Quyển sách làm thay đổi cuộc đời tôi
"Bắt trẻ đồng xanh" - Bài dự thi đạt giải Nhất cuộc thi "Quyển sách làm thay đổi cuộc đời tôi"
Nếu có ai đó hỏi, liệu một quyển sách có khả năng làm thay đổi đời người không, tôi sẽ trả lời rằng tôi hiếm khi nghi ngờ điều đó. Một quyển sách, đến vào đúng thời điểm, có thể làm cho cuộc sống của ta rẽ sang hướng khác.
Đấy không phải là điều bạn được tuyên truyền hay dạy bảo, mà chính bạn sẽ rút ra được kết luận này, khi bắt gặp quyển sách của đời mình.
Tôi nhớ một buổi chiều ở Era, quán café sách quen thuộc tôi hay ghé lại mỗi khi rảnh rỗi. Khi đang chăm chú chọn sách trên chiếc giá sách nhỏ hai ngăn sát tường, có một người khách nữa trong quán cũng đến kệ sách. Đó là một người lạ, nhưng chúng tôi vẫn gật đầu chào nhau, có lẽ vì những ai cùng chung sở thích sẽ cảm thấy dễ gần hơn.
Và trong lúc cả hai đang chọn sách, anh quay sang tôi bắt chuyện, chủ yếu vẫn là hỏi về những thể loại sách tôi thích đọc. Rồi người lạ hỏi tôi, em đọc Bắt Trẻ Đồng Xanh chưa. Nhận được một cái lắc đầu thay câu trả lời, anh rút trong giá sách ra một quyển rất cũ, đưa cho tôi kèm lời giới thiệu “em đọc thử đi, sẽ không thấy tiếc thời gian đâu”.
Tôi nhớ mình đã ngồi lại đọc cho đến hết quyển sách được giới thiệu ấy. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không tiếc khoảng thời gian đã bỏ ra cho bất kỳ quyển sách nào, không hẳn chỉ vì tôi thích đọc, mà có lẽ vì một quyển sách dù rất tệ cũng sẽ mang lại cho bạn vài điều gì đó đáng nói. Và nếu một lúc nào đó bạn được đắm chìm trong những trang viết tuyệt vời, thì đó hẳn là những khoảnh khắc đáng quý.
Nhưng sẽ hay hơn nhiều, nếu khi buông quyển sách xuống, và thoát ra khỏi thế giới của nó mà ảnh hưởng của những gì bạn đọc được vẫn còn đó, đi theo bạn, trở thành một phần của bạn. Bắt Trẻ Đồng Xanh, đối với tôi – là một quyển sách như thế.
Tôi tìm thấy sự đồng cảm với nhân vật chính – Holden Caulfield, chàng trai 17 tuổi bị đuổi khỏi trường dự bị Pencey vì những lý do như đã thi trượt bốn trong tổng số năm môn, hay không chịu học hành, nhưng lý do lớn nhất là cậu đã chán đến tận cổ một nền giáo dục giáo điều, rỗng tuếch; cũng như những con người đạo đức giả và bộ tịch đầy rẫy trong môi trường học tập của cậu.
Tôi dõi theo bước chân của Holden - một cậu trẻ thông minh và nhạy cảm - chỉ vừa bước một chân qua ngưỡng cửa của sự trưởng thành, còn nhiều băn khoăn, nghi ngờ, đôi lúc chán nản cùng cực. Cho dù là ở New York xa xôi, hay ngay tại đây, chung quanh chúng ta và có thể ngay chính bản thân chúng ta nữa, chúng ta luôn tìm thấy những nỗi băn khoăn, những hoài nghi, và sự phản kháng thậm chí nổi loạn của giới trẻ.
Có thể chính vì thế mà qua nhiều năm, Bắt Trẻ Đồng Xanh luôn tìm được những cảm xúc đồng điệu trong lòng người đọc, và luôn có ảnh hưởng đến những lớp độc giả trẻ tuổi. Ở đó, người ta bắt gặp hình ảnh của mình, hoặc là một phần của chính mình.
