Quảng Nam - Đất nước và con người

huyvietnamhoc

New member
Xu
0
QUẢNG NAM - ĐẤT NƯỚC VÀ CON NGƯỜI



Từ Ðạo QUẢNG NAM đến Tỉnh QUẢNG NAM (1301 - 1831)

Năm 1306, thể theo lời ước gả Công Chúa Huyền Trân của Thái Thượng Hoàng Trần Nhân Tông ( năm 1301 ) trong dịp viếng thăm thân hữu Việt Nam - Chiêm Thành, vua Chiêm Thành, Chế Mân dâng đất hai Châu Ô, Châu Rí làm sính lễ để xin cưới Công Chúa Huyền Trân.

Năm 1307, sau nghi lễ tiễn Công Chúa Huyền Trân về Chiêm quốc, vua Trần Anh Tông tiết thu 2 Châu Ô và Châu Rí, di dân khẩn hoang, lập ấp và đổi tên là Thuận Châu (Bắc Hải Vân Quan) và Hóa Châu (Nam Hải Vân Quan). Dân Chiêm Thành bỏ đất lui về phía Nam.

Năm 1402, sau khi chiếm ngôi nhà Trần, Hồ Quý Ly chia Hoá Châu, gốm đất Chiêm Ðộng, Cổ Lủy, lập thành 4 Châu là Thăng Châu (Thăng Bình và phía Bắc), Hóa Châu, Tư Châu và Nghĩa Châu (Quảng Ngãi và phía Nam), di dân canh tác và đặt quan An phủ sứ cai trị. Dân Chiêm Thành lại bỏ đất lui về phía Nam.

Năm 1470, Hồng Ðức nguyên niên, vua Lê Thánh Tông, sau trận đại thắng, bắt được vua Chiêm Thành là Trà Toàn, triệt đễ khai thác sự chia rẽ của Hoàng Tộc Chiêm Thành, chia Chiêm Thành ra làm 3 nước nhỏ, phong 3 vua: Chiêm Thành, Hóa Anh và Nam Phan, chủ đích làn suy yếu đối phương. Lấy lại Hóa Châu, gồm đất Chiêm Ðộng, Ðồ Bàn, Ðại Chiêm và Cổ Lủy lập thành Ðạo QUẢNG NAM (địa danh QUẢNG NAM bắt đầu xuất hiện trên lịch sử VN từ đây).
Ðạo QUẢNG NAM gồm có 3 Phủ và 8 Huyện (tiền thân của Nam, Ngãi, Bình và Phú sau này)

Năm 1570, Chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Ðạo Quảng Nam, truyền nối con cháu (Nguyễn Phúc Tần, Nguyễn Phúc Chu ... ) lấn dần vào Nam, xâm chiếm trọn vẹn đất Chiêm Thành, lập thành Phủ Diên Khánh (Khánh Hòa), Phủ Bình Thuận, Huyện Yên Phúc và Huyện Hòa Ða (Bình Thuận).

Năm 1744, Chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát, sau khi chiếm được Hà Tiên Rạch Giá, chia nước ra làm 12 DINH: Chính Dinh (Thừa Thiên), Cựu Dinh (A¨i Tử), Quảng Bình Dinh, Vũ Xá Dinh, Bố Chính Dinh, Quảng Nam Dinh (Quảng Ngãi phủ và Quy Nhơn phủ), Phú Yên Dinh, Bình Khang Dinh, Bình Thuận Dinh (đất Chiêm Thành), Trấn Biên Dinh, Phiên Trấn Dinh, Long Hồ Dinh (đất Chân Lạp). Ðồng thời, lấy Hội An làm cửa biển duy nhất buôn bán với nước ngoài, nên người ngoại quốc thường gọi là Quảng Nam Quốc.

Năm 1880, Vua Gia Long, sau khi thống nhất được đất nước, chia nước ra làm 23 Trấn: Bắc Thành có 11 Trấn, Gia Ðịnh thành có 5 Trấn, Miền Trung có 7 Trấn, trong đó có Quảng Ngãi Trấn, Bình Ðịnh Trấn, Phú Yên Trấn và 4 Doanh, thuộc đất Kinh kỳ:

- Trực Lệ Doanh (Thừa Thiên)
- Quảng Trị Doanh
- Quảng Bình Doanh và
- Quảng Nam Doanh

Như thế, Ðạo Quảng Nam hay Quảng Nam dinh bắt đầu từ đây chính thức chia làm 3 Trấn :

- Quảng Ngãi Trấn
- Bình Ðịnh Trấn
- Phú Yên Trấn và

1 Doanh là Quảng Nam Doanh

Năm 1831, Vua Minh Mạng đổi Trấn và Doanh thành Tỉnh và đặt chức Tổng Ðốc, Tuần phủ, Bố Chánh Sứ, A¨n Sát sứ và Lãnh Binh trông coi việc cai trị.

