêm thông tin trên mạng cũng như sách báo, đừng nên lựa chọn theo trào lưu vì trào lưu thường có tuổi thọ rất ngắn.

Theo LÊ MINH TIẾN - TTO
 
Chuẩn bị nộp hồ sơ thi đại học, cao đẳng thế nào?

Ngày nộp hồ sơ dự thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng, 10 - 3, đang đến gần, thí sinh cần biết các thủ tục và hồ sơ đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển, chuyển nhận giấy báo thi... dưới đây.

ImageView.aspx


Thí sinh nộp hồ sơ tại Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh

Khi đăng ký dự thi (ĐKDT) và đăng ký xét tuyển (ĐKXT), thí sinh dự thi tại trường nào thì làm hồ sơ ĐKDT vào trường đó.

Thí sinh đã dự thi ĐH theo đề thi chung của Bộ GD&ĐT, nếu không trúng tuyển nguyện vọng 1 đã ghi trong hồ sơ đăng ký dự thi, có kết quả thi từ điểm sàn trở lên, được sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi ĐH ngay năm đó để nộp hồ sơ ĐKXT vào các trường còn chỉ tiêu xét tuyển hoặc không tổ chức thi tuyển sinh, có cùng khối thi và trong vùng tuyển quy định.
Thí sinh đã trúng tuyển vào một trường (hoặc một ngành, nếu trường xét tuyển theo ngành) không được xét tuyển vào trường khác (hoặc ngành khác).

Thí sinh có nguyện vọng 1 học tại trường không tổ chức thi tuyển sinh hoặc hệ CĐ của trường ĐH phải nộp hồ sơ ĐKDT và dự thi tại một trường ĐH tổ chức thi theo đề thi chung của Bộ GD&ĐT có cùng khối thi; đồng thời nộp 1 bản photocopy mặt trước phiếu ĐKDT số 1 cho trường không tổ chức thi tuyển sinh hoặc hệ CĐ của trường ĐH. Những thí sinh này chỉ được xét tuyển theo nguyện vọng 1 vào trường không tổ chức thi hoặc hệ CĐ của trường ĐH.

Thí sinh dự thi vào ngành năng khiếu, nếu không trúng tuyển vào trường đã dự thi, được đăng ký xét tuyển vào đúng ngành đó của những trường có nhu cầu xét tuyển, nếu đúng vùng tuyển quy định của trường và có các môn văn hóa thi theo đề thi chung của Bộ GD&ĐT.

Thí sinh dự thi CĐ theo đề thi chung của Bộ GD&ĐT, nếu không trúng tuyển nguyện vọng 1 đã ghi trong hồ sơ đăng ký dự thi, có kết quả thi từ mức điểm tối thiểu quy định trở lên (không có môn nào bị điểm 0), được sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi CĐ ngay năm đó để nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào các trường cao đẳng hoặc hệ cao đẳng của các trường đại học còn chỉ tiêu xét tuyển, cùng khối thi và trong vùng tuyển quy định.
Hồ sơ ĐKDT gồm có: Một túi hồ sơ và 2 phiếu ĐKDT có đánh số 1 và 2; Ba ảnh chụp theo kiểu chứng minh thư cỡ 4x6 cm có ghi họ, tên và ngày, tháng, năm sinh của thí sinh ở mặt sau (một ảnh dán trên túi đựng hồ sơ, hai ảnh nộp cho trường);

Bản sao hợp lệ giấy chứng nhận là đối tượng ưu tiên (nếu có); Ba phong bì đã dán sẵn tem và ghi rõ địa chỉ liên lạc của thí sinh để các Sở GD&ĐT gửi giấy báo dự thi, giấy chứng nhận kết quả thi (hoặc giấy báo điểm) và giấy báo trúng tuyển.

Đối với thí sinh là đối tượng tốt nghiệp trung cấp nghề (hệ THCS) phải có xác nhận đã học đủ khối lượng và thi đạt các môn văn hóa THPT.

Hồ sơ ĐKXT gồm có: Giấy chứng nhận kết quả thi do các trường tổ chức thi cấp (có đóng dấu đỏ của trường); Một phong bì đã dán sẵn tem và ghi rõ địa chỉ liên lạc của thí sinh để trường thông báo kết quả xét tuyển.
Thí sinh nộp hồ sơ ĐKDT, lệ phí ĐKDT và cước phí vận chuyển hồ sơ tại nơi tiếp nhận theo quy định của Sở GD&ĐT. Các Sở GD&ĐT sẽ chuyển hồ sơ ĐKDT, lệ phí ĐKDT cho các trường.