Ngay từ lần xuất bản đầu tiên tại Hoa Kỳ năm 1951, Bắt Trẻ Đồng Xanh (nguyên tác: The Catcher in the Rye) đã trở thành một hiện tượng. Bị chỉ trích như một quyển sách tồi tệ vì dùng ngôn ngữ thô tục và đề cập đến tôn giáo, xã hội và giáo dục một cách “không chính thống”, nhưng đồng thời Bắt Trẻ Đồng Xanh cũng là quyển sách được đưa vào chương trình giáo dục trung học của Hoa Kỳ.
Hình tượng nhân vật chính – Holden Caulfield, trở thành một hình ảnh biểu trưng cho một thế hệ thanh niên lạc lõng, chán chường và nổi loạn, không chỉ có giá trị phản ánh một phần lịch sử đương thời, mà nó luôn tươi mới và gắn liền với cuộc sống, với những người trẻ ở bất kỳ một thời điểm nào. Cho đến nay, với hơn 65 triệu ấn bản được bán ra trên toàn thế giới, cũng như việc quyển này được tạp chí Time đưa vào danh sách 100 tiểu thuyết tiếng Anh hay nhất từ 1923 đến nay cũng đã phần nào cho thấy sức sống và sức lan tỏa của tác phẩm.
Tại Việt Nam, người đọc làm quen với ấn phẩm tiếng Việt qua bản dịch của Phùng Khánh (Nhà sách Thanh Hiên – 1965) và một bản nữa của Đức Dương và Bùi Mỹ Hạnh (NXB Phụ Nữ, 1992 và tái bản bởi NXB Văn Học, 2005).
Trong bài phê bình “Những giá trị đạo đức trong Bắt trẻ đồng xanh” của Edwards June (Mai Sơn dịch), ông cho rằng “Trái với những lời kết tội, Bắt Trẻ Đồng Xanh đích thực là một cuốn sách đạo đức. Dù bạn lấy những lời dạy của Jesus, văn kiện của chế độ dân chủ, lý thuyết của Kohlberg, hay bất cứ một nguồn luận cứ nào khác để làm nguồn sáng đạo đức soi rọi, thì Holden vẫn nổi lên như là một con người bối rối mà đức hạnh.”
Tất nhiên, Bắt Trẻ Đồng Xanh không chỉ có thế, vì nếu đấy chỉ là một cuốn sách đạo đức thì bạn đã có hàng ngàn cuốn khác như thế, hàng ngàn cuốn rao giảng đạo đức đơn thuần. Bắt Trẻ Đồng Xanh, trong cách nhìn nhận của tôi, là một quyển sách làm nên sự khác biệt.
Với tôi, trước nhất khía cạnh giữ chân tôi là cách kể chuyện tự nhiên và cuốn hút của tác giả, cũng như việc nắm bắt tâm lý giới trẻ rất tốt, để tôi cảm thấy như thể Salinger viết cho chính mình, cho những người cùng thời, mà còn cho cả tôi, hoặc viết về một ai đó có nhiều điểm giống tôi.
Theo chân Holden Caulfield trở về nhà ở New York sau khi bị đuổi học, tôi không chỉ trải qua một chặng đường với nhiều điểm lý thú nho nhỏ, mà đến khi đọc xong, tôi biết rằng chàng trai ấy không chỉ để lại cho tôi một ấn tượng đẹp, mà còn gieo vào lòng tôi một mong muốn mãnh liệt: mong muốn được tìm thấy bản thân, và được sống với những giá trị đích thực của chính mình.
Trong một xã hội mà những giá trị ảo và thói đạo đức giả lên ngôi, Holden đã cố tách mình khỏi nó. Người ta cần sự tỉnh táo để nhận ra những điều xấu xa, dối trá; cần lòng ngay thẳng để biết ghê tởm và xa lánh chúng; nhưng cũng cần cả sự trong sáng trong tâm hồn để biết nhìn ra những điểm tốt đẹp giữa nơi xô bồ chứ không đánh đồng mọi việc.
Holden chính là một người có những phẩm chất đó. Cậu chán ngấy những màn kịch tôn giáo màu mè và nghĩ “nếu Jesus mà thấy được những bộ trang phục màu mè ấy, chắc ngài sẽ nôn mửa ra mất”, nhưng lại quý mến và quyên tiền cho hai nữ tu đang trên đường xuống miền Nam Chicago dạy học.
