• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Sau mưa - Vũ Minh Nguyệt

  • Thread starter Thread starter DOO DOO
  • Ngày gửi Ngày gửi
D

DOO DOO

Guest
Tôi sinh ra và lớn lên ở một cái làng nhỏ bên con sông Hoàng Long bốn mùa nước đục. Bạn bè cùng trang lứa với tôi đã ra đi khỏi làng… giờ mỗi lần lễ tết hay cưới xin giỗ chạp gì mới gặp lại nhau. Chúng tôi nhớ về làng, nhớ cái bốt Hoàng Đan thời chống Pháp, nhớ cầu Gián Khẩu, có bến phà chở bao lớp người và súng đạn qua sông vào chiến trường đánh Mỹ. Thời gian vật đổi sao rời, cây cầu Gián Khẩu giờ to cao đồ sộ, bến phà nối đôi bờ sông Hoàng Long và con đường chiến lược không còn nữa. Vậy mà cái túp lều nằm giữa cánh đồng quanh năm gió thổi của người đàn bà chửa hoang đẻ ra những đứa con giỏi giang, xinh đẹp, vẫn còn nguyên…Lần nào về thăm quê, tôi cũng tò mò muốn đi qua cái túp lều ấy... Và tôi đã viết truyện ngắn Sau mưa, từ nỗi ám ảnh mấy chục năm về trước. Nhà văn Vũ Minh Nguyệt
*****************
Con đường dẫn xuống bến sông trải nhựa phẳng lỳ. Người ta làm lò nung gạch ngay cạnh miếu ông Đồng, đúng chỗ hố bom sâu hoắm ngày trước. Thắm vẫn nhận ra lối tắt đi vào miếu bằng những bụi cúc tần phủ đầy dây tơ hồng. Chồng Thắm là người Hà Nội, mỗi lần về quê vợ lại ngẩn ngơ khen cảnh “hữu tình”. Anh chẳng thể nào tin được con đường này, và những mái nhà yên ả trên bến sông, xưa kia là tuổi thơ buồn tủi của chị em Thắm. Mẹ đứng kia, lưng hơi còng, những chấm đồi mồi lằn trên da mặt, cái búi tóc quấn sau gáy to trĩu xuống. Có lẽ tại mái tóc dài và dày óng ấy làm bà cực khổ thêm. Người ta bảo đàn bà tóc tốt quá là vất vả. Nghĩ về mẹ, Thắm thường bắt đầu bằng mái tóc đen, dài, rồi cuối cùng lại quay về với mái tóc dài ấy nhưng đã bạc đi ít nhiều vì năm tháng. Bao năm nay, chưa bao giờ Thắm không bị ám ảnh bởi cái bóng đổ dài xuống triền đê của mẹ, với hai đứa em chơi vơi ngày ra đi...
Làng giống hình cô gái nằm nghiêng, bụng úp vào sông Hoàng Long, lưng quay ra dãy núi có ngôi chùa ẩn mình dưới tán những cây thị già. Năm rừng động, có cả hổ lạc về, người già phát hiện dấu chân lạ, đi tìm thì ông hổ đã nằm ngủ say sưa, miệng đùn ra đống bọt to như cái nồi đình, bốc mùi thối inh cả một vùng núi đá. Chiến tranh phũ phàng, xé nát xóm làng, nhà cửa như người ta cầm mảnh áo cũ mà xé toạc ra làm dăm bảy mảnh, không còn đung đeo hay liền nhau miếng nào nữa.Báo tử cha, Thắm đang học ở lớp vỡ lòng. Lúc người nhà đón từ lớp học về, thấy bà nội và mẹ khóc lóc, vật vã, Thắm cũng khóc theo. Họ mạc xót thương đứa bé sớm mồ côi. Bà nội khóc rằng “Con