Sách không chữ

  • Thread starter Thread starter Butchi
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
Sách không chữ

Sách không chữ là cụm từ ẩn dụ muốn nói lên bài học đường đời muôn màu muôn vẻ vô cùng phong phú, qua đó con người hiểu biết thêm, được trải nghiệm để có vốn sống phong phú cả vật chất tinh thần (tạm gọi là không học mà biết) qua tất cả các giai đoạn của cuộc đời cho đến lúc xuôi tay.

Từ lúc sơ sinh đến trước khi vào ghế nhà trường học đọc, học viết, trẻ con đã đọc quyển sách không chữ này để biết nói, dần dần có nhận thức biết thương, biết ghét, từng bước hình thành nên thế giới nội tâm của mình. Có câu “học ăn, học nói, học gói học mở”, lại có câu “đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Giáo dục là trường học - hiện thực cuộc sống là trường đời - Trường học là thời kỳ sôi kinh nấu sử, để vượt qua vũ môn lấy được bảng vàng, tức cấp bằng là xong. Còn hiện thực cuộc sống, sách không chữ phải học suốt đời qua tất cả các giai đoạn tuổi tác cho đến hết đời, không có trang cuối.

Trải bao biến cố của thời đại, trải qua sự tiến bộ vượt bậc của văn minh thời đại, trải qua bao thành công và thất bại của mỗi con người chúng ta ngày càng trưởng thành lên mãi để có vốn sống và từ đó hoàn thiện mình, biết sao là đủ vì chân trời nhận thức và hiểu biết là vô tận.

Sách không chữ không phải là sách gối đầu giường vì nó không có trang cuối, không có in ấn và ghi chép mà chỉ lưu giữ trong ký ức để rút kinh nghiệm mà tự khôn. Nó kinh qua những vận động hiện thực của cuộc sống quanh ta tác động đến ngũ quan: nhãn thức, nhĩ thức, tỵ thức, thiệt thức, xúc thức tất cả hợp lại hình thành giác quan thứ 6 là ý thức.

Qua ý thức con người sẽ có nhân văn sâu sắc hơn và tự suy ngẫm, hình thành nên giác quan thứ 7 là tâm thức.

Ý thức và tâm thức ăn sâu vào ký ức của chúng ta. Nó nâng ta lên để khôn ngoan hơn, có kỹ năng sống, có trực giác nhất là có tư tưởng đúng biết cách sống và xử thế tốt trong quan hệ giữa người và người, giữa con người và thiên nhiên.

Ý thức và tâm thức luôn ở trong trạng thái động, luôn luôn theo thực tế biến đổi của hoàn cảnh mà phong phú hơn uyên bác hơn. Con người tạo ra hoàn cảnh, hoàn cảnh tạo ra sự uyên bác.

Sách không chữ là vốn sống ta học được và nhớ lâu qua lao động, qua công việc làm ăn kinh doanh, qua giao tiếp trong gia đình ngoài xã hội, qua tham quan mở rộng tầm mắt, và cả qua tình yêu nam nữ, qua quan hệ cộng đồng, qua đời sống tập thể, khơi dậy cảm xúc yêu ghét, yêu đời, yêu người, yêu thiên nhiên.

Hiện thực đời sống trong sách không chữ phản ánh cả hai mặt tốt xấu của con người có nhân nghĩa cũng có bất nhân bất nghĩa, có hảo tâm hảo ý cũng có tà tâm, tà ý, tà khuyết. Tất cả những gì tiếp thu được từ sách không chữ gọi là vốn sống của mỗi con người, mỗi nhà văn.

sach.jpg



Bài viết "Hà thành siêu độc giả" của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải trên Báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần ngày 5/9/2010 viết về cụ bà 91 tuổi cả đời học và đọc không ngừng có ghi câu hỏi rất xác đáng. Cụ Phạm Thị Minh Mỵ hỏi: “Có một số tác giả trẻ hiện đại của Việt Nam khởi đầu hay lắm, tôi đọc say mê. Vậy mà vài năm sau họ cải tiến sáng tạo, cách tân sao tôi không thể nào đọc được nữa. Tôi muốn hỏi vì sao vậy”. Kính thưa cụ, xin mạo muội nói không phải chỉ nhà văn trẻ mà không ít các nhà văn cao tuổi cũng lâm vào tình trạng “tiền kiết hậu hung” này. Vì sao vậy?

