Quảng Trị - mùa hè đỏ lửa

  • Thread starter Thread starter liti
  • Ngày gửi Ngày gửi

liti

New member
ĐÒ XUÔI THẠCH HÃN XIN CHÈO NHẸ ...

Tối qua xem TV thấy nói về Quảng Trị 1972, xúc động nên hôm nay xin đưa lên vài vần thơ kèm theo 1 vài lời bình,bài thơ có lẽ sẽ không ít người không thể nào quên được những cảm xúc xúc động về tuổi trẻ anh hùng của cha ông ta

Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm

(Trích Có tuổi hai mươi thành sóng nước )

1. Gốc tích bài thơ :


Hiện nay có khá nhiều dị bản, kể cả khi nó được khắc rất trang trọng trong nhà lưu niệm nghĩa trang liệt sĩ Quảng Trị lẫn khi được trích dẫn rất nhiều trên báo chí trong dịp 27/7 vừa qua.

Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm

Đấy là bài thơ bốn câu của Nghệ sĩ Nhiếp ảnh, nhà báo Lê Bá Dương:
Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm
.
Trước hết nói một chút về tác giả.

Anh Lê Bá Dương hiện nay là Nghệ sĩ Nhiếp ảnh, Hội viên hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, là nhà báo, phóng viên thường trú của báo Văn Hoá tại Nha Trang. Quê chính của anh ở Nghệ An, nhập ngũ năm 15 tuổi, và ngay trong trận đánh vào thôn Tây Trì (Đông Hà) khi 15 tuổi “cộng” 49 ngày, anh đã trở thành dũng sỹ diệt Mỹ. Những năm tiếp theo từ 1968 đến 1973, qua nhiều trận đánh nổi tiếng trên chiến trường Quảng Trị, anh đã được tặng nhiều danh hiệu dũng sỹ diệt Mỹ, dũng sỹ diệt cơ giới, dũng sỹ diệt máy bay… và người chiến sỹ với hơn chục vết thương trên người ấy cũng đã hai lần được đề nghị tuyên dương anh hùng nhưng rồi vết thương chồng vết thương, việc hoàn tất hồ sơ mấy lần dở dang không thành. Hồi ấy, trên mặt trận B5 (đường 9, Quảng Trị) từng đã dấy lên phong trào “Xung kích như Lê Bá Dươngg, chốt chặt như Lê Bá Dương”. Báo Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, Tiền Phong đã có nhiều bài viết và in ảnh Lê Bá Dương mặt trẻ măng, kẹp AK giữa chiến trường khói lửa mà mắt cứ trong văn vắt, môi mím chặt mà cứ thấy phảng phất một nụ cười. Hồi ấy, chiến trường Quảng Trị, mỗi ngày hao hụt quân số hàng trăm, hồi ấy, máu và lửa, xác ta và xác địch lộn tùng phèo, đất đá không đủ để che quân...

Bây giờ ở Quảng Trị, vào tháng 7, có một phong trào rất đẹp là toàn dân kết bè hoa thả xuống dòng Thạch Hãn, con sông đang chứa trong lòng nó hàng trăm linh hồn liệt sĩ đã lặng lẽ chìm trong những ngày đỏ lửa hào hùng ấy. Nhưng trước khi nó thành phong trào như bây giờ, vào hồi đang còn khó khăn nhất của thời bao cấp, người cựu chiến binh Lê Bá Dương ấy đã dồn lương và nhuận bút mỗi năm làm một chuyến tàu chợ vào tháng 7, từ Nha Trang ra Quảng Trị, anh mua hết hoa ở chợ Quảng Trị rồi mang ra sông thả. Ban đầu nhiều người ngạc nhiên, có người còn bảo: ông khùng. Hàng chục năm như thế, đến thời ông Vũ Trọng Kim làm bí thư thì ông mới phát động nó thành phong trào rầm rộ như ngày nay...

2. Trở lại bài thơ


Chiều ngày 27 tháng 7 năm 1987, sau khi thả hoa cho đồng đội, anh ngồi lặng trên bờ sông ngắm những chiếc thuyền nặng nề ngược dòng Thạch Hãn. Thanh bình quá thể, vô tư quá thể, nhưng ai biết, ai nhớ, dưới đáy sông kia còn bao nhiêu đồng đội của anh đang nằm lặng lẽ. Bất chợt những câu thơ vụt ra:

Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.

