Scientific American Mind – Nghiên cứu khoa học về sự viết tay

rubi_mos2002

New member
Xu
0
Tác giả: Brandon Keim


Hình minh hoạ của Celia Johnson


Duy Đoàn chuyển ngữ, Blog chiếc nón


Tôi đang viết bài báo này bằng kiểu táo bạo, thử nghiệm ngược ngạo, dùng một kĩ thuật hiếm khi được thấy trong giới xuất bản hiện đại: viết tay, dùng bút và giấy, những dụng cụ xuất xứ từ cây cối này vốn chỉ được coi là những vật lạ kì mang tính lịch sử trong mắt giới mê công nghệ, giống như mấy tấm bản đất sét hay máy đánh chữ Remington.


Tại sao tôi lại làm điều như vậy trong thời đại bấm phím này? Một phần tôi làm vậy vì viết tay đang trở thành một hoạt động bên lề, ở ngoài xã hội và trong đời tôi. Chúng ta gõ chữ nhiều hơn bao giờ hết, và không phải điều gì bất thường khi ta gặp những người hoàn toàn ngưng dùng tay để viết, chữ viết của họ khô quắt như những chi cụt còn để lại vết tích.


Tôi luôn có cảm giác rằng suy nghĩ của tôi sẽ khác – cân nhắc hơn, phong phú hơn – khi thông qua bàn tay thay vì cỗ máy. Mấy người tôi gặp thường kể những câu chuyện giống vậy. Họ vẫn dùng bàn phím để chuyển tải phần lớn chữ nghĩa, nhưng vẫn dùng tay lập danh sách, ghi chú, phác thảo các đoạn văn hay sắp xếp ý nghĩa. Họ cũng cảm thấy viết tay liên quan đến trí óc theo một cách khác.


Chỉ cảm giác thôi chắc chắn thiếu tính khoa học. Nó có thể là ảo tưởng hoặc bị nhiều nhân tố làm xáo trộn, chẳng hạn khó khăn khi kiểm tra e-mail trên giấy, vốn không có liên quan gì đến những thuộc tính tri nhận của viết tay. Các nhà hoài nghi có thể khẳng định rằng trẻ em thời hiện đại, khi trải nghiệm bàn phím và màn hình, sẽ vận dụng được các thiết bị đó để có được kết quả tương đương. Chừng nào mà ta còn viết, thì chuyện đó ảnh hưởng ra sao có quan trọng gì?


Minh triết theo truyền thống cũng theo hướng vậy. Mọi cuộc chuyển dời công nghệ quan trọng ngàn năm có một đều gây ra mối bận tâm đau đầu: chúng ta lo lắng về chứng nghiện Internet, tình bạn trở nên tầm thường hơn do các phương tiện truyền thông xã hội, máy đọc sách điện tử thay thế sách giấy, màn hình điện tử sẽ biến bọn trẻ thành những kẻ nghiện ngập thế giới mô phỏng. Tuy vậy ngoại trừ cuốn The Missing Ink đáng yêu của Philip Hensher có đi dò xét phần lịch sử văn hoá của lối viết tay, thì chuyện kĩ thuật này mất dần, trọng tâm cho sự trỗi dậy của nền văn minh, phần lớn không được người đời lưu ý đến.


Như sẽ nói tới đây, chỉ có vài nhà khoa học từng nghiên cứu mối liên hệ giữa viết tay và tư duy, và những phát hiện của họ còn ở dạng phác thảo sơ kì – nhưng phần phác thảo đó gợi ý rằng chuyện chúng tôi những người từ chối việc cầm bút có thể khám phá ra điều gì đó. Bút mực và bút chì dường như thu hút não bộ của chúng ta theo cách đặc biệt, nhất là ở trẻ em. Liệu những khác biệt này có chuyển dịch thành những sắc thái trong tư duy người lớn hay không vẫn là điều chưa rõ, và nếu bạn tìm kiếm lời khuyên về chuyện cây bút chì có thúc đẩy não bộ của bạn mạnh mẽ nhất hay không, thì lời khuyên đó không tồn tại. Nhưng xã hội cần cẩn trọng khi muốn gạt bỏ cây bút chì ra mãi mãi.


