Quan niệm tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh

  • Thread starter Thread starter Cua Ta
  • Ngày gửi Ngày gửi

Cua Ta

New member
Quan niệm tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh


MỞ ĐẦU


1. Lí do chọn đề tài
Hồ Biểu Chánh sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo ở Tiền Giang vào năm 1885. Thuở nhỏ ông học chữ Nho, rồi học tiếng Pháp và chữ quốc ngữ. Bên cạnh sự nghiệp chính trị, Hồ Biểu Chánh còn có một di sản văn chương phong phú, gồm tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch, truyện thơ, kí... Trong đó tiểu thuyết là lĩnh vực mà nhà văn đạt được nhiều thành công hơn cả.

Ngày 4 tháng 11 năm 1958 tại Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh, Hồ Biểu Chánh đã vĩnh viễn về cõi vĩnh hằng. Sự ra đi của ông đã để lại niềm tiếc thương vô hạn cho mọi người. Công chúng văn học từ đó không còn được tiếp nhận những sáng tác "mộc mạc, giản dị" mới của nhà văn. Tuy nhiên, với những gì Hồ Biểu Chánh đã để lại cho đời, cũng đủ để khẳng định vai trò vinh quang của một người nghệ sĩ thuộc lớp nhà văn "mở đường" cho nền tiểu thuyết Việt Nam hiện đại.

Ngày nay, vị trí và vai trò quan trọng của Hồ Biểu Chánh trong nền văn học Việt Nam đã được các nhà nghiên cứu khẳng định. Nét đặc sắc trong tư tưởng tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh là ý hướng "lấy luân lí làm gốc, lấy cổ gia đình làm khuôn mẫu, lấy sự trung hậu làm điều cốt yếu trong mọi việc ở đời" [51, tr. 210]. Trong số các tiểu thuyết gia đầu thế kỉ XX, Hồ Biểu Chánh là nhà văn duy nhất có tác phẩm được trích giảng trong chương trình ngữ văn trung học phổ thông. Không những thế, nhiều tiểu thuyết của ông còn được chuyển thể thành phim, góp phần đáp ứng nhu cầu thưởng thức ngày càng phong phú của công chúng. Có thể nói, mặc dù Hồ Biểu Chánh đã đi xa nhưng tiểu thuyết của ông luôn còn mãi với thời gian. Việc nghiên cứu tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh, trong đó có quan niệm tiểu thuyết của nhà văn là một việc làm thiết thực.

Đề tài Quan niệm tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh được chúng tôi nghiên cứu với mục đích: Tìm hiểu về con người, về quan niệm tiểu thuyết của nhà văn Hồ Biểu Chánh. Nhận diện quá trình thống nhất từ quan niệm đến sáng tác tiểu thuyết của nhà văn. Từ đó chỉ rõ những nét truyền thống và cách tân trong nghệ thuật tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh. Khẳng định những đóng góp quan trọng của Hồ Biểu Chánh trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Qua việc nghiên cứu sự nghiệp văn học của một nhà văn sáng tác bằng chữ quốc ngữ ở giai đoạn đầu, có số lượng tác phẩm nhiều nhất, sẽ giúp bạn đọc thấy được quá trình vận động và phát triển của văn xuôi Việt Nam trong hơn một thế kỉ nay.

2. Lịch sử vấn đề nghiên cứu
Hồ Biểu Chánh là một cây bút chủ đạo trong nền tiểu thuyết quốc ngữ đầu thế kỉ XX. Theo từng bước thăng trầm của lịch sử văn học nước nhà, quan niệm tiểu thuyết và các sáng tác văn chương của ông đã và đang thu hút sự tìm tòi, khám phá của các nhà nghiên cứu trong suốt gần 100 năm nay.

