Sinh viên chạy tiền ăn học: Cực khổ trăm đường

  • Thread starter Thread starter Butchi
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
Sinh viên chạy tiền ăn học: Cực khổ trăm đường

LTS. Để nuôi ước mơ đại học, nếu kinh tế gia đình eo hẹp lại khó tiếp cận một chính sách cho vay vốn đi học của Nhà nước thì sinh viên phải xoay xở đủ cách, từ vay nóng, thế chấp tài sản đến lên mạng cầu cứu, chấp nhận làm thêm bất cứ chuyện gì, kể cả bán thân!

Trong vai một sinh viên kẹt tiền đóng học phí, PV Sài Gòn Tiếp Thị đã tiếp cận những điểm cho vay nóng, cầm đồ này để hình dung phần nào nỗi khốn đốn của sinh viên con nhà nghèo.

Các địa điểm cho vay nóng, cầm đồ mọc nhan nhản gần các trường đại học. Sinh viên đến đây với nhiều lý do: cần tiền đóng học phí, trả nợ, đóng viện phí, mua quà tặng bạn… Có người cầm thẻ sinh viên lấy 300.000 đồng để lo cho gần một tháng tiền ăn.

Tiệm cơm, quán càphê kiêm cho vay nóng

Hữu Chí, cựu sinh viên dẫn chúng tôi tới làng đại học Linh Trung (quận Thủ Đức) nói rành rẽ: “Ở đây có ba, bốn tiệm cho vay nóng kiêm cầm đồ, khách chủ yếu là sinh viên”. Tuy nhiên, Đ.B – tiệm đầu tiên mà cựu sinh viên này giới thiệu – có mặt tiền là nơi bán cơm. Khi vòng xe ra sau nhà thì mới thấy một hệ thống phòng biệt lập: đây là tiệm cầm đồ kiêm cho vay nhưng không công khai. Một người trung niên thấy khách lạ, bước ra dò xét. Sau khi hạch hỏi ai giới thiệu, sinh viên trường nào… thì người này mới hỏi “Muốn vay (bao) nhiêu?” Ở đây nhận cầm giấy tờ xe, chứng minh nhân dân, thẻ sinh viên mỗi loại 300.000 đồng, lãi suất 5%, còn cầm xe thì mỗi đợt vay là 10% (vay 1 triệu đồng thì tiền lời 10.000 đồng/ngày). Quán này mở đã lâu và là quán duy nhất cho vay nóng với điều kiện để lại thẻ sinh viên và chứng minh nhân dân. Đây là điểm cho vay có nhiều khách sinh viên nhất bởi lãi thấp, điều kiện dễ dàng.

Qua một địa chỉ khác ở ngã ba ký túc xá, quán này đặc biệt hơn bởi cái biển hiệu “hai trong một”: hiệu thuốc và hiệu cầm đồ. Đây cũng là nơi cho vay nóng, nhưng chỉ tiếp người quen. Thử vay tiền đóng học phí, bà chủ tiệm lắc đầu: “Chỉ cầm nữ trang, không cho vay tiền nữa”. Cố thương lượng thêm như muốn cầm xe, dây chuyền bạc thì bà chủ vẫn lắc đầu vì “trông cậu lạ quá”. Ngoại trừ tiệm này có trưng biển hiệu cầm đồ, các địa chỉ cho vay nóng khác ở khu vực này chủ yếu hoạt động ngầm. Có những quán bề ngoài kinh doanh càphê, karaoke… như ở quán cà phê Tr., khách quen có thể vay 300.000 đến 500.000 đồng mà không cần thế chấp giấy tờ. “Muốn vay số tiền lớn phải chịu lãi suất 10% và có người bảo lãnh”, Hữu Chí cho biết.

Từ cầm đồ đến lên mạng… bán thân

Cùng với vay nóng, cầm đồ đang là giải pháp được nhiều sinh viên lựa chọn mỗi khi túng tiền. Cùng phải đóng tiền lãi như vay nóng, nhưng cầm đồ có thể mang lại khoản tiền lớn hơn. Gần khu vực các trường học, tiệm cầm đồ đang xuất hiện với mật độ ngày càng dày và khách hàng chủ yếu tất nhiên là sinh viên.