Đơn giản chỉ vì học cần vốn sống thực rồi. Nói nôm na cho vui là họ hết xí quách rồi mà chưa có dinh dưỡng bổ sung. Mới vào nghề họ tung ra hết năng lượng, viết hết sạch rồi, có cố gắng sáng tạo đến mấy cũng cho ra đời những tác phẩm sống thực vật thôi. Cụ chán đọc là phải. Nghệ thuật viết văn đòi hỏi nhà văn phải viết văn bằng cảm xúc thật qua thực tế cuộc sống hiện thực bản thân nhà văn đã trải qua, và bằng ý tưởng sáng tạo riêng của nhà văn cũng qua thực tế cuộc sống. Nói rõ ra là phải viết văn bằng trái tim và khối óc. Nếu trái tim đi chỗ khác chơi, thì khối óc (ý thức) sẽ khô khan và chẳng sống động.

Có câu: Tôi yêu quyển tiểu thuyết này vì nó buồn (parce qu’il est triste) vì nó làm cho tôi vui (parce qu’il me plaire) vì nó làm cho tôi cảm động (parce qu’il est touchante). Không buồn, không vui, không cảm động thì mua vé vào coi hát để làm gì? Mua sách đọc để làm gì?

Nối tiếp nội dung trên về “sách không chữ”, viết văn là chép có sáng tạo từ sách không chữ sang sách có chữ để xuất bản đáp ứng nhu cầu của độc giả. Ai ai cũng vậy, từ lúc trẻ thơ đến lúc trưởng thành hoàn chỉnh được tính khí rồi, đến thời kỳ trung niên đều đã tự nhiên đọc được bao nhiêu sách không chữ, qua đó tích lũy được bao nhiêu kỷ niệm vui buồn, cảm động tích lũy thành ký ức nhớ đời đem ra xào nấu, hư cấu thành tác phẩm và có thành công nhất định.

Nhưng xin chớ chủ quan như Trình Giảo Kim xách búa ra trận tiền đối đầu với thằng giặc chém ba búa là hết võ, bỏ búa chạy dài bị giặc đuổi theo đâm chết, bị thằng giặc dùng xà mâu dích xác lên cành cây, may nhờ có con tò vò tha đất lên làm tổ ngay giữa mũi. Trình tướng quân được hưởng cái mùi đất ấy mà sống lại để về tiếp tục viết tiếp trang sử của mình.

Ẩn ý của chi tiết con tò vò tha đất xây tổ trên mũi cứu sống Trình Giảo Kim sau khi đã hết võ nếu ứng vào trường hợp của nhà văn sau khi đã đạt được những thành công ban đầu nhất định lại thui chột đi không thể viết tiếp vượt qua chính mình được nữa, thậm chí viết không hay và có duyên như các tác phẩm đầu tay được nữa vì hết vốn sống. Phải chăng muốn nói nhà văn cần có đất nghĩa là nhà văn phải tiếp tục đọc thêm nhiều “sách không chữ” để sống lại và tự cứu cho nghiệp văn của mình, để kịp thích ứng với hoàn cảnh thay đổi.

Thời chiến tranh sống “ba cùng” với bà con nông dân, với người lính bình dị, thật thà dễ thương, dễ cười, người nông dân chất phác giản dị, có gì nói nấy, ruột để ngoài da, thực tế trước mắt bày ra theo từng bước đi tha hồ cảm xúc phát triển đề tài, chi tiết viết ngay, tha hồ lưu lại trong ký ức để sau này viết những bộ phim dài nhiều tập. Nhưng khi hòa bình lập lại, kinh tế mở, nhà văn bị thay đổi môi trường, bị ném ra giữa phố thị cư dân đông đúc ngày càng phình lên về mật độ dân số.

Người nông dân giản dị dễ hiểu. Người thành phố có học vấn cao, lịch sự khéo léo, nhưng lại rất kín đáo, chuyện nhà ai nấy biết. Hàng ngày ta thấy hàng vạn chiếc xe chạy qua chạy lại nhưng ta không sao đoán được dưới những chiếc mũ bảo hiểm đủ màu sắc, những cái đầu ấy đang nghĩ gì, lo âu việc gì?

Người thành phố tự xây cho mình những hang động, bên trong có nhiều ngăn, mỗi ngăn là một buồng riêng, cửa đóng then cài để rút vào đó, nhà ai nấy biết. Họ cũng có những quyển sách không chữ, những sách không chữ của họ là những quyển nhật ký cá nhân cấm đọc.

