BÀI HỌC VỀ CÔNG CUỘC DỰNG NƯỚC VÀ GIỮ NƯỚC
Tham khảo:
AN DƯƠNG VƯƠNG VÀ BI KỊCH NƯỚC MẤT NHÀ TAN
Nếu ở phần thứ nhất, truyện tập trung nói về chuyện xây thành, chế nỏ, qua đó nhằm khẳng định và ca ngợi vai trò quan trọng của thành trì và vũ khí trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, thì ở phần thứ hai, tác giả lại chú ý đến vai trò quyết định của con người, đặc biệt là người chỉ huy, lãnh đạo.
Con người mà truyện “Thánh Gióng” tập trung phản ánh, thể hiện là người chiến sĩ trực tiếp đánh giặc ở chiến trường. Thánh Gióng chính là sự khái quát hóa, hình tượng hóa và thần thánh hóa đội quân chống xâm lược đầu tiên của dân tộc trong thời kì Văn Lang. Đội quân ấy phải được trang bị vũ khí đồng thời phải có sức mạnh của tinh thần, ý chí và sức mạnh của thể lực. Chi tiết “roi sắt gẫy”, Gióng phải dùng tay “nhổ từng bụi tre” để tiếp tục đập tan quân giặc đã phản ánh và thể hiện một cách sinh động và độc đáo sự kết hợp của hai sức mạnh đó.
Truyện An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thủy tập trung phản ánh và thể hiện vai trò quan trọng và những phẩm chất cần thiết của người chỉ huy, lãnh đạo công cuộc dựng nước và giữ nước.
Mưu trí và tỉnh táo là những điều kiện không thể thiếu đối với người chỉ huy, lãnh đạo. Ở thời kì đầu, An Dương Vương được thần Kim Quy giúp đỡ, đã có đủ các điều kiện đó và đã thành công lớn (xây được thành, chế được nỏ và đánh được Triệu Đà).
Sauk hi giành được thắng lợi, An Dương Vương chủ quan, ỷ lại vào thành trì, vũ khí, ham mê việc choi bời, giải trí (đánh cờ) nên đã thất bại nặng nề, đau đớn.
Thần Kim Quy là vị thần mưu trí của An Dương Vương. Khi gần thần và được thần giúp đỡ thì An Dương Vương tỉnh táo hành động đúng và làm nên thắng lợi. Ngược lại, khi xa thần hoặc thần xa thì An Dương Vương mất hết sáng suốt, thậm chí u mê, hành động sai lầm và thất bại. Cả phần thứ nhất và thứ hai của truyền thuyết này đều chứng tỏ điều đó.
Biết An Dương Vương có thành Cổ Loa kiên cố và nỏ thần kì diệu, không thể chinh phục được, Triệu Đà đành phải lui binh và lập kế cầu hòa để thôn tính về sau. An Dương Vương nhận lời cầu hòa. Cầu hòa để hòa bình lâu dài cũng là kế tốt, nhưng mất cảnh giác đó là sai lầm nghiêm trọng của ông.
Từ cầu hòa, Triệu Đà tiến sang việc cầu hôn, xin An Dương Vương gả Mị Châu cho Trọng Thủy.
An Dương Vương nhận lời cầu hôn, khiến cho sai lầm càng thêm nghiêm trọng. Tiếp đó, Triệu Đà cho Trọng Thủy sang Âu Lạc gửi rể ngay trong thành Cổ Loa của An Dương Vương. An Dương Vương chấp thuận. Đó là ba việc sai lầm liên tiếp và ngày càng nghiêm trọng của An Dương Vương.
Những quyết định sai lầm của An Dương Vương lại trở thành nguyên nhân và điều kiện cho Mị Châu mắc phải những sai lầm và tột lỗi tiếp theo và cũng ngày càng nghiêm trọng .
Sai lầm thứ nhất là việc Mị Châu tự ý đưa Trọng Thủy vào nơi đặt nỏ thần để cho y biết được bí mật quốc gia và thực hiện được âm mưu đánh tráo lẫy nỏ, làm cho nỏ thần của An Dương Vương mất hết công hiệu và trở thành nỏ thường.