Tan chợ chiều xuôi đò có vội

Xin, xin đừng khuấy đục dòng trong.

Sau này khi công bố trên Tạp chí Khoa học Công Nghệ Khánh Hòa năm 1990, nhà văn Đỗ Kim Cuông (giờ là vụ trưởng vụ văn nghệ Ban Tuyên Giáo Trung ương) khuyên anh sửa lại. Và bài thơ được hoàn chỉnh là:

Đò lên Thach Hãn ơi chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm.

Nhưng vấn đề là, với bài thơ 4 câu, bài thơ duy nhất của Lê Bá Dương, hiện nay có khá nhiều dị bản, kể cả khi nó được khắc rất trang trọng trong nhà lưu niệm nghĩa trang liệt sĩ Quảng Trị lẫn khi được trích dẫn rất nhiều trên báo chí trong dịp 27/7 vừa qua.

Trước hết là chữ “lên”, phần lớn đều ghi là “Xuôi”. Xin thưa, nếu “xuôi” thì không phải chèo, mà chỉ “lái” thôi. Chèo đò và lái đò là hai động tác khác nhau. Tiếp đến là chữ “ơi”, nhiều người dùng là “xin”. Bản thân Lê Bá Dương khi sửa từ "xin" thành “Ơi” là thán từ gọi đò – ơi đò… bớ đò…đò ơi theo đúng phương ngữ Quảng Trị, nghe thắt thẻo và có tiếng đồng vọng lênh lan trên sóng nước. Thêm nữa, ở bản gốc thì câu thứ 4 đã có từ "xin" rồi. Nhưng theo chúng tôi, trong trường hợp này dùng “Xin” hay “ơi” cũng đều khả dĩ. Câu dưới dị bản mới nặng, ấy là “còn đó” thành “còn có”. Chữ “còn đó” hay hơn, mênh mang hơn, phổ quát hơn, mở hơn. Lê Bá Dương không phải nhà thơ chuyên nghiệp nhưng anh đã sử dụng chữ rất hợp lý và chính xác. Hai câu dưới thì có một dị bản là “bờ bãi” và “bờ mãi”, thì theo chúng tôi, dùng từ nào cũng được, dẫu “mãi mãi” hay hơn, vĩnh cửu hơn. “Bờ bãi” vừa cụ thể, vừa hẹp, chữ “bãi” như một từ láy phái sinh…

Có lẽ do bài thơ là tiếng lòng chung cho mọi người, đặc biệt là bài thơ còn được gắn với việc một người lính hàng năm một đôi lần về thắp hương thả hoa cho đồng bào, đồng đội, vì vậy, từ khi xuất hiện trên báo bài thơ đã được mọi người chú ý. Người này nhớ một vài câu, người khác nhớ cả bài 4 câu, nhưng thường thì mọi người nhớ và thuộc hai câu đầu trong cả bài thơ 4 câu… Và ngay cả 2 câu đầu đó cũng vẫn có vài từ khác nhau như đã dẫn. Chúng tôi thống kê có các dị bản như sau:

Dị bản 1:


Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm.

Dị bản 2 khác với DB1 ở từ ơi thay cho từ xin trong câu đầu

Đò xuôi Thach Hãn ơi chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm

Dị bản 3 khác với dị bản 2 ở từ "Có" thay cho từ "Đó":

Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ

Đáy sông còn có bạn tôi nằm

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm...

Cũng có bản từ hai mươi trong câu thứ 3 được đổi thành từ đôi mươi…

Tuy nhiên không chỉ có dị bản. Xung quanh bài thơ cũng xuất hiện nhiều giai thoại.

