• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.

Sa Pa không lặng lẽ

ButNghien

Học tập suốt đời!
Thành viên BQT
Xu
46
SA PA KHÔNG LẶNG LẼ


Khác với một số truyện ngắn khác, truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long không định hướng chủ đề mà chỉ hạn định một khía cạnh đề tài của tác phẩm. Đầu đề của tác phẩm là Lặng lẽ Sa Pa nhưng chủ đề của nó lại là Sa Pa không lặng lẽ.

Trong tác phẩm, độc giả không phải không bắt gặp một Sa Pa lặng lẽ, thậm chí là một sự lặng lẽ đáng sợ. Đó là cái lặng lẽ của đỉnh núi Yên Sơn “cao hai nghìn sáu trăm mét”, “bốn bề chỉ cây cỏ và mây mù lạnh lẽo”, nơi đó anh thanh niên một mình với “công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu”. Anh ta là “người cô độc nhất thế gian”- theo lời bác lái xe. Một con người “thèm người” đến phải ngáng gỗ dọc đường cho xe dừng lại để nói chuyện với người trên xe một lát. Lặng lẽ của Sa Pa còn là cái lặng lẽ của lúc nửa đêm, đúng giờ ốp, phải thức dậy để để làm việc “xách đèn ra ngoài vườn”, “gió, tuyết ào ào xô tới”, cái lặng lẽ như có hình có nét: “như bị gió chặt ra từng khúc , mà gió thì như những nhát chổi lớn, muốn quét đi tất cả, ném vất lung tung”. Nhưng những chi tiết về Sa Pa lặng lẽ đã mất đi sự tác động trực tiếp vì nó chỉ được thể hiện thông qua câu chuyện của bác lái xe hay lời giới thiệu ngắn gọn của anh thanh niên. Hơn nữa, trong cách giới thiệu của bác lái xe về anh thanh niên không hề có chút gì gọi là ngậm ngùi, thông cảm mà bao hàm trong đó niềm tin, niềm tự hào, kiêu hãnh. Còn anh thanh niên thì xem tất cả sự lặng lẽ đến khắc nghiệt của Sa Pa như một cái gì rất đỗi thường tình.

Mặt khác, một tác phẩm viết về lặng lẽ Sa Pa mà lại rôm rả ngay từ đầu bởi những câu chuyện. Quả đây là một tác phẩm rất nhiều đối thoại. Nhiều lúc nhà văn dẫn chuyện bằng chính lời đối thoại của nhân vật. Con người ở đây trở nên cởi mở, vui vẻ, bộc bạch hết cả nỗi lòng mình. Nhưng điều quan trọng là chúng ta có thể chia lời thoại trong tác phẩm ra thành hai phần, lời thoại trước lúc gặp gỡ và lời thoại lúc gặp gỡ anh thanh niên. Đó là câu chuyện giữa hoạ sĩ già và cô gái, nhưng nổi bật lên là lời của bác lái xe về anh thanh niên. Còn khi gặp gỡ, lời thoại chủ yếu là của anh thanh niên. Trong lời thoại của anh thanh niên có sự “đối thoại” lại với lời của bác lái xe về anh ta, hay nói đúng hơn đó là sự khắc phục thường xuyên trong tư duy sự lặng lẽ ở hoàn cảnh công tác và sinh hoạt của mình. Ngay cách gọi của bác lái xe về anh thanh niên là một người “cô độc nhất thế gian”, không phải anh ta không nghĩ tới. Chính anh ta đã từng cho mình là “một ngôi sao cô đơn”. Nhưng rồi anh đã tìm thấy nơi công việc một người bạn: “mình với công việc là hai”. Vả lại, anh đâu hoàn toàn cắt đứt quan hệ với con người: “Việc của cháu lại gắn bó với anh em dưới kia”. Về việc anh thanh niên “thèm người”, phải ngáng gỗ, chặn xe thì anh đã tìm được cái lí đương nhiên, bác lái xe cũng “thèm người” và ai cũng “thèm người” cả. Đấy là thuộc tính và bản chất tốt đẹp của con người chứ không phải anh ta sợ cô đơn, hay thèm khát cảnh phồn hoa đô thị. Anh thanh niên còn nghĩ đến những người “cô độc hơn cả mình”, “một mình thì anh bạn trên đỉnh Phăng Xi Păng ba nghìn một trăm bốn mươi hai mét kia mới một mình hơn cháu”, hay những người biết hi sinh vì lí tưởng như bác kĩ sư vườn rau dưới Sa Pa hay đồng chí làm bản đồ sét ở cơ quan. Đúng như anh nhận xét: “Họ khiến cháu thấy cuộc đời đẹp quá” và “Sa Pa mà mới chỉ nghe tên người ta đã nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi có những con người lo nghĩ như vậy cho đất nước”. Như vậy, anh thanh niên không chỉ hồn nhiên mà còn chín chắn, không phải chỉ biết hi sinh mà còn ý thức rõ ràng về lí tưởng phụng sự con người, không chỉ lao động cần cù mà còn ý thức sâu sắc về công việc, lấy công việc làm lẽ sống. Anh ta không chỉ có nhận thức mà còn có tư tưởng, tư tưởng của anh ta là tư tưởng của một thời đại xã hội chủ nghĩa phản ánh vào anh ta. Và khi anh ta là một con người xã hội chủ nghĩa thì trong bản chất anh ta không thể cô đơn. Mặt khác, tất cả phẩm chất của anh thanh niên còn là sản phẩm của cự tự hoàn thiện mình, của sự đấu tranh tư tưởng. Cho nên sự lặng lẽ của Sa Pa chỉ là bên ngoài còn trong tâm hồn của con người là hàng loạt những biến chuyển, kể cả những thay đổi có thính chất bước ngoặt để cuộc sống rộn ràng đi lên. Sa Pa không lặng lẽ mới là cảm hứng chủ đạo của tác phẩm này.