Sai lầm thứ hai là sau khi cho Trọng Thủy vào xem nỏ thần, y thác kế về nước thăm cha, Mị Châu vẫn ngây thơ tin theo lời Trọng Thủy, không hề nói điều gì cho cha hay để đối phó, đề phòng.
Trọng Thủy nói: “Tình vợ chồng không thể lãng quên, nghĩa mẹ cha không thể dứt bỏ. Ta nay trở lại thăm cha, nếu như đến lúc hai nước thất hòa, bắc nam cách biệt, ta muốn tìm nàng, lấy gì làm dấu?”.
Đó là lời nói có nhiều chỗ rất đáng ngờ. Nhưng Mị Châu quá yêu Trọng Thủy nên đã hoàn toàn tin theo một cách mê muội. Nàng nói với Trọng Thủy rằng: “Thiếp phận nữ nhi, nếu gặp cảnh biệt li thì đau đớn khôn xiết. Thiếp có chiếc áo long ngỗng thường mặc trên mình. Đến ngã ba đường, thiếp bứt long ngỗng làm dấu; chàng cứ theo vết lông ngỗng, đôi ta sẽ cứu được nhau.”
Khi Triệu Đà phát binh sang đánh, hai cha con An Dương Vương vẫn chưa hết cơn say. Một người say cờ, một người say Trọng Thủy. Khi nghê tin cấp báo, quân giặc đã đến gần, An Dương Vương vẫn điềm nhiên ngồi đánh cờ, cười mà rằng: “Quân Đà không sợ nỏ thần sao?”. Chi tiết này nói lên sự chủ quan, khinh địch của An Dương Vương đã lên đến độ cùng cực của nó.
Khi đem nỏ thần ra bắn, không có hiệu quả, ông đành phải cùng con lên ngựa bỉ thành mà chạy. Nhưng trớ trêu và bi đát thay! Trong khi An Dương Vương tìm đường đánh giặc, thì Mị Châu lại rắc lông ngỗng chỉ đường cho Trọng Thủy. Trọng Thủy theo vết lông ngỗng đuổi theo Mị Châu, đồng thời cũng là truy kích An Dương Vương, dồn An Dương Vương đến chỗ cùng đường (“cùng đường” hiểu theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng).
Chi tiết: khi chạy đến bờ biển, cùng đường tắc lối, An Dương Vương kêu lên: “Trời hại ta! Sứ Thanh Giang mau mau cứu ta!” – phản ánh rất rõ sự bế tắc về đường đi và bế tắc trong nhận thức, tư tưởng của An Dương Vương. Ông nghĩ là “trời hại” nhưng kì thực là “người hại”, mà người ấy lại chính là con gái ông như thần Kim Quy đã “thét lớn”: “Kẻ ngồi sau lưng chính là giặc đó!”.
Đến đây, nhờ tiếng “thét” của thần, cha con An Dương Vương mới bừng tỉnh lại và hiểu rõ cơ sự, nhưng đã quá muộn, không còn cách nào để sửa sai và cứu vãn tình thế được nữa. An Dương Vương đành phải chém con và Mị Châu đành phải nhận tội chết.
Ba nhân vật: thần Kim Quy, An Dương Vương và Mị Châu, tuy khác nhau rất nhiều nhưng lúc này cùng chung một chỗ đứng để nhìn nhận và giải quyết vấn đề.