ơi, con bỏ mẹ, bỏ con dại …” nghe thật não lòng. Hai người đàn bà khóc chồng khóc con đến rũ ra. Sau này lớn lên, Thắm hiểu rằng: sự vô tâm thơ dại của trẻ con đôi khi càng làm đau lòng người lớn.Mẹ thành vợ liệt sĩ, không phải chân lấm tay bùn ngoài đồng ruộng, đôi quang gánh rổ sề quẩy phân, mẹ mang cho cô Thảo (vậy mà sau này, cô Thảo đánh chửi mẹ không thương tiếc), liềm hái, bờ cào, cán cuốc cũng cho mấy người làng xóm mượn (nhưng lúc mẹ trở về với đồng ruộng cũng không ai mang trả nữa). Mẹ lên làm ở cửa hàng hợp tác xã. Hàng ngày mẹ mặc áo phin trứng sáo, quần láng bóng đạp xe Thống Nhất đi bán hàng. Mẹ đong từng chai mắm, chai dầu hay phân phối từng gói thuốc lào và những mét vải diềm bâu cho cả làng, cả xã. Thắm được nuông chiều, biến thành con bé nhóng nhẩy suốt ngày với mái tóc buộc vổng cao như đuôi chích chòe. Mùa hè năm Thắm học lớp một, có chú bộ đội ghé qua nhà mang về mấy đồ còn lại của cha. Chú cho Thắm một con chim ngói có cái cổ nâu óng ánh, như chuỗi hạt cườm, Thắm đặt tên cho nó là “Em ngói cườm”. Chú bảo “Con gái giống cha, giầu ba mươi đụn”. Thắm không biết mặt cha, nhưng cứ tin chắc sau này sẽ rất giầu có, sẽ có xe đạp, trong nhà có nhiều lúa gạo, Thắm sẽ được mặc áo phin nõn mầu trứng sáo như mẹ…Nhiều khi Thắm thấy thích thú vì nhà mình được ưu tiên gia đình liệt sỹ, chú Hân khấp khểnh là chú họ của Thắm, mỗi lần đi lấy thóc, lấy khoai hay nhận rơm nhận rạ, lại bảo: “Mày sướng nhất đấy, làm con liệt sĩ, được ưu tiên số một”.Thắm còn nhớ như in cửa hàng hợp tác xã mua bán nằm kề bên núi. Những tháng đầu mẹ hay cho Thắm lên ngủ cùng, sau thì thôi. Thắm ở nhà quanh quẩn bên bà nội. Người làng kháo nhau: có con ma cao cao, hay mặc quần đùi, tóc ngắn ba phân, hàng đêm hay đi về phía cửa hàng. Lòng Thắm đầy thắc mắc, sao mẹ không sợ ma ấy? Bà nội buồn lặng lẽ. Đêm đêm bà ôm cháu gái vào lòng, vén những sợi tóc tơ xòa xuống trán của Thắm. Những ngón tay của bà ráp xì đặt vào má, vào cằm Thắm, mùi rau muống, rau lang nồng nồng phả ra từ những ngón tay ấy. Gò má bà nhăn nheo, ướt đầm nước. Có đêm chợt thức giấc, Thắm thấy bà đứng trước bàn thờ lầm rầm như nói chuyện với ai. Có lúc bà bảo Thắm: “Cha bố mày, sao không ra thằng cu để cúng giỗ cho bà?”Sáng nào bà nội cũng thả mấy cái vó kéo tép ngay ven bờ đầm gần sân chùa. Mọi người sợ bà ngã, giấu nhẹm cả vó, cả cần, nhưng được mấy ngày thấy bà lần thần đi ra đi vào, phải trả lại cho bà. Lúc ấy, bà kỳ cụi rang cám làm mồi thả vó. Bà nội chỉ cười hấp háy mắt khi nhìn những con tép trong veo nhẩy tanh tách ở rá cứ dầy