Khu vực trường đại học Giao thông vận tải (cơ sở 2) trên đường Lê Văn Việt (quận 9), có đến ba, bốn tiệm cầm đồ. Xách laptop vào hỏi một hiệu cầm đồ cách cổng trường khoảng 200m, anh chủ tiệm không cần hỏi lý do, chỉ săm soi chiếc máy tính và ra giá. Anh này xác nhận, đa số điện thoại di động trong quầy và những chiếc máy tính xếp trên kệ đều của sinh viên. Khu vực đại học Sư phạm kỹ thuật, đại học Công nghiệp, đại học Kỹ thuật công nghệ cũng xuất hiện nhiều tiệm cầm đồ với khách chủ yếu là sinh viên…

Mạng internet cũng là một kênh kiếm tiền đang được các sinh viên rỉ tai nhau. Người thì rao bán điện thoại, máy ảnh, máy tính, xe máy thậm chí… “đổi tình lấy tiền” và “nhận làm bất cứ việc gì, bất cứ giờ nào”. Đa số người đi vay đều nêu lý do “kẹt tiền đóng học phí”, “trang trải học hành”, “về quê thăm nhà”… Cũng có người cầu cứu cộng đồng mạng chỉ giúp chỗ vay tiền, với lời rao: “Ai biết chỗ cho vay nóng thì chỉ cho em nha, em là sinh viên nhưng thiếu tiền học phí”, “Mình là nam sinh viên cần vay một số tiền là bảy triệu để trả nợ vì bị lừa, mình không có gì giá trị để thế chấp cả”…

Tưởng rằng vay tiền từ nguồn vay tư nhân sẽ thuận lợi hơn vay vốn ngân sách Nhà nước, nhưng nhiều khi nắm được một địa chỉ vay nóng, thế chấp tài sản mà cũng chưa thể cười được, phải trải qua bao nhiêu hạch hỏi, dò xét... Đó là chưa kể đến những sinh viên không có tài sản gì để thế chấp thì biết lấy tiền đâu trang trải việc học? (Còn tiếp)

bài Trung Dũng ảnh P.V.Tiệp

Nguyễn Phú Quý, sinh viên đại học dân lập Văn Lang: “Em rất bức xúc vì ngân hàng đột ngột ngưng cho vay vốn. Nhà em hoàn cảnh khó khăn, mẹ lại bị bệnh nên năm ngoái tiền học phí trông cả vào tiền vay ngân hàng. Năm nay đến kỳ hạn nộp học phí, tưởng được vay nên em viết giấy xin gia hạn đến 15.11. Tuy nhiên khi đến nộp hồ sơ vay vốn thì bị từ chối, bảo là không có sổ hộ nghèo thì không được vay. Mà chờ có sổ hộ nghèo thì phải cuối năm trong khi tiền học phải đóng liền. Giờ nói thật là nhà em chưa biết tính sao, mẹ định đi vay nóng nhưng sợ không trả nổi, lại nợ chồng chất”.

Nguyễn Thị Phước, sinh viên khoa quản trị kinh doanh, đại học Kỹ thuật công nghệ: “Nghe tin sinh viên nghèo được vay vốn đi học, nhà em háo hức xin giấy nhà trường, làm đủ thủ tục vì nhà nghèo, học phí lại cao. Nhưng đã hai năm dù mẹ, chị em và em cứ chạy tới chạy lui mà vẫn không được vay. Hỏi bên xã, lúc thì họ nói chưa có đợt, khi thì bảo ngân hàng chưa giải ngân… Họ xin số điện thoại hứa khi nào có thì báo, hẹn tới hẹn lui mà chưa thấy trả lời. Mẹ em phải đi vay người ta, rồi vay vốn ngân hàng khác để làm ăn nhưng phải trích tiền từ đó gửi cho em đóng học phí. Em thì phải làm thêm để phụ giúp cho mẹ phần nào. Em rất bức xúc vì cách làm việc của bên xã và ngân hàng. Đáng lẽ phải tạo điều kiện cho sinh viên thì lại làm khó!”