Người thành phố sống kinh qua ý thức, không như người nông dân sống kinh qua tự nhiên. Cho nên có khi nhà văn cảm thấy sống giữa thiên hạ đông đảo mà cảm thấy như mình sống mà không có sống (vivre sans vie) vì thấy vẻ ngoài mà không thấy bên trong của nó. Không thể xét con người qua vẻ ngoài mà phải xét con người tận sâu thẳm trái tim (au fond de son coeur).

Muốn hiểu người thành phố phần nào đó phải kinh qua các vụ án hình sự, có phiên tòa tuyên án, cho nên các nhà văn công an có nhiều đất dụng võ hơn các nhà văn dân sự. Muốn hiểu người thành phố nhà văn phải biết tiệc tùng nhậu nhẹt, phải kinh qua các vụ trộm tình, nơi mà hồn cốt con người đã biến thành con người thứ hai có gì tuông ra hết. Còn nếu anh lỉnh kỉnh mang theo máy ghi âm, máy ghi hình điện thoại cầm tay, cả lap-top nữa đến phỏng vấn thì họ chỉ thật thà với anh một nửa.

Người thành phố bị trói buộc bởi nguyên tắc bí mật cơ quan và công ty kinh doanh, phải nhờ thám tử tư may ra mới khám phá được. Có đặc điểm khác nhau là nữ giới thì giữ bí mật riêng tư kỹ hơn nhưng dễ lộ bí mật xã hội, còn nam giới thì giỏi giữ bí mật quốc gia nhưng chuyện riêng tư trai gái thì dễ hớ hênh vì muốn khoe thành tích.

Thành phố rất đông đúc, bao gồm rất nhiều những xã hội thu nhỏ: giàu nghèo, trong nhà ngoài đường, giới buôn gánh bán bưng, giới có cửa hàng cửa hiệu, giới băng nhóm giật dọc, giới cờ bạc đỏ đen, giới nghệ sĩ nghệ thuật, giới thầy thuốc chữa bệnh cứu người, giới tu hành… Xã hội thu nhỏ nào muốn xâm nhập, cảm được, hiểu được phải có đồng tiền, có máu có mê của xã hội đó, làm sao đây?

Nhà văn ta đa số là quá hiền, quá mô phạm, máy móc động cơ khoa học, công cụ mới không rành, hiện đại hóa thì a-ma-tơ, choảng nhau thì không dám vì thiếu dinh dưỡng, đi ăn chơi thì phải xin phép xin tiền vợ (xin lỗi là tôi nói tôi đó!).

Nhà văn thành phố phải nghiên cứu sâu bí mật của các gia đình, bí mật của các cơ quan công sở, các công ty kinh doanh, ở đấy có đủ các mô-típ người để biết các sự dị biệt, mọi sự tranh chấp giữa các cá nhân, các nhóm người để có tư liệu tổng hợp hình thành các nhân vật các sự kiện. Điều này các nhà văn nữ, các nhà văn trẻ làm dễ hơn các nhà văn già nếu họ chưa hết vốn sống.

Chiếc xe hết xăng hết năng lượng thì phải đổ xăng, nạp thêm năng lượng mà chạy, nếu nhờ xe đầu kéo hoặc bò kéo thì sao còn gọi được là xe cho dù thời gian trước đã vượt hàng vạn cây số tốc độ cao. Nhà văn nổi tiếng một thời nhưng nay tự dưng cảm thấy giảm phong độ, tịt ngòi cảm hứng, thui chột đề tài, hết biết viết gì đây được như xưa thậm chí vượt qua được chính mình lại đi ôm chiếc ti-vi hoặc lần theo dấu thỏ đường dê của các bài báo để săn đề tài tìm cảm hứng thì có khác nào một kiểu đạo văn.

Văn học rợp cành xanh lá nhờ được nẩy sinh từ mảnh đất hiện thực màu mỡ để cảm xúc có hương của hoa có vị chua ngọt của quả. Đừng bao giờ ỷ lại vào một số tác phẩm ban đầu mà ngạo mạn tự cho rằng ta vốn sống đủ rồi, học vấn đủ rồi mà tự mình tụt hậu không theo kịp thời đại đổi mới liên tục, không theo kịp hiện thực tâm hồn của con người quanh ta. Hãy cố gắng tìm sách không chữ để mà đọc. Còn dấn thân để tìm được bằng cách tùy thuộc vào bản lĩnh và ý chí của mỗi nhà văn để phản ánh được cuộc đời như chính cuộc đời, nhân vật như chính họ (tels qu’ils sont).

(Trần Kim Trắc) - Tạp Chí Hồn Việt
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top