Và địa danh TỈNH QUẢNG NAM bắt đầu có trên lịch sử Việt Nam từ đây.

TỈNH QUẢNG NAM

1. Ðịa lý Chính trị

Về phương diện hành chánh, dưới triều Minh Mạng, Quảng Nam được chia làm 8 Phủ, Huyện. 4 Phủ thuộc miền duyên hải, từ Bắc vào Nam là Ðiện Bàn (gồm cả thị xã Hội An), Duy Xuyên, Thăng Bình và Tam Kỳ. 4 Huyện thuộc miền cao, tạm gọi là Sơn cước là : Hòa Vang (gồm cả thị xã Ðà Nẵng), Ðại Lộc, Quế Sơn và Tiên Phước.

Năm 1888, Thành Thái Nguyên Niên, Triều đình Huế ký nhượng Ðà Nẵng cho Pháp làm nhượng địạ

Năm 1954, sau Hiệp định Genève, Ðà Nẵng lại quay về đất Mẹ Việt Nam.

Năm 1962 Chính phủ VNCH Ngô Ðình Diệm ( Ðệ I Cộng Hòa) chia tỉnh Quảng Nam ra thành thị xã Ðà Nẵng và 2 tỉnh : Quảng Nam (phía Băc) gồm các quận Hòa Vang, Ðiện Bàn, Duy Xuyên, Ðõi Lộc, Quế Sơn, Hiếu Ðức, Thường Ðức, Ðức Dục va Hiếu Nhơn (gồm thị xã Hội An) và Quảng Tín (phía Nam) gồm các Quận Thăng Bình, Tiên Phước, Hậu Ðức, Hiệp Ðức, Lý Tín và Tam Kỳ (gồm cả thị xã Tam Kỳ).

Năm 1975, Chính phủ CHXHCNVN, sau khi hòa bình thống nhất đất nước, lại sáp nhập 2 tỉnh Quảng Nam, Quảng Tín và Thành Phố Ðà Nẵng thành tỉnh Quảng Nam - Ðà Nẵng, gồm có 12 huyện là Hòa Vang, Ðiên Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ, Ðại Lộc, Quế Sơn, Tiên Phước, Hiên Giằng, Phước Sơn, Trà My và Thành Phố Ðà Nẵng.


Quang_1.jpg

Phố Hội An (Hình của TTV - Exryu NCA chụp năm 1998)

Năm 1996 Chính phủ VN tách thành phố Ðà Nẵng ra thành một đơn vị hành chánh độc lập. Vùng còn lại thành tỉnh Quảng Nam, gồm có hai thị xã Tam Kỳ và Hội An, 6 huyện vùng đồng bằng là Ðiên Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành, Ðại Lộc, Quế Sơn, 6 huyện vùng sơn cước là Trà My, Tiên Phước, Hiệp Ðức, Hiên, Giằng, Phước Sơn. Tòa hành chính (Sy Ban Nhân Dân Tỉnh) được đặt tại thị xã Tam Kỳ.

2. Ðịa lý thiên nhiên

Tỉnh Quảng Nam nằm giữa vĩ tuyến 14 độ 54 phút và 15 độ 57 phút, kinh tuyến 107 độ 42 phút và 108 độ 44 phút. Phía Bắc, giáp tỉnh Thừa Thiên - Huế và thị xã Ðà Nẵng, phía Nam, giáp tỉnh Quảng Ngãi tại núi Trà My và Phủ Bình Sơn phía Ðông, giáp biển Ðông Hải, phía Tây, giáp dãy Trưng Sơn. Tỉnh Quảng Nam cách Hà Nội 860km và Sài Gòn (T/P Hồ Chí Minh) 865km. Về phương diện địa lý, có thể nói tỉnh Quảng Nam là trung tâm của đất nước Việt nam.