Khi hết thời hạn nộp hồ sơ ĐKDT, lệ phí ĐKDT theo quy định của Sở GD&ĐT, thí sinh nộp ĐKDT và lệ phí ĐKDT trực tiếp tại trường.

Sau khi nộp hồ sơ ĐKDT, nếu phát hiện có nhầm lẫn, sai sót, thí sinh phải thông báo cho trường trong ngày làm thủ tục dự thi để kịp sửa chữa, bổ sung.

Hồ sơ và lệ phí đăng ký xét tuyển của thí sinh dù nộp qua đường bưu điện chuyển phát nhanh hoặc dịch vụ chuyển phát ưu tiên hoặc nộp trực tiếp tại các trường trong thời hạn quy định của lịch công tác tuyển sinh, đều hợp lệ và có giá trị xét tuyển như nhau.

H.T - TPO
 
Nhiều ngành hấp dẫn ở khối trường quân đội

Năm 2010, có 18 trường khối quân đội tuyển sinh ĐH, CĐ. Trong đó, chín trường có tuyển hệ dân sự với nhiều ngành nghề đào tạo hấp dẫn. Thời hạn để thí sinh đăng ký dự thi vào các trường quân đội sẽ bắt đầu từ 10-3.

ImageView.aspx


Thí sinh dự thi vào Học viện Phòng không - không quân trao đổi sau giờ làm bài trong kỳ thi tuyển sinh năm 2009 - Ảnh: Minh Trường

Trong số 18 học viện, trường ĐH, trường sĩ quan tuyển sinh đào tạo ĐH, CĐ năm 2010 có 16 trường phạm vi tuyển sinh trong cả nước. Riêng Trường Sĩ quan lục quân 1 tuyển thí sinh từ Quảng Trị trở ra và Trường Sĩ quan lục quân 2 tuyển thí sinh từ tỉnh Thừa Thiên - Huế trở vào. Ban tuyển sinh quân đội (Bộ Quốc phòng) cho biết thí sinh ở hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, tùy theo nguyện vọng, được chọn đăng ký dự thi (ĐKDT) vào một trong hai trường kể trên.

Dân sự: không cần sơ tuyển

Đối với hệ quân sự trong các trường khối quân đội tuyển sinh cả quân nhân tại ngũ và thanh niên, học sinh ngoài quân đội. Riêng Học viện Chính trị chỉ tuyển đối tượng là quân nhân đang tại ngũ. Quân nhân tại ngũ ĐKDT theo chỉ tiêu phân bổ cho từng đơn vị. Thanh niên, HS ngoài quân đội ĐKDT theo nguyện vọng, không hạn chế số lượng.

Khi ĐKDT vào hệ quân sự, thí sinh bắt buộc phải qua sơ tuyển, đạt các tiêu chuẩn về chính trị, độ tuổi và sức khỏe, khi trúng tuyển phải chấp hành sự phân công ngành học. Học viên hệ quân sự được bảo đảm về ăn ở, trang phục, phụ cấp hằng tháng, không phải đóng học phí... Ban tuyển sinh quân đội cho biết chỉ có ba học viện có chỉ tiêu tuyển 10% là nữ, bao gồm: ngành đào tạo bác sĩ quân y tại Học viện Quân y, ngành quan hệ quốc tế về quốc phòng và các ngành đào tạo ngoại ngữ thuộc Học viện Khoa học quân sự, kỹ sư quân sự ngành công nghệ thông tin và điện tử viễn thông của Học viện Kỹ thuật quân sự.

Có chín trường khối quân đội tuyển sinh đào tạo hệ dân sự bao gồm năm trường tuyển sinh hệ ĐH (có tổ chức thi) và bốn trường tuyển sinh hệ CĐ (chỉ xét tuyển bằng kết quả thi ĐH, CĐ theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT). Đối với hệ dân sự, thí sinh không cần phải qua sơ tuyển. Sinh viên đóng học phí theo quy định của Nhà nước và phải tự túc chỗ ở. Hệ dân sự cũng không hạn chế tỉ lệ tuyển nữ.