lên. Có hôm bà gửi thím Hân mang ra chợ bán, và dặn: “Nhớ mua cho con Hĩm gói kẹo dồi”. Vậy mà một ngày bà bị ngã, rồi đi ngay, Thắm khóc nức nở, sẽ chẳng bao giờ được quanh quẩn bên bà như con mèo con nữa, cũng chẳng được bà gọi dậy để lật lá chuối xanh ngắt xem những con tép nhẩy tanh tách trong chiếc rá con con nữa. Năm ấy, Thắm đang học lớp bốn. Một ngày bọn trẻ con chạy qua ngõ đồng thanh hát: “Một hai ba… không chồng mà chửa mới ngoan… Có chồng mà chửa, thế gian có đầy…”. Chiều, chú Hân ném hết nồi niêu xoong chậu của mẹ con Thắm ra ngõ, cả cái ca sắt mầu cỏ úa chú bộ đội mang về hôm nào cũng lăn long lóc. Thím Hân cũng lăng xăng, dọn dẹp gian nhà của hai mẹ con, ném tất cả, chỉ có con chim ngói cườm Thắm nuôi trong lồng béo mầm mẫm là thím xách cất đi. Mặt chú Hân lúc ấy lạnh tanh, không động đậy. Lúc ấy mẹ không khóc, chỉ lẳng lặng nhặt các thứ đồ lại. Mẹ biết tội của mình to lắm. Và mẹ quỳ xuống xin mấy ông bà cho mẹ được mang theo bát hương của bố, nhưng điều ấy là không thể. Lúc ấy mẹ mới khóc. Hai mẹ con dọn ra gian nhà kho cũ, khu nhà này trước đây chỉ để chứa vôi bột và những thúng đựng kaly đỏ nhờ nhờ, mùi hăng hắc, giờ nhớ lại, Thắm vẫn thấy rùng mình. Một buổi chiều mưa giông, mẹ đẻ em cu. Em bé khóc oa oa, Thắm đun nước luộc con dao bài, mẹ tự cắt dây rốn lòng thòng, dính đầy máu cho em. Thắm khóc to hơn cả em bé. Mẹ ôm cả hai chị em vào lòng, bảo “con đừng khóc nữa…” nhưng nước mắt mẹ chảy ướt cả tóc Thắm. Mẹ nói vậy, Thắm nín sao được? Nếu bà nội còn sống, chắc bà sẽ vui, có em bé trai, sẽ có thằng cu làm giỗ cho bà nội. Em bé sẽ cao lớn như chú Thanh đội trưởng đội sản xuất hay đến cửa hàng của mẹ mua thuốc lào. Em sẽ đánh lại những đứa nào bắt nạt Thắm. Em bé đáng yêu quá, sao mẹ không lên trạm xá đẻ em như cô Thảo sinh em Bống? Tội nghiệp chưa, em cu của chị!Mấy ngày không vào xóm cũ, Thắm nhớ “Em ngói cườm” vô cùng. Chú Hân vẫn nhốt nó trong lồng hay nó bị làm thịt đồ xôi mất rồi? Chú Hân chưa kịp làm thịt chim. Vậy mà nó phá cửa lồng. Thắm vui quá, vậy là “Em ngói cườm” của Thắm không bị làm thịt. Nó đã tìm lại Thắm. “Em ngói cườm” của Thắm vừa đẹp mã lại gáy rất hay, suốt ngày chỉ quanh quanh, quẩn quẩn bên Thắm. Thỉnh thoảng em cất lên tiếng gáy. Tối ấy, tự nhiên Thắm thấy chú Hân lù lù ngay bậu cửa, vội vàng thả “Em ngói cườm” ra, nhưng nó không biết lối bay đi (sao nó không bay đi cơ chứ?) chắc cũng quên cả việc đập đôi cánh mất rồi. Không bay đi thì hai cái cánh của nó sẽ bị thừa ra mất thôi. Chú Hân bắt nó về, nhốt lại vào lồng. Lúc chiếc cửa lồng sập xuống, nó