2.1. Những công trình nghiên cứu liên quan đến đề tài

Là một nhà văn thuộc thế hệ văn sĩ thời kì đầu của quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam, Hồ Biểu Chánh được nhắc nhiều nhất trong các công trình nghiên cứu, các giáo trình giảng dạy ở bậc đại học, sau đại học khi đề cập đến sự phát triển của văn xuôi quốc ngữ Việt Nam. Tiếp cận các công trình nghiên cứu này, người đọc sẽ có những hình dung nhất định về con người cũng như giá trị văn học mà Hồ Biểu Chánh đã để lại cho đời. Bằng phương pháp tiếp cận văn học sử, nhà nghiên cứu Thiếu Sơn trong Phê bình và cảo luận (1933); Vũ Ngọc Phan trong Nhà văn hiện đại (1942); Nguyễn Đình Chú trong Lịch sử văn học Việt Nam (1962); Phạm Thế Ngũ trong Việt Nam văn học sử giản ước tân biên (1965); Thanh Lãng trong Bảng lược đồ văn học Việt Nam (1967); Bằng Giang trong Mảnh vụn văn học sử (1974); Phan Cự Đệ trong Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại (1974); Bùi Đức Tịnh trong Những bước đầu của báo chí, truyện ngắn, tiểu thuyết và thơ mới (2002), Lược khảo lịch sử văn học Việt Nam từ khởi thủy đến cuối thế kỷ XX (2005); Nguyễn Q. Thắng trong Văn học Việt Nam nơi miền đất mới (2007); ... đã ít nhiều làm sáng rõ vị trí văn học sử của Hồ Biểu Chánh trong nền văn học dân tộc. Đó là những ý kiến khẳng định vai trò mở đường của Hồ Biểu Chánh trong nền tiểu thuyết Việt Nam hiện đại.

Tháng 11 năm 1988 tại Tiền Giang đã diễn ra Hội thảo khoa học về Hồ Biểu Chánh nhân kỉ niệm 103 năm ngày sinh của nhà văn. Tại hội thảo, các nhà học giả đã chỉ ra nhiều giá trị mới về nội dung, tư tưởng cũng như những đặc sắc nghệ thuật của các sáng tác của Hồ Biểu Chánh, nhất là lĩnh vực tiểu thuyết. Tiêu biểu là bài viết của các nhà nghiên cứu Nguyễn Lộc, Lê Ngọc Trà, Nguyễn Ngọc Thạch, Nguyễn Ngọc Hiếu, Cù Đình Tú, Hoài Anh...

Nghiên cứu về Hồ Biểu Chánh còn có một số luận văn thạc sĩ và luận án tiến sĩ, như Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh trước năm 1932 của Phan Thị Ngọc Lan (1991); Truyền thống và cách tân trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh trước năm 1945 của Nguyễn Quang Tuấn (2006); Vị trí của Hồ Biểu Chánh trong văn xuôi quốc ngữ Việt Nam đầu thế kỉ XX (1900 - 1930) của Huỳnh Thị Lành (2007); Đặc điểm hình tượng nhân vật trong tiểu thuyết phỏng tác của Hồ Biểu Chánh của Huỳnh Văn Lãm (2010).

Đặc biệt năm 2005, được sự tài trợ của các nhà văn hải ngoại, nhóm tác giả Trang Quang Sen, Phan Tấn Tài, Lê Văn Nở đã cho ra đời website https://www.hobieuchanh.com. Trang báo điện tử này đã đăng tải toàn bộ 64 văn bản tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh và một số bài viết có giá trị về cuộc đời và văn nghiệp của nhà văn.

Trong quá trình nghiên cứu về Hồ Biểu Chánh, một số nhà nghiên cứu đã mở ra một hướng mới. Đó là nghiên cứu quan niệm của Hồ Biểu Chánh về tiểu thuyết. Đây là các tư liệu rất quan trọng và đã góp phần gợi mở cho chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài này.

2.2. Các công trình nghiên cứu thuộc phạm vi đề tài
Năm 1974, trong công trình Chân dung Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Khuê đã chỉ rõ ý hướng chủ yếu trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh là "ý hướng luân lí". Theo Nguyễn Khuê, trong tập kí ức Đời của tôi về văn nghệ (1957), Hồ Biểu Chánh đã bộc lộ chủ ý của ông là "Viết tiểu thuyết để cảm hóa đặng lần lần dắt quần chúng trở về đường chánh đại quang minh" [36, tr. 259].
Vũ Ngọc Phan trong Nhà văn hiện đại cũng nhấn mạnh đến đặc điểm luân lí trong tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh: "Về đường lí tưởng, tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh cũng giống như tiểu thuyết của Hoàng Ngọc Phách, nghĩa là cả hai nhà văn này đều lấy luân lí làm gốc, lấy cổ gia đình làm khuôn mẫu, lấy sự trung hậu làm điều cốt yếu trong mọi việc ở đời" [51, tr. 209-210].
Nguyễn Đình Chú trong Giáo trình văn học Việt Nam, tập 4B thì đặc biệt quan tâm đến yếu tố nòng cốt của những câu chuyện đạo lí mà Hồ Biểu Chánh đã chia sẻ cho đời: "Đạo đức trong tác phẩm Hồ Biểu Chánh thường được tác giả thâu tóm vào trong một chữ nghĩa" [67, tr. 332].

