Quyết thành giáo viên sau chục năm định tự tử

ButNghien

Học tập suốt đời!
Thành viên BQT
Xu
46
Yuko Tsuchiya, một người phụ nữ Nhật 31 tuổi sẽ trở thành giáo viên tại trường trung học công lập Tokyo vào tháng tới. Điều đặc biệt là khi còn nhỏ cô đã từng bỏ học và sống ẩn dật, lẩn tránh xã hội những 8 năm trời.

20 tuổi, Yuko Tsuchiya mới quyết định rời bỏ căn phòng ngủ tối tăm, luôn khép kín để bước ra thế giới bên ngoài và bắt đầu lại sự nghiệp học hành của mình trong các lớp học buổi tối. Cô theo học từ chương trình trung học cơ sở đến trung học phổ thông, rồi lên đại học và có đủ điều kiện để làm nghề dạy học. Theo Sở giáo dục thủ đô Tokyo việc một người đã bỏ học một thời gian lâu đến thế cuối cùng lại có thể trở thành giáo viên thật sự là một trường hợp hiếm có.

Hiện tại Yuko Tsuchiya đang là sinh viên năm cuối chuyên ngành sư phạm của trường đại học Aoyama Gakuin.. Cô tham dự các lớp buổi tối. Và đến tháng 4 tới Tsuchiya sẽ vào dạy môn tiếng Nhật ở một trường trung học công lập tại Tokyo.

Quãng thời gian đen tối

Tsuchiya vẫn còn nhớ như in khoảng thời gian đen tối, tồi tệ của cuộc đời mình, khi mà cô luôn có ý định tự tử.

Cũng chính từ những điều khủng khiếp đó mà cô quyết định trở thành giáo viên. Bởi lẽ “có rất nhiều thứ mà tôi có thể dạy cho những đứa trẻ với tư cách là một người đã từng phải tranh đấu rất quyết liệt để tìm lại cuộc sống cho mình”, Tsuchiya tâm sự.

Ngay từ thuở nhỏ, khi mới bước chân vào lớp 1, Tsuchiya đã thường xuyên trốn học.

Nguyên nhân là cô không thích những chốn đông người, không thích gặp gỡ, tiếp xúc, trò chuyện với người khác. Chính vì vậy Tsuchiya tìm mọi cách để lẩn tránh bạn bè. Đến khi lên lớp 6 thì cô nghỉ học hẳn, không đến trường nữa.

Ở nhà, Tsuchiya tự giam mình trong căn phòng tối, suốt ngày chỉ xem Tivi hoặc ngủ. Thời gian đó Tsuchiya thường xuyên nghĩ đến ý định tự tử. Cô luôn tự hỏi bản thân mình rằng: Liệu có lí do nào để sống nữa không nhỉ?

Bừng tỉnh nhờ một lời mời

Nhưng mọi chuyện đã thay đổi hoàn toàn khi Tsuchiya bước sang tuổi 19. Cô bắt đầu suy nghĩ, nhìn nhận lại về cuộc sống của mình. Và nguyên nhân của sự thay đổi diệu kỳ đó chính là lời mời tham dự buổi lễ mừng tuổi trưởng thành do địa phương tổ chức.

Khi nhận được lời mời, Tsuchiya bỗng trở nên áy náy, băn khoăn rằng chẳng lẽ khi thành người lớn rồi cô vẫn sống ẩn dật, cách biệt với xã hội thể ư?

Cô nhớ lại một bộ phim mình từng xem tên là “Gakko” của đạo diễn Yoji Yamada nói về một trường trung học chuyên tổ chức các lớp học buổi tối. Chính vì vậy vào tháng 4 năm đó, trong khi các bạn cùng trang lứa đã bước vào năm thứ nhất đại học thì Tsuchiya quyết định làm lại cuộc đời bằng việc bắt đầu đi học cấp 2.

Tsuchiya kể lạ rằng khi rời bỏ căn phòng tăm tối để bước ra thế giời bên ngoài cô đã rất sợ hãi. Hai tay của cô run bần bật khi bước lên tàu điện và lúc bước vào trường học thì toàn thân Tsuchiya túa mồ hôi hột.

Tuy nhiên những người bạn học đã rất thân thiện, chào đón cô một cách hồ hởi nhiệt tình.

Trong số họ còn có cả một người đàn ông 70 tuổi, đi học trở lại sau một thời gian dài bị gián đoạn vì thế chiến thứ hai. Ngoài ra còn có cả một cô bé Trung Quốc, và một người Nhật Bản khá già.

