Rủ nhau đi làm cách mạng

_vTiens_

New member
Xu
0
RỦ NHAU ĐI LÀM CÁCH MẠNG.

Đã 83 tuổi nhưng bác Sáu Chí (Nguyễn Văn Chí) hồ hởi ra mặt khi nghe nhắc chuyện Cách mạng Tháng Tám. “Ui chao, không khí những ngày ấy tuyệt vời lắm. Ngày ấy chúng tôi gọi là: rủ nhau đi làm cách mạng”. Câu chuyện về những ngày tổng khởi nghĩa cứ thế cuốn theo cái đà “rủ nhau” ấy...

Tham gia cách mạng và vào Đảng từ phong trào Nam kỳ khởi nghĩa 1940, đến thời kỳ tổng khởi nghĩa tôi làm bí thư quận Trung, tỉnh Chợ Lớn (một phần Long An bây giờ). Khởi nghĩa Nam kỳ thất bại, phong trào bị đàn áp nhưng cái mầm để khôi phục rất lớn, rất khỏe.

Nhà nào cũng cất giấu cờ đỏ sao vàng, bà con nào cũng say mê tấm ảnh của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Dân tản cư từ Sài Gòn ra để tránh bom đạn của liên quân cũng rất đông. Chính sách tàn bạo của Nhật thì ai cũng biết và khiếp sợ. Chúng tôi cứ dựa vào đó để dấy lên phong trào.

Các tổ chức đoàn hội bán công khai dưới danh nghĩa cứu tế được thành lập, thanh niên được vận động trốn lính, giúp dân từ việc làm ruộng đến việc tang ma. Chúng tôi giúp dân không lấy công, không ăn cơm nên họ rất tin tưởng. Những buổi tối, buổi trưa vãn việc, thanh niên trí thức lại tập họp dân chúng lại đọc báo, phổ biến tình hình cho bà con. Từ những buổi nói chuyện này, chủ trương cách mạng đã được tuyên truyền tới nông dân, và tổ chức cũng nhận ra được những người nòng cốt, sẵn sàng sống chết với cách mạng. Tôi nhớ mãi hôm chúng tôi tổ chức đọc thư của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc gửi đồng bào cả nước. Trước đó, hết Pháp rồi Nhật loan tin Nguyễn Ái Quốc đã chết khiến mọi người hoang mang, thất vọng.

Rồi thư của Người đến: “Cơ hội giải phóng đã đến rồi. Hiện thời muốn đánh Pháp, Nhật, ta chỉ cần một điều: Toàn dân đoàn kết. Ai là người Việt Nam đều phải gánh vác một phần trách nhiệm: người có tiền góp tiền, có của góp của, có sức góp sức, có tài năng góp tài năng. Riêng phần tôi, xin đem hết tâm lực đi cùng các bạn, vì đồng bào mưu giành độc lập, dù phải hi sinh tính mệnh cũng không nề”.

Người đọc cao giọng ở trên, người nghe sụt sùi ở dưới, nhưng sau đó là một không khí bừng bừng phấn khích. Mấy bà má tìm tôi: “Vậy là Nguyễn Ái Quốc còn sống, thế là yên tâm rồi”.

Thời bây giờ mà nhớ lại những ngày hoạt động ấy thì thấy buồn cười. Chúng tôi đi làm cách mạng mà cứ rủ nhau như là rủ ra ruộng làm đồng, hẹn giờ bằng đồng hồ mặt trời. Tình hình toàn cục thì cứ mua Báo Dân Chúng để theo dõi, vì tài liệu của tổ chức đưa theo đường dây rất chậm, giao liên toàn đi bộ mà. Việc đảm bảo bí mật hoàn toàn dựa vào lòng tin và sự lan truyền của những người cùng dòng họ.

Thế mà việc cướp chính quyền lại thành công mỹ mãn. Đa số nhân dân không biết đọc, nhưng chỉ sau một đêm họp phổ biến bản Hiệu triệu của Xứ bộ Đảng Cộng sản Đông Dương, đi đến đâu cũng nghe bà con râm ran đọc thuộc lòng “Họ quyết tâm đưa chúng ta làm bia đỡ đạn cho họ. Quân đội họ nắm, kinh tế họ chiếm, ngoại giao họ lo, chính trị họ cầm cả. Cứu ta chỉ có ta thôi, trông cậy vào người là chết”.