Nộp hồ sơ đến ngày 15-4

Ban tuyển sinh quân đội cho biết thí sinh ĐKDT vào hệ dân sự nộp hồ sơ ĐKDT tại các sở GD-ĐT theo quy trình và thời gian do Bộ GD-ĐT quy định. Đối với hệ quân sự, thí sinh cần phải mua hồ sơ theo mẫu riêng, sơ tuyển và nộp hồ sơ ĐKDT tại ban chỉ huy quân sự huyện, quận, thị xã nơi thí sinh có hộ khẩu thường trú. Thời gian tổ chức sơ tuyển và ĐKDT tại các địa phương từ ngày 10-3 đến 15-4. Thí sinh lưu ý thời hạn này ngắn hơn hai ngày so với thời hạn nộp hồ sơ theo quy định chung của Bộ GD-ĐT (kết thúc vào ngày 17-4).

Theo quy định áp dụng đối với kỳ tuyển sinh năm 2010 của các trường khối quân đội, thí sinh ĐKDT vào hệ quân sự cần phải đáp ứng được các điều kiện về lịch sử gia đình, bản thân, tuổi tác và sức khỏe. Một số đối tượng được ưu tiên như thí sinh thuộc khu vực 1, hải đảo, người dân tộc ít người được phép giảm điều kiện về sức khỏe theo quy định.

Các trường quân đội cũng sử dụng chung đề, thi cùng đợt theo quy định của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên khi xét tuyển, các trường quân đội sẽ thực hiện theo quy định riêng. Các học viện, trường quân đội sẽ tuyển đủ chỉ tiêu hệ quân sự theo NV1. Điểm trúng tuyển xác định riêng cho hai khu vực phía Bắc và phía Nam. Việc xét tuyển các NV khác vào hệ quân sự của các trường trong trường hợp còn chỉ tiêu sẽ chỉ xét trong số những thí sinh dự thi vào các trường quân đội, đã qua sơ tuyển và có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Quốc phòng, có cùng khối thi.

Đối với hệ dân sự sẽ xét tuyển NV2, NV3 theo quy chế chung của Bộ GD-ĐT nếu chưa tuyển đủ chỉ tiêu. Thí sinh dự thi vào hệ quân sự của các trường quân đội nhưng không trúng tuyển NV1 được sử dụng kết quả thi để đăng ký xét tuyển NV2, NV3 vào các trường ĐH, CĐ ngoài quân đội.

Chỉ tiêu hệ dân sự

Học viện Kỹ thuật quân sự: tuyển 575 chỉ tiêu khối A vào các nhóm ngành công nghệ thông tin, điện - điện tử, cơ khí và cơ khí động lực, xây dựng và cầu đường. Học viện Quân y: tuyển 105 chỉ tiêu khối A và B đào tạo ngành bác sĩ đa khoa. Học viện Khoa học quân sự: 100 chỉ tiêu, gồm 60 chỉ tiêu khối D1 đào tạo ngành tiếng Anh và 40 chỉ tiêu khối D1, 2, 3, 4 đào tạo tiếng Trung.

Trường ĐH Văn hóa nghệ thuật quân đội: tuyển sinh 120 chỉ tiêu các khối năng khiếu N, H và R, đào tạo các ngành sư phạm âm nhạc, sư phạm mỹ thuật, quản lý văn hóa và nghệ thuật chuyên nghiệp. Trường Sĩ quan công binh: xét tuyển 180 chỉ tiêu đào tạo các ngành cầu đường bộ, máy xây dựng.

Trường Sĩ quan thông tin: xét tuyển 180 chỉ tiêu đào tạo hai ngành công nghệ thông tin và điện tử viễn thông. Trường sĩ quan kỹ thuật quân sự Vinhem Pich: xét tuyển 190 chỉ tiêu khối A, đào tạo hai ngành công nghệ thông tin và cơ khí động lực. Trường CĐ Công nghiệp quốc phòng: xét tuyển 250 chỉ tiêu khối A và D đào tạo các ngành kế toán, công nghệ kỹ thuật điện, công nghệ kỹ thuật cơ khí. Học viện Hậu cần: tuyển sinh 250 chỉ tiêu khối A, đào tạo ba ngành: tài chính ngân hàng, kế toán, kỹ thuật xây dựng.
THANH HÀ - TTO
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top