Đến trưa ngày 3 tháng 5 năm 1942, các phi công trở về gần như toàn vẹn. Cứ theo lời họ thì quân Nhật hoàn toàn bị đánh bất ngờ và cửa biển Tulagi ngập đầy xác tàu. Đối với ngày chiến thắng đầu tiên các phi công Mỹ còn quá lạc quan hơn cả những đồng nghiệp Nhật Bản của họ…
Sau khi đi lại tuần phòng đến tối một cách vô ích vì không thu được tin nào mới về lực lượng hải quân địch, lực lượng đặc nhiệm của Fletcher chạy xuống phía nam để kịp đến điểm hẹn vào bình minh hôm sau với chiếc tàu dầu vĩ đại Neosho sẽ đến tiếp tế cho các chiến hạm.
Công cuộc tiếp tế kéo dài suốt ngày 4 tháng 5. Công việc kéo ngang các vòi dầu cặn giữa các chiến hạm đang chạy, việc chuyển giao thư từ do chiếc Neosho mang đến việc trao vài tân binh đổi lấy các quân nhân trừ bị được giải ngũ, đã tạo nên không khí náo nhiệt và đầy lạc quan gữa các thuỷ thủ đoàn. Rồi cuộc tuần hành lại tiếp tục hướng về bắc, và đêm tối trải qua mà không có biến cố nào làm rộn chuyến hải hành bình yên này. Đô đốc bắt đầu nghi ngờ giá trị của tin tức do Trân Châu Cảng chuyển đến trong khi nhìn thì giờ trôi qua. Các cuộc tuần tiễu bằng phi cơ thám thính liên tục từ sáng sớm đã không hề báo hiệu một tí gì về việc trông thấy “Kanawishi-thuỷ phi cơ thám thính vĩ đại của Nhật” vẫn không ngừng bay lượn trên các bờ biển Corail.
Vào khoảng 4 giờ chiều, khi các lời bình luận tuôn tràn trên các cầu tầu cũng như trong các phòng thường trực báo động, trong lúc gió kéo mây che kín một bầu trời vốn đã mờ mờ vì sương mù, thì các loa phóng thanh của tất cả các trung tâm thu tin trên các chiến hạm đã làm chấn động các hiệu thính viê đang ngủ gật:
“Ariel gọi Yorktown; Kanawishi ở phía bắc, cao độ 18.000 bộ!”
Tất cả các phi cơ đang bay đều nghiêng cánh hướng về phía kẻ nhìn trộm và các loa phóng thanh vẫn vang dội không ngừng tiếng nói chát tai; Joan gọi Ariel; hiểu rồi tôi theo anh”, ”Lily gọi Kate: tôi thấy có cái gì trong 320, tôi đến đó”…
Nhưng cơn mưa nhiệt đới đã chấm dứt những sự thổ lộ không mấy kín đáo này. Mẫu hạm Yorktown báo hiệu cho tất cả: “Trở về tàu”. Chiếc Kanawishi biến mất sau khi phát một tín hiệu, Đô đốc Nhật Bản biết chắc được thành phần và vị trí của lực lượng đặc nhiệm Mỹ.
Đêm 6 rạng ngày 7 tháng 5 năm 1942 ấy, mây tan mau lẹ trên bầu trời, làm như Thượng đế muốn cho những kẻ có thể chết vào ngày mai trông thấy một lần cuối cảnh đẹp nhất của vũ trụ. Dường như các hàng không mẫu hạm kéo theo sau dòng sông Ngân hà uốn lượn chập chờn theo làn sóng biển vỡ tan tành tô điểm một chỏm bạc trên các bóng đen di động ban đêm. Tất cả đều vĩ đại và đẹp mê hồn trong cái im lặng dửng dưng của vũ trụ ban đêm. Các thuỷ thủ trinh sát đêm đứng trên các cầu tàu, các sĩ quan trực nhật, các hạm trưởng, các hoa tiêu trong thế báo động đều ngắm nhìn quang cảnh đ nhất phô diễn trước mắt họ trong tứ ánh sáng thanh cao trác tuyệt này.
Chắc những người sống sót sau trận hải chiến sẽ không bao giờ quên được.