Rừng nghèo

Asaki_No1

Trưởng phòng thể thao
Xu
0
- Cách đây 25 năm, cơ quan quản lý lâm nghiệp đã ban hành một văn bản quy phạm về thiết kế kinh doanh rừng, trong đó có quy định tiêu chí về “rừng giàu”, “rừng trung bình” và “rừng nghèo”.
Ngày đó, rừng tự nhiên của nước ta đang bị khai thác lấy gỗ để phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế và rừng lúc đó còn gỗ có thể khai thác được, nên các tiêu chí về giàu, trung bình và nghèo để so sánh trữ lượng gỗ giữa các loại rừng. Rừng nào có nhiều trữ lượng gỗ hơn gọi là rừng giàu, ít hơn gọi là rừng trung bình rồi đến rừng nghèo.

View attachment 10353

Rừng tự nhiên nghèo (ảnh chụp tại khu bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu, Đồng Nai) - Ảnh: Nguyễn Chí Thành


Bây giờ loại rừng giàu gần như không còn, rừng trung bình còn lại rất ít. Còn rừng nghèo tính đến 31-12-2005 chỉ còn 1.702.694 ha (theo số liệu của Viện Điều tra quy hoạch rừng). Đây là rừng gỗ lá rộng thường xanh tự nhiên vốn là rừng giàu nhưng bị khai thác đến cạn kiệt nên không còn khả năng cung cấp gỗ cho con người nữa và bị đặt cho cái tên “rừng nghèo”.

Rừng tự nhiên nhiệt đới lá rộng thường xanh. Rừng này dù có nghèo gỗ nhưng vẫn còn 2-3 tầng cây rừng, trên mặt đất rừng vẫn còn lớp cây bụi, thảm cỏ che phủ. Rừng tự nhiên nghèo vẫn là nơi sinh sống của nhiều loài thú rừng hoang dã, nhiều loài thực vật, trong đó có nhiều loài quý, hiếm, có giá trị rất cao về đa dạng sinh học. Rừng tự nhiên nghèo không còn gỗ để cho con người khai thác nhưng vẫn còn đủ khả năng che phủ mặt đất, giữ nước, duy trì tầng nước ngầm, hạn chế xói lở và rửa trôi đất, điều tiết dòng chảy để hạn chế lũ lụt.

Những khu rừng tự nhiên nghèo ở đầu nguồn mà còn thì cuộc sống và sản xuất của con người ở cuối nguồn được rừng che chở, phòng hộ, không lo lũ lụt, các dòng sông, dòng suối vẫn còn duy trì được nguồn nước ngọt để sản xuất nước sinh hoạt cho các thành phố. Rừng tự nhiên nghèo làm nhiệm vụ phòng hộ đầu nguồn tốt hơn rất nhiều lần so với các rừng trồng thuần loài hay rừng cao su.

Nếu có thể tính được bằng tiền những thiệt hại thảm khốc về tính mạng con người, tài sản của nhân dân và của Nhà nước ở cuối nguồn sau mỗi trận lũ, đặc biệt là lũ ống, lũ quét thì có thể tạm hiểu đó cũng chính là giá trị bằng tiền của các khu rừng tự nhiên ở đầu nguồn, trong đó có những khu rừng tự nhiên nghèo.

Khi rừng chưa được đặt tên là “rừng nghèo”, người ta dễ dàng tính được giá trị của một hecta rừng nhờ tính giá trị trung bình bằng tiền của một mét khối gỗ nhân với trữ lượng gỗ bình quân của một hecta rừng đó. Nhưng nay khả năng cung cấp gỗ không còn, rừng đã mang tên “nghèo” nhưng lại chẳng có giá trị gì vì người ta chưa tính được thành tiền các giá trị về đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và phòng hộ đầu nguồn của rừng.

Hiện nay, một số địa phương có kế hoạch chuyển đổi rừng tự nhiên nghèo sang các mục đích sử dụng khác. Các cơ quan chuyên môn và tham mưu nên nhanh chóng xác định giá trị bằng tiền của rừng tự nhiên nghèo để làm cơ sở khoa học cho việc phân tích lợi ích và tổn thất (benefit cost analysis) trước khi các nhà lãnh đạo ban hành quyết định “xóa sổ” rừng tự nhiên nghèo để chuyển đổi sang một mục đích sử dụng đất khác. Đây là con số quan trọng cho việc xây dựng các chính sách về sử dụng đất và đóng góp vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế. (Chính phủ đã ban hành nghị định số 48/2007 về “nguyên tắc và phương pháp xác định giá các loại rừng”).

Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành quyết định số 380 ngày 10-4-2008 về thực hiện chính sách thí điểm “Chi trả dịch vụ môi trường rừng”. Theo chính sách này, các giá trị về môi trường của rừng sẽ được xác định thành các dịch vụ và được tính thành tiền. Những người bảo vệ rừng, đặc biệt là những cộng đồng dân nghèo sống trong vùng rừng là bên cung ứng dịch vụ sẽ được hưởng tiền chi trả từ những người hưởng thụ các dịch vụ môi trường rừng.

Trong giai đoạn hiện nay, khi mà giá trị về môi trường, hệ sinh thái và đa dạng sinh học của rừng tự nhiên nói chung và rừng tự nhiên nghèo nói riêng cao hơn và quý hơn giá trị về lâm sản, có lẽ cơ quan quản lý nhà nước về lâm nghiệp nên đổi tên gọi cho kiểu rừng này, không nên tiếp tục gọi đó là rừng nghèo làm cho người ta hiểu “thân phận” của nó không còn giá trị gì cả hoặc giá trị rất thấp. Có thể gọi là “rừng tự nhiên đang phục hồi”, vì rừng tự nhiên là rất quý, ai cũng biết và rừng đang phục hồi nên hãy bảo vệ quá trình phục hồi này, như người ta đang phục hồi sức khỏe sau khi đã lao động đến kiệt sức.

Tiến sĩ NGUYỄN CHÍ THÀNH
(nguyên phân viện trưởng Phân viện Điều tra quy hoạch rừng Nam bộ
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top