how-we-learn-the-science-of-handwriting-illustration-2.jpg



Bàn tay diệu kì


Khi xem xét rằng chữ viết là một trong những thành tựu nền tảng của nhân loại – bộ luật Hamurabi đâu phải được học thuộc, và Gutenberg chỉ có thể in ra những thứ ban đầu được viết tay – người ta có thể mong chờ điều kết luận mang tính khoa học hơn về những phương tiện truyền đạt của chữ viết. Từ những nghiên cứu hiện đại đầu tiên về sự viết, vào thập niên 1970 đến gần đây, các nhà nghiên cứu đã tập trung vào những khía cạnh tri nhận và ngôn ngữ học, chẳng hạn như các chiến lược duyệt lại bài viết hoặc về trí nhớ. Bộ não là thứ quan trọng, chứ không phải các công cụ, cũng không phải những phần còn lại trong cơ thể. Phương tiện truyền đạt không phải là thông điệp.


“Các nhà nghiên cứu lâu nay quan tâm đến viết lách như hành động mang tính ngôn ngữ học. Quả vậy, nhưng nó phải được thực hiện bằng phương cách mang tính vật chất,” theo lời Christina Haas, giáo sư tại khoa nghiên cứu sự viết ở University of Minnesota và là biên tập viên cho tờ tập san Written Communication. Vào thập niên 1980, Haas phát hiện, một cách bất ngờ, rằng sinh viên dường như đạt kết quả tốt hơn khi dùng tay thảo ra bài viết của mình thay vì dùng bằng bàn phím. Đây là một cứ liệu, không phải kết luận; nghiên cứu đó có phạm vi nhỏ và quan trọng là có thể các sinh viên đó không làm quen với chuyện đánh máy trong suốt thời thơ ấu. Tuy thế, kết quả của bà vẫn làm người ta tò mò.


“Tôi nghĩ, Làm thế nào mà công cụ bạn dùng lại ảnh hưởng đến chuyện xảy ra trong não bộ?” Hass cho biết. “Tôi biết điều này nghe ra đơn giản, nhưng nó dẫn tôi đến một nhận thức mà người ta không nói đến: chính cơ thể con người chen vào giữa công cụ và não bộ.” Điểm trọng tâm của chuyện can thiệp này là bàn tay của ta, nơi diễn ra rất nhiều mối tương tác hàng ngày. (Nếu bạn muốn cảm nhận đôi bàn tay của mình theo cách mới mẻ, hãy bỏ ra 15 phút chú tâm vào chuyển động của chúng.) Trong một xã hội trọng hình ảnh, đôi tay có xu hướng bị lờ đi, nhưng tầm quan trọng tiến hoá của chúng là điều hết sức quan trọng.


Lucy, tổ tiên của chúng ta thuộc chủng australopithcus, không đơn thuần đặc biệt vì bà ta đứng thẳng người mà còn vì đôi bàn tay của bà được tự do hoạt động. Trong mấy triệu năm tiếp sau đó, phần phụ thêm này đạt được tính linh hoạt khéo léo và có được độ chuẩn xác, dùng để tạo ra công cụ và cũng có thể góp phần hình thành ngôn ngữ. Một số nhà nghiên cứu cho rằng cử chỉ làm cho ngôn ngữ tiến hoá, mang lại sự phong phú biểu tượng cần thiết để khởi sinh ra cú pháp. “Bàn tay và trí óc có mối liên kết mật thiết với nhau,” theo lời nhà nhân học David F. Armstrong.


Tầm quan trọng của liên kết tay-óc được thấy ở những đứa trẻ đang phát triển, mà đối với chúng khả năng điều khiển các đối tượng vật chất đi cùng với việc thụ đắc khả năng nói. Điều rõ ràng cũng thể hiện trong các văn liệu lâm sàng, trong đó mô tả nhiều trường hợp các bệnh nhân bị thương tích ở não bộ làm tổn hại đến khả năng viết của họ nhưng họ cũng nỗ lực nhận diện các mẫu tự bằng thị giác. Đối với những người gặp khó khăn trong việc đọc, thì cách giúp họ là dùng ngón tay lần theo đường nét bên ngoài của các mẫu tự.


