Sahara - đệ nhất sa mạc
Sahara không phải là một mảnh đất hoang. Do dưới đất có nhiều nước nên hình thành nhiều ốc đảo Siwa của Ai Cập, ốc đảo Ainsalah Jogurte của Algeria. Trong ốc đảo, suối nước chảy róc rách, những hàng cây chà là cao vút, vừa ngăn chặn sự xâm nhập của cát, vừa cung cấp nguồn thực phẩm chủ yếu cho cư dân.
Sa mạc lớn nhất thế giới nằm ở Bắc Phi, kéo dài từ bờ Đại Tây Dương theo hướng đông đến bờ biển Hồng Hải. Sahara kéo dài 5.600 km từ đông sang tây, rộng 1.600 km từ nam sang bắc, đi qua Ai Cập, Sudan, Lybia, Chad, Angeria, Niger, Tunisia, Marốc, Mali, Mauritania và Tây Sahara, với tổng diện tích 8.600.000 km2, chiếm 30% cả lục địa châu Phi. Theo thói quen, người ta hay gọi đây là sa mạc, nhưng phải gọi là hoang mạc mới chính xác vì Sahara không chỉ là một sa mạc điển hình với nhiều đồi cát lớn mà còn có một diện tích lớn nham thạch lộ thiên hoặc chỉ có một lớp mỏng nham thạch vụn (hoang mạc đá) cùng với các bãi đã cuội và sỏi (sa mạc).
Sa mạc Sahara nằm gần đường bắc hồi quy, cách đường xích đạo của trái đất ở 23°27" phía bắc và 23°17" phía nam. Nơi đây cả năm chịu sự khống chế của vùng khí hậu áp nhiệt đới cao và vùng gió mùa đông bắc. Gió đông bắc làm giảm khí lưu và gió từ lục địa đến, hơi nước ngưng tụ nên khí hậu ở đây cực kỳ khô hạn. Lượng mưa trung bình hàng năm của khu vực này dưới 100 mm, có nơi thậm chí không có một giọt mưa trong nhiều năm. Diện tích khu vực khô hạn của nó đứng hàng thứ nhất toàn cầu. Do lượng mưa ít, lại thêm việc chăn thả và khai khẩn quá độ, sa mạc Sahara không ngừng mở rộng về phía nam. Khoảng nửa thế kỷ trở lại đây, Sahara đã mở rộng gần bằng với diện tích của Afghanistan (652.000 km2).
Khu vực sa mạc khô hạn, ít mây, ánh sáng mặt trời chói chang, quanh năm sóng nhiệt cuồn cuộn, hơi nóng khô người. Nhiệt độ trung bình hàng năm là 25°C trở lên, nhiệt độ bình quân của tháng cao nhất trong năm (tháng 7) là 35-37°C và thời gian duy trì mức nhiệt độ này rất dài. Ngày 13/8/1922, ở vùng Ajijiye cách thủ đô Tripoli của Lybia 45 km về phía nam, nhiệt độ đạt 58°C, trở thành nơi cực nóng của thế giới. Ở sa mạc, ban ngày mặt trời đỏ rực như thiêu như đốt. Nếu để một quả trứng trên cát, chẳng mấy chốc nó sẽ chín ngay. Nhưng đến đêm, gió lạnh cắt da cắt thịt, nếu ngủ không đắp chân thì không chịu nổi. Sự chênh lệch nhiệt độ giữa ban đêm và ban ngày là 15-35°C, cao nhất có thể lên tới 38,2°C. Dưới sự thay đổi nhiệt độ như thế, nham thạch thường bị phân giải và bào mòn nghiêm trọng do giãn nở khi nóng và co lại khi lạnh. Trong sa mạc còn có bão cát và gió bụi dữ dội, thường làm cát bay đá lở, tối tăm trời đất. Một lượng lớn cát bụi được đem đến khu vực phía nam Sahara, thậm chí đến cả Đại Tây Dương. Ở khu vực thủ đô Novakchott của Mauritania thường xảy ra hiện tượng mưa cát.
Trong điều kiện tự nhiên khắc nghiệt như thế, một số động thực vật vẫn tồn tại, sinh sôi nảy nở trong sa mạc một cách ngoan cường. Đó là loài cỏ giấy có bộ rễ phát triển, loài xương rồng có rễ biến thành gai, thân cây có chứa chất dinh dưỡng. Các loài thực vật sinh trưởng nhanh, chịu hạn như mộc tặc giả sau khi mưa 10 phút sẽ mọc mầm, sau 10 giờ sẽ ra rễ nên có thể thấy khắp nơi. Các loài động vật có khả năng chịu khát, chạy giỏi hoặc sống trong hang như đà điểu, linh dương, chuột nhảy, thằn lằn… cũng hoàn toàn thích ứng được với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt ở Sahara.
Đi trong biển cát mênh mông, con người bỗng thấy phía trước có làng mạc cây cối, giếng nước, suối mát… nhưng khi đến gần thì tất cả đều biến mất, không còn lại một dấu vết. Đây chính là hiện tượng ảo ảnh thường thấy trong sa mạc. Đó là do mật độ chiếu sáng không đồng đều của các tia khúc xạ làm cho cảnh vật thật ở xa hiện lên trong không trung hoặc dưới đất, tạo thành cảnh hư ảo.
Ốc đảo là trung tâm của các hoạt động kinh tế trong sa mạc. Nói chung, người da màu định cư tại ốc đảo làm nghề nông được gọi là “cư dân chà là”. Riêng các dân tộc du mục như người Ảrập, người Berber ở phía bắc Sahara phải sống trong lều bạt hoặc tìm những nơi có cỏ, có nước nên được gọi là cư dân lạc đà. Trong hoang mạc mênh mông bát ngát có thể thấy từng đoàn thương nhân tay dắt lạc đà thồ hàng hoá đi trên con đường buôn bán có từ xa xưa. Lạc đà một bướu ở sa mạc Sahara có thể chịu đói khát, là trợ thủ đắc lực của cư dân trong sa mạc nên được mệnh danh là con thuyền trong sa mạc.
Sahara còn là một trong những nơi tập trung nhiều tài nguyên khoáng sản nhất châu Phi, trong đó quan trọng nhất là dầu mỏ và khí đốt thiên nhiên. Ngoài ra còn có các khoáng sản khác như uranium, sắt, mangan, đồng… Các kho tàng quý giá phong phú dưới đất này đã thúc đẩy nền kinh tế của các nước quanh sa mạc phát triển như Lybia, Algeria đã trở thành những quốc gia dầu lửa và khí đốt chủ yếu của thế giới. Niger là nước sản xuất uranium nổi tiếng thế giới. Do khai thác khoáng sản, trong sa mạc rộng lớn đã xuất hiện mạng lưới đường bộ, hàng không và các điểm dân cư mới làm cho bộ mặt Sahara có nhiều thay đổi lớn.
ST