Caulfield chán nản những trường lớp rao giảng giáo điều, nhưng trước khi về nhà sau khi bị đuổi học cậu còn ghé thăm ông giáo già dạy Sử, người tuy đã đánh trượt cậu nhưng cậu vẫn quý ông ta vì lòng nhiệt tâm với nghề, thậm chí còn ghi thêm vài dòng vào bài thi để ông không cảm thấy áy náy khi đánh trượt mình.
Cũng vậy, tuy ghê tởm những đứa bạn bẩn thỉu, nhưng Caulfield sẵn sàng trò chuyện hay đi xem phim với chúng, vì chúng chẳng có đứa bạn nào. Tôi cảm động vì Caulfield, ngay cả khi có hành động nổi loạn vẫn không hề chống lại những nền tảng gia đình, vẫn tôn kính cha mẹ và yêu thương anh em, đặc biệt là cô em gái Phoebe.
Với tôi, đoạn trò chuyện giữa hai anh em khi Caulfield lẻn vào nhà, cũng như đoạn kết khi cậu quyết định ở lại vì em gái và dẫn em đi chơi công viên là một trong những trang viết đẹp nhất mà tôi từng đọc về tình cảm gia đình. Nó trong sáng, cảm động dù quả thực rất trẻ con, và nó làm bạn bất giác mỉm cười.
Với tôi, Bắt Trẻ Đồng Xanh chưa bao giờ là một quyển sách của sự phản kháng và chán chường đơn thuần. Tôi tìm thấy ở đó niềm vui sống, của nhân vật và của cả độc giả. Những niềm vui giản dị, nhỏ bé và rất dễ bắt gặp khắp mọi nơi. Mội bài thơ của đứa em đề tặng trên găng tay, một giọng hát trẻ con trong trẻo, hay những mơ ước có phần viển vông….
Như “nghề mơ ước” của Holden Caulfield vậy: hãy hình dung một cánh đồng lúa mạch xanh bát ngát ở đâu đó trên trái đất này, chỉ có bầy trẻ con chơi với nhau. Cậu sẽ đứng trên một mỏm đá bên rìa vực thẳm, ngắm lũ trẻ chơi đùa, canh chừng cho chúng. Khi chúng băng qua cánh đồng xanh, đến gần mỏm đá, chàng Holden nhà ta sẽ tóm lấy chúng để chúng khỏi rơi xuống. Chỉ thế thôi.
Đọc đến đấy, tôi bật cười. “Anh biết, Phoebe ạ, đó là mơ tưởng điên khùng, ngu xuẩn, nhưng thực sự anh muốn thế”. Không chỉ Holden, có lẽ còn nhiều người mơ như thế, hoặc tương tự thế. Và không có giấc mơ nào là ngu xuẩn, nhất là việc giữ lại niềm vui ngây thơ của con trẻ, cũng như chia sẻ niềm vui ấy với chúng. Có lẽ bất kỳ xã hội nào cũng cần những con người muốn làm công việc “bắt trẻ đồng xanh” ấy.
Trong một quyển tiểu thuyết tôi đọc, có 1 nhân vật nói về cha mình như sau “Ông cụ rất tốt, nhưng ông là một chai Coca. Có hàng triệu chai Coca trên thế giới này, và chúng giống hệt nhau. Tôi không muốn mình cũng là một trong số đó”.
Khi những nỗ lực đồng hóa mọi người, những khuôn thước, chuẩn mực đuợc đưa ra để triệt tiêu cái Tôi khác biệt, Bắt Trẻ Đồng Xanh là một tiếng nói phản tỉnh. Quyển sách đánh thức cái mong muốn được sống đúng với thực chất con người mình trong tôi.
Mỗi người là một vũ trụ nhỏ bao gồm cả những điểm đẹp đẽ và xấu xa nhưng rất riêng biệt, chính vì thế nó làm cho cuộc đời rộng lớn kia thêm phong phú. Tôi đã biết cách trân trọng những điểm khác biệt ở người khác, ngay cả khi họ có quan điểm trái ngược với mình.