lại muốn tung cánh nhưng không thể bay được nữa. Bị giam hãm tù túng, dần dần con chim cu cườm cũng quen đi. Nó không buồn cất tiếng gáy. Nó đã quên mất cây xanh cỏ lạ, quên mất cả bầu trời bao la. Chú Hân chả có cái thú nào nuôi nó nữa. Một chiều mưa, lúa má vào cót, rơm đánh thành cây, thịt chim ngói đồ xôi thơm lừng từ nhà chú Hân tỏa ra, phả vào gian nhà kho, đánh át cả mùi hăng hắc của phân lân, ka ly, vôi bột... Thắm nuốt nước miếng ừng ực. Nó đã trốn vào tít xó nhà mà mùi thơm vẫn chui theo, đói đến lả cả người. Đêm ấy, mẹ đặt em bé ngủ rồi đi, khuya vẫn chưa về. Cơn mưa vẫn ầm ầm tuôn chảy, những tầu lá chuối lật phật, gió thổi tơi bời tốc tác, những lá chuối to tướng bị lật úp lại, có con rắn nước ngo ngoe dưới chân giường. Thắm nằm ôm em khóc khe khẽ. Không phải nó sợ con rắn nước mà nghĩ đến “Em ngói cườm” và mùi thơm lan tỏa bóp vào cái bụng lép... Mưa to quá, chắc mẹ không kịp về? Nhưng mẹ đi đâu?Trung thu năm ấy, Thắm không được múa hát, cũng không được chia quà. Nó ngồi ôm em trước chái nhà nghe tùng rinh tùng rinh tiếng trống bên đình mà ứa nước mắt. Nhớ về mấy mùa trung thu trước, nó được múa trống, múa nón và cả múa quạt giấy. Các chị thanh niên còn khâu chập mấy cái khăn vuông đen, cắt dán giấy mầu làm váy đẹp sặc sỡ. Thắm ước sao được bế em cu vào sân đình xem múa hát… Cu Thương càng lớn càng giống chú Thanh. Cô Thảo vợ chú Thanh (là người đã cùng mẹ Thắm khoác súng trường đứng trên ụ pháo năm xưa, từng chụp ảnh chung với bộ đội, còn nắm tay nhau nữa) dẫn cả đàn con ra nhà Thắm chửi bới ầm ĩ. Mẹ không khóc, cũng không chửi lại. Mẹ ngồi im, cúi gằm mặt. Chỉ đến khi cô Thảo xấn đến lôi tuột cu Thương ra khỏi lòng mẹ, day day mớ tóc đỏ quạch trên đầu thằng bé, mẹ mới hét lên và túm tóc cô Thảo, tát rồi đấm tơi bời… Thắm thấy mẹ và cô Thảo giống hai con trâu húc nhau ở chân đê hôm nào mà sợ chết giấc. Cu Thương đi học, mẹ lại đẻ em bé. Lần này Thắm không được chứng kiến cái cuống rốn lòng thòng đầy máu của em. Buổi tối về đã thấy mẹ nằm ôm em bé trên giường, manh chiếu nát tươm, ướt đầm máu. Cu Thương ngồi bên cạnh mẹ mân mê bàn tay bé ti hin của em. Mẹ ôm em bé đặt vào lòng Thắm… Tự nhiên Thắm rùng mình nghĩ đến một ngày, cô Thảo hoặc một người đàn bà nào trong xóm lại dẫn mấy người xấn vào nhà, giằng em bé ra khỏi tay mẹ…Làng đòi lại gian nhà kho đựng vôi tỏa và phân kaly để chứa xe đòn kéo người chết, bốn mẹ con chuyển đến gian lều vịt bỏ hoang chênh vênh bên gò chuối. Con đường đi về gò, phải qua cầu và một bãi tha ma. Vào mỗi buổi chiều tà chạng vạng, vùng gò