‘Sát thủ’ mùa thi trước 1.001 kiểu ‘quay’ tài liệu

ButNghien

Học tập suốt đời!
Thành viên BQT
Xu
46
Họ được mệnh danh là “sát thủ” mùa thi, bởi lẽ, dù thí sinh có 1.001 cách “quay” tài liệu cũng bị lật tẩy.
Những “sát thủ” không ai khác là giám thị, cũng là những thầy, cô giáo. Trước mỗi kì thi tốt nghiệp THPT, ai được chọn làm giám thị đều học hỏi lẫn nhau hoặc từng bắt gặp những mánh khóe “quay” tài liệu của học trò để ứng phó trong những ngày coi thi.

“Quay” đủ 1.001 kiểu..

Trước ngày thi tốt nghiệp 1 - 3 ngày, ở các hội đồng thi đều đưa ra "phương án" đối phó với các kiểu quay bài của học trò để giám thị cảnh giác.

Ông Nguyễn Hoàng Việt, Chủ tịch Hội đồng thi Trường THPT Phú Nhuận kể ra hàng loạt “mánh khóe” của học trò.

Những “bảo bối” được học sinh sử dụng quen thuộc là thước chữ V, bút dạ quang, bút quỷ, bút ngậm giấy... Tuy nhiên, những thứ này theo ông Việt đã được nhận diện và ngăn chặn dễ dàng.
Kế đó, các cách truyền thống như viết tài liệu lên cổ tay, chân, lòng bàn tay, mặt sau áo dài, giấu tài liệu nơi nhạy cảm... cũng được chú ý đến.

Riêng trường hợp thí sinh muốn được đi... nhà vệ sinh, nữ giám thị sẽ đi với nữ sinh, nam giám thị đi với nam sinh tới cửa nhà vệ sinh. Những hành động, cử chỉ thuộc về tâm lý cũng được tập huấn để giám thị không phải... áp tai vào cửa nhà vệ sinh lắng nghe xem có tiếng giấy sột soạt hay không.

Giám thị cũng...hồi hộp trước trước giờ G

“Chưa tới ngày coi thi, nhưng cảm giác sợ và áp lực lắm!” - cô Chu Hoàng Uyên, giáo viên Trường THPT Nguyễn Huệ (Krông Năng, Đắc Lắc) chia sẻ. Năm nay cũng là năm đầu tiên cô được chọn làm giám thị.

Theo quy định, nếu giám thị ngủ gật hoặc không phát hiện thí sinh đang nhìn tài liệu sẽ bị lập biên bản và xử lý kỷ luật. Nhẹ thì nhắc nhở, nặng thì không nâng lương, treo bằng...Trong đó, việc không phát hiện hoặc cố tình để thí sinh nhìn tài liệu được coi là lỗi nặng.

“Học sinh bây giờ mưu ma, chước quỷ lắm. Vì mới đầu làm giám thị nên cũng lo lo” - cô Uyên tâm sự. Ngoài ra, cô cũng lo ngồi yên một chỗ sẽ khiến giám thị dễ ngủ gật. Từ đó, thí sinh sẽ dễ “lộng hành” hơn.

Ngược với cô Uyên, thầy Nguyễn Thanh Tòng, giáo viên Trường THPT Thường Tân (Tân Uyên, Bình Dương) tỏ ra kinh nghiệm với chuyện “quay” tài liệu của thí sinh.

Đã 5 năm "gác" thi, những cử chỉ, thái độ, nét mặt...của học sinh trước khi nhìn tài liệu hay khi đang nhìn tài liệu đều bị thầy phát giác.

“Lúc đi coi thi, tôi thường ngồi quan sát từ bục giảng. Có khi đột ngột đứng lên thì có tiếng động...Nhìn từ trên cao, khó ai mà qua mắt được” - thầy kể.

Đó là chưa tính tới những gương mặt lấm la, lấm lét, mắt láo liên... đều được thầy để mắt tới.
“Làm gì thì làm, giám thị đều phát hiện ra” - thầy Tòng cho biết. Bằng chứng là thầy chứng kiến nhiều trường hợp thí sinh chép tài liệu vào lòng bàn tay, úp úp, mở mở, nữ sinh giấu tài liệu trong ngực áo, gắn mp3... đều bị bắt quả tang.

"Phòng bệnh hơn chữa bệnh"

Theo thầy Tòng, làm giám thị khi phát hiện được thí sinh “quay” tài liệu đã tốt, ngăn chặn nó ngay từ đầu còn tốt hơn. Vì thế, thấy thí sinh có dấu hiệu, giám thị lập tức để ý, nhắc nhở thí sinh kịp thời.

Còn theo cô Uyên, thực lòng cô không mong muốn bắt gặp thí sinh nhìn tài liệu, vì cũng không hay gì cho cả cô lẫn trò.

Ông Trần Trung Kiên, Chủ tịch Hội đồng thi Trường THPT Mạc Đĩnh Chi khuyến cáo: Ngay từ lúc vào phòng thi, thí sinh phải tuân thủ những quy định như: không mang tài liệu trong người, không mang những loại máy tính không có trong quy định, tắt hoặc không mang theo điện thoại di động... Nếu vào phòng thi lại cố tình vi phạm khi đã nhắc nhở, thí sinh sẽ tự bỏ phí 12 năm đèn sách của mình.

“Các giám thị cũng được tập huấn làm sao ngăn chặn ngay từ đầu để không phải lập biên bản, xử lý kỷ luật khi các em đã vi phạm” - ông Kiên nói thêm.

“Thí sinh đừng mong nhìn được tài liệu. Bởi lẽ, thứ nhất, chưa chắc đã trúng đề. Thứ 2, trúng đề đâu không thấy, lại mang tội vào mình. Quay cóp là dại dột !” - ông Hoàng Việt nhấn mạnh.



Theo VNN.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top