Do bài thơ là tiếng lòng lại được viết và xuất hiện từ mảnh đất thiêng, nhạy cảm là Quảng Trị nên được rất nhiều người trên cả nước biết đến. Hiện tại bình quân mỗi ngày tác giả cũng có một cuộc điện thoại từ đâu đó trên cả nước gọi hỏi về bài thơ. Thậm chí khách hàng tại Phú Yên còn gọi lên tổng đài 108 đề nghị cung cấp thông tin bài thơ, tên, số điện thoại tác giả…Ngay cả tựa bài thơ “Lời người bên sông” cũng là một trong những giai thoại đó. Do là một cảm xúc được biểu đạt như một lời thỉnh cầu, bởi vậy lúc đầu bài thơ không có tựa đề, cho dù chỉ là cái tựa “vô đề “ như những bài thơ khác. Sau này khi người biên tập tạp chí đưa bài thơ đi nhà in, thấy thiếu cái tựa bài liền gọi điện hỏi xem tựa bài thơ thế nào? Nghe hỏi vậy, tác giả giải thích: Đó chỉ là lời người bên sông… Không ngờ người biên tập cứ nghĩ đó là câu trả lời của tác giả và thế là “lời người bên sông” bỗng thành tên bài thơ…

Ngoài ra, Lê Bá Dương còn một bài thơ 2 câu được viết trong một tình huống khác. Hôm chuẩn bị vào sâu về phía nam mặt trận, cô bé trong nhà dân chợt hỏi: Chú ơi, tại sao lại gọi là quân giải phóng Bắc Quảng Trị. Vội quá, anh lấy bút viết vội vào trang sách học trò của cô bé hai câu thơ và cũng là hai vế đối:
Một khẩu súng giữ hai trời Nam Bắc

Một dấu chân in màu đất hai miền.

Mãi mới đây, nhân dịp kỷ niệm 35 năm giải phóng Quảng Trị, "cô bé" bây giờ đã là cựu du kích trao lại cho Lê Bá Dương tờ giấy kẻ ngang đã úa vàng nhưng vẫn nguyên nét chữ viết 2 câu thơ. Hôm đi cùng đồng đội lên cao điểm 544, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính đã đề nghị một nhà thư pháp viết hai câu thơ mà anh nói là tuyên ngôn hay nhất bằng thơ về quân giải phóng Bắc Quảng Trị của Lê Bá Dương.

(Trích dẫn Báo Văn nghệ Quân đội) - Chú ý : dẫn lời tác giả nên gọi nhà nhiếp ảnh LBD là "anh" (đúng ra gọi là "ông" đỗi với thế hệ chủng ta)
 

ĐÒ XUÔI THẠCH HÃN XIN CHÈO NHẸ ...



Thành cổ Quảng Trị 81 ngày đêm - bản anh hùng ca bất diệt


Cuộc chiến đấu anh dũng 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị đã thắng lợi. Đây là cuộc chiến giành giật lâu dài nhất, gay go, ác liệt nhất, đã để lại dấu ấn lịch sử sâu đậm và hào hùng, là kết quả của Chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, đã làm sáng ngời chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta, mỗi ngọn núi, mỗi dòng sông, mỗi địa danh đều ghi dấu những chiến công hiển hách. Vùng đất Quảng Trị được Mỹ – ngụy coi là “Pháo đài bất khả xâm phạm”, có “Hàng rào điện tử Mắc – Namara” được trang bị tối tân, hiện đại và đầy đủ các lực lượng tinh nhuệ nhất chiến trường, vừa là bàn đạp để thực hiện âm mưu “Bắc tiến”, vừa là lá chắn bảo vệ “Biên giới Hoa Kỳ kéo dài đến vĩ tuyến 17”. Tuyến phòng thủ Quảng Trị được coi là “con đê ngăn chặn” vững chắc nhất miền Nam Việt Nam. Lúc bấy giờ, Tổng thống Mỹ Ních – Xơn lên giọng thách thức: “Nếu có một cuộc tấn công mạnh của Việt Cộng thì tuyến phòng thủ của Việt Nam cộng hòa ở Quảng Trị có thể chùng nhưng không thể đứt”. Thế nhưng sau những đòn tấn công sấm sét của quân và dân ta ở Đầu Mầu, Cửa Việt, Dốc Miếu, Cồn Tiên, Đông Hà, Ái Tử, La Vang, Mỹ Chánh... và thị xã Quảng Trị, quân địch đã bạt vía kinh hồn. Đúng 18 giờ ngày 1-5-1972, tỉnh Quảng Trị hoàn toàn giải phóng, sau 18 năm Quảng Trị bị Mỹ - ngụy chiếm đóng.