“Chúng ta dùng bàn tay để truy cập vào tư duy của mình,” theo lời của Virginia Berninger, nhà tâm lí học giáo dục ở trường University of Washington. Những gì tay ta làm với bàn phím rất khác với giấy bút. Đối với hầu hết mọi người, việc gõ bàn phím trở thành thao tác tự động sau vài tháng chỉ dẫn. Việc học những dạng hình chính xác cấu thành những kí tự viết tay tuy vậy lại tốn nhiều năm. (Tay thuận sẽ không trơ trọi. Theo như chuyên gia về giao diện Yves Guiard của Télécom ParisTech đã chứng tỏ, tay nghịch thường xuyên điều chỉnh vị trí giấy một cách khéo léo trước khi các mẫu tự được hình thành.) Các dạng hình này quá phong phú đến mức các chuyên gia phân tích pháp lí mặc nhiên cho rằng không có hai người nào có cùng một kiểu chữ.


Phản hồi trực quan cũng là điều thiết yếu. Chữ viết tay sẽ rất lộn xộn nếu viết trong bóng tối. Và điều đó chỉ ra được những gì giáo sư Anne Mangen, chuyên nghiên cứu lĩnh vực đọc-viết, của trường Universitetet i Stavanger ở Norway xem xét thuộc tính trọng tâm của viết tay: nó hợp nhất bàn tay, mắt và sự chú ý tại một điểm duy nhất trong không gian và thời gian. Gõ trên bàn phím, là điều mà Mangen gọi là “trạng thái trừu tượng của câu viết”, là hành động phá vỡ sự hợp nhất này. Câu hỏi đặt ra là, liệu điều đó có quan trọng không?


how-we-learn-the-science-of-handwriting-illustration-1.jpg



Mẫu tự mang tính chất khoa học


Những khởi điểm của câu trả lời, để cho phù hợp, phải đi kèm với sự tri giác mẫu tự. Việc nhìn thấy những mẫu tự viết tay hoặc được đánh máy sẽ kích thích hoạt động thị giác một cách tự nhiên, nhưng việc thấy chữ viết tay còn sản sinh ra hoạt động vận động (motor activity) mặc dù chúng ta vẫn còn ở trạng thái bất động về mặt vật lí. Ở cấp độ thần kinh học, một mẫu tự được viết ra mang cả hai tính chất thị giác lẫn vật lí.


Marieke Longcamp, nhà khoa học tri nhận tại trường Aix-Marseille Université ở Pháp, đề cập đến hiện tượng này như một ví dụ điển hình của sự tri giác và đã nghiên cứu các hệ quả của nó bằng một chuỗi các thí nghiệm trong đó họ kiểm tra khả năng nhận diện các mẫu tự ở trẻ em, một công việc đơn giản đối với người trưởng thành biết chữ. Phát hiện ra các mẫu tự b và d hoặc hiểu được A và a là hai kí tự giống nhau sẽ là công việc dễ dàng chỉ vì ta thực hành điều này từ hồi xa xưa lận.


Khi Longcamp tập cho bọn trẻ hãy còn đang học bảng chữ cái dùng tay viết ra các mẫu tự, chúng nhận ra được các mẫu tự đó nhanh hơn so với lúc dạy chúng bằng cách bấm những phím thích hợp, theo như mô tả trong một nghiên cứu năm 2005 của bà. Một năm sau, Longcamp thấy được kiểu mẫu tương tự ở người lớn, nhưng với một sai khác đáng lưu tâm. Sau vài tuần dạy cho những người lớn cách viết tay hoặc gõ những kiểu chữ lạ lẫm của tiếng Bengal. Ngay sau phần tập luyện như thế, những người viết tay và những người đánh máy đều có khả năng thực hiện những bài kiểm tra nhận dạng tốt như nhau. Thế nhưng sau vài tuần nữa, những khác biệt đáng kể về trí nhớ mới nảy sinh ra. Kiến thức về kiểu chữ tự thu thập được từ bàn tay vẫn tiếp tục duy trì trong đầu, trong khi nó sẽ dần biến mất nếu thông qua việc gõ chữ.


Longcamp gán sự khác biệt này cho hoạt động vận động phát sinh ra khi chúng ta nhìn thấy những mẫu tự viết tay. Bởi vì đọc một kí tự nghệch ngoạc dường như sẽ kích hoạt những chỉ dẫn thần kinh để hình thành chữ viết ấy, hành động đọc đơn thuần một kí tự như thế sẽ tái hiện kí tự đó trong trí óc ta theo cách mới mẻ. “Trí nhớ kiểu này không tồn tại ở bàn phím,” Longcamp cho biết.