Rằm tháng bảy năm ấy (tức khoảng 22, 23-8), nửa đêm Ủy ban Khởi nghĩa đánh trống quân tập hợp dân đi cướp chính quyền. Khắp các làng mọi người đổ ra, rầm rập tay đuốc, tay vũ khí, mà chỉ là dao, mác, roi tre, gậy tầm vông. Đội Thiếu niên tiền phong đã được tập từ trước nên hàng ngũ rất tề chỉnh. Không khí ấy khiến đám hương ước, hội tề trong làng rất kinh hoảng không dám chống cự.

Chúng tôi chiếm đóng nhà làm việc, và đến sáng thì chính quyền mới đã thành lập xong, đầy đủ các chức vị chủ tịch, ủy viên hành chính, quân sự, an ninh..., các chính sách lớn như bỏ thuế thân, tự do hội họp được công bố khiến bà con rất phấn khởi.

Nhưng tất cả việc đó vẫn chỉ là hình thức của cách mạng. Cái lớn nhất mà công cuộc tập hợp nhân dân cướp chính quyền đã đạt được chính là điều được nhấn mạnh trong thư của Nguyễn Ái Quốc: Toàn dân đoàn kết.
Sự đoàn kết, thương yêu lẫn nhau trong những ngày ấy đạt đến mức gần như tuyệt đối. Đi đến đâu chúng tôi cũng gặp những gương mặt tươi cười, hào hứng, sẵn sàng đem tất cả những gì mình có để giúp người khác.

Những xích mích về bờ giậu, khoảnh ruộng, bờ ao mới hôm trước còn là những việc tày đình thì hôm nay mọi người vui cười bỏ qua trước sự chứng kiến của mặt trận Việt Minh. Các gia đình chia nhau nấu cơm cho anh em tự vệ, trước cửa nhà làm việc lúc nào cũng có mấy bà má xởi lởi mang sang rổ khoai, mớ bánh ú. Chuyện cờ bạc, trộm cắp, nghiện hút mới cách đó ít lâu còn đầy rẫy thì nay bỗng vắng bóng.

Trong quy định của Việt Minh còn có khoản cấm rượu chè, nhưng ở tỉnh Chợ Lớn có làng Gò Đen nổi tiếng, dân địa phương quan niện “vô tửu bất thành lễ”. Biết không thể cấm được, chúng tôi đưa ra khuyến cáo “không được say xỉn”. Thế là cảnh thanh niên, đàn ông mặt mày đỏ gay, đi lại ngật ngưỡng không thấy xuất hiện nữa.

Tối tối, các lớp học bình dân rộn ràng tiếng đánh vần, ai cũng đi học, từ con nít đến ông bà già. Họ bảo nhau: “Không đi học làm sao đọc được thư của lãnh tụ”. Sáng 2-9, chúng tôi cũng tổ chức lễ độc lập, chủ tịch tỉnh đứng lên đọc các văn bản được tổ chức gửi xuống, đọc các tin tức trên báo chí.

Nghe tên Hồ Chí Minh, mọi người rất xôn xao, nhao nhao hỏi: “Hồ Chí Minh là ai?”. Chúng tôi giải thích đó là tên mới của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, rồi phải mang ảnh ra so sánh làm bằng chứng mọi người mới tin. Và từ đó lại càng nô nức đi học.
Những ngày tuyệt vời ấy tiếc thay lại chỉ có 29 ngày ngắn ngủi. Pháp quay trở lại. Đã biết kinh nghiệm của những ngày phong trào Nam kỳ khởi nghĩa bị đàn áp đẫm máu, một số người có tư tưởng hoang mang, dao động, chúng tôi lại tập họp, giải thích rằng lần này chúng ta đã có Nhà nước, có Chính phủ, thủ đô vẫn còn, Bác Hồ vẫn đó, chiến khu Việt Bắc đã được chuẩn bị sẵn...

Nghe đến tên Bác Hồ, mọi người lại yên tâm, lại bừng bừng khí thế và cứ thế nô nức đi thẳng đến những ngày Nam bộ kháng chiến...
PHẠM VŨ ghi
(theo báo Tuổi Trẻ/2006)

 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top