Quảng Trị thất thủ, phía Bắc thành Huế bị uy hiếp và bao vây. Quan thầy Mỹ – ngụy hoang mang lo sợ và dốc toàn bộ lực lượng để tái chiếm Quảng Trị mà mục tiêu số 1 là chiếm lại thành cổ. Chiếm được Quảng Trị, đặc biệt là thành cổ, Mỹ – ngụy sẽ đạt được âm mưu xảo quyệt về chính trị, quân sự và ngoại giao hòng lấy lại tinh thần, tẩy xóa tâm lý thất bại đang tràn lan trong ngụy quân, ngụy quyền, cản phá cuộc tấn công như vũ bão của quân và dân ta chiếm lại vùng đất địa đầu chiến lược của miền Nam Việt Nam; đồng thời sẽ gây sức ép về ngoại giao trên bàn Hội nghị bốn bên đàm phán về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam tại Pa- ri. Những ngày cuối tháng 6-1972, Mỹ - ngụy bắt đầu mở cuộc hành quân “Lam Sơn 72”. Tướng ngụy Ngô Quang Trưởng tuyên bố: “Đồng minh sẽ sử dụng tối đa hỏa lực không quân và pháo binh để nghiền nát thành cổ Quảng Trị”. Địch đã huy động bình quân mỗi ngày từ 150 đến 170 lần, có ngày cao điểm đến 220 lần chiếc máy bay phản lực, 70 đến 90 lần chiếc B52, 12 đến 16 tàu khu trục hạm và tuần dương hạm thuộc hạm đội 7 ngoài khơi Thái Bình Dương; tập trung 50 ngàn binh lính thuộc nhiều sư đoàn chiến lược, thủy quân lục chiến, sư dù, biệt động, thiết giáp... đánh trả quân và dân ta ở Quảng Trị. Địch đã không trừ một hành động dã man nào, ném đủ các loại bom phá, bom napan, bom lân tinh, bom bi, bom tấn, bom điều khiển laze, bắn đủ các loại, các cỡ pháo, thả hơi độc, hơi ngạt, chất độc hóa học... Lúc bấy giờ, báo chí phương Tây đã đưa: “Số bom đạn quân đội Mỹ ném xuống Quảng Trị khoảng 328 ngàn tấn, tương đương với sức công phá của 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Hi-rô-si-ma (Nhật Bản) năm 1945”. Hoặc: “Trong lịch sử chiến tranh, hầu như chưa có một cuộc hành quân nào mà mục tiêu chỉ là đánh chiếm một tòa thành cổ với chu vi hơn 2.160m mà người ta lại có thể huy động một lực lượng hải - lục - không quân đông và sử dụng một khối lượng chất nổ khổng lồ đến như vậy”. Chiến dịch phản kích mang tính hủy diệt cực kỳ dã man đó diễn ra trong 81 ngày đêm. Các chiến sĩ quân giải phóng vẫn “xuất thần” bám trụ, bám thành, từng giờ, từng phút chiến đấu bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Cuộc chiến đấu ở thành cổ Quảng Trị diễn ra như một huyền thoại, cách đánh địch nơi đây vượt ra khỏi những quy ước thông thường của chiến tranh. Súng cối 60 ly được các chiến sĩ ta “kẹp nách” bắn như liên thanh, lựu đạn rút chốt để xì khói trên tay mới ném vào miệng hầm quân địch, các chiến sĩ bị thương không chịu về tuyến sau. Đồng chí Phan Văn Ba bị nát một bàn tay vẫn chiến đấu ngoan cường; Hán Duy Long dùng súng trung liên kẹp nách tiêu diệt 58 tên địch, 3 lần bị thương nhưng anh không rời trận địa. Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Mai Ngọc Thoảng dùng răng cắn nối thông dòng điện thoại để Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy chiến trường (hiện nay anh Thoảng là Bí thư đảng ủy phường Ngọc Trạo, thị xã Bỉm Sơn)... Trong chiến đấu, các anh không kể là lính bộ binh, công binh, thông tin hay quân y đều anh dũng cầm súng đánh trả địch.