Diện tích của tỉnh Quảng Nam là 10,708.6 km vuông. Dân số mới nhất hiện nay là 1,366,177 người . Mật độ dân số là 127.6 người / km2

Quang_2.gif

Tỉnh Quảng Nam thuộc vùng khí hậu nhiệt đới, chịu ảnh hưởng trực tiếp của gió mùa. Từ tháng 5 đến tháng 10, gió Tây Nam Ðông Bắc (gió Nồm) mang hơi nước từ vịnh Thái Lan vào, nhưng bị dãy Trường Sơn ngăn lại, nên không mưa (chỉ mưa ở miền Nam, vùng Ðồng bằng sông Cửu Long) và ngược lại, mang hơi nóng của vùng núi Vôi Ðồng Chum của Lào qua, nên rất oi bức (Gió Lào).

Từ tháng 11 đến tháng 4; gió Ðông Bắc Tây Nam (Gió Bấc) mang gió buốt từ phương Bắc, cộng thêm hơi nước biển Nam Hải xuống, bị dãy Trưng Sơn ngăn lại, nên mưa nhiều, giá lạnh và lụt lội liên miên, gây thiệt hại cho mùa màng. Nhưng đồng thời, cũng đem phù sa tái bồi, làm phì nhiêu thêm cho miền đồng bằng không ít.

Một vài con số thủy văn của tỉnh Quảng Nam :
Nhiệt độ trung bình trong năm : 25 độ C
Nhiệt độ mùa đông : 20 - 24 độ C
Nhiệt độ mùa hè : 25 - 30 độ C
Ẩm độ trung bình : 84%
Vũ lượng (lượng mưa) trung bình trong năm : 3.738 mm
Giờ có ánh sáng mặt trời : 1.944 giờ / năm

Quang_3.jpg

Sông Tam Kỳ (Hình của TTV - Exryu NCA chụp năm 1998)

Dãy Trường Sơn, chạy dài suốt từ Bắc vào Nam, đoạn thuộc tỉnh Quảng Nam, núi khá cao, sườn phía đông dựng đứng, vươn lên nhiều nhánh núi dọc, tạo thành nhiều thung lũng lớn nhỏ phì nhiêu và hiểm yếu . Nơi đây những phong trào Nhân dân nổi dậy đã chọn làm căn cứ chống Pháp.
Dọc theo những thung lũng ấy là các nguồn sông (Nguồn sông Con, sông Cái, sông Dak-mi, sông Bung, sông Tranh ...) chảy hợp thành các sông lớn nhỏ ( sông Cẩm, sông Vu Gia, sông Thu Bồn, sông Tam Kỳ, sông Trường Giang ..) nước chảy xiếc, nhiều gềnh thác, hay thay đổi giòng, không thuận tiện giao thông thủy lộ.

Ðường giao thông Quảng Nam chưa được phát triển đúng mức cần thiết, ngoài đường xe hỏa Xuyên Việt và Quốc lộ số 1 chạy suốt từ Bắc và Nam, dọc theo duyên hải, có mấy nhánh Tỉnh lộ, huyện lộ chạy ngang dẫn vào các Quận, Huyện miền núi.

Giữa cửa Ðà Nẵng và cửa Ðại Chiêm (Hội An) có một cụm núi gọi là Ngũ Hành Sơn (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ ) hay núi Non Nước (Sơn, thủy hữu tình), có Chùa ( Chùa Tam Thai, Chùa Linh Ư¨ng, Chùa Từ Tâm ...), có Ðộng (Ðộng Tàng Chơn, độnh Huyền Không, Ðộng Vân Phong ... ) có những điểm cao nhìn cảnh (Vọng Hải Ðài, Vọng Giang Ðài ...).


Quang_4.jpg

Làng Non Nước nhìn từ Ngũ Hành Sơn ( Hình của TTV - Exryu NCA chụp năm 1998)


Ngoài biển khơi, cách Ðà Nẵng 390km về hướng Ðông, có một cụm hơn 200 đảo lớn nhỏ, nối đuôi nhau trải dài từ Bắc xuống Nam gần 800 km là Quần Ðảo Hoàng Sa (Paracles) và Trường Sa (Sprailys), một cứ điểm chiến lược kiểm soát giòng hải hành vùng biển Ðông Nam A¨, đồng thời là những túi dầu hỏa và khí đốt quan trọng ven thềm lục địa Việt Nam.