Những nghiên cứu đó chưa phải là chung quyết; chúng chỉ có vài chục người tham gia vào, và những lời cảnh báo không tránh khỏi đã xuất hiện. Tuy thế chúng lại tương thích với một dãy những phát hiện bổ sung, trong đó phát hiện tiếp theo đến từ nhà khoa học thần kinh tri nhận Karin James thuộc trường Indiana University Bloomington. James lưu tâm đến phần chuyên môn hoá chức năng, vốn là cách dùng để tinh chỉnh những bộ phận trong não bộ con người để xử lí các gương mặt, màu sắc và chuyển động mà không cần có tư duy ý thức.


Những mẫu tự cũng đạt được sự chuyên môn hoá, nhưng không như màu sắc và chuyển động, chúng gần như chắc chắn không nằm sẵn trong bộ não như kết quả của tiến hoá. Thay vào đó, James phỏng đoán, những quá trình chuyên môn hoá của các mẫu tự phát triển trong suốt thời thơ ấu, thông qua việc tiếp xúc với ngôn ngữ, điều này dấy lên câu hỏi liệu rằng những loại tiếp xúc khác nhau có gây tác động đến sự chuyên môn hoá hay không.


James quan sát bộ não của nhiều người khi họ nhìn vào các mẫu tự và các hình dạng giống mẫu tự trong bộ đôi thí nghiệm diễn ra năm 2008 và 2010. Khi người ta dạy họ dùng tay viết những hình dạng đó, thì sẽ có nhiều hoạt động hơn ở những khu vực mẫu tự [trong bộ não] được chuyên môn hoá theo chức năng so với lúc họ học cách bấm phím. Hơn nữa, khi James mô tả trong bài nghiên cứu năm 2012, việc nhìn thấy những mẫu tự viết tay không chỉ tạo ra hoạt động vận động như mong đợi mà thậm chí còn tăng cường hoạt động ở những khu vực thị giác thuần tuý. Bàn tay giúp chúng ta nhìn thấy.


James không gán khả năng này cho những cơ chế tái-diễn-mẫu-tự-trong-trí-óc mà gán cho cái cách mà bàn tay chúng ta tạo ra những kiểu chữ khác nhau một cách tinh vi ở mỗi lần lặp lại. Thậm chí một cây bút dày dạn kinh nghiệm cũng hiếm khi sản sinh ra hai kí tự giống hệt nhau và kết quả này còn biểu hiện rõ rệt hơn ở trẻ em. Như James mô tả, những kiểu chữ của trẻ em vẫn còn “nhiễu so với hình mẫu” và tổng lại thì chúng tạo nên một thư viện trong trí óc chứa nhiều biến thể khác nhau mà một mẫu tự đơn lẻ có thể có được.


Nhận dạng mẫu tự là cơ sở cho chuyện đọc. Nó cũng quan trọng đối với chính tả, một khả năng dự đoán được nhiều kĩ năng ngôn ngữ cấp cao, chẳng hạn kĩ năng chuyển dịch các ý tưởng thành văn bản hoặc kĩ năng thể hiện ra rõ ràng các khái niệm. “Nếu quá trình này xảy ra khác tuỳ theo phương thức viết, thì nó có thể tác động đến toàn bộ quá trình đọc,” Longcamp cho biết.


Quá trình xử lí thần kinh ở cấp độ mili-giây như vậy có thể bắt gặp được điều tương ứng của thế giới thực, như công trình của Berninger ở trường University of Washington tiết lộ cho biết. Berninger đứng đầu một nghiên cứu đặc biệt thấu đáo kéo dài năm năm về 128 đứa trẻ khi chúng học cách viết. Bà cùng đồng nghiệp theo dõi những đối tượng của mình dựa trên những đo đạc khác nhau về khả năng tri nhận và học tập, từ cách nhịp các ngón tay theo thứ tự cho đến khả năng chính tả, trí nhớ và các kĩ năng giao tiếp.


how-we-learn-the-science-of-handwriting-01.jpg



Hoạt động não bộ diễn ra khác nhau tuỳ vào lúc viết hoặc gõ các mẫu tự. Trong một nghiên cứu, những người tham gia thí nghiệm nào nhìn thấy các mẫu tự mà họ viết trước đó, chứ không phải gõ, sẽ có nhiều hoạt động hơn ở nếp cuộn não trán dưới (inferior frontal gyrus) (hình bên trái), khu vực chịu trách nhiệm cho khả năng nói, và ở vỏ não vành trước (anterior cingulate cortex) (hình bên phải), liên quan đến khả năng ra quyết định và sự chú ý cùng với những khả năng khác.