càng trở nên hoang vu rợn ngợp. Trong những khóm cúc dại vàng vọt hay những bụi cúc tần phủ dây tơ hồng rậm rạp, hàng đàn chim cuốc làm tổ, cứ tối trời là cất tiếng kêu than cờ… ruốc… ruốc…, người lớn yếu bóng vía còn sợ thất thần, nói chi đến trẻ con. Họ sợ cái hẻo lánh hay sợ nơi gò miếu linh thiêng không biết? Một người đàn ông kéo vó bên kia sông, chèo thuyền sang kê giúp mẹ Thắm một cái giường. Đêm đêm bốn mẹ con nằm ngang nằm dọc, nồi niêu cất dưới gầm, sách vở, quần áo xếp bên cạnh, xoay kiểu gì cũng khó. Căn lều không có cánh cửa. Gọi là cái lều vịt mà, chỉ để trông coi chứ có ai ăn đời ở kiếp. Sáng chiều Thắm đi về nơi gò chuối, nơi có những quả chuối chín mọng vàng nhưng không được ăn. Chuối của làng, gò của làng, đất cũng của làng. Từ gò chuối đi thêm vài chục bước chân là bến sông. Cu Thương thích thú nhìn lũ sẻ đồng đậu đầy trên dây điện. Lũ sẻ thân thiện, không hề bay đi khi chị em Thắm đến gần. Bãi đất phù sa mùa nước cạn, người làng chỉ việc kéo lên thành luống và gieo đỗ, gieo vừng hay ngô nếp, tháng ba, tháng tư sau là thu hoạch. Ở luống ngô nhà ai vừa gieo mọc lên một mầm cây có hai cái lá xòe ra hai bên. Chị em Thắm ngó ngấp từ khi cây còn là hai cái lá mầm xòe ra như lá mướp. Cu Thương bảo: “Ăn chắc là cây mướp, sẽ kiếm cái que cho nó leo”. “Í, có phải đất nhà mình đâu?”. “Ừ nhỉ, nhưng mình phát hiện ra là của mình, ngô mới mọc, họ sẽ chẳng ngó ngàng đâu, mẹ cũng không hề biết, chỉ cần nó lớn là có quả mướp”. “Trước bà nội hay nấu canh cua với mồng tơi và mướp, ngon lắm!”... Cái cây lớn nhanh, mấy hôm sau đã đua ngọn mập mạp, những cái lá xanh đậm đà, có gân trắng xòe ra, càng lớn, nó càng không phải là cây mướp. Cây gì nhỉ? Thắm đi học, cứ mong về đến nhà để xem cây của hai chị em lớn thế nào. Em Thương ở nhà trông và tưới nước. Ai thèm lấy cắp cái cây mà phải trông? Hay thật, chỉ có mỗi cây nhỏ xíu đó mà sáng nào hai chị em cũng mê mải ngắm nhìn. Rồi cái cây bò ra, mẹ biết, bảo là cây dưa. Thắm tưởng tượng đến cây dưa hấu của An Tiêm. Chà chà, cây dưa bò nhanh quá, mẹ vun thêm đất vào gốc cho nó. Chỗ ấy được tưới nước nhiều nên đám ngô mọc cao hơn chỗ khác, lá ngô đâm ra, xanh rập rờn trong gió, che bóng cho cây dưa của chị em Thắm. Một hôm, Thắm đi học về, cu Thương hý hửng lôi tay chị: “Chị nhìn xem, hay lắm, cái cây của nhà mình có quả”. Một đài hoa nhú ra, bé xíu, hoa nở xòe vài ngày rồi héo quắt, còn lại cái đài xanh non, phủ đầy lông tơ, mấy ngày sau đã bằng quả cau nhỏ, rồi bằng quả trứng vịt, to dần, to như cái ấm tích. Quả dưa xanh thẫm lại có những sọc