Cụ thể hơn, khi nghiên cứu về văn xuôi quốc ngữ trong quá
trình hiện đại hóa văn học Việt Nam, tác giả Nguyễn Phong Nam đã chỉ rõ quan niệm tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh như sau: "Điểm mấu chốt trong quan niệm văn chương, quan niệm tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh rất rõ ràng: đó chính là mục tiêu "cảm hóa người đọc", bằng những câu chuyện về "nhân vật trong xứ" theo "điệu văn xuôi" [45, tr. 85].

Có thể nói, những tác phẩm văn xuôi viết bằng chữ quốc ngữ cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX nói chung và tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh nói riêng là một phần quan trọng trong lịch sử văn học Việt Nam. Tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh được các nhà nghiên cứu chú ý từ lâu, nhưng về phương diện quan niệm tiểu thuyết của ông thì chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Tuy đã có một số công trình đề cập vấn đề này, song thực ra đó mới chỉ dừng lại ở những đánh giá, nhận xét mang tính phát hiện, chưa thành công trình nghiên cứu có tính hệ thống. Do vậy, để tiếp nối và bổ sung vào những giác độ đang bỏ ngỏ, từ những gợi mở của các nhà nghiên cứu đi trước, chúng tôi hướng tới xác lập một hệ thống có tính toàn diện hơn, hoàn chỉnh hơn về quan niệm tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu chính của luận văn là các tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh. Qua việc làm rõ nguồn gốc hình thành quan niệm tiểu thuyết, các quan niệm về nội dung, mục đích và nghệ thuật tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh sẽ góp phần lí giải, làm rõ quan niệm tiểu thuyết của nhà văn.

Hồ Biểu Chánh sáng tác tiểu thuyết qua nhiều giai đoạn lịch sử của dân tộc, nhưng nhìn chung quan niệm tiểu thuyết của ông luôn nhất quán. Với 64 tiểu thuyết của nhà văn, chúng tôi chỉ chọn phân tích một số tác phẩm có tính đại diện để chứng minh cho quan niệm tiểu thuyết của ông. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các chương, mục, tiết của luận văn, chúng tôi còn mở rộng phạm vi tìm hiểu các văn bản có liên quan để làm cơ sở cho những đối chiếu, khẳng định quan niệm tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh.

4. Phương pháp nghiên cứu

Để thực hiện nhiệm vụ của đề tài, chúng tôi sử dụng phương pháp nghiên cứu lịch sử văn học, phương pháp nghiên cứu tác giả với các thao tác mô tả và hệ thống, thao tác phân tích và so sánh.

5.
Đóng góp của luận văn
Luận văn là sự tiếp nối những bài viết đã có về quan niệm tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh ở mức độ bao quát, hệ thống và sâu sắc hơn. Trong đó có sự đối sánh với quan niệm tiểu thuyết của các nhà văn, nhà nghiên cứu trước và cùng thời với Hồ Biểu Chánh về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật. Từ đó, một lần nữa giúp người đọc nhận thấy rõ hơn những đóng góp của Hồ Biểu Chánh trong tiến trình hiện đại của tiểu thuyết Việt Nam.

Kết quả luận văn ít nhiều có thể dùng làm tài liệu tham khảo cho sinh viên ngành văn học khi tìm hiểu về tiểu thuyết hiện đại Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỉ XX.

6. Cấu trúc luận văn

Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, phần nội dung của luận văn gồm 3 chương.
Chương 1: Hồ Biểu Chánh trong tiến trình phát triển của tiểu thuyết Việt Nam hiện đại.
Chương 2: Quan niệm "viết tiểu thuyết để cảm hóa quần chúng" của Hồ Biểu Chánh.
Chương 3: Hồ Biểu Chánh và cuộc tìm kiếm hình thức tiểu thuyết "hoàn toàn Việt Nam".

 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
sao mình tải về mà ko mở file lên đc vậy?
Nhờ bạn kiểm tra lại dùm.
Mình đã dùng word 2007 mà cũng ko thấy gì cả
Mình đang cần lắm, mong bạn giúp đỡ
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top