T.Văn - SGTT
 
Bài 2: Khó khăn chồng chất

Những bất cập của chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên vô tình đẩy những gia đình nghèo vào cảnh thêm khốn khó. Do thủ tục rắc rối nhiêu khê, không phải ai cũng có thể tiếp cận được nguồn vốn này. Đã vậy, năm học này nhiều gia đình bị rơi vào thế bí khi ngân hàng ngưng cho vay những trường hợp không có sổ hộ nghèo…

“Hết cách nên đi vay nóng”

Lật tới lật lui tập hồ sơ vay vốn ngân hàng, Trần Hữu Phước, sinh viên khoa cơ khí chế tạo máy đại học Sư phạm kỹ thuật, buồn giọng: “Ngân hàng ngưng cho vay vốn đột ngột, tiền học phí giờ em chưa biết tính sao. Ba năm trước đều được vay vốn, giờ nộp hồ sơ họ bảo không có sổ hộ nghèo thì không được vay. Ba mẹ em đang tính bán đất vì em học năm cuối rồi bỏ thì uổng quá”. Lớp Phước có 50 sinh viên thì tới 80% phải vay vốn đi học.

Bức xúc như Phước, Trần Thị Kiều Ni, quê Dăk Nông, sinh viên năm cuối trường đại học Ngân hàng, rầu rĩ: “Nhà nghèo, bố mẹ làm mướn nên để nuôi hai chị em em học đại học phải vay vốn ngân hàng. Nhưng năm nay họ không thông báo gì, cắt cái rụp nên nhà em phải ứng trước tiền bán càphê gửi xuống cho hai chị em”. Thông tin ngưng cho vay vốn của ngân hàng Chính sách xã hội còn làm nhiều gia đình khác rơi vào thế bị động. Bà Trương Thị Ngọc Lành bật khóc khi kể về hành trình vay vốn đi học của cháu mình là Trần Quang Huy, sinh viên đại học Kiến trúc TP.HCM: “Gia đình đơn thân, điều kiện kinh tế khó khăn mà không được vay tiền đi học thì biết tính sao”. Ngày biết tin Huy đậu đại học, thay vì vui nhà bà lại khóc bởi “không biết có nuôi nổi cho nó ăn học”. Nghe tin sinh viên được vay vốn, bà chạy hết nơi này, nơi khác hỏi tin, làm giấy tờ thủ tục, chờ cả tháng trời rồi cuối cùng cũng được vay 8.600.000 đồng, nhưng “năm nay nghe nói không có sổ hộ nghèo thì không được vay, Huy còn ba năm ăn học, chẳng lẽ đau lòng nhìn cháu nghỉ học”.

Theo các sinh viên, trước đây để nhận được tiền tín dụng cũng hết sức gian nan bởi quá nhiều thủ tục, nhiều khâu trung gian. Làm xong thủ tục chờ cả tháng trời mới có tiền. Có những gia đình dù làm đủ hồ sơ vẫn không thể tiếp cận được nguồn tín dụng này. Hai năm nay, không biết bao nhiêu lần bà Nguyễn Thị Loan cũng như cô con gái cứ chạy tới chạy lui hết trụ sở phường đến ngân hàng chính sách địa phương để nộp hồ sơ vay vốn. Nhưng mẹ con bà chỉ nhận được những lời hứa suông. Biết có chờ thêm cũng chẳng được, từ ngày con rời Đồng Tháp lên TP.HCM học, bà luôn trong tâm thế sẵn sàng đi vay tiền để gửi cho con.

Tự thân vận động

Đã có 1,9 triệu học sinh, sinh viên được vay vốn

• Năm đầu tiên (2007) thực hiện chương trình tín dụng cho học sinh sinh viên, dư nợ cho vay là 2.807.034 triệu đồng, với 629.367 học sinh, sinh viên • Đến 12.2008, dư nợ cho vay là 9.740.810 triệu đồng, với 1,2 triệu học sinh, sinh viên • Đến tháng 12.2009, dư nợ cho vay là 18.230.856 triệu đồng, với 1,6 triệu học sinh, sinh viên• Sau ba năm, đến hết tháng 8.2010, dư nợ cho vay trên 24.000 tỉ đồng, với trên 1,9 triệu học sinh, sinh viên của trên 1,7 triệu hộ gia đình được vay vốn• Một lãnh đạo ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, cho biết mức cho vay đối với học sinh, sinh viên năm học này là 860.000 đồng/tháng/người, lãi suất 6%/năm.