trắng thẳng tắp. Thắm tưởng tượng ra một chiều nào sắp tới, hai chị em sẽ khênh vào nhà, bổ ra, miếng dưa An Tiêm đỏ au, ngọt lừ, những hạt đen lấp lánh trồi ra cho mà xem. Bắt chước An Tiêm, chị em nó sẽ lấy hạt gieo đầy bãi sông, dưa sẽ mọc bát ngát cả bến mới. Hai đứa trẻ sẽ thả dưa trôi theo thuyền về nơi nào đó cho mọi người cùng ăn. Quả dưa lớn rất nhanh dưới trời chói chang nắng. Bãi ngô ngày nào xanh rập rờn, giờ vàng hươm, lá xào xạc trong gió chiều. Những bắp chín căng bẹ, chìa ra túm râu đen sẫm lại. Mẹ bảo, ngô già rồi, người ta sắp bẻ bắp và chặt luôn cây ngô về đun bếp…Mãi mãi Thắm không bao giờ quên được một ngày buồn ở bến sông đầy nắng. Hoàng hôn bên kia sông có những cuồng ráng đỏ gay gắt chiếu xuống dòng nước đến nhức lòng. Thắm nhẩy chân sáo về nhà sau tiết học cuối cùng của cấp hai, vừa nhô lên mặt đê, Thắm ngơ ngác như bị lạc lối về. Nhà Thắm vẫn kia, cái mái lều trên ụ đất cao bên miếu ông Đồng, vừa dạm lại mấy túm rạ mới chỗ vàng, chỗ nâu như cái áo vá, nhưng ruộng ngô đã sạch quang. Thắm khựng lại dụi mắt, cũng không thấy cu Thương chạy ngược trên lối mòn dẫn lên đê chỉ để cầm tay chị khoe quả dưa sậm mầu hơn một ít Họ đã bẻ hết bắp ngô, chặt sạch cả cây trong một buổi chiều. Thắm băng băng chạy lao xuống, đất cát xốp xộp bên dưới làm nóng ran cả bàn chân, Thắm ngã sấp mặt, gốc ngô đâm đau điếng, máu chảy ướt đầm, nhỏ giọt theo những vết chân non nớt. Thắm ngồi phịch xuống, vục mặt vào cát nóng. Cây dưa bị cắt sát gốc, những cái lá úa vàng đang héo. Quả dưa không còn. Thắm lê bước về lều, em bé ọ ọe trong lòng mẹ. Tự nhiên Thắm thấy giận mẹ vô cùng. Mặc kệ những lời nói của mẹ, Thắm vùng chạy ra sau lều. Cu Thương ngồi ôm cằm nhìn xuống mé sông, co ro, sụm xuống như ông già. Nước dưới sông vẫn vô tình thao thiết chảy, phải gì nước đem theo chị em Thắm ra đi… Thắm ngồi xuống cạnh em, mãi Thương mới ngước lên nhìn chị. Trời! Hai mắt em mọng nước, mặt tím bầm, cái quần đùi te tướp, áo toạc một bên chìa ra những cái xương gầy guộc, mặt sắt lại. Thương nấc lên trong nước mắt. Người ta đã đánh em để cướp đi một quả dưa hấu. Thắm chợt hiểu… Em Thắm lớn rồi. Phải chi, cây dưa hấu đừng mọc ở luống ngô nhà cô Thảo, phải chi hai chị em chiều qua làm thịt quả dưa? Bây giờ quả dưa hấu mất rồi, không biết ruột nó có đỏ không, nước của nó có ngọt như trong tưởng tượng không? Ngô thu hoạch xong, đất bãi trơ ra, từ trưa đến tối là cát phơi khô nỏ, chỉ còn lại gốc ngô sắc nhọn đâm vào da thịt con người.Hết một mùa con sông cạn nước, mưa dội xuống, ầm ào, nước dềnh lên chấm chân giường, con đường mòn dẫn lên gò chuối ngập hết, hai chị em xắn quần lội bì bõm. Một đêm mưa, Thắm tỉnh giấc, nghe tiếng thì thào. Chú Thanh bảo: “Tôi để mấy bao lúa dưới rơm, em lấy về chưa?”