Chìa khoá cho bản công bố năm 2009 xuất hiện từ nghiên cứu này là những vận động ngón tay phối hợp theo chuỗi, điều mà nhà tâm lí học Karl Lashley danh tiếng từng đề xuất, vào giữa thế kỉ 20, như nền tảng cho những chức năng tri nhận cơ bản. Vào thập niên 1990, người ta đã chứng tỏ chúng cũng là cơ sở cho viết tay. Trong khi thực hiện các vận động ấy, các học viên phô bày ra những khác biệt rõ ràng ở hoạt động não bộ thường có liên hệ với ngôn ngữ và trí nhớ làm việc (working memory; còn được gọi là trí nhớ ngắn hạn – ND). Chi tiết sau – năng lực của con người có thể giữ lại và sắp xếp thông tin trong trí óc, chẳng hạn một cây bút tiểu luận đồng thời nắm được những sự kiện cô ta dự tính truyền tải, những lập luận tổng quát và một câu hoàn chỉnh tương ứng – là thứ cần thiết vô cùng đối với khả năng đọc phức hợp và khả năng viết.


Bên ngoài máy quét, những kích hoạt này đi kèm với khả năng hình thành mẫu tự, khả năng hình thành chữ viết tay rõ ràng và kì cùng là khả năng biểu đạt trôi chảy của các học viên. “Chính chuyện viết tay rõ ràng, diễn ra tự động, khi bạn yêu cầu bọn trẻ viết ra bảng chữ cái từ trí nhớ, là yếu tố dự đoán tốt nhất không chỉ cho khả năng chính tả mà còn cho chất lượng và số lượng mà bọn trẻ tạo ra,” Berninger cho biết. Bà xem bàn tay là “cơ quan kết thúc của hệ thống ngôn ngữ”.


how-we-learn-the-science-of-handwriting-02.jpg



Có quan điểm cho rằng bảng chữ cái hiện đại tiến hoá từ hệ thống chữ tượng hình Ai-cập, và ý nghĩa của những chữ tượng hình này có thể có vai trò là công cụ ghi nhớ. Chẳng hạn, người ta tin rằng mẫu tự Hebrew hiện đại aleph bắt nguồn từ một chữ có nghĩa là “con bò” (alp) và mẫu tự bet bắt nguồn từ một chữ có nghĩa là “ngôi nhà”.




Chương kế tiếp


Berninger nhấn mạnh rằng những phát hiện của bạn cần được tái tạo, nhưng các nghiên cứu đều nhất loạt chỉ ra tầm quan trọng của viết tay đối với sự phát triển của trẻ em. Thông điệp này xuất hiện vào lúc thuận lợi: cái gọi là những tiêu chuẩn Cốt lỗi Chung (Common Core standards), một tập hợp các hướng dẫn ban hành năm 2010 để thống nhất chương trình giảng dạy của bang tại Mĩ, đã đưa ra cuộc bàn luận tầm quốc gia về vị trí của lối viết tay trong nhà trường.


Nhiều cuộc bàn luận xoay quanh chuyện giáo dục thảo thư (cursive), vốn không được đề cập trong bộ tiêu chuẩn đó, dẫn đến việc bãi bỏ chính thức ở bang Indiana và Florida. Phản ứng mạnh tiếp theo sau khiến tám bang, bao gồm California và một Indiana tỏ ra hối tiếc, phải xác nhận tầm quan trọng của thảo thư. Chưa bàn đến thảo thư, xu hướng giáo dục tuy thế lại xa rời lối viết tay. Ngày nay chuyện dạy dỗ ít nghiêm ngặt hơn ngày xưa, và chuyện đánh máy đang trở nên phổ biến hơn bao giờ hết thậm chí ở những cấp lớp nhỏ, một dòng chảy phản ánh sự suy giảm của viết tay ở xã hội phần lớn. Kathleen S. Wright, nhà quản lí sản phẩm dành cho sự viết tay ở công ti giáo dục đặt trụ sở tại Ohio Zaner-Bloser, cho biết các giáo viên thường kể cho bà về những đứa trẻ bắt đầu đi học mà chưa từng thấy có người lớn nào viết tay.