3. Ðịa Lý Nhân Văn

Mật độ dân số Quảng Nam tương đối cao, so với các tỉnh lân cận như Thừa Thiên, Quảng Ngãi ... Dân chúng định cư tại các tỉnh đồng bằng, hầu hết là người Việt, gốc Bắc và Bắc Trung Việt như Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh ....vì lý do chính trị hay kinh tế, theo chân Chúa Nguyễn, nối tiếp từ đi này qua đi khác, di dân vào khẩn hoang lập nghiệp. Ngoài ra còn có một số người Chàm (Việt gốc Chiêm Thành) còn sót lại, ở rải rác chung quanh vùng Tháp Cũ, Thành Xưa (Phong Lệ, Trà Kiệu, Mỹ Sơn ...), một số người Minh Hương (Việt gốc Hoa) và Ấn Kiều, Pháp Kiều, Nhật Kiều ở tập trung vào các thị xã Ðà Nẵng, Hội An, Tam Kỳ ....
Ở miền thượng du, sát chân núi, dọc theo dãy Trường Sơn, thì người thiểu số, thuộc giống người Bana, người Stieng sinh sống theo lối du canh, du cư, săn bắn, đốt rừng làm rẫy.


Con người Quảng Nam - Quá khứ, Hiện tại và Tương lai


Tài nguyên phong phú, vị trí chiến lược quan trọng là hai yếu tố để Quảng Nam trở thành vùng đất bị tranh chấp và người dân Quảng Nam phải gánh chịu nhiều hậu quả của những diễn biến lịch sử của đất nước để trưởng thành.

Phần lớn dân cư Quảng Nam là người Việt có nguồn gốc từ miền Bắc và Bắc Trung Việt. Ðó là những con người có ý chí và bản lãnh chấp nhận những khó khăn của cuộc sống phiêu lưu và khai phá. Ðó là những con người có tinh thần phóng khoáng, không chịu những áp bức bất công của thời kỳ Vua Lê Chúa Trịnh suy vi, xã hội miềm Bắc hỗn loạn nên tìm cách chống lại để bảo vệ tự do và phẩm giá nên bị ghép vào tội nghịch dân và bị lưu đày.
Ðó cũng là những con người nhận trách nhiệm lịch sử, đội quân tiên phong của Chúa Nguyễn vào Nam trấn thủ và mở mang bờ cõi.
Có thể nói cộng đồng những người khai phá vùng đất mới Quảng Nam là những con người bản lãnh và khát vọng, giàu tinh thần đấu tranh, được tôi luyện trong gian khổ và trưởng thành trong chiến đấu khắc phục những khó khăn từ thiên nhiên và do lịch sử đem lại.

Quang_5.jpg


Hoa Sưa - Tam Kỳ ( Hình của TTV - Exryu NCA chụp năm 1998)

Những con người Việt Nam tiên phong đó lại tiếp xúc và hội nhập với nền văn hóa Chàm, trong dòng văn hóa Ấn Ðộ Mã Lai và Hải đảo Thái Bình Dương tại cựu đô Trà Kiệu và Thánh Ðịa Mỹ Sơn của Chiêm Thành. Ðó là một nền văn hóa đa dạng và rực rỡ.
Ðầu thế kỷ 17, Quảng Nam lại tiếp nhận và định cư những dòng người Trung Hoa không phục Thanh Triều. Cộng đồng Minh Hương là những người có trình độ văn minh cao, có kiến thức và kinh nghiệm về thương mại, kỹ thuật giỏi, tay nghề cao, hiểu biết nghệ thuật, âm nhạc thơ ca, hội họa của nền văn hóa phong phú Trung Hoa.


Quang_6.jpg
Ðường Phan Chu Trinh - Tam Kỳ
(Hình của TTV - Exryu NCA chụp năm 1998)

Những yếu tố đó tạo nên một nét đặc thù riêng biệt cho vùng văn hóa Quảng Nam trong nền văn hóa chung của dân tộc Việt. Những yếu tố văn hóa cụ thể và rực rỡ đó trong hàng thế kỷ đã hun đúc nên con người Quảng Nam có ý chí, bản lãnh kiên cường, tính tình phóng khoáng, ham chuộng tự do, kiên nhẫn, chịu khó, ham học hỏi, cầu tiến, khả năng tiếp nhận và phát huy cái mới.