. Mẹ cười dưới mưa khúc khích, Thắm nghĩ đến bộ mặt giận dữ của cô Thảo ngày nào… Bỗng chốc Thắm nhìn vào mấy bao thóc trong góc lều. Tiếng mưa ngớt dần, mẹ trở vào hớn hở, mùi bồ kết, lá bưởi tỏa ra. Những cơn mưa hay kéo về lúc nửa đêm gần sáng. Mưa dột nước đầy nhà, đầu tiên là những hạt bụi mờ mịt hắt vào giường, ướt cả mặt rồi cứ thế to dần, lộp độp trên những tàu lá chuối ngoài gò. Không biết sao cả khu gò nổi lúc ấy chỉ có chuối. Chuối tiêu, chuối tây, chuối hột, cơ man là chuối. Chuối tươi tốt rậm rì, trẻ con rình mò cắt trộm, có khi cả người lớn cũng ra cắt để nấu ốc hay chấm mắn tép ăn sống. Họ coi vườn chuối như không có chủ, cũng như mẹ là người chung của đàn ông trong làng xã, như cái lều không cửa, gió vào rồi gió lại ra. Mỗi khi mưa xuống Thắm hay buộc túm đầu mảnh ni lông rồi căng lên rúm ró như một chiếc vó tôm, có bao nhiêu nồi niêu xoong chảo, cả mảng vỡ của cái vại sành cũng mang ra hứng nước. Giấc ngủ đến chập chờn thì mưa cũng thong thả gõ bên tai từng giọt một. Có hôm đang ngủ say, mưa xuống là Thắm tỉnh giấc, lại rón rén căng mảnh che nước. Vậy mà có lần cơn mưa xuống giữa buổi chiều, Thắm về đến gần gò thì mưa càng to hơn. Lần nào mẹ cũng đi với mưa, lúc về người tanh nồng mùi cá. Xa xa cuối đồng giữa những làn mưa, có hai người kéo vó, một người ngồi bệt xuống bờ, người kia gié chân chèo nâng vó lên, cá quẫy đạp ũng oãng trước khi xuống giỏ. Thắm ngồi xuống bờ, cỏ lúp xúp che gần kín đầu và xung quanh là mê mải cá rô. Cá rô đầu mùa rạch nước ngược dòng lách cỏ ngược lên ruộng cạn. Lại có cả những con cá chuối tiết nhớt trơn nhẫy.Mưa tạnh, bầu trời ráo hoảnh. Cả cánh đồng mênh mang sáng trong và long lanh như vừa đựợc rửa tẩy. Thắm chui ra xiêu vẹo dưới những lúp cây già. Mẹ cũng vừa thoát ra từ một lùm cây, người dính đầy vảy cá. Mẹ trút hết cá của người kéo vó vào giỏ. Thắm thắc mắc, mẹ lấy hết thế vợ con họ lấy cá đâu mai đi chợ? Nhưng rồi Thắm đã hiểu, cá đã bơi vào những bát cơm, những trang giấy của chị em Thắm. Sau mỗi cơn mưa, mẹ lại sạch sẽ trơn tru óng ả xách túi lên chợ huyện. Mẹ cười tươi mời chào người mua cá. Tan chợ, mẹ mua cho Thắm lọ mực tím như mầu quả mùng tơi chín. Mẹ mua cả chai rượu trong veo nút lá chuối tỏa mùi thơm cay nồng khắp gian lều. Người đàn ông bên kia sông lại mong mưa để đi kéo vó bè, không quên qua gò chuối xin nắm rơm chẳng biết để làm gì?
