hoangphuong
New member
- Xu
- 110
SÁNG TÁC VĂN HỌC THEO KHUYNH HƯỚNG HIỆN THỰC CHỦ NGHĨA 1932-1945
(Tóm tắt bài giảng của giảng viên Phạm Xuân Thạch - Khoa Văn học - ĐH KHXH & NV Hà Nội)
(Tóm tắt bài giảng của giảng viên Phạm Xuân Thạch - Khoa Văn học - ĐH KHXH & NV Hà Nội)
I. Những yếu tố tiền đề của văn học theo khuynh hướng hiện thực :
1. Những tiền đề của một nền văn học hướng vào mô tả và phản ánh hiện thực đã tồn tại trong văn học truyền thống (truyện, ký, thơ ca....) với hai mạch chính : truyện ký ghi chép những điều có trong hiện thực (Công dư tiệp ký – Vũ Phương Đề, Thượng kinh ký sự – Lê Hữu Trác, Tang thương ngẫu lục- Phạm Đình Hổ, Nguyễn Danh án, Vũ Trung tùy bút – Phạm Đình Hổ) và thơ (thơ chữ Hán Nguyễn Du, thơ Hồ Xuân Hương, Trần Tế Xương, Nguyễn Khuyến, ....)
2. Trước năm 1932, những tiền đề của văn học theo khuynh hướng hiện thực chủ nghĩa đã bắt đầu xuất hiện một cách trực tiếp trong văn học Việt Nam.
- Về đề tài, việc lấy đời sống xã hội đương đại làm đối tượng phản ánh bắt đầu trở thành một khuynh hướng lớn của văn học. Điều đặc biệt, khuynh hướng khảo sát hiện thực xã hội bắt đầu trở thành một khuynh hướng lớn của văn học, bên cạnh các sáng tác văn học mang màu sắc huyền ảo, lý tưởng (văn xuôi của Tản Đà) khuynh hướng này được bộc lộ trong sáng tác của Nguyễn Bá Học, Phạm Duy Tốn, Đặng Trần Phất, Nguyễn Công Hoan. Cũng cần lưu ý là trong giai đoạn này, quan niệm về cái thực đã có sự mở rộng : quan tâm đến mọi mặt của hiện thực đời sống, sự thay đổi của một xã hội trong buổi giao thời Âu á, sự tha hóa của các tầng lớp người....
- Cùng với sự thay đổi trong phạm vi phản ánh của văn học tiêu chí mô tả chân thực đời sống, “tả chân”, cái thực bắt đầu trở thành một tiêu chí mỹ học mang tính phổ biến của thời đại, gắn liền với nó là sự phát triển của những kỹ thuật miêu tả của văn chương (miêu tả hiện thực sinh hoạt và hiện thực tâm hồn của con người)
II. Các giai đoạn phát triển của văn học theo khuynh hướng hiện thực:
1. Giai đoạn 1932 – 1935 : Đây là giai đoạn nổi lên tên tuổi của các cây bút : Nguyễn Công Hoan (Ngựa người người ngựa – 1934, Kép Tư Bền – 1935, Lá ngọc cành vàng – 1935, Ông chủ – 1935), Tam Lang (Tôi kéo xe – 1932), Vũ Trọng Phụng (Cạm bẫy người – 1933, Kỹ nghệ lấy Tây – 1934, Dân biểu và dân biểu – 1934), Ngô Tất Tố (Dao cầu thuyền tán – 1935). Hai thể loại chính của văn học hiện thực trong giai đoạn này là truyện ngắn và phóng sự.