Tôi nuôi dưỡng những giấc mơ, và luôn nỗ lực để có thể biến nó thành hiện thực (tất nhiên không phải là một giấc mơ bắt được vài đứa trẻ băng qua cánh đồng). Và tôi tin ở những gì mình cảm nhận được. Chẳng phải niềm tin là một điều đẹp đẽ sao, và cứ hãy tin những điều bạn muốn, thay vì tin những gì người ta muốn bạn phải tin, hoặc cố nhồi vào đầu bạn.
Cho dù đi ngược lại, hoặc không hoàn toàn trùng khớp với những “giá trị chung” như Kinh thánh, hay sách vở thì với tôi Bắt Trẻ Đồng Xanh vẫn là một quyển sách đẹp đẽ, vì nó giúp người ta nhận ra Con Người, hiểu với ý nghĩa đơn lẻ nhất – đáng được trân trọng như thế nào.
Khi Holden bị đuổi học, đúng ra là lần thứ tư bị đuổi, cô em gái luôn lập lại “bố sẽ giết anh mất thôi”. Cậu cũng hình dung ra chuyện gì chờ đợi mình, nhưng tôi chắc Holden sẽ không đời nào chọn con đường dẹp bỏ cảm xúc, tảng lờ chính tiếng nói của tâm hồn mình để trờ thành một ai đó như mong muốn của gia đình, hay có một vị trí trong xã hội.
Khi Holden nói với em Phoebe “anh sẽ lên phía Bắc chăn ngựa…” dù cậu chưa từng cưỡi ngựa, tôi tin rằng nếu có cơ hội Holden vẫn sẽ làm mọi cách để tìm đến cánh đồng xanh của mình. Tôi cũng thế, và ngã rẽ của cuộc đời tôi được đánh dấu vào ngày tôi rời trường đại học để làm những gì mình thực sự muốn. Trong quyết định ấy của tôi có phần ảnh hưởng không nhỏ từ Bắt Trẻ Đồng Xanh.
Cuộc sống thật đáng quý và có lẽ rất ngắn ngủi, vì thế ta có lẽ nên dành thời gian để làm những việc mình muốn, thay vì sống theo ý muốn của một ai đó khác hoặc sống cho qua tháng ngày.
Nhìn lại, cho đến giờ có thể tôi chưa đạt được thành công gì đáng kể, và sau này tôi cũng chẳng mong mình thành ông thánh bà tướng gì cả. Tôi chỉ đơn giản thấy hạnh phúc và mãn nguyện.
Nếu bạn muốn tặng ai đó một món quà, tôi xin đưa ra một đề nghị nho nhỏ: bạn hãy tặng họ 1 quyển sách. Có thể nó không tạo ra một bước ngoặt, không thay đổi cuộc đời họ, mà chỉ đơn giản là làm họ thêm yêu đời là đã đủ rồi. Sẽ chẳng bao giờ là quá muộn để bắt đầu Sống thực sự, và đôi khi quá trình ấy được khởi đầu, hoặc thúc đẩy nhờ vào một quyển sách đến đúng thời điểm.
Khi tôi đọc Bắt Trẻ Đồng Xanh, đó là 1 quyển sách cũ rách bìa xuất bản từ trước năm 75, và thuộc dạng sách hiếm, khó tìm, ngay cả khi tìm trong các nhà sách cũ. Tôi đã mượn chủ quán về để bọc lại bìa, và hi vọng có nhiều bạn sẽ tiếp tục đọc nó, cũng như copy ra nhiều bản để tặng bạn bè mình.
Đến cuối tháng 04.2008, tôi lại thấy bản Bắt Trẻ Đồng Xanh ngoài nhà sách, vẫn là bản dịch cũ của dịch giả Phùng Khánh, có chỉnh sửa và biên tập lại. Quả thực, đó là một niềm vui đối với tôi.
Tự quyển sách làm nên giá trị của nó, nhưng phải kể đến phần đóng góp không nhỏ của dịch giả Phùng Khánh trong việc mang lại một bản dịch tiếng Việt điêu luyện, nhuần nhị và tinh tế mà vẫn giữ được tinh thần của nguyên tác.
Khi việc tìm kiếm quyển sách không quá khó khăn như trước nữa, sao bạn không thử tìm đọc nó? Tôi nghĩ bạn sẽ không tiếc thời gian đã bỏ ra, nhất là sau khi đọc xong quyển tiểu thuyết đẹp đẽ ấy.