Quyển sách đầu tiên mà họ phải học là sách số học lớp 4. Tsuchiya nói rằng cô dần cảm thấy vui thú khi đến trường. Sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, cô tiếp tục học trung học phổ thông Ueno. Tuy nhiên cô vẫn chỉ tham dự các lớp học buổi tối. Tsuchiya cũng tranh thủ làm thêm để kiếm tiền trang trải học phí.

Làm giáo viên để gieo lòng ham sống

Khi lên đại học, Tsuchiya quyết định chọn chuyên ngành sư phạm để có thể trở thành giáo viên. Cô thú nhận rằng khi học tiểu học cô không thích các thầy cô giáo của mình và thường xuyên cảm thấy bức bối khó chịu vì họ. Nguyên nhân là các giáo viên thường yêu cầu các học sinh khác viết những là thư cho Tsuchiya để cố gắng khuyên nhủ động viên cô không nên sống xa lánh bạn bè như vậy.

Tuy nhiên, điều đó lại vô tình trở thành một gánh nặng và áp lực lớn đối với Tsuchiya. Bởi lẽ, mặc dù rất muốn đáp lại lòng tốt đó của bạn bè nhưng Tsuchiya không đủ khả năng để làm được điều đó. Mỗi lần như vậy,
Tsuchiya lại càng thu mình trong nỗi tự ti, sợ hãi và sống tách biệt hơn.

Đến khi quyết định làm lại cuộc đời và trở lại mái trường, Tsuchiya đã có nhiều thời gian đẹp đẽ bên các bạn bè cùng lớp.

Chính những người bạn này cũng đã khuyến khích cô trở thành giáo viên. Tsuchiya tâm sự rằng đến thời điểm đó cô mới nhận thấy nỗi khó khăn vất cả của các thầy cô giáo tiểu học của mình khi làm cố gắng giúp cô vượt được qua những rắc rối của bản thân.

“Tôi quyết định sẽ dùng chính kinh nghiệm sống của mình để giúp đỡ những đứa trẻ đang phải đối mặt với những vấn đề khó khăn giống tôi xưa kia”.
Ước muốn ấy càng trở nên mạnh mẽ và cháy bỏng hơn bao giờ hết khi Tsuchiya được đi thực tập dạy học hồi tháng 5 và tháng 6 năm ngoái tại chính trường trung học cơ sở mà trước đó cô đã học. Đây là lần đầu tiên cô tham dự lớp học tại ngôi trường này vào ban ngày.

Thậm chí Tsuchiya còn tham gia chạy tiếp sức trong cuộc thi điền kinh do nhà trường tổ chức. Các học sinh đã hò reo cổ vũ cô rất nhiệt tình. Chính điều đó đã giúp cô dần vượt qua nỗi sợ hãi vẫn còn lẩn quất đâu đó trong tâm trí.

Trong suốt giai đoạn thực tập, cô đã giành được cơ hội tham dự một tiết học đạo đức. Và tại đây cô đã nói về quá khứ của mình cho các học sinh nghe.

Lớp học im phăng phăng, các học sinh lặng đi chăm chú nghe Tsuchiya kể về quãng đời tối tăm của mình. Thậm chí có nhiều em còn giàn giụa nước mắt.

Sau buổi học, các học sinh đều được viết cảm nhận của riêng mình. Một em bày tỏ: Em đã hiểu được tầm quan trọng của cuộc sống này. Trong khi học sinh khác lại chia sẻ rằng: Em nhận ra một điều là chúng ta luôn có thể đứng dậy làm lại cuộc đời từ sau những thất bại hay nỗi sợ hãi, suy sụp, nản chí.

Tsuchiya cho biết chính những phản hồi tích cực đó của học sinh đã khích lệ cô rất nhiều.

Khi hay tin Tsuchiya sẽ trở thành giáo viên vào tháng tới, cô Ruri Sawai, giáo viên cũ của cô tại trường trung học cơ sở đã rất vui mừng. Cô nói rằng: Tsuchiya có cả một kho báu kinh nghiệm. Tôi thực sự muốn cô ấy trở thành giáo viên vì cô ấy có thể chia sẻ với các học sinh nhiều bài học quý giá trong cuộc sống.


Một quan chức của Sở giáo dục Tokyo cũng đồng tình: Giúp đỡ các học sinh hay trốn học là một nhiệm vụ cốt yếu trong giáo dục. Chúng tôi muốn cô Tsuchiya dùng chính những kinh nghiệm quý báu của mình để áp dụng vào công việc giảng dạy. Đó là một lợi thế quan trọng mà không phải giáo viên nào cũng có.

Theo VNN.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top