2. Giai đoạn 1936 – 1939 : Đây là thời kỳ phát triển hết sức mạnh mẽ của văn học hiện thực, dưới sự tác động của những khuynh hướng chính trị, xã hội đương thời. Số lượng nhà văn hết sức đông đảo, xuất hiện nhiều cây bút mới (Nguyên Hồng, Nguyễn Đình Lạp, Bùi Huy Phồn, Mạnh Phú Tư) và sự chín muồi của nhiều cây bút đã sáng tác trong những giai đoạn trước (Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan). Văn học hiện thực trong giai đoạn này phát triển phong phú về thể loại (tiểu thuyết, truyện ngắn, phóng sự...), đáng chú ý là bên cạnh những tập truyện ngắn (Hai thằng khốn nạn – 1937, Đào kép mới – 1937, Sóng vũ môn – 1938 của Nguyễn Công Hoan, những truyện ngắn đăng trên báo chí cách mạng của Nguyên Hồng), phóng sự (Tập án cái đình – 1939, Việc làng – 1940 của Ngô Tất Tố) có những bộ tiểu thuyết đánh dấu sức sống, sự kết tụ của lao động nghệ thuật ở mức độ sâu sắc điển hình của văn học hiện thực : bộ ba Số đỏ, Giông tố, Vỡ đê (1936) của Vũ Trọng Phụng; Tắt đèn (1937) của Ngô Tất Tố; Cô làm công (1936), Bước đường cùng (1938) của Nguyễn Công Hoan, Bỉ vỏ (1938) của Nguyên Hồng. Đáng lưu ý là trong giai đoạn này, có một mối liên hệ tương đối mật thiết giữa một số nhà văn hiện thực (Nguyên Hồng, Vũ Trọng Phụng) và phong trào cộng sản.
3. Sau năm 1940 : Đây là thời kỳ diễn ra những diễn biến phức tạp trong đời sống chính trị ở Đông Dương (Chiến tranh thế giới bùng nổ, các hoạt động khủng bố của thực dân...), một mặt, văn học hiện thực không có được sự phát triển phong phú về số lượng và đội ngũ như giai đoạn trước năm 36 nhưng mặt khác, trong giai đoạn này, xuất hiện những nhà văn kết tụ được toàn bộ những thành tựu nghệ thuật của văn xuôi Việt Nam trước năm 1945 điển hình là Nam Cao. Các nhà văn tiêu biểu cho giai đoạn này là Nam Cao (Chí Phèo, Một đám cưới, Một bữa no, Lão Hạc, Trăng sáng, Đời thừa...), Tô Hoài (Quê người, Giăng thề...), Kim Lân, Bùi Hiển (Ma đậu, Nằm vạ)...
III. Những đặc điểm chính của văn học theo khuynh hướng hiện thực.
1. So với những sáng tác của nhóm Tự lực văn đoàn, sáng tác của các nhà văn thuộc khuynh hướng hiện thực có sự mở rộng về phạm vi phản ánh và sự thay đổi về chủ đề, đề tài.
- Văn học hiện thực mở rộng phạm vi phản ánh của tác phẩm, từ những sinh hoạt gia đình, sự tha hóa của giới tư sản, “thượng lưu” trong xã hội đến cảnh khốn cùng của các tầng lớp dân nghèo ở nông thôn và đô thị.
- Trong quá trình phản ánh, đặc biệt trong giai đoạn 1936 – 1939, nhà văn tập trung miêu tả những xung đột, đối kháng gay gắt của các tầng lớp người trong xã hội. Cái nhìn mang tính lý tưởng, thậm chí không tưởng của các nhà văn trong Tự lực văn đoàn bị giải thể. Thái độ, cảm quan phê phán của các nhà văn đối với thực tại xã hội được tô đậm một cách sâu sắc, dưới mọi hình thức, đặc biệt là dưới hình thức của cái cười (Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng và trên một phương diện, kể cả Nam Cao)
- Hai chủ đề được tập trung miêu tả một cách đậm nét là sự tha hóa và sự bần cùng, sự tăm tối trong đời sống.
