H
HuyNam
Guest
QUAN ĐIỂM KHI THIẾT KẾ ĐƯỜNG
1. Quan điểm thứ nhất: phân đoạn thi công dựa chủ yếu vào khối lượng thi công đất ở các đoạn thi công. Theo quan điểm này, khi phân đoạn ta nên phân thành các đoạn dài, có khối lượng công tác ở các đoạn xấp xỉ nhau, trong các đoạn đều có các công tác: đào vận chuyển ngang đắp, đào vận chuyển ngang đổ đi, đào vận chuyển dọc đắp... Mỗi đoạn có nhiều loại máy chủ đạo khác nhau. Tính toán sao cho thời gian hoàn thành công tác của các máy chủ đạo trong đoạn là xấp xỉ nhau.
Ưu điểm của cách làm này hạn chế được số lượng các máy phụ phải biên chế theo máy chính do có thể phục vụ một lúc nhiều loại máy chính, tối ưu được việc sử dụng máy phụ.
Ví dụ: 1 máy xúc chuyển cần 1,4 máy lu nhẹ đi kèm. 1 máy ủi cần 0,5 máy lu nhẹ đi kèm. Theo cách này ta chỉ cần biên chế 2 máy lu nhẹ (1,4+0,5 = 1,9 -> chọn 2 lu nhẹ).
Nhược điểm của cách làm này là việc phân đoạn rất khó khăn, mất nhiều thời gian; khâu tổ chức thực hiện sau này tương đối phức tạp, nếu không khéo sẽ dẫn đến chồng chéo - khó kiểm soát do công nhân lái máy không xác định được rõ thời điểm nào phải làm việc ở đâu (không gian nào).
2. Quan điểm thứ hai: các đoạn thi công không nên phân chia quá nhiều, dẫn đến việc tính toán sẽ dài dòng, tiến độ thi công sau này lên cũng khó, nhìn cũng phức tạp. Vì vậy, những đoạn gần nhau, có cùng một loại máy chính thi công đất nên gộp lại vào làm 1 đoạn.
Ưu điểm của cách làm này là giảm bớt được số đoạn thi công, việc tính toán cũng đơn giản hơn.
Nhược điểm: máy móc có thể phải chờ đợi nhau trong quá trình hoạt động, thể hiện tiến độ thi công không sát với thực tiễn sản xuất.
Ví dụ: đoạn 1 dùng máy ủi vận chuyển dọc và vận chuyển ngang để đắp; đoạn 2 dùng máy ủi đào đất vận chuyển ngang đổ đi. Cùng một loại máy chính nên ta gộp 2 đoạn này làm 1. Khi lập tiến độ, mặc dù công việc của các máy phụ (san, lu nẹ, lu nặng) đã hoàn thành công việc ở đoạn 1, nhưng chưa di chuyển đến đoạn khác được do máy chính trong tổ máy (máy ủi) đang đào đất đổ đi ở đoạn 2. Việc lên tiến độ thi công ở đây rõ ràng đã gặp rắc rối.
3. Quan điểm thứ ba: phân đoạn thi công ngoài việc dựa vào máy chính thực hiện công tác trong đoạn còn dựa vào biện pháp thi công đất.
Ưu điểm của cách làm này: đơn giản, dễ hình dung biện pháp thi công đất trong đoạn; dễ tính toán và lập tiến độ thi công đất; tiến độ thi công rõ ràng, dễ nắm bắt và tổ chức thực hiện, phù hợp với thực tiễn sản xuất.
Nhược điểm: số lượng đoạn thi công nhiều; khối lượng tính toán nhiều; nếu chọn máy không tốt có thể gây lãng phí máy phụ (tính toán 1,05 máy phụ theo cách này cũng phải chọn 2 máy).
Ngoài các quan điểm phân đoạn trên, còn có thể tổ hợp 2 hoặc cả 3 quan điểm trong việc thiết kế thi công đất trên một tuyến, đoạn tuyến. Việc lựa chọn quan điểm nào còn phụ thuộc rất nhiều vào tính chất công trình nền đường trên tuyến ấy, các điều kiện cụ thể mà công tác thi công đất phải phụ thuộc, và trong thực tế còn phụ thuộc vào khả năng cung cấp các loại máy móc thi công của nhà thầu xây lắp.
HuyNam