“Sao em dám ghi bài hả?”

ButNghien

Học tập suốt đời!
Thành viên BQT
Xu
46
“Sao em dám ghi bài hả?”

Đứng một mình ở góc lớp, quay mặt vào tường, tôi run rẩy và cảm giác xa lạ, sợ hãi, xấu hổ bắt đầu bao quanh. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không hiểu sao thầy có thể lạnh lùng đến vậy?




Một lớp học của HS. Sau kỳ thi học sinh giỏi, tôi cùng các bạn đạt giải được chuyển ra trường huyện để học lớp năng khiếu. Vì nhà cách trường đến gần chục km nên chỉ sau nửa năm, tôi đã ốm nhách, gầy đi trông thấy.

Bác tôi chuyển tôi lên thành phố, vừa gần nhà, vừa tiện chăm sóc việc học cho tôi. Đó là đầu năm tôi học lớp 5.

Những ngày đầu vào lớp mới, tôi thấy thật dễ chịu vì thầy chủ nhiệm rất hiền từ, luôn quan tâm vì biết tôi còn bỡ ngỡ. Các bạn cùng lớp không “phân biệt đối xử” mà còn thích thú bắt chuyện với tôi. Lúc đó, chúng tôi thật vô tư và ngây ngô lắm.

Lớp tôi học là lớp chọn nên được nhà trường ưu ái, dành những thầy cô “xịn” nhất trường dạy Toán và Văn. Bác tôi nói, thầy giáo dạy Văn cực kỳ nghệ sỹ và dạy rất giỏi. Tôi vốn yêu văn nên càng mong đến ngày có tiết giảng của thầy.

Buổi học thứ 3 ở lớp mới thật hồi hộp vì có tiết Văn. Giờ học bắt đầu, tôi càng choáng ngợp hơn khi thầy bước vào lớp. Mái tóc hoa râm, dáng người cao ráo, thầy diện bộ comple phẳng phiu, đeo kính râm, đầu đội mũ nhung, giày da bóng. Thầy oai phong đi vào lớp và ra hiệu cho chúng tôi ngồi xuống.

Tôi ngồi bàn thứ hai nên có thể ngắm thầy khá rõ, lòng hồi hộp chờ được nghe những lời văn thầy giảng. Thầy giới thiệu, viết tên bài lên bảng và trở lại bàn, bắt đầu giảng bài.

Giọng thầy vang và rất rõ. Nghe thầy giảng có những ý hay quá, tôi đã chuẩn bị sẵn bút vở, háo hức ghi tóm tắt lại. Đó cũng là thói quen của tôi từ khi còn học ở quê nhà để không bỏ sót những ý văn “một đi không trở lại” của thầy cô giáo.

Cả lớp đang im phăng phắc lắng nghe. Bỗng tôi giật bắn mình vì một tiếng quát lớn của thầy:

“Em kia!”.

Tôi nhìn lên, vẫn chưa biết thầy đang quát ai. Nhìn lên thầy, tôi mới biết là thầy quát…chính tôi. Ánh mắt thầy nhìn tôi nghiêm khắc, tức giận. Thầy nói rõ từng tiếng:

“Em đi lên kia”.

Theo tay thầy chỉ, tôi đi lên bảng và tiến về phía góc lớp, lòng hoang mang không biết mình đã phạm lỗi gì. Lúc này, dưới lớp mới có tiếng lao xao nho nhỏ:...khi thầy đang giảng bài thì không được ghi chép.

Tôi dừng lại ở góc lớp run run nhìn thầy và chưa hết bất ngờ về quy định mới mẻ mà mình vừa được nghe. Thầy ra nốt lệnh: “Quay mặt vào tường và đứng đó cho tôi".

Thầy quay ra tiếp tục bài giảng. Tôi sốc thật sự. Trước đó, tôi vốn học khá và được các thầy cô yêu quý, thường được khen chứ hầu như không bị phạt. Đứng một mình ở góc lớp, quay mặt vào tường, tôi run rẩy và cảm giác xa lạ, sợ hãi, xấu hổ bắt đầu bao quanh.

Dưới lớp, một vài bạn lí nhí thưa thầy về việc tôi là học sinh mới chưa biết quy định nhưng thầy dường như không quan tâm đến. Tôi đang bị cái hình phạt mà thầy cô tôi học từ trước đến nay chỉ áp dụng khi trò thực sự phá quấy.

Nước mắt tôi bắt đầu trào ra và tai ù đi không nghe rõ. Thầy vẫn giảng một mạch và lớp không một tiếng động. Chỉ có tôi đứng run rẩy ở góc bảng với tiếng nấc nghẹn ngào. Tôi tưởng thầy chỉ phạt một lúc, nhưng không ngờ, thầy đã để tôi đứng đó suốt một tiết học với nỗi oan ức không thể nào bày tỏ.

Cuối tiết học, thầy cho tôi trở về chỗ ngồi. Khiếp sợ và hai mắt sưng mọng vì khóc, tôi không dám ngẩng mặt lên nhìn thầy. Tiếng thấy oang oang thông báo lại quy định: “Các em nhớ, giờ của tôi, khi tôi giảng bài chỉ được chú ý lắng nghe, không ai được ghi chép một chữ nào cả. Nếu còn vi phạm như em này thì tôi cho ra khỏi lớp.”

Thì ra, thầy quy định như vậy vì cho rằng, chúng tôi chỉ cần nghe là hiểu và nhớ bài học. Vì vậy, buổi học nào, vở của chúng tôi cũng trắng tinh. Chỉ có đôi ba dòng đề mục của từng phần trong bài thầy giảng.

Cho đến bây giờ, tôi vẫn không hiểu sao thầy có thể phạt tôi như vậy, trong khi tôi là một học trò mới? Sao thầy có thể để tôi đứng run rẩy suốt một tiết học với nước mắt lã chã? Sao thầy có thể lạnh lùng đến vậy với một đứa trẻ mới học lớp 5?

Hình phạt đó của thầy đã theo tôi suốt năm học. Tôi sợ thầy nhiều hơn, mặc dù khi thầy nhận thấy tôi học tốt môn Văn đã tỏ ra quan tâm đến tôi.

Tôi cũng không thấy mình học được nhiều từ thầy vì không ghi chép được bài giảng. Điểm môn Văn lớp tôi trong kỳ thi tỉnh năm đó không cao. Có lẽ nguyên nhân chính vì những gì thầy giảng đã trôi tuột ra khỏi đầu chúng tôi khi hết giờ vì chẳng ai được ghi chép lại.

Bây giờ, tôi nhận thấy sau khi giảng, nhiều thầy cô giáo đọc cho học sinh chép lại. Các em hầu như không biết kết hợp giữa việc lắng nghe cô giáo với việc tự ghi chép tóm tắt bài giảng của cô.

Vì vậy, khi về nhà học lại, các em phải đọc lại cả bài văn dài lê thê mà không biết chắt lọc ý chính cho mình. Lâu dần, các em sẽ học thuộc lòng bài học hơn là học để hiểu.



Theo VNN.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top