Cuộc chiến đấu anh dũng 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị đã thắng lợi. Đây là cuộc chiến giành giật lâu dài nhất, gay go, ác liệt nhất, đã để lại dấu ấn lịch sử sâu đậm và hào hùng, là kết quả của Chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, đã làm sáng ngời chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Với giá trị lịch sử và tầm vóc chiến công mang đậm tính thời đại được đúc kết bằng xương máu của hàng ngàn chiến sĩ, đồng bào cả nước và tỉnh Quảng Trị anh hùng. Thành cổ cùng với thị xã Đông Hà, Quảng Trị đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và được xếp vào danh mục những di tích quốc gia đặc biệt quan trọng bởi nơi đây chính là nơi đọ sức giữa chính nghĩa và phi nghĩa mà cả nhân loại biết đến và khâm phục.

Những ngày, tháng lịch sử này, tưởng nhớ các chiến sĩ đã hi sinh trên mặt trận Quảng Trị, mỗi chúng ta thắp một nén hương lòng, cầu mong đất nước mãi nở hoa, mọi người sống trong tình yêu và hạnh phúc, để chiến công của các anh là những bản anh hùng ca vang mãi.

“Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi đôi mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm...” .
 
Kết cho tập bài, xin không gởi lời bình

ĐÒ XUÔI THẠCH HÃN XIN CHÈO NHẸ ...

MƯA NGUỒN CHỚP BỂ

Rứa mà đã hai sáu năm đằng đẵng
mệ nằm trong cát trắng Triệu Phong
mặt trời đỏ vẫn mỗi ngày đổ nắng
dẫu thác rồi đời Mệ vẫn long đong.

đêm con nằm nghe mưa nguồn chớp bể
thương dòng sông đá đổ mồ hôi
hột lúa củ khoai mần ra đâu có dễ
tóc Mệ bạc từ con vừa tuổi thôi nôi.

cha lên chiến khu, mẹ vô du kích
chú của con Tây bắn tại làng
Mệ thức trắng hằng đêm ròng tịch mịch
lắng nghe từng sợi gió thổi lang thang.

ngày tập kết con sống cùng với Mệ
cầu Hiền Lương gần mà quê thì xa
mắt Mệ đỏ suốt những chiều dâu bể
con và chén cơm trong nỗi nhớ quê nhà.

chợ Hồ xá Mệ bán từng chiếc bánh
lo cho con được cắp sách tới trường;
con thương Mệ ròng ròng đêm thức lạnh
lắng mưa nguồn chớp bể vọng cố hương.

lý mười thương ơi lý mười thương
con thương Mệ, thương quê nghèo dội nắng
suốt một đời như là cây rau đắng
mưa nắng quê nhà ru giấc Mệ, Mệ ơi!..


GỞI VỀ QUÊ MẸ

Có bao giờ xa quê mẹ được đâu
Trong giấc ngủ cũng nhớ về Quảng Trị
Chang chang nắng ươm vàng mùa bông bí
Đá bên sông Thạch Hãn đổ mồ hôi.

Mẹ còng lưng cuốc đất ở bên đồi
Hoàng hôn nhuộm chân trời màu lửa;
Con xa quê trong niềm đau cắt cứa
Đạn bom còn rình rập dưới lòng sâu.

Các dì con mưa nắng dãi dầu
Màu tóc bạc theo đàn con tàn tật
Chiến tranh đi qua gieo nỗi đau có thật
Chất độc giết người chưa buông thả quê hương…

Héo hắt nụ cười trong muôn nỗi tơ vương
Bà con mình ngắm bờ Nam, bờ Bắc
Hai bờ sông suốt một thời đánh giặc
Những ai còn nằm dưới nắng như nung?

Sông Hiền Lương trôi trắng biển Cửa Tùng
Những linh hồn theo thuyền đi vời vợi;
Đêm thao thức con tìm về bến đợi
Chạnh lời ru bổi hổi lắm quê ơi!..
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top