“Mọi người trong cộng đồng viết đều nói rằng bắt đầu viết bằng tay sẽ tốt hơn,” theo lời nhà khoa học hành vi Thierry Olive thuộc trường Université de Poitiers ở Pháp. “Khi bạn gõ, bạn không vận động.” Tuy vậy một khi các học viên đủ tuổi, liệu có thể bỏ bút xuống không, giống như bỏ hai bánh nhỏ phụ thêm cho chiếc xe đạp để có thể phi thật nhanh trên bàn phím? Về vấn đề này, các nghiên cứu không thể hiện ra rõ. Sự viết theo cảm giác người trưởng thành là chuyện không chỉ dừng ở kiểu chữ hay nhận dạng kí tự. Nó là quá trình lặp đi lặp lại trong đầu, một quá trình tương tác liên tục chuyển dời, tạo ra vòng phản hồi giữa tư duy và kiến thức.


Ở một số tình huống, năng lực thao tác văn bản của các chương trình xử lí từ ngữ dường như hỗ trợ được cho tư duy phức hợp. Các chương trình này cũng đưa ra sự mau lẹ rõ ràng, đối với một số người, rồi cuối cùng cũng sẽ đem lại cho trí óc cảm giác thực hơn so với viết tay. David Slomp, giảng viên giáo dục khả năng đọc-viết (literacy education) tại trường University of Lethbridge ở Alberta, Canada, nghĩ rằng tính tự động này là điều quan trọng: chừng nào các mẫu tự còn lưu chuyển, thì việc gõ bàn phím vẫn ổn. Và ngay khi Stephen Peverly, nhà tâm lí học giáo dục thuộc Teachers College của trường Columbia University, có thể đưa ra những giai thoại về chuyện các sinh viên đổi laptop để lấy sổ ghi chép bởi vì họ nhớ các ghi chú viết tay tốt hơn, thì có một số nghiên cứu lại cho thấy điều ngược lại.


Tuy nhiên, có một khía cạnh của sự viết gợi ra vai trò vô song của bàn tay. Viết dường như cũng có những thuộc tính không gian, một kích thước bộc lộ ra trong những thí nghiệm về chuyện viết trong bối cảnh bị xao lãng. Khi người ta vừa viết bằng tay này vừa dùng tay còn lại lần theo các hình dạng, chẳng hạn thế, hành động vốn có dính líu tới những quá trình xử lí không gian ở não bộ, thì những văn bản được soạn thảo lúc ấy đặc biệt thiếu trật tự và chứa đựng ít ý tưởng mới hơn so với những văn bản được soạn thảo trong bối cảnh có ánh chớp sáng gây nhiễu trên màn hình đằng sau. Tâm thức mã hoá những địa điểm tương ứng của từ ngữ và đoạn văn, một dạng lam đồ (blueprint) của tư duy mà thiếu nó văn bản có thể ít thể hiện ra hơn, và chỉ là một chồng các thanh gỗ thay vì là một giàn giáo có cấu trúc hẳn hoi.


Dường như đây là nơi giao nhau khả dĩ của các khía cạnh vật lí của sự viết tay với những thuộc tính cấp cao hơn. Có lẽ những mẫu tự viết tay, vốn hằn sâu vào tâm trí ta hơn, là những khối dựng sẵn để tạo nên các kiến trúc tâm thức vững chắc hơn. Mặc cho giả thuyết có mang tính phỏng đoán và chưa được kiểm nghiệm, nhưng nó vang vọng lại trải nghiệm của nhiều người. Hass cho biết, thường thì các sinh viên tường trình rằng “bằng cách nào đó khi dùng máy tính, tôi không thể nắm được ý nghĩa đoạn văn của mình. Chúng cứ dùng đi dùng lại thuật ngữ đó. Có lẽ chúng không hiểu cấu trúc của đoạn văn bản.” Những ích lợi của giấy bút rồi cũng có thể được lần đến, ít nhất một phần nào đó, những điều mà chúng cung cấp cho ta ở phần giao diện: có thể dễ dàng vẽ những đường và những mũi tên ngoằn ngoèo, có thể viết giữa các dòng chữ, có thể tích hợp biểu đồ vào đoạn văn. Dù tận dụng tất cả các cách vào những chương trình dùng cho việc động não, lập bản đồ tư duy và phác thảo kế hoạch, nhưng khi thực hiện trên máy tính thì các chức năng đó vẫn còn vụng về.