Theo phản ánh của sinh viên và phụ huynh, ngay cả khi đã nhận tiền cũng chưa thể cười nổi. Nguyễn Thị Phước, sinh viên đại học Kỹ thuật công nghệ cho rằng: “Đầu năm học là thời điểm phải chi nhiều khoản như học phí, mua sắm đồ dùng cá nhân, thuê phòng trọ… Tuy nhiên, sau khi nhập học trường mới xác nhận sinh viên, lúc đó mới được vay vốn thì không kịp”. Cũng theo Phước, vay vốn ngân hàng là chuyện của người vay và ngân hàng nhưng lại bắt buộc phải qua trung gian là địa phương, nên nếu “cửa” này bị tắc, người vay vốn đi học phải mòn mỏi chờ. Nguyễn Phú Quí, sinh viên đại học dân lập Văn Lang, đúc kết: “Lúc cần tiền để đóng học phí thì chưa nhận được tiền giải ngân, trong thời gian đó gia đình phải vay tiền ở ngoài chịu lãi”. Còn Phạm Thị Kiều Trang, sinh viên đại học công nghệ Sài Gòn, bộc bạch: “Em qua xã thì họ bảo phải chờ ý kiến của ngân hàng, qua ngân hàng huyện thì lại nói chờ danh sách xã gửi lên. Chạy lòng vòng cuối cùng họ xin số điện thoại sau này sẽ liên lạc, đến nay đã nửa học kỳ mà chưa thấy đả động gì”. Trong thời gian chờ đợi, gia đình ở quê phải vay nóng gửi lên cho Trang.

Chính vì những bất cập đó mà sinh viên phải tự xoay xở tiền nong khi cần kíp. “Sinh viên kỹ thuật thì cần mua đồ thực hành nhiều, mà tiền cho vay chỉ đủ đóng học phí và tiền ăn ở, chưa kể những lúc đau ốm”, Hữu Phước nói. Vì vậy, mấy năm nay Phước phải bươn chải làm thêm đủ nghề từ dạy kèm tới phụ nhà hàng, chạy bàn quán càphê… “Có cái máy tính nhưng em không dám cầm vì cầm thì lấy gì làm đồ án tốt nghiệp?” Cùng tình cảnh, vì không vay được tiền tín dụng nên Nguyễn Thị Phước phải tất bật làm thêm – “Đợt rồi mẹ không gửi tiền lên kịp để đóng học phí, em suýt nữa nghỉ học nhưng may mượn được bốn triệu của một người cùng chỗ làm”…

Sự quan liêu trong quá trình xét duyệt thủ tục của chính quyền địa phương cũng vô tình đẩy nhiều sinh viên nghèo vào thế bí. Chị Kim Dung, có em học ở khoa kinh tế đại học Quốc gia TP.HCM cho biết: “Làm đủ thủ tục, chờ mãi vẫn không được vay. Lên hỏi thì phía ngân hàng bảo phải có xác nhận của hiệu trưởng, không chấp nhận chữ ký của trưởng khoa. Gia đình phải viết giấy trình bày, trưởng khoa đích thân ký và bổ sung thêm giấy xin phép thành lập khoa trực thuộc mới được”. Cũng vì thiếu một con dấu mà hai năm nay Huỳnh Thanh Sang, sinh viên học viện Hành chính quốc gia đi học trong tình trạng nợ học phí. Khi Sang trúng tuyển, gia đình làm hồ sơ xin vay vốn nhưng bị từ chối vì “không chấp nhận dấu mộc của cơ sở hai”. “Em phải đi làm thêm đủ việc từ phát tờ rơi, dạy thêm… để tự lo tiền ăn học vì gia đình nghèo, mẹ lại bị bệnh nặng. Năm rồi em của em đậu vào đại học Khoa học xã hội và nhân văn nhưng không có tiền học phải xin bảo lưu để đi làm thêm. Em làm tiếp hồ sơ vay vốn nhưng họ bảo chờ”, Sang kể.

Khi chúng tôi hỏi nhà trường có chính sách hỗ trợ như liên kết với ngân hàng nào tạo nguồn vốn giúp sinh viên thì đa số sinh viên đều lắc đầu. Liên hệ lãnh đạo một số trường để hỏi về việc này, các vị này đều cho biết là không có. Trưởng phòng công tác chính trị sinh viên một trường đại học tại TP.HCM (xin giấu tên), thừa nhận: “Mấy năm trước trường có liên kết với một ngân hàng cho sinh viên vay vốn và phát hành thẻ nhưng giờ thì không. Vì siết nợ sinh viên bằng cách giam bằng, bị phản ảnh quá nên chúng tôi ngưng. Giờ chỉ tạo điều kiện giấy tờ cho các em được vay vốn tín dụng ở địa phương thôi”.

(còn tiếp)


bài và ảnh Trung Dũng- SGTT
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top