** *
Từ khi sống bên chồng con ở thành phố, trong đầu Thắm vẫn chập chờn xuất hiện những cơn mưa mùa hạ, khi ẩn, khi hiện, lúc có, lúc không nhưng nó cứ quanh quẩn trong tâm trí của Thắm cả khi đang mùa đông và mùa xuân không bao giờ có mưa to gió lớn. Có khi chợt tỉnh giấc giữa đêm, chịu không thể nào ngủ tiếp được nữa, đành nằm im giữ hơi thở đều đều, giả vờ như đang ngủ rất say, hai con mắt chong chong nhìn lên trần nhà. Nhìn chán nhìn chê chỉ thấy một khoảng trống rỗng huyênh hoang không có đáy. Những lúc như vậy, cả thân thể cảm giác khô khốc như bị đem rang. Mọi cảm giác đều trơ lì. Ruột gan như có một cục than hồng, nóng bỏng mà không thể nào gắp ra được, lại thấy mình như một tảng đất chỗ cao choi voi nhất, đang bị khô nỏ, mốc trắng cả ra, chỉ cần có mấy giọt mưa là vỡ vụn ngay. Lúc ấy, chợt cồn cào thèm khát một cơn mưa. Thèm mưa nhưng Thắm rất sợ sấm sét, chỉ cần cái bóng điện đang tối bật loé lên đã sợ không biết là chớp bể hay mưa nguồn. Có đêm nghe tiếng ì ầm mãi tận đâu đâu, Thắm lại ước gì có gió nổi lên để gió lùa vào cửa sổ, thổi tung lên tấm rèm nhung phần phật như cánh buồm cưỡng gió, đầy cả gian nhà là gió và hơi mát. Cầu vồng sau mưaThương không muốn về quê mời họ hàng ra dự đám cưới. Nó không muốn, Thắm giục mấy lần cũng không về, lạ cái thằng, dù gì cũng phải về chứ? Thắm nói với nó: mẹ đã về lại mái nhà xưa, cả ba chị em đều là con của họ nội cơ mà. Nơi quê hương dù đau vẫn phải nhớ. Vậy mà nó không về. Nó hậm hực: là con sao họ nội không nhận nó? Vậy là Thắm chịu luôn. Mẹ chẳng muốn ra thành phố, ba chị em nói mấy mẹ cũng không ra. Hàng ngày mẹ vẫn lụi cụi lên xuống nơi bến sông, có ai gọi đò thì qua, mẹ chở cho vui, có thể mẹ thương lũ trẻ đi học đường vòng xa quá, chứ chẳng phải thiếu tiền. Mình mẹ ăn uống đáng bao nhiêu? Một nắm rau láo nháo xanh non, hái vội bên luống ngô với mấy con tép là xong một bữa ăn. Cuộc đời người đàn bà như cái bến sông bên lở, bên bồi. Không biết người đàn ông thả vó bè bên kia sông có chèo thuyền qua nữa?Thắm thả đôi chân trần, để nguyên cả quần bò, lội miên man dọc bờ sông, men theo cánh đồng. Những túm hoa cỏ may theo gió đong đưa. Có con cào cào nhảy tanh tách vẫy đôi cánh đỏ, xanh, tía, hồng chấp chới. Sóng dưới mặt sông xao động, mùi đồng đất hoai hoai lan toả. Bãi ngoài đê đang bị đào khóet nham nhở, tạo thành những hố sâu hoắm, họ đã đào đất để đóng gạch mộc. Sau luỹ tre xanh thấp thoáng mấy nóc nhà, ngói đã cũ phủ rêu xanh xẫm. Hơn ba mươi năm rồi, không hề thay đổi. Thời gian chỉ để cất giấu những ký ức kín đáo vẹn nguyên. Khúc sông chảy qua làng, vẫn xanh trong về mùa thu và đục ngầu mùa lũ. Thắm muốn chạy dọc dòng sông, tắt ngang những cánh đồng tuổi thơ đầy huyền thoại…Mỗi lần về quê là một lần thong dong như vậy, chồng Thắm cho đó là một thói quen lập dị, anh đâu biết đấy là những kỷ niệm máu thịt của Thắm. Lội ra xa, xa nữa, vậy mà mãi mãi, không bao giờ sang được bờ bên kia, lại tưởng tượng bên ấy là cả một chân trời xa xăm và lạ lẫm.Rồi một ngày nào đó mẹ sẽ rời làng, xa những đứa con mẹ sinh ra và một mình nuôi lớn. Mẹ sẽ xa mãi dòng sông không một lời trăng trối.
** *
Giờ đang là những ngày đông giáp tết, thời tiết không còn lạnh như ngày xưa nữa. Bà Thắm về thăm quê, trở lại con đường cũ, chẳng lẽ cứ nhớ dai ba cái kỷ niệm mà toàn đau buồn lặt vặt, ví như mấy con tép bà nội kéo vó ở đầm Trâu, ví như cái nhà kho đầy mùi hăng hắc, phân kaly đỏ nhờ nhờ, ví như cái mùi chim ngói đồ xôi hay cái bến sông có quả dưa hấu bị mất… Toàn những chuyện đừng nên nhớ lại.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top