(sưu tầm - nghiluanxahoi.blogpost.com)
Nếu có ai đó hỏi, liệu một quyển sách có khả năng làm thay đổi đời người không, tôi sẽ trả lời rằng tôi hiếm khi nghi ngờ điều đó. Một quyển sách, đến vào đúng thời điểm, có thể làm cho cuộc sống của ta rẽ sang hướng khác.
Đấy không phải là điều bạn được tuyên truyền hay dạy bảo, mà chính bạn sẽ rút ra được kết luận này, khi bắt gặp quyển sách của đời mình.
Tôi nhớ một buổi chiều ở Era, quán café sách quen thuộc tôi hay ghé lại mỗi khi rảnh rỗi. Khi đang chăm chú chọn sách trên chiếc giá sách nhỏ hai ngăn sát tường, có một người khách nữa trong quán cũng đến kệ sách. Đó là một người lạ, nhưng chúng tôi vẫn gật đầu chào nhau, có lẽ vì những ai cùng chung sở thích sẽ cảm thấy dễ gần hơn.
Và trong lúc cả hai đang chọn sách, anh quay sang tôi bắt chuyện, chủ yếu vẫn là hỏi về những thể loại sách tôi thích đọc. Rồi người lạ hỏi tôi, em đọc Bắt Trẻ Đồng Xanh chưa. Nhận được một cái lắc đầu thay câu trả lời, anh rút trong giá sách ra một quyển rất cũ, đưa cho tôi kèm lời giới thiệu “em đọc thử đi, sẽ không thấy tiếc thời gian đâu”.
Tôi nhớ mình đã ngồi lại đọc cho đến hết quyển sách được giới thiệu ấy. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không tiếc khoảng thời gian đã bỏ ra cho bất kỳ quyển sách nào, không hẳn chỉ vì tôi thích đọc, mà có lẽ vì một quyển sách dù rất tệ cũng sẽ mang lại cho bạn vài điều gì đó đáng nói. Và nếu một lúc nào đó bạn được đắm chìm trong những trang viết tuyệt vời, thì đó hẳn là những khoảnh khắc đáng quý.
Nhưng sẽ hay hơn nhiều, nếu khi buông quyển sách xuống, và thoát ra khỏi thế giới của nó mà ảnh hưởng của những gì bạn đọc được vẫn còn đó, đi theo bạn, trở thành một phần của bạn. Bắt Trẻ Đồng Xanh, đối với tôi – là một quyển sách như thế.
Tôi tìm thấy sự đồng cảm với nhân vật chính – Holden Caulfield, chàng trai 17 tuổi bị đuổi khỏi trường dự bị Pencey vì những lý do như đã thi trượt bốn trong tổng số năm môn, hay không chịu học hành, nhưng lý do lớn nhất là cậu đã chán đến tận cổ một nền giáo dục giáo điều, rỗng tuếch; cũng như những con người đạo đức giả và bộ tịch đầy rẫy trong môi trường học tập của cậu.
Tôi dõi theo bước chân của Holden - một cậu trẻ thông minh và nhạy cảm - chỉ vừa bước một chân qua ngưỡng cửa của sự trưởng thành, còn nhiều băn khoăn, nghi ngờ, đôi lúc chán nản cùng cực. Cho dù là ở New York xa xôi, hay ngay tại đây, chung quanh chúng ta và có thể ngay chính bản thân chúng ta nữa, chúng ta luôn tìm thấy những nỗi băn khoăn, những hoài nghi, và sự phản kháng thậm chí nổi loạn của giới trẻ.
Có thể chính vì thế mà qua nhiều năm, Bắt Trẻ Đồng Xanh luôn tìm được những cảm xúc đồng điệu trong lòng người đọc, và luôn có ảnh hưởng đến những lớp độc giả trẻ tuổi. Ở đó, người ta bắt gặp hình ảnh của mình, hoặc là một phần của chính mình.
Ngay từ lần xuất bản đầu tiên tại Hoa Kỳ năm 1951, Bắt Trẻ Đồng Xanh (nguyên tác: The Catcher in the Rye) đã trở thành một hiện tượng. Bị chỉ trích như một quyển sách tồi tệ vì dùng ngôn ngữ thô tục và đề cập đến tôn giáo, xã hội và giáo dục một cách “không chính thống”, nhưng đồng thời Bắt Trẻ Đồng Xanh cũng là quyển sách được đưa vào chương trình giáo dục trung học của Hoa Kỳ.