Đồng thời, không chỉ anh thanh niên mà cả cô gái, bác hoạ sĩ già cũng đang có sự đấu tranh bên trong. Cô gái đấu tranh với thứ tình yêu mà cô đã từng nghĩ là mình nhầm. Bác hoạ sĩ già đấu tranh với khả năng nghệ thuật của mình. Chính vì thế, tâm hồn con người ở đây dễ gặp nhau, tâm hồn họ soi sáng cho nhau. Anh thanh niên khiến cô gái “đánh giá đúng hơn mối tình nhạt nhẽo cô đã từng bỏ và yên tâm hơn về quyết định của mình”. Còn hoạ sĩ già thì bắt gặp ở anh thanh niên một nguyên mẫu tuyệt vời, tiếp cho hoạ sĩ tình yêu cuộc sống. Vì thế Lặng lẽ Sa Pa còn nói đến những quan hệ tốt đẹp ngày càng nảy nở trên đất nước này và con người đang đấu tranh từng ngày, từng giờ cho quan hệ đó. Sa Pa không lặng lẽ vì con người ở Sa Pa cũng là một bộ phận của cái toàn thể vĩ đại ấy. Anh thanh niên không lặng lẽ vì xung quanh anh ta biết bao mối quan hệ, công việc của anh ta là vì mọi người. Mặt khác, phẩm chất tốt đẹp của anh thanh niên cũng được mang lại từ những mối quan hệ tốt đẹp trên khắp Tổ quốc này mà thôi. Ví như anh thanh niên khát khao chiến công thì niềm khát khao đó được chắp cánh từ bố anh, từ bạn bè anh, từ bác làm vườn rau đến bác làm bản đồ sét…sự quên mình cho công việc của anh cũng vậy.

Cảm hứng chủ đạo của tác phẩm này là Sa Pa không lặng lẽ. Chính vì thế mà mở đầu tác phẩm nhà văn không nói đến tuyết, đến giá mà nói đến cái nắng hừng hực rực lửa “đốt cháy cả rừng cây”; về cuối tác phẩm, cũng ánh nắng ấy “mạ bạc cả con đèo”, “làm cho bó hoa và cô gái cũng rực rỡ theo”. Ánh nắng ấy đốt cháy lặng lẽ và làm sáng lên những tư tưởng, tình cảm mãnh liệt trong tâm hồn con người.




Ths. Lê Sử
(GV. Khoa Ngữ văn- Đại học Vinh- Nghệ An)
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top