Quay cuồng với xét tuyển nguyện vọng 2
- “Ém” thông tin xét tuyển NV2, chỉ cho rút 1 lần hồ sơ, chỉ giải quyết đến ngày 8/9 là cách nhiều ĐH dùng để giữ chân thí sinh. Không chỉ vậy, nhiều thí sinh ở khu vực nông thôn cũng gần như mịt mờ về chuyện được rút nộp hồ sơ nhiều lần.
Thí sinh tới nộp hồ sơ xét tuyển NV2 tại ĐH Điện lực sáng 25/8. Ảnh: Văn Chung
Mỏi mắt tìm, chờ thông tin trên mạng
Việc công khai thông tin của thí sinh xét nộp, rút hồ sơ xét tuyển nguyện vọng nằm trong quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ năm nay. Tuy nhiên do lo ngại chuyện mất thí sinh, một số trường hiện vẫn "ém" thông tin xét tuyển NV.
Sau 4 ngày (tính từ thời điểm bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển NV2 của thí sinh), tính đến ngày 29/8, tại website của ĐH Kiến trúc Đà Nẵng, thông tin NV2 rất khó tìm, danh sách thí sinh được gộp chung các ngành, cập nhật ngày tháng, số điểm cao thấp không theo thứ tự khiến thí sinh phải rất khó khăn mới tìm được thông tin mình.
Tại wesite của ĐH Mở TP Hồ Chí Minh chỉ đăng “Thông báo xét tuyển NV2” trong đó có chỉ tiêu, điều kiện, mức phí và một dòng lưu ý “Danh sách thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển NV2 sẽ được cập nhật trên website trường từ ngày 26.8 đến 14 giờ ngày 14.9”.
Tuy nhiên, tìm mỏi mắt thí sinh cũng không thấy thông tin xét tuyển NV2 của trường. Thêm vào đó, trong thông báo về điều kiện rút hồ sơ xét NV trường chỉ cho phép thí sinh rút hồ sơ 1 lần và chỉ giải quyết việc rút hồ sơ xét tuyển từ trước 16 giờ ngày 8/9.
Sau ngày này trường không giải quyết cho thí sinh rút hồ sơ. Trong khi đó quy định của Bộ GD – ĐT cho phép thí sinh không bị giới hạn số lần rút, nộp hồ sơ của thí sinh.
Một số trường ĐH khác có công bố danh sách thí sinh xét tuyển nhưng hoặc rất khó tìm thấy hoặc sơ sài, hoặc rối rắm hoặc không được cập nhật liên tục. Đến 20h ngày 30/8, việc cập nhật danh sách hồ sơ đăng ký NV2 của ĐH Kiến trúc TpHCM mới dừng lại ở ngày 26/8.
Trên website của ĐH Văn hoá hiện cũng chỉ có thông tin về điểm trúng tuyển, điểm xét tuyển NV2. Tương tự một loạt website của các ĐH như: Thuỷ lợi Hà Nội, Dân lập Văn Lang, Hà Hoa Tiên, Thành Tây, Sư phạm kĩ thuật TP.HCM...
Thậm chí website của Trường ĐH Công nghệ Giao thông vận tải hiện không thể truy cập. Liên kết tuyển sinh trên website của ĐH Bách Khoa TpHCM cũng trong tình trạng quá tải, gần như không thể truy cập, tìm dữ liệu. Trang chủ của trường này không hề có thông tin tuyển sinh năm 2011. Một ĐH lớn là ĐH Khoa học Xã hội&Nhân văn TpHCM hiện cũng không thể truy cập.
Trang thông tin tuyển sinh của ĐH Sư phạm TpHCM hiện vẫn để trắng, không hề có cập nhật danh sách, thông báo tuyển sinh. Về chuyện cập nhật, mỗi trường làm mỗi khác. ĐH Sài Gòn, ĐH Cần Thơ, ĐH Hồng Đức và một số trường chỉ làm thống kê tổng số hồ sơ nộp các ngành và tổng hồ sơ nộp.
Nhiều ĐH khác cập nhật theo điểm từ cao xuống thấp các chuyên ngành có xét tuyển nhưng không thống kê số hồ sơ nộp vào từng ngành, thí sinh phải tự tính. Nhiều trường cập nhật danh sách trên file dạng pdf, thí sinh phải căng mắt để tìm.
Một cách làm hay của ĐH Huế là ngoài công bố danh sách nộp hồ sơ NV2, trường còn cập nhật danh sách thí sinh nộp hồ sơ không hợp lệ.
Rút nộp nhiều lần: Thí sinh nông thôn gần như không biết
Thí sinh Nghiêm Xuân Trường, quê Bình Dương, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc ngơ ngác khi được hỏi về chuyện có biết năm nay mình được rút nộp hồ sơ xét tuyển NV2 nhiều lần: “Em tưởng vẫn chỉ được nộp một lần thôi chứ?! Lớp em (Trường THPT Nguyễn Viết Xuân, cũng thuộc huyện Vĩnh Tường) cũng đâu ai biết”.
Còn Lê Văn Minh, học sinh lớp 12A3, Trường THPT Hoằng Hoá 3, huyện Hoằng Hoá, Thanh Hoá khẳng định: “Em biết là chỉ được rút nộp 2 lần”.
Năm nay không đỗ ĐH Công nghiệp HN, Trường xét tuyển vào hệ CĐ của trường, ngành Kĩ thuật ô tô. “Nếu có chuyện này chắc để biết thông tin thì em sợ cũng không ngày nào đạp xe gần 10km ra quán Internet gần nhà nhất để cập nhật thông tin tuyển sinh. Rồi chuyện phải nhiều lần lên xuống để rút nộp hồ sơ chắc em cũng không làm được vì mệt mỏi, tốn kém lắm”.
Nhà cách các trường của tỉnh đến vào chục km, còn với Hà Nội là hơn 200km nên Minh cho biết: “Nếu đuợc rút nộp nhiều lần thì em cũng không làm được vì tốn kém quá. Mà nhiều trường không cho người thân rút hộ hồ sơ mà phải buộc chúng em tới làm thủ tục”.
Theo VNN.