Hình tượng nhân vật chính – Holden Caulfield, trở thành một hình ảnh biểu trưng cho một thế hệ thanh niên lạc lõng, chán chường và nổi loạn, không chỉ có giá trị phản ánh một phần lịch sử đương thời, mà nó luôn tươi mới và gắn liền với cuộc sống, với những người trẻ ở bất kỳ một thời điểm nào. Cho đến nay, với hơn 65 triệu ấn bản được bán ra trên toàn thế giới, cũng như việc quyển này được tạp chí Time đưa vào danh sách 100 tiểu thuyết tiếng Anh hay nhất từ 1923 đến nay cũng đã phần nào cho thấy sức sống và sức lan tỏa của tác phẩm.
Tại Việt Nam, người đọc làm quen với ấn phẩm tiếng Việt qua bản dịch của Phùng Khánh (Nhà sách Thanh Hiên – 1965) và một bản nữa của Đức Dương và Bùi Mỹ Hạnh (NXB Phụ Nữ, 1992 và tái bản bởi NXB Văn Học, 2005).
Trong bài phê bình “Những giá trị đạo đức trong Bắt trẻ đồng xanh” của Edwards June (Mai Sơn dịch), ông cho rằng “Trái với những lời kết tội, Bắt Trẻ Đồng Xanh đích thực là một cuốn sách đạo đức. Dù bạn lấy những lời dạy của Jesus, văn kiện của chế độ dân chủ, lý thuyết của Kohlberg, hay bất cứ một nguồn luận cứ nào khác để làm nguồn sáng đạo đức soi rọi, thì Holden vẫn nổi lên như là một con người bối rối mà đức hạnh.”
Tất nhiên, Bắt Trẻ Đồng Xanh không chỉ có thế, vì nếu đấy chỉ là một cuốn sách đạo đức thì bạn đã có hàng ngàn cuốn khác như thế, hàng ngàn cuốn rao giảng đạo đức đơn thuần. Bắt Trẻ Đồng Xanh, trong cách nhìn nhận của tôi, là một quyển sách làm nên sự khác biệt.
Với tôi, trước nhất khía cạnh giữ chân tôi là cách kể chuyện tự nhiên và cuốn hút của tác giả, cũng như việc nắm bắt tâm lý giới trẻ rất tốt, để tôi cảm thấy như thể Salinger viết cho chính mình, cho những người cùng thời, mà còn cho cả tôi, hoặc viết về một ai đó có nhiều điểm giống tôi.
Theo chân Holden Caulfield trở về nhà ở New York sau khi bị đuổi học, tôi không chỉ trải qua một chặng đường với nhiều điểm lý thú nho nhỏ, mà đến khi đọc xong, tôi biết rằng chàng trai ấy không chỉ để lại cho tôi một ấn tượng đẹp, mà còn gieo vào lòng tôi một mong muốn mãnh liệt: mong muốn được tìm thấy bản thân, và được sống với những giá trị đích thực của chính mình.
Trong một xã hội mà những giá trị ảo và thói đạo đức giả lên ngôi, Holden đã cố tách mình khỏi nó. Người ta cần sự tỉnh táo để nhận ra những điều xấu xa, dối trá; cần lòng ngay thẳng để biết ghê tởm và xa lánh chúng; nhưng cũng cần cả sự trong sáng trong tâm hồn để biết nhìn ra những điểm tốt đẹp giữa nơi xô bồ chứ không đánh đồng mọi việc.
Holden chính là một người có những phẩm chất đó. Cậu chán ngấy những màn kịch tôn giáo màu mè và nghĩ “nếu Jesus mà thấy được những bộ trang phục màu mè ấy, chắc ngài sẽ nôn mửa ra mất”, nhưng lại quý mến và quyên tiền cho hai nữ tu đang trên đường xuống miền Nam Chicago dạy học.