Những trải nghiệm và sở thích viết kì cùng là chuyện riêng tư, thay đổi theo tình huống và thói quen trí óc. Đó là trường hợp ở những người tôi phỏng vấn trong bài báo này: Marieke Longcamp đánh máy khi làm việc nhưng ghi chú bằng tay. Christina Haas đánh máy những văn bản nào có thể được soạn thảo nhanh chóng nhưng chuyển sang viết tay khi cần phải suy nghĩ sâu về vấn đề nào đó. Thierry Olive đánh máy những bài viết nhưng viết tay cho tờ tập san của mình. Cả David Armstrong và cộng tác với ông là nhà nhân học Sherman Wilcox gần như toàn đánh máy, mặc dù Wilcox biên tập bài bằng tay. Điều tương tự diễn ra ra đối với John Hayes, nhà sáng lập lĩnh vực nghiên cứu tri nhận hiện đại về sự viết.


Về bản thân tôi, khi đến hồi kết của một bài viết, ngay lúc bạn đọc nó, vốn được viết ra và biên tập bằng tay, được đánh máy theo định dạng số thân thiện với biên tập viên, rồi biên tập lại, thật khó để nói chính xác có những điều gì khác biệt nếu tôi đánh máy ngay từ đầu hay dùng tay thực hiện mọi chỉnh sửa cuối cùng.


Thường thì tôi dùng tay phác thảo những bài viết dài hơn, do đó cấu trúc thiết yếu có thể sẽ tương tự. Dù thế, tôi có nghĩ rằng có điều gì đó đặc biệt ở cách cây bút nằm trong lòng bàn tay mình và di chuyển dọc trang giấy, cho đến cảm giác của Mangen về luồng suy tư trỗi lên từ sự hợp nhất giữa vận động và giác quan. Tôi không có cảm giác đó, khi viết trên màn hình, về việc thao tác những khối văn bản mà thay vào đó là thao tác các từ ngữ và câu chữ.


Chính văn bản tự nó cũng phần nào đem lại cảm nhận hoàn chỉnh hơn, đặc biệt những phần bắt nguồn từ các ghi chú viết tay hay các tài liệu tham khảo có chú thích viết tay. Tôi cảm thấy mình biết văn bản hơn so với thông thường. Nhiều năm sau tôi có thể sẽ nhớ câu chuyện này toàn vẹn hơn so với những bài viết tôi đánh máy thỉnh thoảng tôi gặp phải trên mạng mà chẳng thể nhớ được toàn bộ bài viết ấy.


Liệu cảm nghĩ như thế có mang tính khoa học không? Một chút cũng không. Bạn có cùng trải nghiệm như vậy không? Không nhất định thế. Liệu nó có thể được gán một phần cho những ngày phát sinh cần đến sự viết tay hoặc cho sự gần gũi của chủ đề đối với con tim ta? Có thể lắm. Nhưng trong nghiên cứu n trong 1 không đưa ra kết luận này, và không có đối chứng hay thước đo tiêu chuẩn hay các kết quả hành vi khách quan, tôi có thể báo cáo rằng viết tay sẽ làm chúng ta có cảm giác tốt, thậm chí đúng đắn nữa.


Sơ lược về tác giả:


Brandon Keim là nhà báo tự do chuyên về khoa học, môi trường và văn hoá. Làm việc tại Bangor, Maine và Brooklyn, New York, từ lúc này trở đi ông quyết định không chỉ mang tập ghi chép và bút mà còn thực sự dùng chúng.


Chuyển ngữ tại Sài-gòn
20130908


Nguồn:


Keim, Brandon. “The Science of Handwriting.” Scientific American Mind, 9-10/2013: 54-59.


BD676CC2-0FD2-4744-8966BEBFCD72D880_article.jpg
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top