Tiếng “thét lớn” của thần Kim Quy nói lên sự phẫn nộ của đất nước Âu Lạc đối với sai lầm, tội lỗi của cha con An Dương Vương. Câu nói “kẻ ngồi sau lưng chính là giặc đó!” rất hàm súc, chính xác và giàu ý nghĩa. Đây là lời của thần nên phải ngắn gọn mới phù hợp. Hơn nữa An Dương Vương đang trong hoàn cảnh nguy kịch, cùng đường, kêu cứu, kẻ thù sắp đuổi đến nơi, thần Kim Quy không thể nói dài. Lời nói của thần ngắn nhưng rất chính xác. Tại sao tác giả dân gian không để cho thần Kim Quy nói “Mị Châu là giặc”? Vì nói như vậy không chính xác. Không phải lúc nào Mị Châu cũng là giặc đối với đất nước Âu Lạc, nàng chỉ là “giặc” một cách “vô ý” trong trường hợp cho Trọng Thủy xem trộm nỏ thần và rắc lông ngỗng chỉ đường cho Trọng Thủy mà thôi. Vì thế, tác giả dân gian đã để cho thần Kim Quy nói: “Kẻ ngồi sau lưng chính là giặc đó!” là rất hay và chính xác; khó có thể tìm thấy một cách diễn đạt nào khác hay hơn, đúng hơn và ngắn gọn hơn. Từ việc giúp An Dương Vương xây thành, chế nỏ đến sự “thét lớn” đầy phẫn nộ trước những sai lầm nghiêm trọng của cha con An Dương Vương đều thể hiện rõ nội dung dân tộc của hình tượng thần Kim Quy. Đó là vị thần của đất nước Âu Lạc chứ không phải vị thần chung của mọi dân tộc, quốc gia, càng không phải vị thần của Triệu Đà, Trọng Thủy.
An Dương Vương chém con, chứng tỏ ông hoàn toàn tin theo và làm theo lời thần, đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên tình cảm cha con gia đình.
Mị Châu hoàn toàn chấp nhận tội chết, không dám xin thần, xin cha tha tội, chứng tỏ nàng cũng đứng trên lợi ích của dân tộc và đất nước để nhìn nhận sai lầm, tội lỗi của mình một cách chân thành và nghiêm túc.
Cái chết của Mị Châu và hành động chém con của An Dương Vương thật là bi tráng. Nhiều người phê phán An Dương Vương và lên án Mị Châu. Có ý kiến cho rằng: “An Dương Vương mất nước là đáng lắm. Trước thì tin thần, sau thì tin con, không có mưu lược quân sự, chính trị gì cả. Tồn tại lâu dài làm sao được?”. Các tác giả “Đại Nam quốc sử diễn ca” cũng đã từng suy nghĩ như vậy về An Dương Vương:
“Nghe thần rồi lại tin con
Có mưu chẳng nhiệm thôi mà trách ai”
Cuộc đời và sự nghiệp của An Dương Vương có hai thời kì rõ rệt, thời kì đúng và thời kì sai, thời kì thành công và thời kì thất bại. Sự đúng, sai, thành, bại của ông đáng để muôn đời sau bàn luận và rút ra những nhận xét, những bài học kinh nghiệm cần thiết cho mình. Trong truyền thuyết cũng như tín ngưỡng dân gian, An Dương Vương luôn luôn được nhân dân tôn kính, ngưỡng mộ mặc dù nhân dân không quên nói về những sai lầm, nhược điểm của ông. Hình tượng An Dương Vương cầm sừng tê bảy tấc theo gót rùa vàng đi về thủy cung được tác giả “Lĩnh Nam chích quái” miêu tả thật hòa hùng và thiêng liêng. Đó là sự mĩ hóa và huyền thoại hóa cái chết và cách chết của An Dương Vương trong trong trí tưởng tượng và lí tưởng thẩm mĩ của tác giả dân gian. Như vậy là, trong trí tưởng tượng dân gian người Việt, trên bầu trời Việt Nam có “Thánh Gióng”, dưới biển Đông có “An Dương Vương”, hai vị anh hùng chống xâm lược, một thắng, một thua nhưng cả hai đều trường tồn, bất tử.
Với cái chết của Mị Châu và sự “đi về thủy cung theo gót rùa vàng” của An Dương Vương mà thực sự cũng là một cách chết, tấn bi kịch về sự mất cảnh giác, thiếu mưu trí để cho nước mất nhà tan của An Dương Vương đã phát triển đến gia đoạn chót của nó.
Đến đây, toàn sự thành bại của An Dương Vương đã được trình bày sáng tỏ. Chủ đề chính của tác phẩm được thể hiện khá đầy đủ và sâu sắc…
Xem thêm
Hoàng Tiến Tựu
Nguồn: sưu tầm*