Caulfield chán nản những trường lớp rao giảng giáo điều, nhưng trước khi về nhà sau khi bị đuổi học cậu còn ghé thăm ông giáo già dạy Sử, người tuy đã đánh trượt cậu nhưng cậu vẫn quý ông ta vì lòng nhiệt tâm với nghề, thậm chí còn ghi thêm vài dòng vào bài thi để ông không cảm thấy áy náy khi đánh trượt mình.
Cũng vậy, tuy ghê tởm những đứa bạn bẩn thỉu, nhưng Caulfield sẵn sàng trò chuyện hay đi xem phim với chúng, vì chúng chẳng có đứa bạn nào. Tôi cảm động vì Caulfield, ngay cả khi có hành động nổi loạn vẫn không hề chống lại những nền tảng gia đình, vẫn tôn kính cha mẹ và yêu thương anh em, đặc biệt là cô em gái Phoebe.
Với tôi, đoạn trò chuyện giữa hai anh em khi Caulfield lẻn vào nhà, cũng như đoạn kết khi cậu quyết định ở lại vì em gái và dẫn em đi chơi công viên là một trong những trang viết đẹp nhất mà tôi từng đọc về tình cảm gia đình. Nó trong sáng, cảm động dù quả thực rất trẻ con, và nó làm bạn bất giác mỉm cười.
Với tôi, Bắt Trẻ Đồng Xanh chưa bao giờ là một quyển sách của sự phản kháng và chán chường đơn thuần. Tôi tìm thấy ở đó niềm vui sống, của nhân vật và của cả độc giả. Những niềm vui giản dị, nhỏ bé và rất dễ bắt gặp khắp mọi nơi. Mội bài thơ của đứa em đề tặng trên găng tay, một giọng hát trẻ con trong trẻo, hay những mơ ước có phần viển vông….
Như “nghề mơ ước” của Holden Caulfield vậy: hãy hình dung một cánh đồng lúa mạch xanh bát ngát ở đâu đó trên trái đất này, chỉ có bầy trẻ con chơi với nhau. Cậu sẽ đứng trên một mỏm đá bên rìa vực thẳm, ngắm lũ trẻ chơi đùa, canh chừng cho chúng. Khi chúng băng qua cánh đồng xanh, đến gần mỏm đá, chàng Holden nhà ta sẽ tóm lấy chúng để chúng khỏi rơi xuống. Chỉ thế thôi.
Đọc đến đấy, tôi bật cười. “Anh biết, Phoebe ạ, đó là mơ tưởng điên khùng, ngu xuẩn, nhưng thực sự anh muốn thế”. Không chỉ Holden, có lẽ còn nhiều người mơ như thế, hoặc tương tự thế. Và không có giấc mơ nào là ngu xuẩn, nhất là việc giữ lại niềm vui ngây thơ của con trẻ, cũng như chia sẻ niềm vui ấy với chúng. Có lẽ bất kỳ xã hội nào cũng cần những con người muốn làm công việc “bắt trẻ đồng xanh” ấy.
Trong một quyển tiểu thuyết tôi đọc, có 1 nhân vật nói về cha mình như sau “Ông cụ rất tốt, nhưng ông là một chai Coca. Có hàng triệu chai Coca trên thế giới này, và chúng giống hệt nhau. Tôi không muốn mình cũng là một trong số đó”.
Khi những nỗ lực đồng hóa mọi người, những khuôn thước, chuẩn mực đuợc đưa ra để triệt tiêu cái Tôi khác biệt, Bắt Trẻ Đồng Xanh là một tiếng nói phản tỉnh. Quyển sách đánh thức cái mong muốn được sống đúng với thực chất con người mình trong tôi.
Mỗi người là một vũ trụ nhỏ bao gồm cả những điểm đẹp đẽ và xấu xa nhưng rất riêng biệt, chính vì thế nó làm cho cuộc đời rộng lớn kia thêm phong phú. Tôi đã biết cách trân trọng những điểm khác biệt ở người khác, ngay cả khi họ có quan điểm trái ngược với mình.
Tôi nuôi dưỡng những giấc mơ, và luôn nỗ lực để có thể biến nó thành hiện thực (tất nhiên không phải là một giấc mơ bắt được vài đứa trẻ băng qua cánh đồng). Và tôi tin ở những gì mình cảm nhận được. Chẳng phải niềm tin là một điều đẹp đẽ sao, và cứ hãy tin những điều bạn muốn, thay vì tin những gì người ta muốn bạn phải tin, hoặc cố nhồi vào đầu bạn.