Trong thời cận đại, lịch sử Việt Nam bước vào thời kỳ bi tráng nhất. đất Quảng Nam trở thành chiến trường chính trong hai cuộc chiến liên tiếp nhau kéo dài gần 30 năm. Người dân Quảng Nam phải chịu đựng bao nhiêu nghiệt ngã của hoành cảnh. Nhưng cũng từ đó người dân Quảng Nam trưởng thành về chính trị.

Người ta thường nói Quảng Nam là đất Ðịa Linh Nhân Kiệt, là quê hương của Cách mạng. Ðiều này không có gì thần bí, đó là một điều hiển nhiên khi con người ở đó được sinh trưởng trong một môi trừơng đa dạng và phong phú về mọi mặt và được tôi luyện trong một tiến trình đấu tranh gian khổ. Ðó cũng là một điều hiển nhiên của một vùng lãnh thổ địa đầu, tiếp cận và tiếp nhận những nguồn văn hóa khác nhau của thế giới.

Do đó, chỉ mới qua vài thế kỷ trong cộng đồng dân tộc, từ đầu Triều Nguyễn, Quảng Nam đã hình thành một trung tâm văn học thứ hai của đất nước ngoài trung tâm văn học cổ kính của cựu đô Hà Nội.

Quảng Nam đã sản sinh ra nhiều danh nhân khoa bảng. Tiêu biểu là Khoa thi năm Mậu Tuất (1898), toàn quốc có 18 vị Tân Khoa, thì Quảng Nam có 5 vị, 3 Tiến Sĩ và 2 Phó Bảng. Ðó là một điều hy hữu trong lịch sử thi cử của nước nhà. Kể từ các triều Lý , Trần, Lê, Nguyễn có tất cả 187 khoa thi Tiên Sĩ với 2971 người đậu Tiến Sĩ nhưng chưa có khoa nào 5 người đồng hương cùng đậu . Vua Thành Thái và triều Nguyễn đã ban danh hiệu Ngũ Phụng Tề Phi để khen tặng. Năm vị đó là các ông Phạm Liệu, Phan Quang, Phạm Tuấn, Ngô Lý và Dương Hểin Tiến.

Ngoài ra khoa Tân Sửu (1901) Quảng Nam có 4 vị đỗ đồng khoa Phó Bảng là các ông Nguyễn Ðình Hiến, Nguyễn Mậu Hoán, Võ Sỹ và Phan Chu Trinh. Bốn vị này được mệnh danh là Tứ Kiệt.

Những danh hiệu Ngũ Phụng Tứ Phi hay Tứ Kiệt nói lên tài học và sự vinh hiển đậu đạt của các danh sĩ Quảng Nam, con cháu người Quảng Nam nói chung và Tộc Trần nói riêng lấy đó làm vinh dự và noi gương.

Tinh tuý của học thuật Quảng Nam là cái học thấu suốt, cách vật trí tri, học để hiểu biết thêm ý nghĩa và mục đích của học vấn, học đi đôi với hành, học để phát huy đạo đức. Học hành giỏi, thi đỗ làm quan, là con đường lập thân của người đàn ông Việt Nam thời trước. Nhưng làm quan để làm gì, là sự khác nhau về lý tưởng của mỗi người. Quan trường là phương tiện tốt để những người yêu nước thương dân đem khả năng của mình ra phục vụ.

Quang_7.jpg
Học trò xứ Quảng ( Hà Lam - Quảng Nam)
(Hình của TTV - Exryu NCA chụp năm 1998)

Ða số những danh sĩ Quảng Nam là những người yêu nước thương dân. Ra làm quan là những người thanh liêm nổi tiếng. Gặp thời loạn ly, đất nước bị ngoại xâm, họ tích cực chống giặc bảo vệ tổ quốc, từ quan, tham gia vào các phong trào cách mạng giải phóng dân tộc. Ðiển hình cho giới sĩ phu này có các ông:

