Rót tiền tỉ nâng trường chuyên
Hơn 2.300 tỉ đồng là số tiền đầu tư cho đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020, được Bộ GD-ĐT công bố tại hội nghị triển khai đề án trên vào ngày 2-11.
Theo đề án, 15 trường chuyên trọng điểm sẽ được ưu tiên đầu tư xây dựng thành trường THPT tiên tiến. Trong ảnh: giáo viên, học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) - Ảnh: Như Hùng
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhắc lại quan điểm của Bộ GD-ĐT trong việc xây dựng các trường chuyên không phải là nơi “luyện gà nòi” mà là xây dựng các trường có chất lượng giáo dục cao và toàn diện, như những “đầu tàu” để kéo chất lượng giáo dục đại trà lên.
Quá xa vời!
Giai đoạn trước mắt vấn đề được bàn đến nhiều nhất là việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị. Theo ông Phạm Ngọc Phương - phó cục trưởng Cục Cơ sở vật chất, thiết bị trường học và đồ chơi trẻ em (Bộ GD-ĐT) - diện tích tối thiểu phải nâng lên 30m2/học sinh mới đạt yêu cầu đề ra của đề án. Bên cạnh đó, các trường chuyên sẽ được thiết kế đồng bộ, hiện đại; có hệ thống thiết bị đáp ứng yêu cầu bồi dưỡng học sinh năng khiếu, đổi mới phương pháp, nghiên cứu khoa học, có hệ thống thư viện...
Với các yêu cầu trên - đại diện một số trường chuyên nhận xét “quá xa vời so với thực trạng của trường chuyên hiện nay”. Ông Lê Văn Lũy, hiệu trưởng Trường chuyên Long An, cho biết: “Hiện tại Trường chuyên Long An còn phải đi mượn địa điểm để dạy học. Trường có 14 lớp, 401 học sinh, nhưng chỉ có một phòng thiết bị chung, một phòng máy vi tính, phần lớn các phòng sử dụng làm phòng học, học sinh vẫn phải học 2 ca/ngày”.
Khó thu hút học sinh
Bên lề hội nghị, một số đại diện các trường tiếp tục bày tỏ trăn trở về quy chế thu hút học sinh vào trường chuyên.
Ông Lê Thanh Liêm (Cà Mau) cho rằng: “Bộ GD-ĐT nên có quy định phân bổ chỉ tiêu tuyển học sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia cho các trường đại học, để những học sinh đủ điều kiện ưu tiên xét tuyển (như quy định hiện hành) yên tâm vào đội tuyển”.
Đại diện một số trường chuyên cho biết trên thực tế nhiều học sinh đoạt giải quốc gia, đủ điều kiện (đạt điểm thi đại học trên điểm sàn) nhưng bị từ chối ở các trường đại học.
Ông Lê Thanh Liêm, hiệu trưởng Trường chuyên Phan Ngọc Hiển (Cà Mau), nhận xét: “Trường chuyên của chúng tôi có lẽ là trường có diện tích nhỏ nhất trong hệ thống trường chuyên cả nước, trung bình chỉ 1m2/học sinh. Nhỏ như vậy nên trường chỉ đáp ứng chỗ học cho 170-180 học sinh. Các điều kiện để đảm bảo chất lượng khác như phòng học bộ môn, phòng thí nghiệm, phòng chức năng rất khó khăn”.Trong khảo sát của Bộ GD-ĐT, chỉ riêng hệ thống phòng học chức năng của các trường chuyên rất thiếu và yếu, có đến trên 50% số phòng học bộ môn của trường chuyên chưa đạt chuẩn, nhiều trường chuyên còn không có cả hệ thống nước sạch, công trình vệ sinh...
Năm học 2010- 2011, cả nước có 73 trường THPT chuyên (tính cả ba trường thành lập mới). Và để đạt mục tiêu tổng số học sinh chuyên chiếm 2% số học sinh THPT như đề án đã xây dựng, trung bình mỗi trường chuyên phải có 35 lớp, 30 học sinh/lớp. Với quy mô này, theo ông Phạm Ngọc Phương, việc đầu tư không thể dàn trải mà phải đầu tư theo dạng cuốn chiếu, ưu tiên 15 trường THPT chuyên trọng điểm nhằm hướng đến việc xây dựng các trường THPT ngang tầm các trường tiên tiến trong khu vực, quốc tế và ưu tiên thứ hai cho nhóm 17 trường chuyên thuộc các tỉnh khó khăn, tập trung đầu tư đủ phòng học bộ môn, thiết bị dạy học tối thiểu.
Nỗi lo chất lượng giáo viên
Theo số liệu của Bộ GD-ĐT, tỉ lệ giáo viên của các trường chuyên có trình độ tiến sĩ đạt 1,5%, thạc sĩ đạt 21,7%. Trong đó nếu tính riêng giáo viên cơ hữu của các trường chuyên, tỉ lệ tiến sĩ chỉ có 0,2%, thạc sĩ là 1,8%. So với yêu cầu của đề án (mới chỉ xét ở khía cạnh trình độ đào tạo), tỉ lệ này quá thấp. Nhận định chung về đội ngũ giáo viên trường chuyên, Bộ GD-ĐT cho biết đội ngũ giáo viên trường chuyên chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới cả về số lượng và trình độ, thiếu các kỹ năng nghiên cứu phát triển chương trình và tài liệu, khả năng xác định mục tiêu giáo dục và dạy học qua từng bài học, môn học còn yếu, kỹ năng dạy học, đặc biệt là kỹ năng dạy học thực hành còn yếu...
Tuy không được bàn kỹ tại hội thảo, nhưng một vấn đề được các thầy cô giáo trao đổi nhiều bên lề hội nghị là yêu cầu về ngoại ngữ đối với giáo viên trường chuyên. Theo đề án đến năm 2015, các trường chuyên phải có ít nhất 20% giáo viên có khả năng thành thạo ngoại ngữ trong giao tiếp, và có khả năng giảng dạy bằng tiếng Anh để đón trước việc triển khai dạy một số môn chuyên bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, năng lực ngoại ngữ hạn chế là bất cập mang tính phổ biến trong đội ngũ giáo viên ở nhiều trường chuyên.
Ông Nguyễn Hải Châu, giám đốc chương trình phát triển giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho biết Bộ GD-ĐT đã tổ chức cho hơn 1.000 giáo viên trường THPT chuyên trên toàn quốc được tập huấn nội dung chuyên sâu, tiệm cận với chương trình đào tạo quốc tế vào quý 3-2010. Ngoài ra, dự kiến tập huấn cho gần 500 giáo viên trường chuyên về trình độ tiếng Anh vào năm 2011. Chỉ riêng kinh phí cho việc tập huấn tiếng Anh, khoảng 638.400 USD. Theo ông Vũ Đình Chuẩn, vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ
GD-ĐT), tới đây bộ sẽ hoàn thiện các quy định mới về cơ cấu, định mức giáo viên, ban hành quy chuẩn giáo viên trường chuyên và cơ chế thu hút giáo viên giỏi vào các trường chuyên.
TRỊNH VĨNH HÀ - TTO