Cho dù đi ngược lại, hoặc không hoàn toàn trùng khớp với những “giá trị chung” như Kinh thánh, hay sách vở thì với tôi Bắt Trẻ Đồng Xanh vẫn là một quyển sách đẹp đẽ, vì nó giúp người ta nhận ra Con Người, hiểu với ý nghĩa đơn lẻ nhất – đáng được trân trọng như thế nào.
Khi Holden bị đuổi học, đúng ra là lần thứ tư bị đuổi, cô em gái luôn lập lại “bố sẽ giết anh mất thôi”. Cậu cũng hình dung ra chuyện gì chờ đợi mình, nhưng tôi chắc Holden sẽ không đời nào chọn con đường dẹp bỏ cảm xúc, tảng lờ chính tiếng nói của tâm hồn mình để trờ thành một ai đó như mong muốn của gia đình, hay có một vị trí trong xã hội.
Khi Holden nói với em Phoebe “anh sẽ lên phía Bắc chăn ngựa…” dù cậu chưa từng cưỡi ngựa, tôi tin rằng nếu có cơ hội Holden vẫn sẽ làm mọi cách để tìm đến cánh đồng xanh của mình. Tôi cũng thế, và ngã rẽ của cuộc đời tôi được đánh dấu vào ngày tôi rời trường đại học để làm những gì mình thực sự muốn. Trong quyết định ấy của tôi có phần ảnh hưởng không nhỏ từ Bắt Trẻ Đồng Xanh.
Cuộc sống thật đáng quý và có lẽ rất ngắn ngủi, vì thế ta có lẽ nên dành thời gian để làm những việc mình muốn, thay vì sống theo ý muốn của một ai đó khác hoặc sống cho qua tháng ngày.
Nhìn lại, cho đến giờ có thể tôi chưa đạt được thành công gì đáng kể, và sau này tôi cũng chẳng mong mình thành ông thánh bà tướng gì cả. Tôi chỉ đơn giản thấy hạnh phúc và mãn nguyện.
Nếu bạn muốn tặng ai đó một món quà, tôi xin đưa ra một đề nghị nho nhỏ: bạn hãy tặng họ 1 quyển sách. Có thể nó không tạo ra một bước ngoặt, không thay đổi cuộc đời họ, mà chỉ đơn giản là làm họ thêm yêu đời là đã đủ rồi. Sẽ chẳng bao giờ là quá muộn để bắt đầu Sống thực sự, và đôi khi quá trình ấy được khởi đầu, hoặc thúc đẩy nhờ vào một quyển sách đến đúng thời điểm.
Khi tôi đọc Bắt Trẻ Đồng Xanh, đó là 1 quyển sách cũ rách bìa xuất bản từ trước năm 75, và thuộc dạng sách hiếm, khó tìm, ngay cả khi tìm trong các nhà sách cũ. Tôi đã mượn chủ quán về để bọc lại bìa, và hi vọng có nhiều bạn sẽ tiếp tục đọc nó, cũng như copy ra nhiều bản để tặng bạn bè mình.
Đến cuối tháng 04.2008, tôi lại thấy bản Bắt Trẻ Đồng Xanh ngoài nhà sách, vẫn là bản dịch cũ của dịch giả Phùng Khánh, có chỉnh sửa và biên tập lại. Quả thực, đó là một niềm vui đối với tôi.
Tự quyển sách làm nên giá trị của nó, nhưng phải kể đến phần đóng góp không nhỏ của dịch giả Phùng Khánh trong việc mang lại một bản dịch tiếng Việt điêu luyện, nhuần nhị và tinh tế mà vẫn giữ được tinh thần của nguyên tác.
Khi việc tìm kiếm quyển sách không quá khó khăn như trước nữa, sao bạn không thử tìm đọc nó? Tôi nghĩ bạn sẽ không tiếc thời gian đã bỏ ra, nhất là sau khi đọc xong quyển tiểu thuyết đẹp đẽ ấy.
(sưu tầm - nghiluanxahoi.blogpost.com)