- Thái độ của các nàh văn hiện thực đối với những tầng lớp dân nghèo cũng có những nét khác biệt với những nhà văn trong nhóm Tự lực văn đoàn. Có đời sống gần gũi với những người cùng khổ, các nhà văn hiện thực đã xây dựng được những phong cách sáng tác hết sức đa dạng :
cái nhìn đầy tinh thần cảm thương và sự trân trọng đối với người nghèo trong sáng tác của Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng; cái nhìn hiện thực tỉnh táo, sắc lạnh của Nam Cao; cái nhìn đầy mầu sắc trào lộng, chua chát về hiện thực của Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan... Sáng tác của các nhà văn hiện thực vừa thể hiện được một cái nhìn có tính đồng cảm chân thành của những người cùng cảnh ngộ với đời sống của những người nghèo, vừa biết phát hiện ra những giá trị tinh thần tốt đẹp trong họ (điển hình là trường hợp Nguyên Hồng)
- Các sáng tác của các nhà văn hiện thực được sáng tác trên cơ sở một vốn sống và thực tế sáng tác phong phú, nhiều nhà văn trước khi sáng tác những tác phẩm hư cấu là những cây bút phóng sự tài năng (Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố), mỗi nhà văn là người am tường một mảng hiện thực đời sống (Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Đình Lạp gắn với những tệ đoan của xã hội đô thị, Ngô Tất Tố là cây bút am tường đời sống làng xã, Nam Cao là nhà văn của những người trí thức nghèo, là “người thư ký trung thành” của không gian làng Đại Hoàng...)
- Trong hai mảng hiện thực tâm hồn và hiện thực sinh hoạt, các nhà văn hiện thực chủ yếu đi sâu vào mảng hiện thực sinh hoạt của các tầng lớp người trong xã hội. Đây là một nét đặc trưng trong sáng tác của các nhà văn hiện thực nhưng cũng là một trong những điểm hạn chế trong sáng tác của họ.
2. Sáng tác của các nhà văn hiện thực phản ánh những nét tương đồng với phương pháp sáng tác hiện thực chủ nghĩa trên thế giới
- Cái nhìn về hiện thực của họ đa dạng, phong phú và giàu vốn sống hơn các nhà văn trong nhóm Tự lực văn đoàn. Khuynh hướng tìm kiếm cái đẹp thơ mộng, lãng mạn về hiện thực bị kiềm chế, nhà văn tập trung miêu tả những mặt tương phản, những nghịch cảnh, những mặt trái của đời sông. Cái nghịch dị trở thành một phạm trù thẩm mỹ được nhiều nhà văn hiện thực sử dụng.
- Không gian tác phẩm được mở rộng, trên cơ sở đó, các nhà văn đã xây dựng được nhiều hoàn cảnh có tính điển hình, mà trên đó, tác phẩm vận động và phát triển.
- Thành tựu lớn của những nhà văn hiện thực là xây dựng được những tính cách có tính điển hình, có sự vận động một cách lôgích, vừa mang ý nghĩa tiêu biểu cho những vấn đề xã hội bức xúc đương thời, vừa mang dấu vết cá nhân hóa một cách sâu sắc.
3. Được xây dựng trên cơ sở một vốn sống phong phú nên sáng tác của các nhà văn hiện thực có được những thành công đáng ghi nhận về ngôn ngữ văn học.
- Đưa được tiếng nói của các tầng lớp người vào sáng tác văn học, đặc biệt, đạt được những thành công trong việc cá tính hóa ngôn ngữ nhân vật, xây dựng được những bức “chân dung ngôn ngữ nhân vật”
- Tạo được sự đa thanh trong ngôn ngữ trần thuật.
4. Trong các nhà văn hiện thực, Nam Cao là tài năng cuối cùng của khuynh hướng văn học này. Sáng tác của ông vừa có ý nghĩa một người tổng kết cho một khuynh hướng văn học vừa có ý nghĩa như một nhà văn kết tụ được toàn bộ thành tựu của văn xuôi tự sự trước năm 1945. Bên cạnh những đặc điểm nói trên, Nam Cao còn đạt được nhiều thành công trong việc đi sâu phân tích tâm lý nhân vật và đa thanh hóa ngôn ngữ trần thuật. Chính vì vậy những bi kịch trong sáng tác của ông thường đạt được chiều sâu và độ khái quát cao.
Nguồn: thachpx