- Phạm Phú Thứ, người làng Ðông Bàn, phủ Ðiện Bàn
- Hoàng Diệu, người làng Xuân Ðài (Ðiện Bàn)
- Trần Văn Dư, người làng An Mỹ Tây, huyện Tam Kỳ
- Nguyễn Duy Hiệu, người làng Thanh Hà, Ðiện Bàn
- Nguyễn Thành
- Phan Chu Trinh, người làng Tây Lộc, huyện Tiên Phước
- Trần Qúy Cáp, người làng Bát Nhị, Ðiện Bàn
- Huỳnh Thúc Kháng, người làng Thanh Bình, huyện Tiên Phước
- Phan Thúc Duyên, người làng Phong Thử, Ðiện Bàn
- Thái Phiên, người xã Hòa Phát, Hòa Vang
- Trần Cao Vân, người làng Tư Phú, Ðiện Bàn
- Lê Ðình Dương, người làng Ðông Mỹ, phủ Ðiện Bàn
- Phan Thành Tài, người phủ Ðiện Bàn

Trong quá trình lịch sử đấu tranh của dân tộc Việt Nam từ các phong trào Cần Vương, Ðông Du, Duy Tân và những phong trào kháng chiến về sau, các danh sĩ Quảng Nam đã đóng góp cả bản thân và đi sống của mình cho sự nghiệp chung của dân tộc.
Những hoạt động cách mạng của những nhân sĩ Quảng Nam tuy không đem lại sự thành công trực tiếp nhưng đã đóng góp tích cực vào việc duy trì một khí thế đấu tranh liên tục của dân tộc.

Vì sợ hãi tinh thần đấu tranh cách mạng của nhân dân Quảng Nam và các tỉnh lân cận miền nam đèo Hải Vân như Quảng Ngãi, Bình Ðịnh, Phú Yên, chính quyền thực dân Pháp tiếp tục duy trì chính sách liệm biệt đối xử đã có sẵn từ thời nhà Nguyễn. Họ hạn chế tối đa việc học đối với nhữnh tỉnh này (việc học vấn đã hạn chế trong cả nước), ngay cả thành phố Ðà Nẵng (Touranne) là thuộc địa của Pháp cũng không có trường Trung Học. Do đó chỉ có rất it người dân Quảng Nam có đủ điều kiện để học cấp cao trong thời kỳ tân học.

Hậu quả là sau khi thu hồi độc lập ở miền Nam Việt Nam, có hơn hai thế hệ của người dân Quảng Nam không đủ người có trình độ học vấn cao để tham gia hoạt động chính quyền, kinh tế, chính trị và thương mại của đất nước một cách đầy đủ. Thêm vào đó, nạn bè phái trong chính quyền, quân đội (và bộ đội sau này) lại đẩy hầu hết những người Quảng Nam vốn trực tính, khẳng khái, ra khỏi những chức vụ then chốt của chính quyền. Trong khi đó đại đa số dân chúng Quảng Nam cũng như các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Ðịnh, Phú Yên phải sống trong tình trạng nông nghiệp lạc hậu, thương mại thô sơ và vùng đất này vẫn là vùng đất bị khai thác nhiều hơn là xây dựng đúng như tiềm năng sẵn có.

Tuy nhiên như chúng ta đã thấy, lợi lộc đã không cuốn được kẻ sĩ Quảng Nam đi ra ngoài con đường đi chung của dân tộc. Cường quyền, bạo lực không khuất phục, ngăn cản được người Quảng Nam làm cách mạng, thì miếng cơm manh áo hằng ngày cũng không câu thúc được tâm hồn người dân xứ Quảng.

Sau 1975, với vị trí đặc biệt nằm trên bờ biển, với nhiều cửa biển và thuận đường đi đến các trung tâm tỵ nạn, một số lượng đông đảo người Quảng Nam đã ra đị Ðây là một đau thương chung của dân tộc, nỗi đau của mọi người, mọi gia đình. Nhưng đồng thời cũng là một cơ hội cho con em, thế hệ tương lai có dịp học hỏi và tiếp thu những tinh túy của thế giới văn minh bên ngoài.

Với truyền thống học giỏi, tinh thần yêu nước, trọng tự do và phẩm giá con người - Ðội ngũ con em thế hệ tương lai của xứ Quảng sẽ là đội ngũ trí thức trẻ sẽ cùng với đội ngũ trẻ tương lai của cả nước xây dựng lại quê hương và đất nước về mọi mặt để xứng đáng với vị trí và tiềm năng của xứ Quảng.


Trần Thanh Việt
trích từ "Gia Phả tộc Trần phái 7 - Tam Kỳ, Quảng Nam"
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top