• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Rèn luyện kỹ năng tự học cho học sinh

Asaki_No1

Trưởng phòng thể thao
Xu
0
Giáo viên (GV) phải trang bị cho học sinh (HS) một phương pháp tự học để biết làm chủ kiến thức. Bởi vì, khi HS có kỹ năng tự học thì thói quen đó sẽ trở thành ý chí và khơi dậy được nội lực ham học vốn có trong mỗi con người.

ky-nang.jpg

GV không chỉ truyền thụ kiến thức mà còn giúp HS có phương pháp tự học và tự nghiên cứu. Trong ảnh là giờ tự học của HS Trường THCS Phạm Văn Chiêu, Gò Vấp (ảnh do trường cung cấp)

Trong đổi mới phương pháp dạy học, GV không đứng trên bục giảng thuyết trình liên miên, giảng giải hết chuyện này sang chuyện khác và không cần biết HS có nghe hay không. Tự bản thân mình, GV phải chủ động tạo một “môi trường” mới để HS được “cọ xát”, rèn luyện năng lực độc lập suy nghĩ và sáng tạo của mình. Muốn vậy, trong tiết dạy GV có thể đặt ra các câu hỏi mở, câu hỏi nêu vấn đề. Loại câu hỏi có nhiều cách trả lời này sẽ tạo ra sự “bùng nổ” cho các cuộc tranh luận trong lớp và đòi hỏi HS nào cũng phải huy động trí nhớ và “động não” để tìm ra phương án cụ thể. Trong không gian học tập đó, các em sẽ có cách học chủ động và sáng tạo hơn. GV phải làm sao tìm mọi cách “bàn giao” nhiệm vụ đến từng HS, chuyển dần dạy học theo kiểu truyền thụ, ghi nhận sang dạy học giải quyết vấn đề, trao đổi bàn bạc vấn đề.
1. Từ trước đến nay, GV chỉ quan tâm đến cách dạy mà “quên” đi cách học của HS, phương pháp tự học của người học. Nếu HS từng bước hình thành năng lực tự học thì sẽ tự “làm giàu” kiến thức và có thêm ý thức học tập thường xuyên và cả đời. Từ đó đòi hỏi người thầy vừa coi trọng việc truyền thụ kiến thức vừa quan tâm bồi dưỡng kĩ năng để đạt tới kiến thức. Truyền thụ các phương pháp nhận thức đặc thù theo từng bộ môn là trang bị cho HS “bửu bối” trong việc làm chủ tri thức. Trong bộ môn sinh học, phương pháp thực nghiệm, phương pháp quan sát không chỉ là phương tiện minh họa mà chủ yếu đóng vai trò cung cấp thông tin và là phương tiện giải quyết vấn đề đặt ra.
Thông qua sự hợp tác tìm tòi, nghiên cứu và thảo luận trong tập thể, ý kiến của mỗi cá nhân sẽ có cơ hội được bộc lộ và được điều chỉnh, khẳng định hay bác bỏ. Qua các cuộc tranh luận sôi nổi, người học có thêm kinh nghiệm và nâng mình lên một trình độ mới. Đây còn là cơ hội để HS tự “soi” lại mình để vững tin hơn và không ngừng phấn đấu. Nói cách khác là phải phối hợp chặt chẽ những nỗ lực cá nhân trong tự học với việc học tập hợp tác trong nhóm.
2. Để HS đạt yêu cầu về kĩ năng tự học, đầu tiên GV phải dạy HS kĩ năng thực hiện các lệnh ở SGK: SGK không chỉ cung cấp kiến thức sẵn mà còn hướng dẫn người học đi tìm kiến thức mới thông qua các lệnh hoạt động. Đây là một nội dung cơ bản mà trong quá trình tổ chức hoạt động tự lực nghiên cứu SGK của HS, người thầy phải lên “kế hoạch” cho HS thực hiện. Qua đó HS được rèn luyện tốt hơn kĩ năng phân tích, so sánh, thiết lập mối quan hệ nhân quả, khái quát hóa, trừu tượng hóa các sự kiện, hiện tượng để đi đến kiến thức.
Thứ hai là dạy HS tách ra nội dung chính, bản chất từ tài liệu đã đọc được: HS không nhất thiết phải nhớ hết thông tin SGK và tài liệu tham khảo mà chỉ cần nhớ kiến thức trọng tâm căn bản nhất. Khi phát hiện ra những mâu thuẫn giữa kiến thức đã biết và chưa biết, các em sẽ “bật” ra những câu hỏi. Nhưng để câu hỏi sát với mục đích dạy học và đúng tiến độ giờ học, người thầy phải định hướng cho HS ra câu hỏi và yêu cầu các em diễn đạt nội dung chính đã đọc và đặt đề mục cho mỗi phần. Có như thế sau khi hoàn thành câu hỏi đặt ra, HS sẽ tách ra nội dung chính và bản chất vấn đề. Đó là cách mà các em đã tự lực lĩnh hội kiến thức được một phần.
3. Tổ chức hoạt động tự nghiên cứu SGK bằng những biện pháp nào?
Đầu tiên là tổ chức hoạt động tự lực nghiên cứu SGK thông qua sử dụng hệ thống câu hỏi nhằm phát huy tính tích cực của HS, trong đó chủ yếu là câu hỏi tìm tòi, câu hỏi định hướng, bài tập có vấn đề và bài toán có vấn đề. Bên cạnh đó sử dụng sơ đồ hóa với các dạng khác nhau như biểu đồ, đồ thị, bảng biểu để tổ chức và định hướng hoạt động nghiên cứu SGK và tài liệu của HS. Ngoài ra, có thể sử dụng phiếu học tập, trong đó chứa những yêu cầu chủ yếu dưới dạng câu hỏi, bài toán nhận thức theo hệ thống được in sẵn và phát cho HS. Các phiếu học tập phải có mục đích rõ ràng, diễn đạt ngắn gọn, chính xác và yêu cầu công việc không quá dễ hoặc quá khó để tránh tình trạng nhàm chán trong HS.
Dạy học đặt vấn đề và giải quyết vấn đề là phương pháp tích cực hóa hoạt động nhận thức của HS khi làm việc với SGK. Khi GV nêu vấn đề là đã biến nội dung học tập thành một chuỗi tình huống có vấn đề. Giải quyết vấn đề này xong lại nảy sinh vấn đề mới, tất cả như một chất xúc tác gây cho HS hứng thú học tập. Dạy hợp tác trong nhóm nhỏ cũng là cách góp phần tăng hiệu quả làm việc, gia công và lĩnh hội kiến thức từ SGK. Đây là cách học hướng tới hợp tác trên cơ sở nỗ lực của mỗi cá nhân.

GV Tổ Sinh vật
(Trường THCS Phạm Văn Chiêu, Gò Vấp)
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top